Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn nên ăn gì để tốt cho sức khỏe?
Tiêu chảy do nhiễm khuẩn là một trong những yếu tố chính gây bệnh tật và tử vong trên trẻ sơ sinh và trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Nếu không can thiệp hiệu quả sẽ để lại nhiều mối nguy hại cho trẻ như rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng,…Vậy trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn nên ăn gì? bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho câu hỏi trên.
Nội dung bài viêt
- 1. Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn là gì?
- 2. Biểu hiện có thể gặp khi trẻ tiêu chảy nhiễm khuẩn
- 3. Hậu quả khi trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn
- 4. Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn nên ăn gì?
- 4.1. Những loại thức uống giúp bổ sung nước – điện giải
- 4.2. Trẻ bú mẹ thì tiếp tục bú mẹ
- 4.3. Trẻ ăn sữa công thức nên lưu ý giảm lactose trong trường hợp kém hấp thu
- 4.4. Bổ sung thức ăn đủ 4 nhóm thực phẩm
- 4.5. Sử dụng thức ăn mềm dễ tiêu
- 4.6. Tăng số bữa ăn mỗi ngày để giúp trẻ lấy lại cân nhanh chóng
- 5. Lưu ý gì trong chăm sóc trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn?
1. Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn là gì?
Tiêu chảy nhiễm khuẩn là tình trạng đi ngoài phân lỏng, phân nhớt ≥ 3 lần trong vòng 24 giờ do tác nhân vi khuẩn khiến đường tiêu hóa trẻ bị rối loạn hoạt động.
Tiêu chảy nhiễm khuẩn
2. Biểu hiện có thể gặp khi trẻ tiêu chảy nhiễm khuẩn
Sau khi mắc tiêu chảy nhiễm trùng, trẻ thường biểu hiện triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
- Tiêu chảy do tả: tiêu chảy liên tục, đi ngoài rất nhiều lần với khối lượng lớn. Phân toàn là nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không có nhầy máu. Kèm theo nôn mửa, không sốt, không đau quặn bụng, không mót rặn
- Tiêu chảy do lỵ: sốt cao kèm gai rét, tiêu chảy nhiều lần, trong phân lẫn nhầy máu, trẻ mót rặn, bụng đau quặn từng cơn
- Tiêu chảy do độc tố tụ cầu: trẻ buồn nôn và nôn, không sốt, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng nước
Một số nguyên nhân gây tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ
- Tiêu chảy do E.coli: tiêu chảy do E.coli sinh độc tố ruột (ETEC): trẻ không sốt, đi ngoài phân lỏng không nhầy máu, bệnh thường tự khỏi; tiêu chảy do E.coli gây bệnh đường ruột (EIEC, EPEC, EHEC): trẻ sốt, mót rặn, đau quặn bụng, phân lỏng có thể lẫn nhầy máu.
- Tiêu chảy do Salmonella: trẻ tiêu chảy, nôn, sốt cao, đau bụng
3. Hậu quả khi trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn
Suy dinh dưỡng
Tiêu chảy nhiễm khuẩn là một bệnh phổ biến, nếu chủ quan có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng trẻ như:
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài
- Mất nước và mất điện giải nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong
- Hậu tiêu hóa gây suy dinh dưỡng
- Nhiễm trùng huyết
- Não bộ bị tổn thương
4. Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn nên ăn gì?
Lựa chọn thực phẩm phù hợp được xem là một giải pháp hiệu quả để cải thiện triệu chứng đồng thời ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh trong tiêu chảy nhiễm khuẩn. Vì vậy trong quá trình điều trị cho trẻ cha mẹ cần ghi nhớ :
4.1. Những loại thức uống giúp bổ sung nước – điện giải
Tiêu chảy dẫn đến cơ thể sẽ mất đi một lượng lớn nước và các chất điện giải cần thiết. Do đó, khi bị tiêu chảy điều quan trọng nhất là phải bù nước cho cơ thể bằng các loại nước sau:
- Uống nước sôi để nguội: Với những trường hợp bị tiêu chảy nhẹ, uống nhiều nước đun sôi để nguội cũng là phương pháp điều trị rất hiệu quả trong việc bồi hoàn lượng nước đã mất
- Uống oresol: bù nước và điện giải bằng oresol là phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất. Lưu ý cần pha theo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ và hướng dẫn in trên bao bì của nhà sản xuất. Trường hợp trẻ chưa có dấu hiệu mất nước và dưới 2 tuổi nên uống 50 – 100ml/lần, trẻ từ 2 tuổi trở lên nên uống 100 – 200ml/lần; trường hợp trẻ có dấu hiệu mất nước nhẹ tính theo công thức: Lượng dịch cần uống = 75(ml) x m(kg) trong đó m là cân nặng của trẻ.
Khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu bị mất nước nặng và việc bù nước bằng đường uống là không thể thì cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được bù nước bằng đường tĩnh mạch
- Uống nước cháo hoặc nước gạo rang: Những loại nước có tinh bột, thêm ít muối, đường giúp bổ sung lượng nước cho cơ thể và năng lượng mà không làm dạ dày co bóp và hoạt động nhiều
- Uống nước dừa: Nước dừa chứa các chất điện giải, khi tiêu chảy uống nước dừa giúp phục hồi và bồi hoàn nước, điện giải đã mất. Hơn nữa, nước dừa là thức uống ngon nên phù hợp với nhiều lứa tuổi, kể cả trẻ em
Nước dừa cung cấp nhiều nước và điện giải cần thiết
- Sữa chua: là thức uống tốt, hiệu quả cho người tiêu chảy do sữa chua chứa thành phần Lactic Acid giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại trong đường ruột và bổ sung lợi khuẩn
4.2. Trẻ bú mẹ thì tiếp tục bú mẹ
Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, thích hợp nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ cũng đã được chứng minh là có đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu như đạm, đường, mỡ, năng lượng, vitamin và chất khoáng giúp trẻ nhanh phục hồi chứng tiêu chảy.
Đặc biệt sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, giúp tăng cường sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể trẻ, giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tiêu chảy. Vì vậy khi bé bị đi ngoài, mẹ nên tiếp tục cho con bú bình thường và tăng số lần bú nhằm giúp con yêu tăng sức đề kháng, sớm phục hồi.
4.3. Trẻ ăn sữa công thức nên lưu ý giảm lactose trong trường hợp kém hấp thu
Lactose là dạng đường có trong sữa công thức. Lactose khi vào đến ruột sẽ được phân giải nhờ vào loại men có tên lactase. Tuy nhiên trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy lâu ngày thì có thể dẫn tới niêm mạc ruột bị tổn thương, làm men lactase không sinh ra đủ, dẫn tới cơ thể không thể hấp thu lactose.
Hậu quả là đường lactose dư thừa không được hấp thu sẽ xuống ruột già sẽ chịu tác động bởi các vi khuẩn lên men, gây ra các triệu chứng như: Trẻ bị chướng bụng, tiêu chảy, đi ngoài phân chua, trong phân có nhiều bọt… Vì vậy trong trường hợp trẻ kém hấp thu bố mẹ nên lưu ý lựa chọn bổ sung sữa công thức có hàm lượng lactose thấp hoặc các loại sữa không có thành phần đường lactose. Thành phần đường thay thế có thể là maltodextrin hoặc hỗn hợp đường có áp lực thẩm thấu thấp. Các thành phần đường này đã được chứng minh trên lâm sàng, giúp trẻ tăng cân tốt hơn và phục hồi đường ruột nhanh hơn.
4.4. Bổ sung thức ăn đủ 4 nhóm thực phẩm
Một cơ thể khỏe mạnh luôn cần được đảm bảo có đầy đủ dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm: bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Các loại thực phẩm nên dùng là gạo, bột gạo, khoai tây, cà rốt. Với nhóm thực phẩm bổ sung đạm, người bệnh tiêu chảy nên chọn thịt gà, lợn nạc, dầu thực vật. Ngoài ra, nên ăn các loại trái cây như chuối, hồng xiêm, ổi chín, táo…
4 nhóm thực phẩm nên ăn cân đối, đầy đủ để tăng cường sức đề kháng
4.5. Sử dụng thức ăn mềm dễ tiêu
Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn, cơ thể khá nhạy cảm nên cần được xoa dịu cơn đau bằng những thực phẩm phù hợp. Ăn thức ăn dễ tiêu giúp giảm co bóp dạ dày, hấp thu được hiệu quả các chất dinh dưỡng trong thức ăn.
Một số loại thực mềm dễ tiêu khuyến khích được sử dụng bao gồm: khoai tây, thịt gà, thịt lợn nạc, sữa chua, sữa đậu nành, chuối tiêu,…và nên chế biến thành các món mềm, lỏng dễ tiêu hóa như cháo, súp, các món ninh, hầm nhừ….
4.6. Tăng số bữa ăn mỗi ngày để giúp trẻ lấy lại cân nhanh chóng
Trẻ bị tiêu chảy dễ rơi vào tình trạng chán ăn, sụt cân và suy dinh dưỡng. Vì vậy trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ cần lưu ý tăng số bữa ăn cho trẻ:
- Cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, bố mẹ nên cho trẻ ăn 6 lần/ngày hoặc có thể nhiều hơn theo nhu cầu ăn uống của trẻ.
- Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ hồi phục nhanh, tránh suy dinh dưỡng và tăng cân cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền. Với trẻ bị tiêu chảy kéo dài thì phải cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa và kéo dài tối thiểu một tháng.
Xem thêm: Bị tiêu chảy nên ăn gì cho nhanh khỏi, mau lại sức
5. Lưu ý gì trong chăm sóc trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn?
Trong quá trình chăm sóc trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn, cần chú ý đến chế độ ăn bổ sung nước và điện giải là cực kì quan trọng. Khi có các dấu hiệu nôn dữ dội, trẻ từ chối ăn, tình trạng mất nước từ trung bình đến nặng cần đến chuyên khoa tiêu hóa càng sớm càng tốt để chẩn đoán, điều trị đúng cách, hạn chế nguy cơ biến chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát.
Xem thêm các thông tin khác tại https://thaythuocvietnam.vn/
BS Nguyễn Thị Thu Hiền