Trẻ biếng ăn nên bổ sung gì để giúp trẻ ăn ngon hơn?

Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ trong giai đoạn từ 1-6 tuổi. Đây là vấn đề nhức nhối khiến các bậc cha mẹ phải đau đầu, vất vả khi con trẻ gặp phải tình trạng này. Biếng ăn là chứng rối loạn dinh dưỡng do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu không giải quyết kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác như suy dinh dưỡng, trẻ kém phát triển cả thể chất và trí tuệ hay dễ mắc phải các bệnh lý khác. Vậy trẻ biếng ăn nên bổ sung gì và cách khắc phục khi bé biếng ăn như thế nào?

1. Một số nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ 

1.1. Yếu tố sinh lý

  • Trẻ bị thiếu chất từ khi còn là bào thai do người mẹ khi mang thai không bổ sung đủ các chất dinh cần thiết như canxi, kẽm, sắt… Điều này khiến trẻ sinh bị sinh non tháng, lười bú mẹ trong những tháng đầu sau sinh.
  • Những thay đổi sinh lý khi trẻ bước vào giai đoạn biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đi… cũng là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Đây là thời gian trẻ khám phá khả năng của cơ thể, học và luyện tập những kĩ năng mới nên thường không chú tâm đến việc ăn uống. Nhưng bố mẹ đừng lo, trẻ sẽ ăn uống như bình thường sớm thôi.

1.2. Yếu tố bệnh lý

  • Trẻ mắc phải những bệnh lý toàn thân như thiếu máu… cũng là nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng và phát triển của của bé
  • Trẻ khó khăn trong việc nhai và nuốt: Các bệnh lý về răng miệng (mọc răng, sâu răng, viêm loét răng miệng…) hay bệnh lý viêm đường hô hấp (viêm họng, viêm amidan…) sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, đau đớn, cản trở việc nhai thức ăn dẫn đến tình trạng bỏ ăn, không có cảm giác thèm ăn hoặc ăn rất ít.
  • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: Loạn khuẩn đường ruột hay thiếu men tiêu hóa là nguyên nhân dẫn đến các biểu hiện như đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy… khiến trẻ ăn không ngon miệng, dung nạp thức ăn kém và biếng ăn ở trẻ.
  • Trẻ bị nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng: Khi nhiễm khuẩn, trẻ em sẽ mất đi một lượng lớn các vitamin và khoáng chất làm trẻ lười ăn. Đồng thời, việc dùng kháng sinh để điều trị cũng gây nên tình trạng loạn khuẩn đường ruột ở trẻ. 

Trẻ mắc phải một số bệnh lý cũng là nguyên nhân gây chứng biếng ăn

1.3. Yếu tố tâm lý

  • Bị cha mẹ ép ăn quá mức sẽ dẫn đến việc trẻ chống đối bằng cách ngậm thức  ăn, nôn ói, lâu dài sẽ dẫn đến chứng biếng ăn.
  • Thay đổi môi trường, giờ ăn, người cho ăn… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

2. Trẻ biếng ăn nên bổ sung gì?

2.1. Bổ sung các loại vitamin cần thiết

Trẻ biếng ăn nên bổ sung gì? Câu trả lời là vitamin. Dưới đây là một số loại vitamin bố mẹ nên bổ sung cho trẻ.

Vitamin B

Đây là nhóm vitamin mà các bậc phụ huynh cần quan tâm và bổ sung đầy đủ cho trẻ bởi chúng vô cùng cần thiết cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Vitamin nhóm B bao gồm B1, B2, B3, B5, B6, B7, B8, B9, B12, trong đó vitamin B1, B2, B5, B6 và B12 đóng vai trò quan trọng giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất cũng như chuyển hóa năng lượng trong tế bào. Nhờ vậy, chúng thúc đẩy sự thèm ăn một cách tự nhiên và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

Trẻ không bổ sung đủ vitamin B sẽ dẫn đến tình trạng biếng ăn, rối loạn tiêu hóa. Trẻ chậm lớn, còi cọc, thậm chí nghiêm trọng hơn có thể mắc phải một số bệnh lý nguy hiểm khác. Vì vậy, bố mẹ cần bổ sung thêm những loại thực phẩm giàu vitamin B vào khẩu phần ăn của trẻ như cá hồi, trứng, sữa, cải xanh… giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Bên cạnh đó, vitamin B còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, trẻ đề kháng tốt hơn với bệnh tật.

Vitamin D3

Vitamin D3 là một dạng tự nhiên của vitamin D với tính chất tan tốt trong dầu. Nếu thiếu vitamin D3, trẻ sẽ dễ còi xương, gầy gò bởi đây là dưỡng chất cần thiết có vai trò giúp cơ thể tăng cường hấp thu canxi và phốt pho, hỗ trợ phát triển cấu trúc xương và răng chắc khỏe.

Vitamin có thể được bổ sung qua chế độ ăn có chứa các loại thực phẩm như ngũ cốc, phô mai, sữa đậu nành. Tuy nhiên, cơ thể thường khó hấp thu thông qua việc ăn uống. Bố mẹ cũng có thể cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ 10-15 phút mỗi ngày vào sáng sớm để duy trì lượng vitamin cần thiết hay bổ sung D3 bằng các sản phẩm bổ trợ với liều khuyến nghị 400-600 IU/ngày.

Ngoài ra, vitamin A và C cũng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, hỗ trợ xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống lại các bệnh truyền nhiễm từ môi trường bên ngoài.

Bé biếng ăn nên bổ sung gì?

2.2. Bổ sung các loại khoáng chất

Selen

Khoáng chất selen tham gia vào quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp và kích thích sự chuyển hóa năng lượng. Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ biếng ăn thì selen rất cần thiết cho hệ miễn dịch của bé, giúp chống lại các tác nhân gây bệnh. Những loại thức ăn giàu selen như thịt gà, thịt bò, đậu trắng…

Sắt

Đây là chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sự tăng trưởng và phát triển của tế bào trong hệ miễn dịch. Trẻ bị chứng biếng ăn thường gặp phải tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.

Kẽm

Khoáng chất kẽm tham gia vào quá trình tổng hợp protein và axit nucleic – những yếu tố quan trọng và cần thiết với cơ thể sống. Kẽm giúp cân bằng vị giác, tăng cảm giác ngon miệng cho trẻ. Đồng thời, tăng khả năng hấp thụ, nâng cao hệ miễn dịch, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Một trong những nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ là do thiếu kẽm. Khi đó, bé sẽ rơi vào trạng thái chán ăn, ăn không ngon miệng, chậm lớn. Các bữa ăn nên có các loại thực phẩm giàu kẽm như thịt cá, trứng, hàu, cua…

2.3. Bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác tùy theo tình trạng của trẻ

Ngoài việc bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể thì các loại axit amin cũng đóng vai trò quan trọng không kém đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Ví dụ, lysine là axit amin có tác dụng phát triển men tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ phát triển chiều cao. Cơ thể thiếu lysine sẽ khiến bé chậm lớn, dễ mắc chứng biếng ăn.

3. Cần làm gì để khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ?

3.1. Thay đổi chế độ ăn uống dành cho trẻ

Để khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ, giúp bé ăn được nhiều hơn, phụ huynh có thể cho bé ăn từng chút với nhiều món ăn trong bữa chính hoặc cho bé ăn thành nhiều bữa trong ngày. Đồng thời, bố mẹ cũng nên chế biến các món ăn với nhiều hình thức bắt mắt, mùi vị thơm ngon, tạo sự hứng thú, khám phá của trẻ và giúp trẻ ăn nhiều hơn.

Bố mẹ nên có những giải pháp tối ưu giúp cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ

Bố mẹ không nên cho bé ăn vặt trước bữa ăn, ăn không đúng bữa. Điều này sẽ khiến bé không cảm thấy đói, vì thế bữa chính thường không muốn ăn hoặc ăn rất ít. Việc kiểm soát việc ăn vặt của trẻ là rất cần thiết, phụ huynh chỉ nên cho trẻ ăn bổ sung sau bữa chính hoặc giữa hai bữa chính. 

3.2. Giải quyết các vấn đề tâm lý, bệnh lý trẻ mắc phải

Khi bị bệnh, hệ miễn dịch suy giảm, trẻ thường mệt mỏi, chán ăn. Việc lười ăn sẽ khiến sức khỏe bé không đảm bảo dẫn tới sự thiếu hụt về dinh dưỡng. Vì vậy, bố mẹ cần chú trọng tới chế độ ăn của trẻ, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu để trẻ hồi phục thể lực và tăng cường sức đề kháng. Đồng thời, giải quyết các vấn đề bệnh lý và tâm lý mà trẻ đang mắc phải để trẻ sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt như bình thường. Một số lưu ý quan trọng bố mẹ cần lưu ý:

  • Không lạm dụng kháng sinh quá nhiều vì dễ mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột khiến bé khó tiêu, đầy hơi và chán ăn.
  • Bổ sung thêm men tiêu hóa hoặc các thức ăn giàu vi chất sẽ hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thu.
  • Tạo không khí bữa ăn vui vẻ, thoải mái, không gây áp lực cho bé, giúp bé ăn ngon miệng hơn.

Nguyễn Thùy Ngân

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận