Trị đau mắt đỏ như thế nào cho mau khỏi?

Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi? 

Bệnh đau mắt đỏ thường tự hết sau 7 – 14 ngày, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, thời gian khỏi bệnh còn phụ thuộc vào các yếu tố: mức độ đáp ứng thuốc, giải pháp điều trị và nguyên nhân gây đau mắt đỏ và nếu điều trị không đúng cách có thể dẫn đến biến chứng viêm giác mạc làm giảm thị lực.

Khi đau mắt đỏ cần chú ý điều gì?

Trong sinh hoạt

Những điều không nên làm

Lấy tay dụi mắt có thể làm tình trạng đau mắt đỏ nặng lên

Lấy tay dụi mắt có thể làm tình trạng đau mắt đỏ nặng lên

  • Lấy tay dụi mắt: việc làm này sẽ mang nhiều vi khuẩn, bụi từ tay vào mắt làm tình trạng bệnh nặng hơn.
  • Sử dụng chung khăn mặt với người khác: trên khăn mặt có dính ghèn mắt, nước mắt, nước bọt của người bệnh, việc này sẽ khiến cho bệnh dễ lây lan cho người khác.
  • Xông các loại thuốc, lá không rõ nguồn gốc: xông thuốc hoặc lá không đúng sẽ làm mắt sưng, đỏ hơn và dễ bị kích thích hơn. .
  • Trang điểm mắt: những chất hóa học có trong phấn mắt, đồ trang điểm mắt làm cho mắt khó chịu, kích thích, khiến tình trạng mắt đỏ trầm trọng hơn.
  • Dùng máy tính, điện thoại: ánh sáng xanh từ màn hình máy tính, điện thoại cực kỳ không tốt cho mắt chúng ta, ngay cả khi mắt bình thường. Vì vậy cần để mắt nghỉ ngơi, tránh bị điều tiết nhiều.

Những điều nên làm

  • Không dụi mắt.
  • Rửa tay thường xuyên đặc biệt sau khi ở nơi công cộng, sử dụng dung dịch vệ sinh tay.
  • Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài.
  • Sử dụng khăn, vật dụng cá nhân riêng trong gia đình và nơi làm việc.
  • Bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin C, A, E…

Chế độ dinh dưỡng

Bị đau mắt đỏ không nên ăn gì?

  • Hải sản, thực phẩm có mùi tanh: các loại thực phẩm như tôm, cua, cá, ốc,… sẽ khiến tình trạng viêm kết mạc, mắt đỏ kép dài và lâu khỏi.
  • Các chất kích thích, bia rượu, thuốc lá: khi bị bệnh đau mắt đỏ, sức đề kháng của cơ thể giảm, việc sử dụng bia rượu làm cho bệnh nặng hơn và có thể dẫn đến một số biến chứng khác cho mắt. Nicotin trong thuốc lá làm cho mắt phải điều tiết nhiều hơn, cơ thể dễ mệt mỏi, suy nhược.
  • Rau muống: ăn rau muống khi bị đau mắt đỏ sẽ sản sinh ra nhiều ghèn mắt làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, việc giữ vệ sinh cho mắt khó khăn hơn.
  • Đồ ăn cay nóng: bệnh nhân đau mắt đỏ nên kiêng các loại đồ ăn cay nóng và có chứa tỏi, hành, ớt,… các loại này khiến mắt cảm thấy nóng rát, khó chịu.

Bị đau mắt đỏ nên ăn gì?

Cà rốt giúp cho mắt sáng khoẻ hơn

Cà rốt giúp cho mắt sáng khoẻ hơn

  • Cà rốt: chứa lượng Beta-caroten cao – chuyển hóa thành vitamin A giúp cho các bộ phận của mắt khỏe hơn.
  • Lòng đỏ trứng: chứa chất béo và chất đạm lành mạnh. Ngoài ra còn chứa 1 lượng lutein và zeaxanthin giúp cơ thể hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn.
  • Rau xanh: trong rau xanh có chứa nhiều chất chống oxy hóa (lutein, zeaxanthin), giúp mắt nhìn tốt hơn.
  • Dầu cá: rất giàu omega-3 – chất béo có lợi cho sức khỏe, giúp giảm nguy cơ thoái hóa võng mạc, giảm tình trạng viêm, tình trạng đau mắt đỏ, giúp bảo vệ mắt tốt hơn.

Khi bị đau mắt đỏ dùng thuốc gì?

Điều trị đau mắt đỏ do vi khuẩn 

Do các vi khuẩn thông thường 

+ Điều trị tại mắt: 

  • Nước muối sinh lý, nhỏ mỗi lần 2 giọt giúp làm mềm gỉ bám trên mắt. Sử dụng nước mắt nhân tạo nhỏ hàng ngày giúp tránh tình trạng khô mắt.
  • Sử dụng các loại kháng sinh tra phổ rộng như Tobrex, oflovid, okacin,… có tác dụng chống bội nhiễm,viêm nhiễm trong đau mắt đỏ.  Liều dùng: tra mắt 6-8 lần mỗi ngày. 
  • Ngày nay đã có các loại thuốc nhỏ mắt kết hợp kháng sinh và corticoid (Tobramycin và Dexamethason) rất tiện lợi cho người bệnh trong việc sử dụng để điều trị đau mắt đỏ.

+ Điều trị toàn thân: 

Một số kháng sinh có thể dùng: erythromycin, cephalexin khi bệnh nhân có các biểu hiện như sốt, viêm họng, sưng hạch,… Các loại thuốc giảm đau, kháng viêm như paracetamol,… Hay các loại thuốc chống phù nề như: Alpha Chymotrypsin, Amitase.

Ngoài ra cần sử dụng các loại thuốc dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng như các vitamin nhóm A+D, vitamin C…

Do lậu

+ Điều trị tại mắt:

Rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch kháng sinh rửa mắt ngày nhiều lần:

  • Fluoroquinolon : dung dịch ciprofloxacin 0,3% tra 2 giờ một lần.
  • Aminoglycoside: tobrex 0,3%, mỡ bacitracin hoặc mỡ erythromycin.
  • Trường hợp có tổn thương giác mạc, sử dụng gentamicin 0,3%, tobramycin 0,3%, hoặc ciprofloxacin 0,3% 1 lần/giờ.
  • Theo dõi mắt hàng ngày.

+ Điều trị toàn thân:

  • Procaine penicillin 1,5g tiêm bắp/ngày, sử dụng trong 3 ngày. Trẻ em tiêm bắp với liều dùng 50mg/kg cân nặng /ngày, sử dụng trong 3 ngày và tra tại chỗ penicillin G.
  • Cephalosporin thế hệ 3 (ceftriaxone): người lớn liều duy nhất với 1g tiêm bắp. Trường hợp có tổn thương giác mạc cần phải nhập viện và điều trị với 1g ceftriaxone tiêm tĩnh mạch ngày 1 hoặc 2 lần, thời gian tùy thuộc vào sự đáp ứng của bệnh. Trẻ em và trẻ sơ sinh: 25 mg/kg/ngày 1 lần.
  • Cefotaxime: người lớn liều duy nhất với 1g tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Trẻ em với liều 25mg/kg cân nặng/ngày tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch (tối đa là 1g).
  • Nếu người bệnh dị ứng với penicillin có thể sử dụng một liều duy nhất ciprofloxacin 500 mg uống hoặc một liều ofloxacin 400mg uống.

Điều trị đau mắt đỏ do virus

  • Tuân thủ đơn kê của bác sĩ: Dùng thuốc điều trị theo đơn đã kê của bác sĩ mắt, tùy tình trạng bệnh và các tổn thương tại mắt mà bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp đối với từng bệnh nhân như kháng sinh, kháng viêm, nước mắt nhân tạo… Thuốc tra mắt có thể là dạng hỗn dịch, dạng nước, dạng mỡ, dạng gel … Bệnh nhân cần tuân thủ thời gian, liều lượng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
  • Tuân thủ đúng cách tra thuốc: Đối với thuốc nước nhỏ từ 1-2 giọt; thuốc mỡ, gel khoảng 1cm vào cùng đồ mi dưới. Tránh tra thuốc ra ngoài mắt gây khó chịu cho mắt, và không chạm đầu thuốc vào mắt.
  • Tuân thủ lịch khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm soát tiến triển của bệnh. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng bất thường như tình trạng mắt nặng hơn, sưng hơn, đau hơn, chảy nước hồng, chảy máu hoặc dị ứng với thuốc, cần phải đi khám lại ngay hoặc liên hệ với bác sĩ qua điện thoại để được tư vấn, hướng dẫn kịp thời.

Điều trị đau mắt đỏ do dị ứng

Khói thuốc lá có thể là tác nhân gây dị ứng

Khói thuốc lá có thể là tác nhân gây dị ứng

Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông chó mèo, thuốc, khói thuốc lá,…

Sử dụng thuốc:  

  • Có thể sử dụng các thuốc nhỏ mắt chống dị ứng chứa thành phần các chất kháng histamin H1 như: Chlorpheniramine, antazoline, diphenhydramin…có tác dụng trong việc làm giảm triệu chứng đỏ mắt, ngứa mắt, đỏ, sưng hay châm chích gây ra bởi phản ứng của hệ thống miễn dịch với chất gây dị ứng. Thuốc có thời gian tác dụng ngắn vì vậy người bệnh cần sử dụng ít nhất 4 lần/ngày và không được dùng quá 2-3 ngày liên tục sẽ làm tăng kích ứng. Trường hợp bệnh nhân có sử dụng kính áp tròng, sau khi dùng thuốc nhỏ mắt kháng histamin, cần đợi khoảng 10 phút rồi mới đeo.
  • Thuốc nhỏ mắt chứa corticosteroid: có công dụng điều trị triệu chứng như sưng, ngứa, tấy đỏ…. trong dị ứng mắt mãn tính và nghiêm trọng.
  • Ngoài ra dùng thuốc nhỏ nước mắt nhân tạo sẽ rửa sạch các chất gây dị ứng khỏi mắt và bổ sung độ ẩm để giảm khô, kích ứng cho mắt.
  • Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể dùng thuốc kháng histamin đường uống (giảm sưng mắt, sưng môi), thuốc thông mũi (có hoặc không có hoạt chất kháng histamin),… Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc tại nhà không làm thuyên giảm các triệu chứng thì bệnh nhân nên khẩn trương đi thăm khám bác sĩ để có phương pháp điều trị tốt nhất.

BS. Lê Hạnh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận