Triệu chứng của bệnh Gout
Gout là bệnh dễ phát hiện bởi các triệu chứng của bệnh gout khá đặc trưng như sưng, nóng, tấy đỏ, đau ở khớp. Thường gặp nhất là khớp bàn ngón chân cái. Phát hiện và điều trị sớm bệnh gout giúp hạn chế các biến chứng của bệnh. Đồng thời có thể dự phòng các cơn gout cấp gây đau đớn cho người bệnh.
Nội dung bài viêt
Bệnh gout là gì?
- Bệnh gout gây đau đớn cho người mắc
Triệu chứng của bệnh gout nổi bật nhất gây khó chịu là cơn đau cấp tính do gout. Ngoài ra một số dấu hiệu của bệnh gout khác gặp ở giai đoạn mạn tính như hạt tophi, biến dạng khớp…
Các đối tượng dễ mắc bệnh gout hơn đó là:
- Nam giới từ 40 tuổi trở lên
- Nữ giới sau tuổi mãn kinh
- Người thừa cân béo phì
- Tiền sử gia đình có người bị bệnh gout
Cơn gout cấp tính biểu hiện như thế nào?
Cơn gout cấp tính điển hình
Cơn gout cấp tính điển hình thường là dấu hiệu đầu tiên làm người bệnh phát hiện ra bệnh mà đi khám điều trị gout. Đồng thời, một cơn gout điển hình trong quá khứ hoặc hiện tại cũng là một tiêu chuẩn quan trọng trong chẩn đoán bệnh gout. Triệu chứng của cơn gout cấp tính bao gồm:
Hoàn cảnh xuất hiện
Cơn gout cấp thường khởi phát sau các tình huống sau:
- Sau uống rượu
- Ăn bữa thịnh soạn nhiều chất đạm
- Sau chấn thương, phẫu thuật
- Sau một đợt dùng kéo dài các thuốc aspirin, lợi tiểu…
- Sau khi lao động nặng, quá sức
- Sau căng thẳng thần kinh, stress, giận dữ, xúc động
- Sau uống rượu hoặc ăn bữa thịnh soạn nhiều thịt gây khởi phát cơn gout
Thời gian biểu hiện cơn gout cấp
Thường gặp vào lúc nửa đêm làm bệnh nhân khó chịu không ngủ được.
Dấu hiệu báo trước
Một số bệnh nhân có thể nhận thấy các dấu hiệu báo trước một cơn gout cấp sắp kéo đến. Đó là các biểu hiện sau:
- Đau đầu, kích thích, mệt mỏi
- Rối loạn tiêu hóa, đau thượng vị, táo bón, ợ hơi
- Tiểu nhiều, đái rắt
- Khó cử động chi dưới, nổi tĩnh mạch, tê bì ngón chân cái
Biểu hiện trong cơn gout cấp
- Bệnh nhân đau ghê gớm các khớp. Hay gặp là khớp bàn ngón chân ngón cái, khớp bàn ngón chân các ngón, khớp cổ chân. Trong đó sưng đau khớp bàn ngón chân cái là đặc trưng và hay gặp nhất, nhất là giai đoạn sớm của bệnh.
- Cơn đau bỏng rát, cực độ làm mất ngủ. Đau chủ yếu về đêm, có thể kéo dài cả đêm. Ban ngày bệnh nhân đỡ hoặc hết đau.
- Kèm theo đó người bệnh mệt mỏi, sốt nhẹ 38-38,5 độ C, có thể rét run.
- Khớp tổn thương sưng đỏ ấn đau. Một số trường hợp phù nền tràn dịch vùng khớp.
- Sưng đau đỏ khớp bàn ngón chân cái là dấu hiệu của gout đặc trưng
Cơn gout cấp tính không điển hình
Trong trường hợp cơn gout cấp không điển hình dễ nhầm lẫn các bệnh tổn thương cơ xương khớp khác, gây khó khăn cho chẩn đoán:
- Có thể bệnh nhân chỉ có biểu hiện tại chỗ. Đó là sưng đau các khớp dễ nhầm với viêm khớp nhiễm khuẩn. Một số trường hợp chỉ có sưng phù tràn dịch khớp gối, có thể chẩn đoán nhầm sang lao khớp.
- Hoặc bệnh nhân chỉ biểu hiện toàn thân mệt mỏi suy nhược. Trong khi các khớp không rõ tổn thương.
- Một số bệnh nhân viêm nhiều khớp cấp cùng lúc. Như khớp cổ chân, khớp gối, khớp cổ tay, khớp bàn ngón chân… nên dễ bị nhâm với viêm khớp dạng thấp.
- Hoặc một vài trường hợp đau viêm gân gót chân, hay hiếm hơn viêm tĩnh mạch. Khiến cho người bệnh không biết đó là biểu hiên của bệnh gout.
Gout mạn tính biểu hiện như thế nào?
Khi tình trạng gout kéo dài nhiều năm, các tinh thể urat tích tụ gây tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể. Dẫn đến các triệu chứng của bệnh gout như sau:
Hạt tophi
Hạt tophi là do tích lũy muối urat sodium kết tủa trong mô liên kết. Sau nhiều năm tạo thành các khối nổi lên dưới da.
- Những hạt này có hình tròn hoặc ovan, kích thước thay đổi. Bề mặt gồ ghề, có thể rắn hoặc mềm, khi ấn không đau. Vị trí thường gặp nhất là ở vành tai, mỏm khuỷu, cạnh các khớp tổn thương.
- Nếu hạt bị viêm cấp gây nên tình trạng da vùng đó nóng đỏ. Hạt vỡ ra chảy ra chất nhão màu tráng như phấn, hoặc rỉ dịch vàng.
- Các hạt tophi là nguyên nhân gây biến dạng, vô cảm và hạn chế vận động chức năng của bàn tay bàn chân. Nếu có nhiễm trùng hạt tophi có thể gây biến chứng nguy hiểm hơn.
Biến dạng hạn chế vận động các khớp
- Biến dạng các khớp do hạt tophi
Do tích lũy muối urat trong mô cạnh khớp, trong sụn hoặc xương, khiến cho các khớp bị đau. Gây nên viêm khớp, biến dạng khớp do hủy khớp hoặc do hạt tophi.
Số lượng các khớp bị tổn thương có thể gặp tăng dần theo năm tháng. Ban đầu là những khớp chi dưới như khớp bàn ngón chân, khớp cổ chân, khớp gối. Sau đó tổn thương thêm các khớp ở chi trên như khớp khuỷu, bàn ngón tay… Có trường hợp tổn thương khớp vai,
Xem thêm: Những biến chứng nguy hiểm của bệnh gout có thể dẫn đến tàn phế
Biểu hiện ở thận
Gout mạn tính không chỉ gây tổn thương, biến dạng khớp mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau, trong đó biểu hiện rõ nhất tại thận.
Sỏi Uric
Có khoảng 15% bệnh nhân gout mạn tính có sỏi tiết niệu. Nồng độ acid uric niệu quá cao kết hợp pH nước tiểu quá toan có thể gây sỏi. Những viên sỏi được hình thành từ acid uric được gọi là sỏi uric. Những viên sỏi này có thể xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào trong hệ tiết niệu như thận, niệu quản, niệu đạo,… Sỏi acid uric thường sắc nhọn, có kích thước nhỏ và không cản quang. Người bệnh gout có sỏi thận thường cảm thấy đau dữ dội, đau quặn ở phía sau hặc vùng hông, nước tiểu có thể có màu hồng đỏ, tiểu buốt hoặc tiểu rát. Trong một số trường hợp có nhiễm trùng, người bệnh có thể có triệu chứng sốt, rét run,…. Xét nghiệm nước tiểu có nhiều hồng cầu, bạch cầu, pH dưới 5,5. Siêu âm ổ bụng phát hiện có sỏi, có thể có ứ nước tại thận và niệu quản.
Bệnh thận mạn do Gout
Chức năng thận bị suy giảm do hai cơ chính là sự lắng đọng tinh thể muối urat gây tổn thương cầu thận, ống thận dẫn đến tình trạng viêm và do hình thái sắc nhọn của sỏi uric gây tổn thương niêm mạc thận, tắc nghẽn đường tiết niệu khi sỏi di chuyển. Ban đầu chỉ là tình trạng protein niệu, có thể có hồng cầu và bạch cầu kèm theo. Chức năng thận bị suy giảm trong thời gian dài mà không được điều trị sẽ dẫn tới bệnh thận mạn
Suy thận
Bệnh nhân gout mắc bệnh thận mạn trong nhiều năm sẽ dẫn đến suy thận.
Các thể không điển hình của bệnh Gout
Bên cạnh những cơn gout cấp điển hình và bệnh gout mạn tính, nhiều trường hợp bệnh nhân cũng được chẩn đoán mắc thể không điển hình như cơn gout không điển hình và cơn gout thể tối cấp.
Cơn không điển hình:
– Viêm khớp bán cấp tính: Sưng đau không dữ dội, mức độ đau nhẹ, đau ít, kín đáo. Có thể có tràn dịch thông thường, chủ yếu gặp ở khớp gối.
– Viêm nhiều khớp cấp: Khởi phát đột ngột, viêm 3 – 4 khớp cùng lúc, sưng tấy dữ dội, đau nhiều, thường gặp ở các khớp hai chi dưới. Thể này thường gặp trong giai đoạn tiến triển của bệnh và giai đoạn gout mạn tính.
– Biểu hiện cạnh khớp cấp tính: Biểu hiện có thể đơn độc hoặc kèm theo cơn gout cấp có triệu chứng khớp điển hình. Biểu hiện chính: Viêm gân cơ do gout nhất là viêm gân Achille, viêm túi thanh mạc khuỷu tay.
Xem thêm: Chế độ ăn cho người bệnh gout
BS Huyền Hương
Hội Bác sỹ trẻ – Đại học Y Hà Nội