Trẻ béo phì: Nguyên nhân – Cách giảm cân và phòng ngừa

Béo phì ở trẻ em là một vấn đề sức khỏe đáng báo động không chỉ ở các nước phát triển mà ở cả các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì số cân tăng không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà nguy cơ cao gây một số bệnh mạn tính mắc phải trong tuổi trưởng thành như đái tháo đường, huyết áp cao,…

1. Nguyên nhân trẻ béo phì

1.1 Yếu tố di truyền, bệnh lý về nội tiết

Yếu tố di truyền có thể làm tăng khả năng trẻ béo phì. Trẻ em có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh béo phì có thể tăng nguy cơ mắc bệnh này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các gen khác nhau có thể góp phần làm tăng cân do tăng cảm giác thèm ăn và tăng chuyển hóa lượng mỡ dư thừa trong cơ thể. Mặc dù các vấn đề về cân nặng có tính chất di truyền trong gia đình, nhưng không phải tất cả trẻ em có tiền sử gia đình bị béo phì đều sẽ mắc bệnh này.

Một số bệnh lý nội tiết cũng là nguyên nhân làm trẻ béo phì. Ví dụ như suy giáp khiến trẻ béo phì dù ăn không nhiều, thậm chí nặng hơn là gây phù toàn thân do lớp sừng phát triển quá mức; suy tuyến thượng thận khiến cơ thể không sản xuất đủ cortisol, từ đó gây ra rối loạn chuyển hóa và là nguyên nhân khiến trẻ béo phì.

1.2 Thiếu hoạt động thể chất

Sự cân bằng giữa lượng calo tiêu thụ với lượng calo đốt cháy có vai trò quan trọng trong quyết định số cân của trẻ. Do vậy nếu không hoạt động thể chất sẽ không thể tiêu thụ hết năng lượng nạp vào mỗi ngày, dẫn tới hình thành mỡ dưới dạng mỡ thừa, tích tụ lại cơ thể gây trẻ béo phì.

Lười hoạt động thể chất là một trong những nguyên nhân gây béo phì

Với sự phát triển của khoa học công nghệ và internet, trẻ em ngày càng dành ít thời gian cho hoạt động thể chất. Trò chơi điện tử, máy tính bảng và điện thoại thông minh tiếp tục trở nên phổ biến, số giờ không hoạt động có thể chỉ tăng lên. Bên cạnh đó thói quen vừa xem vừa ăn khiến trẻ không kiểm soát được lượng đồ ăn đưa vào cơ thể.

1.3. Sai lầm trong chế độ ăn uống

Dinh dưỡng không hợp lý là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ béo phì. Trẻ em thường thích đồ ngọt và thức ăn nhanh như bim bim, kẹo, nước ngọt,… những thực phẩm này có hàm lượng đường và chất béo cao, vượt quá nhu cần cho sự phát triển của trẻ. Theo đó, những gì cơ thể không sử dụng hết sẽ được chuyển hóa thành mỡ và tích trữ ở nhiều cơ quan như cằm, bụng, đùi, nội tạng,…

2. Trẻ béo phì dễ gặp phải những vấn đề gì? 

Béo phì gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường diễn ra hàng ngày của trẻ. Béo phì khiến cơ thể trẻ nặng nề, chậm chạp, vận động khó khăn. Bên cạnh đó tình trạng này còn khiến trẻ cảm thấy tự ti về ngoại hình, dẫn đến ngại giao tiếp với mọi người, ít chủ động, ảnh hưởng đến hòa nhập xã hội và mối quan hệ bạn bè. Ngoài ra trẻ còn phải đối mặt với các nguy cơ bệnh lý sau:

  • Suy giảm hệ miễn dịch
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh xương khớp
  • Huyết áp cao
  • Các vấn đề về da như mụn trứng cá, phát ban nhiệt

Một số vấn đề sức khỏe do béo phì gây nên

3. Giảm cân cho trẻ béo phì bằng cách nào?

Tình trạng thừa cân béo phì có thể được khắc phục được nếu cha mẹ giúp trẻ nhận thức được nguy cơ mà béo phì đem lại, điều chỉnh lại thói quen ăn uống cũng như tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ.

