Trẻ biếng ăn: Nguyên nhân – Hậu quả – Cách khắc phục

Trẻ biếng ăn là một trong những vấn đề khiến các bà mẹ lo lắng vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Biếng ăn ở trẻ có thể dẫn tới nhiều hệ lụy lâu dài như: suy dinh dưỡng, kém phát triển trí tuệ và thể chất, sức đề kháng,… Để có cách giải quyết tình trạng này, cha mẹ cần hiểu rõ nguyên nhân trẻ biếng ăn để có cách giải quyết hợp lý nhất.

1. Nguyên nhân trẻ biếng ăn là gì? 

Biếng ăn là một dạng rối loạn ăn uống thường gặp ở trẻ nhỏ, biểu hiện ở nhiều mức độ: trẻ ăn ít hơn bình thường, chỉ ăn rất ít một loại thức ăn hoặc chối ăn, sợ, nôn ói khi gặp thức ăn. Dưới đây là những nguyên nhân gây biếng ăn phổ biến ở trẻ nhỏ.

1.1. Trẻ biếng ăn khi mọc răng 

Răng đảm nhiệm việc nhai và nghiền thức ăn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Vì vậy khi đang mọc răng gây cảm giác đau buốt, hạn chế trẻ nhai nghiền. Trẻ cảm thấy khô miệng, nhạt mồm thậm chí đôi khi có phản ứng tiêu cực với việc ăn uống.

1.2. Trẻ biếng ăn do mắc bệnh

Có nhiều nguyên nhân bệnh lý dẫn đến giảm ngon miệng và biếng ăn ở trẻ nhỏ như:

  • Trẻ bị nhiễm ký sinh trùng (giun, sán) hoặc viêm đường hô hấp (viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi),… thường ăn ít hoặc bỏ ăn vì không có cảm giác đói, muốn ăn
  • Trẻ bị viêm loét vùng miệng, sâu răng,…sẽ cảm thấy đau đớn, cản trở việc nhai thức ăn khiến trẻ khó chịu khi ăn uống nên thường bỏ ăn.
  • Trẻ bị ốm dài ngày: cảm cúm, sổ mũi, viêm họng là nguyên nhân chính khiến cơ thể trẻ luôn mệt mỏi, khó chịu. Vì vậy sẽ có cơn lười vận động và không có cảm giác đói hay thèm ăn
  Trẻ thường mệt mỏi, chán ăn sau khi bị ốm dài ngày

  Trẻ thường mệt mỏi, chán ăn sau khi bị ốm dài ngày

  • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn, đau bụng, táo bón
  • Một số bệnh mãn tính nặng như suy tim, hen phế quản

1.3. Trẻ lười ăn do chế độ ăn không thích hợp 

Chế độ ăn thiếu khoa học cũng là một trong những nguyên nhân gây lười ăn ở trẻ:

  • Nhiều cha mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm so với thời gian khuyến nghị (khi chưa đủ 6 tháng) và pha bột quá đặc khi trẻ mới ăn dặm
  • Chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt, không xác, lâu ngày dẫn đến thiếu dưỡng chất
  • Pha bột vào sữa, pha sữa quá đặc, pha sữa vào nước cháo, nước hầm xương làm trẻ khó tiêu hóa
  • Thức ăn đơn điệu làm trẻ chán ăn; chất và lượng thực phẩm trong chén cháo không đủ
  • Bữa ăn nghèo nàn (chỉ có bột và thịt hoặc cá) làm trẻ thiếu một số acid amin và các vitamin. Sự thiếu hụt này có thể dẫn tới chán ăn

1.4. Trẻ biếng ăn do yếu tố tâm lý 

Chán ăn có nguồn gốc tâm lý ở trẻ nhỏ: hay xảy ra ở trẻ 6-9 tháng. Trong giai đoạn này trẻ tập ăn dặm, làm quen với nhiều loại thực phẩm mới khiến trẻ chưa thích nghi được với chế độ ăn mới. Bên cạnh đó cha mẹ thường thúc ép, buộc trẻ ăn nhiều. Hậu quả là trẻ hay ngậm thức ăn, nôn ói hoặc chống đối.

Chán ăn có nguồn gốc tâm lý ở trẻ lớn: xảy ra ở bé tuổi thiếu niên. Nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ thúc ép trẻ ăn quá mức sinh ra tâm lý sợ hãi, chán ăn; cho trẻ ăn vặt thức ăn nhiều dầu mỡ khiến dạ dày luôn được lấp đầy khi đến bữa; trẻ gặp một số vấn đề cảm xúc tiêu cực như áp lực thi cử, học hành,…

2. Hậu quả trẻ biếng ăn kéo dài

Biếng ăn ở trẻ là hiện tượng không hiếm nhưng biếng ăn kéo dài cực kì nguy hiểm với sức khỏe của trẻ.

