Trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt nhầy: nguyên nhân và cách xử trí
Hệ tiêu hóa của trẻ thường non yếu và rất dễ mắc những vấn về đề sức khỏe, một trong số đó là tình trạng trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy. Một lượng nhỏ chất nhầy trong phân của trẻ có thể không có gì đáng lo ngại nếu không có các triệu chứng bất thường khác. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy hay trẻ có các dấu hiệu tiêu chảy kèm theo thì có thể là dấu hiệu trẻ bị dị ứng, nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc một vấn đề khác cần can thiệp. Bài viết sau sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn vấn đề này!
Nội dung bài viêt
1. Bình thường phân của trẻ như thế nào?
– Phân của trẻ sơ sinh bú mẹ: phân của trẻ có độ sệt như kem, có màu vàng hoặc hơi xanh, trông giống như phô mai và mù tạt trộn lẫn với nhau và có nhiều hạt rải rác (gọi là hoa cà hoa cải). Điều đặc biệt là mùi phân không thối. Bình thường trẻ đi ngoài từ 4-5 lần/ngày.
– Phân của bé sơ sinh bú sữa công thức: Số lần trẻ đi ngoài ít hơn trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, phân nhão như bơ đậu phộng, có màu nâu vàng, nâu hoặc màu xanh lá cây nâu. Phân có mùi nặng hơn phân của trẻ bú sữa mẹ và mùi nhẹ hơn phân của những trẻ đã ăn thức ăn dặm.
– Với trẻ lớn hơn: tính chất phân thường mềm mịn và khá đồng nhất, có màu nhạt hoặc vàng sẫm, mùi không quá thối, không thối khắm. Trẻ thường đi ngoài 1-2 lần/ngày.
2. Nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài có nhầy?
Dị ứng với sữa công thức là một nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài có nhầy
2.1 Nhiễm trùng:
Hệ tiêu hóa của bé còn non nớt, vì vậy có thể bị tấn công bởi vi khuẩn như E.Coli hay Salmonella, dẫn đến có sự xuất hiện của máu hoặc nhiều dịch nhầy trong phân. Đi kèm với đó là các triệu chứng khác như nôn mửa, tiêu chảy, sốt và chướng bụng.
2.2 Dị ứng:
Dị ứng hoặc nhạy cảm thức ăn có thể gây ra tiêu chảy hoặc làm trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy.
– Với chế độ ăn uống của mẹ: khi trẻ đang bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ vẫn có thể bị dị ứng với những loại thực phẩm mà bà mẹ ăn vào hàng ngày. Hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện nên không thể dung nạp được các sản phẩm từ sữa hoặc thức ăn cay, nóng, do đó làm cho trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy và bọt. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể có các triệu chứng khác của dị ứng thức ăn như nôn ói, đầy hơi, quấy khóc.
– Với sữa công thức: trẻ uống sữa công thức có thể bị dị ứng với protein sữa bò có trong thành phần. Các triệu chứng dị ứng với sữa công thức thường xuất hiện trong vòng hai tháng đầu đời của trẻ, hoặc khi đổi sang một loại sữa mới. Triệu chứng ngoài đi ngoài phân chua có nhầy còn có thể có máu.
2.3 Những nguyên nhân khác
– Lồng ruột: Đây là một vấn đề ngoại khoa nghiêm trọng khiến cho trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy, đôi khi có lẫn máu. Rối loạn này phổ biến nhất ở trẻ em trong độ tuổi từ sáu tháng đến ba tuổi, thường gặp ở trẻ bụ bẫm, nhất là trẻ nam, với biểu hiện trẻ bất ngờ đau bụng dữ dội, quấy khóc từng cơn, bỏ bú, kèm theo nôn ói nhiều lần và trẻ đi ngoài có nhầy là một triệu chứng có ở khoảng 60% bệnh nhi.
– Mọc răng: Nếu trẻ đang trong lứa tuổi mọc răng, sự hiện diện của chất nhầy trong phân là bình thường. Trẻ tiết nhiều nước bọt và các cơn đau khi mọc răng có thể gây kích ứng ruột và tạo ra nhiều chất nhầy, dẫn đến trẻ đi ngoài có nhầy và có bọt.
– Bệnh xơ nang: với những trẻ em bị xơ nang có thể đi ngoài ra phân chứa nhiều chất nhầy. Chất nhầy này có đặc điểm là lớp nhờn và có mùi hôi.
– Trẻ bị viêm loét dạ dày – tá tràng: Nhiều phụ huynh nghĩ rằng trẻ nhỏ thì không hay bị viêm loét dạ dày – đại tràng, tuy nhiên do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, khi chế độ ăn không phù hợp với trẻ hoặc ăn các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, trẻ dễ bị viêm loét dạ dày, đại tràng, làm cho niêm mạc đường tiêu hóa bị tổn thương, khiến lượng chất nhầy tiết ra nhiều hơn khi đi đại tiện.
– Rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa có thể do táo bón kéo dài hoặc tiêu chảy sẽ gây ra hiện tượng đi trẻ đi ngoài có nhầy.
Rối loạn tiêu hóa cũng gây ra hiện tượng đi trẻ đi ngoài có nhầy
3. Khi nào thì trẻ đi ngoài phân nhầy cần phải đến viện?
Nếu phân của trẻ chỉ có một ít chất nhầy thì không cần điều trị hoặc can thiệp gì, triệu chứng này sẽ biến mất hẳn sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu trẻ đi ngoài có nhầy và đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn, kiểm tra xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho trẻ:
- Trẻ sinh non hoặc trẻ dưới 3 tháng tuổi gặp tình trạng này.
- Trẻ đi ngoài có nhầy, kèm theo tiêu chảy, sốt hoặc đau nhức cơ thể.
- Trẻ có hệ thống miễn dịch yếu vì sử dụng thuốc hoặc do mắc bệnh.
- Trẻ có biểu hiện lồng ruột.
- Trong phân của trẻ có xuất hiện máu.
- Phân có màu trắng và trẻ có biểu hiện mệt mỏi.
- Trẻ xuất hiện các biểu hiện mất nước như: mắt trũng, môi khô nứt nẻ, đi tiểu không thường xuyên.
4. Cần làm gì khi trẻ đi ngoài có nhầy?
Bổ sung sữa chua vào thực đơn của bé để giảm tình trạng đi ngoài có nhầy
Trẻ đi ngoài có nhầy có nhiều nguyên nhân, mỗi nguyên nhân gây bệnh sẽ có các biện pháp xử lý và điều trị khác nhau phù hợp.
- Trường hợp nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển toàn diện hoặc trong giai đoạn mọc răng thì không cần phải can thiệp hay điều trị gì. Triệu chứng đi ngoài phân nhầy sẽ dần biến mất khi trẻ lớn hơn hoặc qua giai đoạn mọc răng.
- Nếu trẻ sơ sinh đi ngoài có nhầy do nguyên nhân bắt nguồn từ thực phẩm thì cha mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, thực phẩm cho bé, tránh các thức ăn có thể gây dị ứng. Với những trẻ đã qua giai đoạn bú mẹ, bé cần được bổ sung thêm chất xơ, sữa chua vào thực đơn hàng ngày, cho bé uống đủ nước để tránh táo bón.
- Cần sử dụng kháng sinh, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp trẻ bị nhiễm trùng.
- Bù nước và điện giải bằng Oresol nếu trẻ có biểu hiện tiêu chảy, mất nước.
- Cần đưa trẻ đến khám tại bệnh viện và can thiệp của ngoại khoa nếu trẻ bị lồng ruột để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm như mất máu, thủng ruột nguồn tại https://thaythuocvietnam.vn/
BS Lê Thị Hạnh