3.1. Giải thích tác hại của béo phì với sức khỏe

Một trong những phương pháp giảm cân hiệu quả là tác động vào chính nhận thức của trẻ. Nếu muốn giảm béo phì thành công ở trẻ, bố mẹ nên giúp trẻ hiểu tác hại của béo phì đối với sức khỏe như thế nào bằng cách giải thích hoặc sử dụng hình ảnh trực quan sinh động về vấn đề này. Tốt nhất, nên sử dụng hình ảnh kèm giải thích để trẻ có thể dễ dàng hình dung và có quyết tâm giảm cân.

3.2. Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý

  • Hạn chế cho trẻ sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất béo và đường như nước ngọt, đồ ăn nhanh, kẹo,… đây là những thực phẩm dễ gây béo phì mà phụ huynh cần lưu ý
  • Bổ sung vào chế độ ăn của trẻ nhiều loại rau xanh và trái cây. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều các loại quả có vị ngọt như xoài, sầu riêng, chuối,…
  • Tập cho trẻ ăn đúng giờ, cho trẻ ăn trước khi đói và dừng ăn khi no
  • Ăn chậm, nhai kỹ.  Thời gian ăn khoảng 1 tiếng với trẻ từ 2 – 5 tuổi và 2 tiếng với trẻ lớn hơn

3.3. Tăng cường vận động thể chất và chế độ sinh hoạt hợp lý

Khi lượng calo nạp vào lớn hơn lượng calo tiêu hao trong một thời gian dài, tình trạng thừa cân sẽ dễ dàng xảy ra hơn. Vì vậy nên khuyến khích trẻ vận động thường xuyên, khoảng 1 giờ/ngày. Bao gồm các hoạt động như chơi thể thao, nhảy dây, đá bóng, chơi cầu lông,…Bên cạnh các hoạt động bên ngoài, khi về nhà, mẹ có thể khuyến khích trẻ làm việc nhà, đi cầu cầu thang, hạn chế chơi điện thoại hoặc ngồi xem tivi quá lâu.

Tăng cường vận động thể chất cho trẻ

Xây dựng cho trẻ chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ hợp lý. Trẻ béo phì nên được ngủ đúng giờ, đủ giấc. Bởi việc thiếu ngủ có nhiều khả năng khiến trẻ tăng cân. Với trẻ từ 3 – 5 tuổi nên ngủ 10 – 13 giờ/ngày (bao gồm cả giấc ngủ trưa). Trẻ lớn hơn từ 9 – 12 giờ mỗi đêm.

4. Phòng ngừa béo phì ở trẻ em như thế nào?

Để phòng ngừa trẻ béo phì thì cần tuân thủ các phương pháp sau:

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Đối với trẻ dưới 7 tháng tuổi, nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm thiểu nguy cơ thừa cân, béo phì. Đối với trẻ sử dụng sữa công thức cần lựa chọn sản phẩm sữa phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng theo từng giai đoạn phát triển hay tình trạng sinh lý đặc biệt của trẻ nhỏ. Khi bước vào giai đoạn ăn dặm, bố mẹ cần chuẩn bị bữa ăn đầy đủ 5 nhóm chất: tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất; ưu tiên sử dụng hoa quả, sữa chua, sữa không đường làm các bữa phụ và khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh. Hạn chế tối đa bánh kẹo, bim bim, các món chiên rán và thức uống có ga.

Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất: vận động giúp trẻ duy trì cân nặng với lứa tuổi, tăng chiều cao, qua đó giảm tình trạng béo phì thừa cân. Đối với trẻ độ tuổi mẫu giáo có thể vận động cả ngày để phát triển thể chất và nhận thức như chơi đá bóng, nhảy dây, đạp xe,…đối với lứa tuổi học đường  nên hoạt động thể chất mức độ vừa và mạnh ít nhất 60 phút mỗi ngày.

Thường xuyên theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ

Thường xuyên theo dõi sự phát triển thể chất của trẻ: với trẻ nhỏ, bạn có thể đo chiều dài và cân nặng cho trẻ hàng tháng. Khi trẻ lớn hơn, chiều cao và cân nặng nên được kiểm tra 3 – 6 tháng/ lần. Cách này giúp bạn xác định trẻ đang bắt kịp hay vượt quá tốc độ tăng trưởng bình thường. Từ đó, bạn sẽ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và vận động thể lực phù hợp với trẻ.

BS Nguyễn Thị Thu Hiền

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận