Triệu chứng bệnh mạch vành: Phát hiện sớm để phòng rủi ro
Bệnh mạch vành là một trong những bệnh tim mạch có tỷ lệ tử vong cao ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Phát hiện sớm các triệu chứng bệnh mạch vành và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Nội dung bài viêt
1. Triệu chứng bệnh mạch vành thường gặp
Bệnh mạch vành có thể diễn biến âm thầm, giai đoạn đầu thậm chí người bệnh còn không có triệu chứng. Vì thế bệnh thường được phát hiện khi đã muộn hoặc người bệnh trong tình trạng cấp cứu.
Lý do người bệnh mạch vành thường đến khám chủ yếu là vì đau ngực, chiếm khoảng 50% các ca bệnh. Đau ngực vừa là triệu chứng thường gặp nhất cũng là một trong các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mạch vành.
Cơn đau ngực do bệnh mạch vành thường được chia thành 2 thể:
Cơn đau ngực ổn định
Cơn đau ngực ổn định thường xuất hiện khi đường kính động mạch vành bị thu hẹp do các mảng xơ vữa. Điều này khiến cho lưu lượng máu nuôi dưỡng cơ tim bị giảm đi và dẫn đến cơn đau ngực. Ngay khi người bệnh được nghỉ ngơi và động mạch vành tái cung cấp đủ lượng oxy và dinh dưỡng cho cơ tim thì cơn đau sẽ thuyên giảm và biến mất.
- Hoàn cảnh xuất hiện: thường sau một lao động gắng sức hoặc sang chấn tâm lý…
- Vị trí: vùng ngực trái, sau xương ức
- Hướng lan: cơn đau có thể lan lên vai, ra cánh tay, cổ, hàm, lưng phía bên trái.
- Tính chất: đau cảm giác bóp nghẹt, tức nặng, nóng rát. Đau tăng khi căng thẳng, hoạt động thể lực. Đau giảm khi được nghỉ ngơi thoải mái.
- Thời gian mỗi cơn đau có thể kéo dài khoảng 3-5 phút
- Có tính ổn định về cường độ, tần suất, thời gian của mỗi cơn đau.
- Có thể xuất hiện kèm theo 1 số triệu chứng khác
- Đau ngực là triệu chứng bệnh mạch vành điển hình
Cơn đau ngực không ổn định
Khác với cơn đau ngực ổn định, cơn đau ngực không ổn định sẽ xảy ra khi mạch vành bị tắc 1 phần hoặc toàn phần do sự nứt vỡ của các mảng xơ vữa.
- Hoàn cảnh xuất hiện: có thể xảy ra ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi hoặc tâm lý thoải mái…
- Vị trí: vùng ngực trái, sau xương ức
- Hướng lan: cơn đau có thể lan lên vai, ra cánh tay, cổ, hàm, lưng phía bên trái.
- Tính chất: đau cảm giác bóp nghẹt, tức nặng, nóng rát.
- Các biểu hiện của cơn đau thường rầm rộ, nặng nề hơn so với cơn đau ngực ổn định.
- Không có tính ổn định về cường độ, tần suất, thời gian của mỗi cơn đau. Các cơn đau ngày một xuất hiện nhiều hơn, cường độ đau tăng lên, thời gian đau kéo dài hơn.
- Có thể kèm theo một số triệu chứng như đổ mồ hôi lạnh, rối loạn nhịp tim…
Ngoài triệu chứng đau ngực, người bệnh mạch vành cũng có thể gặp 1 số dấu hiệu khác như:
- Khó thở, đặc biệt là khi làm việc gắng sức, khi nằm
- Nhịp tim nhanh
- Đổ mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn
- Khó tiêu
- Rối loạn giấc ngủ
Các triệu chứng của bệnh mạch vành có thể không giống nhau ở mỗi người vì thế việc thăm khám sức khỏe định kỳ là giải pháp nhanh chóng giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh mạch vành. Các xét nghiệm thăm dò phát hiện bệnh mạch vành bao gồm: nghiệm pháp gắng sức, Holter điện tim, siêu âm Doppler tim, siêu âm tim gắng sức; chụp động mạch vành…
- Siêu âm tim có thể chẩn đoán bệnh mạch vành từ sớm
2. Dấu hiệu cảnh báo biến chứng bệnh mạch vành
Đau ngực không ổn định là dấu hiệu cảnh báo bệnh mạch vành đang gây biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là những cơn đau ngực không ổn định kéo dài hơn 5 phút thì người bệnh cần được đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Trong thời gian chờ xe cấp cứu, người bệnh cần ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi, dừng mọi hoạt động gắng sức và dùng Nitroglycerin dạng ngậm hay xịt dưới lưỡi (nếu trước đó bác sĩ kê đơn và mang sẵn bên người).
Thông thường cơn đau ngực không ổn định hoặc, đau ngực ổn định kéo dài kèm biểu hiện đổ mồ hôi lạnh, rối loạn nhịp tim là triệu chứng cảnh báo biến chứng nhồi máu cơ tim cấp. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh mạch vành, có thể gây tử vong chỉ sau vài phút.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý nếu có biểu hiện phù trắng, phù mềm, ấn lõm ở các vùng thấp của cơ thể như bàn chân, mệt mỏi nhiều, ho dai dẳng, khó thở… Bởi rất có thể bạn đã gặp biến chứng suy tim do xơ vữa động mạch vành.
Xem thêm
Thuốc Nitroglycerin điều trị đau thắt ngực và lưu ý khi sử dụng
3. Cách phòng ngừa và điều trị bệnh mạch vành
Để phòng ngừa và điều trị bệnh mạch vành, ngoài việc dùng thuốc (chống đông, chẹn beta, chẹn canxi, hạ cholesterol máu nhóm statin, fibrat…) hay can thiệp nong mạch đặt stent mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu theo y lệnh của bác sĩ, bạn cần tác động vào các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
Đối với những nguy cơ này, điều bạn cần làm là kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm.
- Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ giới.
- Tuổi tác: Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành càng cao.
- Trong gia đình có người thân mắc bệnh mạch vành, các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu….
- Người bệnh mạch vành cần thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
- Hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, nhiều muối, lối sống tĩnh tại, lười vận động: Bạn nên từ bỏ các thói quen này. Thay vào đó hãy ăn nhiều các thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả tươi, chất béo tốt từ cá và các loại đậu, tập thể dục thường xuyên 30 phút trong 5 – 7 ngày/tuần.
- Các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu…: Nếu có các bệnh này, bạn cần tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời đừng quên tái khám định kỳ hoặc ngay khi có bất thường về sức khỏe và thực hiện chế độ ăn, tập luyện lành mạnh để giữ các chỉ số đường huyết, huyết áp, mỡ máu trong giới hạn an toàn.
- Thừa cân, béo phì: Bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ dinh dưỡng và các huấn luyện viên tập luyện để lên kế hoạch giảm cân cũng như duy trì cân nặng ở mức hợp lý và an toàn.
- Căng thẳng, stress: Ngủ đủ giấc, du lịch, nghe nhạc, tập thiền, yoga, tham gia các hoạt động từ thiện xã hội là cách sẽ giúp bạn hạn chế yếu tố này.
BS. Uông Mai