Trào ngược dạ dày khi ngủ

Trào ngược dạ dày là bệnh lý tiêu hóa phổ biến hiện nay, nhiều người phải sống chung với các triệu chứng của bệnh hàng ngày. Trào ngược dạ dày khi ngủ có thể gây ra đau đớn, khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh. Nguy cơ mắc viêm thanh quản, Barrett thực quản, ung thư thực quản cao hơn ở người thường xuyên trào ngược dạ dày vào ban đêm. Bài viết dưới là một số tác động sức khỏe của trào ngược dạ dày khi ngủ và phương pháp điều trị.

1. Ảnh hưởng của trào ngược dạ dày khi ngủ tới sức khỏe

Trào ngược dạ dày ảnh hưởng nhiều nhất đến thực quản
Trào ngược dạ dày ảnh hưởng nhiều nhất đến thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một trong các bệnh lý rối loạn tiêu hóa thường gặp. Bệnh có ảnh hưởng phổ biến nhất đến thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi có sự trào ngược dịch vị vào trong thực quản. Các triệu chứng thường gặp của trào ngược dạ dày bao gồm ợ nóng, nóng rát vùng sau xương ức, đắng miệng, chua miệng, nuốt khó,… Trào ngược dạ dày nếu được điều trị, các triệu chứng dễ dàng được cải thiện sau 10-15 ngày. Tuy nhiên, bệnh thường hay tái phát do người bệnh không tuân thủ điều trị và giữ thói quen lành mạnh. Trào ngược dạ dày khi ngủ có gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống như viêm thực quản, rối loạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ.

1.1. Viêm thực quản

Ban ngày, khi xảy ra một đợt trào ngược dạ dày thực quản, trọng lực sẽ giúp giữ các chất trong dạ dày hoặc ở vùng ngực. Tuy nhiên, khi ngủ ở tư thế nằm ngang có thể khiến tất cả các chất trong dạ dày trào lên tận phía sau miệng. Người bệnh tỉnh dậy sẽ có cảm giác chua, rát phía sau cổ họng.

Khi ngủ, tuyến nước bọt hoạt động ít hơn, lượng nước bọt được tiết ra ít hơn làm quá trình trung hòa acid dạ dày chậm hơn. Cùng với đó tốc độ nuốt khi ngủ giảm làm acid dạ dày tiếp xúc và ăn mòn niêm mạc thực quản trong thời gian lâu hơn. Niêm mạc thực quản bị tổn thương trong thời gian dài sẽ gây mất giọng, viêm thực quản.

Xem thêm

https://thaythuocvietnam.vn/cac-cach-chua-trao-nguoc-da-day-hien-nay-cung-uu-nhuoc-diem/

1.2. Rối loạn giấc ngủ

Các triệu chứng trào ngược dạ dày như ợ nóng, ho, đau ngực thường xảy ra vào bàn đêm. Các triệu chứng này thường bùng phát sau khi nằm xuống khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ. Trong khi ngủ, acid dạ dày trào ngược lên thực quản làm hẹp đường thở, gây khó thở và khiến người bệnh thức dậy nhiều lần trong đêm. Cơ thể mất ngủ, ngủ không đủ giấc sẽ thiếu năng lượng, mệt mỏi, uể oải. Người bệnh thường phải ngủ bù vào ngày hôm sau. Ngủ ngày trong thời gian dài làm đồng hồ sinh học của cơ thể thay đổi có thể gây ra các rối loạn về giấc ngủ.

1.3. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) có mối quan hệ mật thiết với bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các đợt trào ngược dạ dày làm ảnh hưởng đường thở và khả năng thở bình thường của cơ thể. Gây ra tình trạng ngưng thở hơn 10 giây, lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Khi xảy ra chứng ngưng thở khi ngủ tạo nên sự thay đổi áp suất trong cơ hoành và khoang ngực. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho  tình trạng trào ngược dạ dày xảy ra thường xuyên hơn.

2. Cải thiện giấc ngủ ở người mắc trào ngược dạ dày khi ngủ

Trào ngược dạ dày thực quản mặc dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Tuy nhiên, chất lượng giấc ngủ người bệnh bị suy giảm, gây ra nhiều rối loạn trong sinh hoạt. Điều trị trào ngược dạ dày sẽ hiệu quả hơn khi kết hợp thuốc và lối sống lành mạnh.

2.1. Thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa

Đây là điều quan trọng nhất khi có các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản hay có các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ. Các bác sĩ có thể xác định nguyên nhân chính xác. Các bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ giúp người bệnh đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

2.2. Lối sống lành mạnh

Nằm cao đầu, nghiêng trái làm giảm các đợt trào ngược dạ dày
Nằm cao đầu, nghiêng trái làm giảm các đợt trào ngược dạ dày

Lối sống lành mạnh là điều kiện cần thiết trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Duy trì lối sống lành mạnh cũng làm giảm nguy cơ tái phát sau quá trình điều trị.

  • Tránh ăn khuya. Không ăn bất kỳ đồ ăn nào trước khi đi ngủ tối thiểu 03 giờ để dạ dày có thời gian tiêu hóa thức ăn.
  • Nằm ngủ nghiêng về bên trái. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nằm ngủ nghiêng về bên trái giúp giảm các đợt trào ngược và thời gian tiếp xúc của thực quản với acid dạ dày. Nằm nghiêng về bên trái được chứng minh là tư thế ngủ tốt nhất cho người trào ngược dạ dày thực quản.
  • Nằm cao đầu giường lên khoảng 15cm sẽ giúp hạn chế các đợt trào ngược dạ dày khi ngủ.
  • Hạn chế các thực phẩm như: cà chua, cam quýt, hành, tỏ, bạc hà,… sẽ giúp chứng ợ nóng được cải thiện hơn.

2.3. Thuốc điều trị.

Đôi khi, các thay đổi về lối sống không thực sự có tác dụng hoặc tác dụng chậm. Sử dụng thuốc để chấm dứt tình trạng trào ngược là điều cần thiết. Các loại thuốc thường được bác sĩ chuyên khoa kê điều trị trào ngược dạ dày bao gồm:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI) ngăn tiết acid dịch vị: omeprazole, rabeprazole, esoprazole, pantoprazole…
  • Thuốc trung hòa acid dịch vị: các muối nhôm, muối magnesi.
  • Thuốc kháng thụ thể H2 giảm tiết acid: tagamet, ranitidine, zantac…

BS Nguyễn Thị Nga

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận