Tổng quan về sốt siêu vi và cách điều trị hiệu quả
Mùa hè này thời tiết sáng nắng, chiều mưa. Hôm nắng chang chang, hôm lại mưa nhòa tầm mắt. Thời tiết này là thời điểm rất thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp phát triển trong đó thường gặp nhất là sốt siêu vi. Vậy sốt siêu vi biểu hiện như thế nào? Sốt siêu vi có nguyên nhân từ đâu? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này để nhận ra ngay bệnh sốt siêu vi nếu có chẳng may bị mắc phải nhé!
Nội dung bài viêt
Sốt siêu vi là gì?
Sốt siêu vi là một bệnh mà không ít người đã phải chịu đựng nếm trải một lần. Ngoài cái tên ở trên, người ta còn gọi sốt siêu vi là sốt virus, sốt vi trùng,… Bệnh thường xuất hiện ở mọi lứa tuổi vào tất cả các thời điểm trong năm. Biểu hiện chính của bệnh là sốt, mệt mỏi và các triệu chứng bệnh của đường hô hấp. Bệnh ít nguy hiểm nếu được chữa trị đúng cách và có thể tự điều trị tại nhà.
- Sốt virus có nguyên nhân xuất phát từ những virus đang sinh sống xung quanh chúng ta
Nguyên nhân nào dẫn tới sốt siêu vi?
Đúng theo tên gọi, sốt siêu vi có nguyên nhân xuất phát từ những virus đang sinh sống xung quanh chúng ta. Loại virus gây ra bệnh này đa phần thuộc nhóm virus gây bệnh đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh thường là từ vài ngày đến 1 tuần.
Bạn có thể mắc sốt siêu vi bất kể thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra nhiều nhất vào thời điểm giao mùa hay khi nóng lạnh đột ngột rất dễ khiến chúng ta bị suy giảm sức đề kháng. Đồng thời các tác nhân gây bệnh nói chung và các virus nói riêng phát triển nhanh chóng, càng làm cơ thể dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, vào thời điểm này cần tăng cường các công tác bảo vệ sức khỏe như không để thay đổi nhiệt độ đột ngột, ăn uống điều độ, bổ sung thêm vitamin C để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh.
Sốt siêu vi có lây không?
Câu trả lời ở đây là có. Bệnh sốt siêu vi là một bệnh rất dễ lây. Tác nhân truyền bệnh là virus. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp và một số đường khác.
Các biện pháp tránh lây nhiễm sốt virus:
- Không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh: đeo khẩu trang y tế đối với cả người bệnh và người không bị bệnh, không tiếp xúc quá lâu với người bệnh.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải, thìa, đũa, cốc,…
- Bổ sung vào chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây.
Triệu chứng của sốt siêu vi là gì?
- Sốt cao liên tục, khoảng 38 – 39 độ, có khi lên đến 40 – 41 độ
Sốt là triệu chứng chủ yếu. Sốt cao liên tục, khoảng 38 – 39 độ, có khi lên đến 40 – 41 độ. Sốt đi kèm với đau đầu ở người lớn. Ở trẻ em cũng có đau đầu nhưng tỉnh táo, không kích thích, vật vã. Trẻ thường đau người, quấy khóc ở trẻ nhỏ.
Khi bị sốt, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, chân tay vô lực và trong thời gian sốt cao thường không đáp ứng đối với các thuốc hạ sốt như paracetamol. Vì vậy tốt nhất là nên chườm mát và thay khăn chườm liên tục. Bổ sung nước điện giải hoặc có thể thay thế bằng nước trái cây như nước cam, nước dừa,…
Kèm theo sốt và mệt mỏi thì người bệnh còn có thể có những triệu chứng khác như:
- Triệu chứng bệnh hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi,… do virus gây bệnh tại đường hô hấp.
- Triệu chứng rối loạn đường tiêu hóa: Tiêu chảy, nôn do virus gây bệnh tại đường tiêu hóa.
- Ngoài ra còn một số biểu hiện khác như sưng hạch, đỏ mắt,…
Sốt siêu vi có nguy hiểm không?
Diễn biến bệnh xảy ra nhanh chóng và bệnh nhân có thể tự khỏi sau 5 – 7 ngày. Để khỏi hẳn sốt siêu vi ở trẻ em cũng mất ngần ấy thời gian hoặc hơn. Sốt siêu vi là bệnh không nguy hiểm nếu được xử lý đúng cách. Có thể tự điều trị tại nhà bằng cách hạ sốt và cung cấp đủ nước, dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu để người bệnh sốt quá cao có thể gây co giật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh.
Điều trị sốt siêu vi như thế nào?
Hiện nay, sốt siêu vi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng
Điều trị triệu chứng
Hạ sốt
Có thể dùng các phương pháp hạ sốt bằng vật lý như lau mình bằng khăn ấm, lau khô mồ hôi, nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng, mỏng,…
Bên cạnh đó, các thuốc hạ sốt cũng được cân nhắc dùng như Paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng hoặc ibuprofen 200-400mg/ngày, dùng cách 4-6 giờ/lần.
Tránh lạm dụng thuốc hạ sốt vì có thể gây ngộ độc. suy gan, suy thận
Cần lưu ý không dùng các loại hạ sốt nhóm NSAIDs khi nghi ngờ bệnh do sốt xuất huyết, khi dùng thuốc phải lưu ý dùng đúng liều lượng, đúng thời gian, tránh lạm dụng thuốc hạ sốt, quá liều có thể gây ngộ độc gây suy gan, suy thận khó hồi phục. Bên cạnh đó cần lưu ý khi sử dụng trên bệnh nhân cơ địa bệnh về gan, thận, người bị viêm loét dạ dày- tá tràng, bệnh về máu, tiền sử dị ứng,… Nếu có thể hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi sử dụng.
Bù điện giải
Khi sốt cao người bệnh có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn chất điện giải, chính vì thế cần phải bù đủ nước, điện giải. Người bệnh cần uống đủ nước để bù lại lượng dịch mất qua da, nước được dùng có thể là nước đun sôi để nguội, nước hoa quả, có thể sử dụng nước dừa, nước cháo loãng (chỉ nên nấu và được sử dụng trong ngày), hoặc dùng dung dịch oresol (pha đúng theo hướng dẫn loại oresol sử dụng, có loại pha trong 200ml, 250ml hoặc 1l nước), uống theo nhu cầu của người bệnh.
Với bệnh nhân nôn quá nhiều, không uống được cần cân nhắc truyền dịch bằng đường tĩnh mạch để bù đủ lượng dịch bị mất.
Không nên sử dụng các loại nước giải khát đóng chai, chế biến sẵn không rõ nguồn gốc.
Chăm sóc người bệnh sốt siêu vi như thế nào?
Thông thường, sốt siêu vi không nguy hiểm, có thể tự điều trị và chăm sóc tại nhà đúng cách bệnh có thể tự khỏi và không để lại biến chứng gì.
- Khi bị sốt siêu vi, người bệnh cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể thường xuyên bằng nhiệt kế, chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể từ 38,5ºC.
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, tránh nơi đông người, mặc quần áo thoáng mát,…
- Uống đủ nước, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn giàu năng lượng, dễ tiêu.
Cần lưu ý khi có các triệu chứng nặng như sốt cao kéo dài, đau đầu liên tục, nôn nhiều, khó thở, mất ý thức,.. cần nhập viện để điều trị kịp thời.
Xem thêm: Sốt siêu vi nên ăn gì?
Phòng bệnh sốt siêu vi như thế nào?
Sốt siêu vi là bệnh chủ yếu do virus xâm nhập qua đường hô hấp, vì thế bệnh dễ lây lan và gây thành dịch. Vì vậy, người bệnh sốt siêu vi cần cách ly tại nhà, tránh tiếp xúc với người xung quanh, những nơi công cộng, nơi đông người, nhất là ở giai đoạn có sốt.
Cần đeo khẩu trang và thay khẩu trang thường xuyên, đặc biệt khi ở nơi đông người. Rửa tay thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn tay thông thường. Khi ho, hắt hơi cần che bằng giấy hay tay áo, sau đó rửa tay sạch cũng giúp giảm lây nhiễm bệnh cho người xung quanh.
Nâng cao hệ miễn dịch cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao, thay đổi lối sống lành mạnh, giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh,.. cũng là một biện pháp giúp cơ thể phòng tránh được sốt siêu vi.
BS Nguyễn Thùy
Nguồn Nội khoa Việt Nam