Triệu chứng của sốt siêu vi- cần biết để tránh các biến chứng nguy hiểm
Sốt siêu vi là bệnh thường gặp, do các loại virus gây nên. Sốt siêu vi có thể lành tính, người bệnh phục hồi nhanh, nhưng bệnh cũng có thể gây nên các biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bài viết sau có thể gợi ý giúp bạn nhận biết một số triệu chứng của bệnh sốt siêu vi
Nội dung bài viêt
Biểu hiện sốt siêu vi như thế nào?
Sốt siêu vi hay còn gọi là sốt virus, bệnh gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, thường xuất hiện vào mùa đông xuân, thời tiết lúc giao mùa,… Một số dấu hiệu giúp ta nhận biết được sốt siêu vi khi cơ thể nhiễm bệnh gồm:
Sốt
Đây là triệu chứng điển hình, chủ yếu của bệnh. Cơn sốt thường dao động từ 38- 39 độ C, có khi có thể lên tới 40 độ, tùy thuộc vào chủng virus gây bệnh cũng như sự đáp ứng của cơ thể người bệnh. Cơn sốt cao, kéo dài liên tục từ 4-5 ngày, một số trường hợp có thể không đáp ứng với các thuốc hạ sốt thông thường.
Đau đầu
Biểu hiện thường gặp, bệnh nhân thường có dấu hiện quay cuồng, nhức đầu dữ dội, cảm giác chao đảo, nguyên nhân do sốt nên tuần hoàn máu mạnh và mạch máu căng ra. Sờ vào hai huyệt thái dương có cảm giác thái dương đập mạnh. Người đau đầu có xu hướng nhắm nghiền mắt và nằm co lại, li bì vì choáng váng. Đối với trẻ em, một số trường hợp trẻ đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo. Bệnh nhân có thể chảy mủ tai hoặc tai có nhầy và ngứa hơn lúc bình thường.
Đau đầu, quay cuồng, nhức mỏi dữ dội ..là các triệu chứng người bệnh hay gặp
Đau nhức cơ bắp
Người sốt siêu vi thường than phiền bởi đau nhức mình mẩy, cơ bắp toàn thân, không khú trú tại một vị trí nào làm người bệnh mệt mỏi, làm việc kém hiệu quả.
Biểu hiện hô hấp
Phần lớn mầm bệnh gây sốt siêu vi xâm nhập vào cơ thể bằng đường hô hấp gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp như viêm họng, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, ho,…
Biểu hiện trên tiêu hóa
Như rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, phân không có nhầy máu,.. các triệu chứng thường xuất hiện sớm nếu tác nhân gây bệnh xuất phát từ đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn sau sốt vài ngày.
Phát ban
Đôi khi sốt siêu vi có thể gây phát ban ở da thường xuất hiện sau sốt 2-3 ngày, tự lặn mà không để lại dấu vết hay sẹo gì trên da.
Các triệu chứng khác
Một số triệu chứng có thể gặp như viêm kết mạc mắt, kết mạc mắt đỏ, chảy nước mắt, sưng đau các hạch như hạch vùng đầu, cổ,…
Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em và người lớn có khác nhau không?
Sốt siêu vi gây ra các triệu chứng tương đối giống nhau ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, trẻ nhỏ là một cơ thể đang phát triển, có một hệ miễn dịch chưa đầy đủ, hoàn chỉnh để chống lại tác nhân gây bệnh như người lớn. Vì thế, trẻ dễ mắc bệnh hơn người lớn, cũng như các triệu chứng đôi khi cũng thầm kín, khó phát hiện hơn. Tiến triển của bệnh khá nhanh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng khó lường, có thể ảnh hưởng sức khỏe, sự phát triển của trẻ, nặng hơn có thể dẫn đến tử vong.
Sốt siêu vi mấy ngày hết?
Sốt siêu vi phần lớn không nguy hiểm, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì, các triệu chứng giảm dần sau 3-5 ngày và khỏi hẳn khoảng từ 7-10 ngày. Đó là đối với sốt siêu vi không có biến chứng, cơ thể người bệnh trước đó khỏe mạnh, có sức chống đỡ với tác nhân gây bệnh thì bệnh gần như lành tính.
Bên cạnh đó, một số trường hợp, bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng, đòi hỏi cần một thời gian lâu hơn để có thể loại bỏ được tác nhân gây bệnh cũng như sửa chữa các tổn thương mà bệnh gây ra.
Những biến chứng có thể gặp của sốt siêu vi?
Bên cạnh thể lành tính thì bệnh sốt siêu vi cũng có thể gây ra các biến chứng từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Một số những biến chứng có thể gặp như:
- Viêm phổi: là biến chứng thường gặp, bệnh gây tổn thương phổi, làm giảm sự thông khí ở phổi, diễn biến khó lường, kéo dài thời gian điều trị. Biểu hiện thường thấy như ho khan hoặc ho có đờm, khó thở, tím tái,… nặng hơn có thể dẫn đến suy hô hấp cấp.
- Viêm não, viêm màng não: biến chứng hay xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn, tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể, theo đường máu đến gây tổn thương não. Triệu chứng gợi ý khi có biến chứng này như đau đầu, nôn vọt, táo bón, co giật, hôn mê,…
- Biến chứng tim mạch như: viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, viêm màng ngoài tim,.. người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như cơn đau ngực dữ dội, hồi hộp trống ngực, rối loạn nhịp tim,…
- Ngoài ra, một số biến chứng có thể gặp như viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai, tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng huyết….
Biến chứng viêm màng não hay gặp nhiều ở đối tượng trẻ nhỏ
Khi có biểu hiện nào thì người bệnh cần đến viện?
Cần phải theo dõi sát các dấu hiệu, triệu chứng, nếu chuyển nặng hoặc thời gian khỏi bệnh lâu người bệnh cần đến viện để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt cần chú ý khi có các biểu hiện sau:
- Sốt cao >= 38,5ºC, không đáp ứng với thuốc
- Lơ mơ, li bì, giảm ý thức
- Co giật
- Đau đầu liên tục, tăng dần
- Buồn nôn, nôn nhiều lần
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán và điều trị?
Ngoài việc giúp xác định nguyên nhân của sốt virus hay không, xét nghiệm khi sốt siêu vi còn có thể giúp xác định loại trừ các nguyên nhân khác như: nhiễm khuẩn, có thiếu máu, mất nước và các bệnh lý về máu cơ bản khác,… xác định tình trạng người bệnh. Từ đó giúp cho việc điều trị trở nên hiệu quả.
Xét nghiệm máu
Một số xét nghiệm máu cơ bản khi nghi ngờ sốt siêu vi như:
- Công thức máu: để xem 3 dòng tế bào máu tăng, giảm, thay đổi như thế nào. Thường sốt siêu vi công thức máu các giá trị đều trong giới hạn bình thường, ít thay đổi, có thể có bạch cầu giảm hoặc lympho bào tăng nhẹ.
- Xét nghiệm CRP nhằm đánh giá tình trạng viêm, nhiễm trùng của người bệnh. Trong sốt siêu vi chỉ số CRP sẽ không tăng hoặc tăng nhẹ.
- Test nhanh sốt xuất huyết âm tính, nhằm loại trừ bệnh sốt xuất huyết.
Xét nghiệm đờm, dịch tiết khác
Phân lập virus, tác nhân gây bệnh. Phương pháp này có giá trị quyết định chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.
Chụp xquang phổi
Đa số là bình thường. Trong trường hợp sốt siêu vi gây biến chứng bội nhiễm ở phổi, viêm phổi sẽ có hình ảnh tổn thương trên phim chụp xquang như thâm nhiễm, đông đặc,….
BS. Quỳnh An