  • Suy dinh dưỡng: biếng ăn dẫn đến thiếu nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như đạm, chất béo, vitamin,.. từ đó dẫn đến thể trạng còi cọc, thấp bé, xanh xao so với bạn bè đồng trang lứa, ảnh hưởng đến tầm vóc của trẻ
Trẻ biếng ăn có thể dẫn tới còi cọc, thấp bé

Trẻ biếng ăn có thể dẫn tới còi cọc, thấp bé

  • Chậm phát triển trí não do dinh dưỡng là một trong ba yếu tố quyết định sự phát triển trí não của trẻ. Vì vậy khi bị biếng ăn nguy cơ thiếu hụt chất béo nhất là protein, omega 3, omega 6,…rất cao. Trong khi đó đây là những chất có tác động lớn đến sự phát triển của não bộ người
  • Suy giảm miễn dịch: Khi trẻ biếng ăn, cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng sức đề kháng bị giảm sút, đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch không được nuôi dưỡng thậm chí bị suy giảm nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân khiến vi khuẩn, virus dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ gây tình trạng nhiễm trùng tại các cơ quan trên cơ thể trẻ.

3. Giải pháp, cách khắc phục bé biếng ăn 

Để hạn chế tình trạng biếng ăn ở trẻ lâu dài sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe, mẹ cần lưu ý những điều sau:

3.1. Tìm và điều trị các bệnh lý nguyên nhân 

Tìm và điều trị các bệnh lý nguyên nhân là quan trọng trong việc khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ

  • Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần
  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt. Điều trị sớm các bệnh lý răng miệng bằng phương pháp thích hợp
  • Bổ sung các vi chất và men tiêu hóa mà trẻ thiếu (các vitamin nhóm B, các acid amin, kẽm,..) để hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thu
  • Điều trị sớm và tích cực các bệnh lý mạn tính

3.2. Thay đổi chế độ ăn thích hợp 

Một trong những cách quan trọng để bé ăn ngon là đảm bảo chế độ ăn thích hợp, một số gợi ý sau có thể giúp cho bố mẹ:

  • Theo từng tháng tuổi của trẻ, bố mẹ nên tạo sự đa dạng trong khẩu phần ăn hàng ngày, nhất là trong năm tuổi đầu tiên
  • Trường hợp trẻ biếng ăn do mọc răng, do bị bệnh nên giảm khẩu phần ăn của trẻ, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày
  • Bố mẹ nên chú ý đến khẩu vị của bé và cố gắng luân phiên thay đổi các món ăn thường xuyên, cho trẻ ăn những món mới cùng những món ăn mà trẻ đã biết và yêu thích
  • Khi thay đổi món ăn cho trẻ, cần thay đổi từ từ, xen kẽ giữa món ăn mới và món ăn cũ
  • Cho trẻ ăn đủ bữa, đúng giờ
  • Để giảm sự phân tán của trẻ khi ăn bố mẹ không nên đặt đồ chơi trên bàn cũng như không cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại, máy tính bảng… và kể cả bố mẹ cũng không nên sử dụng điện thoại khi ăn cùng trẻ
  • Bố mẹ cần lưu ý một điều là không nên để trẻ ăn vặt giữa các bữa ăn để tránh sự xáo trộn giờ ăn của con
  • Cần thiết kế giờ ăn của con một cách khoa học, tốt nhất là nên cách từ 4 – 5 tiếng vì nếu khoảng cách giữa các bữa ăn của trẻ quá gần thì con sẽ chưa có cảm giác đói nhưng nếu khoảng cách giữa các bữa ăn của trẻ quá xa hoặc để con đói thì sẽ làm tình trạng biếng ăn trở nên xấu đi vì bé đã cảm thấy mệt.

3.3. Giải quyết vấn để tâm lý khiến bé lười ăn

Đa số trường hợp trẻ mất sự thèm ăn là do trẻ có cảm giác ép buộc, bị bỏ rơi hoặc đánh lừa. Do đó, để xử trí loại biếng ăn này bố mẹ cần:

  • Hết sức bình tĩnh, kiên nhẫn tìm hiểu lý do trẻ không chịu ăn
  • Cần tránh những hành vi ép buộc trẻ
  • Cố gắng thay đổi thái độ: dành nhiều thời gian chơi với trẻ, tạo không khí vui vẻ, thoải mái khi ăn, cho trẻ chọn thức ăn
  • Đừng bao giờ lén pha thuốc vào thức ăn của trẻ

3.4. Bổ sung các vitamin, khoáng chất 

  •  Thực phẩm giàu vitamin: vitamin nhóm B gồm B1, B2, B3, B5, B6, B7, B8, B9, B12 vô cùng cần thiết cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Đồng thời nó còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho các bé. Một số thực phẩm giàu vitamin như: trái cây sẫm màu, rau xanh màu đậm, cam quýt,… 
   Một số thực phẩm giàu vitamin cần thiết cho trẻ

 Một số thực phẩm giàu vitamin cần thiết cho trẻ

  • Kẽm: kẽm có tác dụng cân bằng vị giác và tăng cảm giác ngon miệng. Đồng thời tăng cường hệ thống miễn dịch và tăng khả năng hấp thu dưỡng chất, các thực phẩm giàu kẽm như sò, hàu, thịt bò, cừu, gà, lúa mì, hạt bí ngô, ca cao và socola,…
  • Canxi: canxi giúp xương và răng chắc khỏe. Canxi có nhiều trong các thực phẩm như: tôm, cua, cá, sữa bò, sữa chua…
  • Sắt: việc cung cấp sắt không đủ có thể khiến trẻ biếng ăn, kém hấp thu. Vì vậy, trong bữa ăn hàng ngày bố mẹ có thể bổ sung chất sắt từ thịt, gan, thịt gà, hải sản, đậu khô, lòng đỏ trứng và ngũ cốc.

BS Nguyễn Thị Thu Hiền

Bài viết cùng chủ đề

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận