Triệu chứng của bệnh tay chân miệng
Nội dung bài viêt
Bệnh tay chân miệng có biểu hiện như thế nào?
Với thể điển hình, bệnh tay chân miệng thường trải qua 4 giai đoạn bệnh dưới đây:
Giai đoạn ủ bệnh
Các triệu chứng của tay chân miệng thường xuất hiện trong vòng 3-5 ngày sau tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời gian này gọi là giai đoạn ủ bệnh.
Giai đoạn khởi phát
- Sốt là triệu chứng ban đầu của bệnh tay chân miệng (Ảnh internet)
Giai đoạn này kéo dài từ 1-2 ngày. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh giống như các trường hợp nhiễm virus khác. Triệu chứng bao gồm:
- – Sốt: trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 38-39 độ C.
- – Ăn kém: trẻ ăn kém, biếng ăn, bỏ bú
- – Mệt mỏi, ít vận động
- – Ho hoặc đau họng
- – Có thể đau bụng, tiêu chảy một vài lần trong ngày.
Giai đoạn toàn phát
Giai đoạn toàn phát kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh.
Loét họng
- Vết loét miệng có thể làm trẻ đau đớn ăn kém (Ảnh internet)
Khoảng 1-2 ngày sau sốt, các vết loét có thể xuất hiện trong miệng trẻ. Chúng thường được tìm thấy ở quanh lưỡi, lợi hoặc mặt trong má.
Đầu tiên những nốt này là những đốm nhỏ màu đỏ. Sau đó chúng nhanh chóng phát triển thành những vết loét lớn có màu vàng xám, bao quanh là một vòng tròn đỏ. Thường có từ 5-10 nốt trong miệng.
Những vết loét này có thể rất đau khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn. Trong vòng 1 tuần, vết loét sẽ biến mất.
Nổi ban trên da dạng phỏng nước
- Những nốt phát ban ở chân, tay, miệng của trẻ (Ảnh Internet)
Rất nhanh sau khi xuất hiện các nốt loét trong miệng, trên da của trẻ sẽ mọc lên các nốt nhỏ màu đỏ. Các nốt này có rải rác ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông hoặc vùng sinh dục của trẻ. Kích thước của chúng từ 2-5 mm, hình bầu dục, có màu xám sẫm ở giữa.
Nhìn chung, các nốt này không đau, không ngứa, tồn tại trong thời gian ngắn dưới 7 ngày. Điều quan trọng cha mẹ không được làm vỡ những nốt này vì có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng và lây lan bệnh.
Giai đoạn lui bệnh
Thường 3-5 ngày sau giai đoạn toàn phát, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Không phải ai mắc bệnh cũng có tất cả các triệu chứng trên. Một số trường hợp, đặc biệt là người lớn có thể bị nhiễm virus và không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên họ vẫn là nguồn lây bệnh sang những người xung quanh.
Xem thêm
Bệnh Tay chân miệng cần phải phân biệt với những bệnh lý nào?
Bệnh có biểu hiện loét miệng
Biểu hiện loét miệng trong bệnh Tay chân miệng thường là những vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính từ 2-3mm ở vòm khẩu cái, niêm mạc miệng, lợi, lưỡi. Trong khi đó một bệnh hay gặp cũng có biểu hiện loét ở miệng là bệnh viêm loét miệng (Apthous) với những vết loét sâu, có dịch tiết và đặc biệt là hay tái phát.
Bệnh có phát ban da
Bệnh Tay chân miệng có biểu hiện phát ban dạng phỏng nước với đặc điểm ban hình bầu dục, hình tròn, nổi cộm lên mặt da, thường có màu trong không đau, một số ban sờ vào thấy rất chắc. Vậy làm sao để phân biệt với những bệnh lý có biểu hiện phát ban trên da khác?
Sốt hồng ban
Trên da xuất hiện những hồng ban xen kẽ ít dạng sẩn, thường có hạch sau tai.
Dị ứng
Thường có tiền sử dị ứng, có các yếu tố dị nguyên như bụi, phấn hoa, thức ăn, thuốc….Biểu hiện trên da tùy theo mức độ, theo từng cá thể rất đa dạng và các triệu chứng sẽ tiến triển nếu không được điều trị kịp thời.
Viêm da mủ
Là bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn ( liên cầu, tụ cầu). Trẻ sẽ có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân và tại chỗ, ở vị trí có các tổn thương đỏ, đau, hóa mủ.
Thủy đậu
Là một bệnh lý phổ biến do virus Varicella virus gây nên, bệnh thường để lại miễn dịch vĩnh viễn do đó bị tái phát sau mắc bệnh. Giai đoạn đầu chỉ là những vết chấm, sẩn phù, sau đó nhanh chóng chuyển thành các mụn nước lõm ở giữa, quầng viêm đỏ xung quanh. Lúc đầu tổn thương ở mặt, sau đó lan dần xuống thân mình, nhưng hiếm gặp ở bàn tay, bàn chân.
Nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu
Là bệnh lý do vi khuẩn não mô cầu gây ra với những biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng và hội chứng màng não, kèm theo đó có những triệu chứng đặc trưng trong đó có phát ban trên da và những nốt xuất huyết hoại tử hình sao.
Sốt xuất huyết Dengue
Là bệnh lý do virus Dengue gây ra, biểu hiện ban trên da là những ban xuất huyết dạng chấm, nốt ở toàn thân chủ yếu là mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn. Ngoài ra còn có thể xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng tự nhiên hay thậm chí xuất huyết nội tạng như nôn ra máu, ỉa phân đen.
Viêm não- màng não
Có thể do virus hoặc vi khuẩn nhưng chủ yếu đặc trưng bởi biểu hiện của hội chứng màng não: Nôn, Đau đầu, rối loạn tiêu hóa, Dấu hiệu gáy cứng, Kernig…và hội chứng não: liệt thần kinh khu trú, …
Nhiểm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi
- Nhiễm khuẩn huyết: Dễ dàng phân biệt nhờ tình trạng nhiễm trùng rầm rộ, thông qua thăm khám và làm các cận lâm sàng có thể tìm được cơ quan nhiễm khuẩn. Ngoài ra còn có thể cấy máu để xác định sự có mặt của vi khuẩn trong máu.
- Sốc nhiễm khuẩn: Ngoài triệu chứng của ổ nhiễm trùng trẻ còn có biểu hiện li bì, lừ đừ, bứt rứt, mạch nhanh nhẹ, chi mát, huyết áp kẹt hoặc tụt, thiểu niệu.
- Viêm phổi: Trẻ có các triệu chứng về hô hấp, giai đoạn đầu là viêm long đường hô hấp, sau đó trẻ có thể có biểu hiện khó thở, suy hô hấp, nghe phổi thấy rals ẩm to nhỏ hạt. Có thể chẩn đoán xác định thông qua các cận lâm sàng công thức máu, Xquang tim phổi.
Khi nào cần đến viện khám và điều trị?
Bệnh tay chân miệng thường diễn biến lành tính, có thể tự khỏi và chỉ cần chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên trong một số trường hợp dưới đây nên đưa trẻ đi khám để điều trị bệnh tay chân miệng ngay:
- Các triệu chứng của trẻ bị bệnh không cải thiện sau 7-10 ngày
- Trẻ sốt rất cao trên 39 độ C hoặc sốt kéo dài trên 2 ngày.
- Trẻ nôn nhiều
- Trẻ bị mất nước, đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu
- Trẻ có các biến chứng bệnh tay chân miệng như biến chứng thần kinh, hô hấp, tim mạch (giật mình, tím tái, khó thở, lừ đừ, run chi, đi đứng loạng choạng…)
- Phụ nữ mang thai bị mắc bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các dấu hiệu và triệu chứng của tay chân miệng thường tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Thông thường cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà và lưu ý theo dõi các dấu hiệu diễn biến nặng để nhập viện kịp thời. Đồng thời nên có phương án phòng tránh bệnh tay chân miệng cho những thành viên khác trong gia đình nhất là các em nhỏ khác.