Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm là một bệnh gặp ở mọi lứa tuổi đặc biệt ngày nay tỉ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh ngày càng nhiều. Tình trạng thoát vị đĩa đệm gây nên những triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, làm việc của người bệnh. Vậy hãy cùng tìm hiểu những triệu chứng của thoát vị đĩa đệm là gì.

Những bất thường mà người bệnh có thể nhận biết khi thoát vị đĩa đệm?

Triệu chứng đau và tính chất của nó

Triệu chứng xuất hiện sớm và thường gặp nhất trong thoát vị đĩa đệm là đau đột ngột, dữ dội ở vùng thoát vị đĩa đệm. Ở cột sống thắt lưng, cơn đau có thể lan xuống mông, đùi, cẳng chân. Ở cột sống cổ, cơn đau có thể lan xuống vùng bả vai, cánh tay, cẳng tay, bàn ngón tay.

Cơn đau trong thoát vị đĩa đệm cột sống tăng khi vận động mạnh và khi hắt hơi, ho, thường tăng vào thời điểm nửa đêm gần sáng và giảm khi nằm yên.

Triệu chứng đau vùng thoát vị đĩa đệm

Triệu chứng đau vùng thoát vị đĩa đệm

Bất thường về vận động

Do đau và các dây thần kinh bị chèn ép nên khi bị thoát vị đĩa đệm người bệnh thường gặp các hạn chế về vận động.

Khi thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thì hạn chế các hoạt động xoay, cúi, ngửa cổ, giai đoạn sau hạn chế cả vận động của cánh tay, cẳng tay.

Khi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thì hạn chế các động tác cúi người, ngửa người, nghiêng hoặc xoay cột sống. Về sau khi chèn ép dây thần kinh thì còn ảnh hưởng đến vận động của chi dưới.

Bất thường về cảm giác

Thường gặp nhất là cảm giác tê bì, cảm giác châm chích như điện giật ở một vị trí nào đó do thoát vị đĩa đệm chèn ép vào dây thần kinh.

Những biểu hiện bất thường khác

Một số trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây chèn ép vào đám rối thần kinh đuôi ngựa, biểu hiện liệt hai chân vùng ngọn, teo cơ kiểu cẳng gà, mất cảm giác vùng yên ngựa, rối loạn cơ vòng bàng quang, hậu môn.

Những triệu chứng có thể phát hiện được khi khám lâm sàng

Các dấu hiệu của hội chứng cột sống

Biến dạng cột sống

Biểu hiện ở tình trạng thay đổi đường cong sinh lý, mất ưỡn hoặc giảm ưỡn cột sống thắt lưng, bị gù hoặc lệch vẹo cột sống.

Biến dạng cột sống

Biến dạng cột sống

Tư thế chống đau

Cho người bệnh đứng nghiêng người sang trái, sang phải, phía không có tư thế chống đau là phía bị nghẽn ( Còn gọi là gãy khúc đường gai sống).

Co cứng cơ cạnh sống

Quan sát bệnh nhân ở tư thế đứng thẳng hoặc nghiêng thì thấy cơ bên nào co cứng sẽ nổi vồng lên. Khi dùng tay sờ nắn sẽ thấy khối cơ đó chắc chắn.

Độ dãn cột sống thắt lưng giảm rõ

  • Nghiệm pháp tay- đất: Cho bệnh nhân đứng thẳng sau đó yêu cầu bệnh nhân cúi tối đa, chân thẳng, hai tay giơ thẳng ra trước (hướng xuống đất) sau đó đo khoảng cách từ giữa ngón tay giữa của bệnh nhân tới mặt đất. Nhìn chung, người có cột sống khoẻ mạnh khi cúi thì khoảng cách ngón tay – đất thường bằng không (đầu ngón tay giữa chạm được xuống đất), hoặc là một số âm. Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có kích thích rễ thì ngón tay không thể chạm được xuống đất.
  • Nghiệm pháp Schober: Đầu tiên cho bệnh nhân đứng thẳng, thầy thuốc xác định mỏm gai của đốt S1 và đánh dấu lại. Từ điểm này đo lên trên 10cm (đo lần một) và đánh dấu tiếp điểm thứ 2, như vậy hai điểm cách nhau 10 cm. Sau đó cho bệnh nhân cúi tối đa, hai chân duỗi thẳng tại khớp gối. Thầy thuốc đo lại khoảng cách giữa hai điểm (ở tư thế cúi của bệnh nhân).

Các dấu hiệu của đau rễ và dây thần kinh hông

( Dùng trong trường hợp bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng)

Dấu hiệu bấm chuông

Dùng ngón tay ấn vào đốt sống thắt lưng V hoặc cùng I, bệnh nhân thấy đau chói truyền xuống bàn chân theo đường đi dây thần kinh hông to.

Điểm đau Valeix

Dùng ngón tay cái ấn sâu vào các điểm trên đường đi của dây thần kinh, nếu dây thần kinh bị tổn thương sẽ có cảm giác đâu chói tại chỗ bị ấn. Các điểm trong hệ thống điểm đau Valeix là: Giữa ụ ngồi và mấu chuyển lớn, giữa nếp lằn mông, giữa mặt sau đùi và giữa nếp khoeo, giữa cung cơ dép cẳng chân.

Các dấu hiệu làm căng dây thần kinh hông

Nghiệm pháp Lasegue

Tư thế bệnh nhân năm ngửa, hai chân duỗi thẳng, tư thế thoải mái.

Thầy thuốc dùng một tay của mình cầm cổ chân, tay còn lại đặt ở đầu gối bệnh nhân giữ cho chân thẳng và thao tác khám theo hai thì:

Thì 1: Nâng cao chân bệnh nhân (luôn ở tư thế duỗi thẳng) lên khỏi mặt giường (hướng tới 90 độ), tới khi bệnh nhân kêu đau, căng dọc mặt sau chân thì dừng lại. Xác định góc giữa chân bệnh nhân và mặt giường (ví dụ nâng chân tới 45 độ  thì bệnh nhân kêu đau thì góc Lasègue là 45 độ).

Thì 2: Giữ nguyên góc đó (theo ví dụ trên là 45 độ) và gấp chân bệnh nhân lại tại khớp gối. Bệnh nhân không còn đau dọc mặt sau chân nữa. Khám lần lượt hai chân của bệnh nhân.

Cách đánh giá kết quả: Người bình thường có góc Lasègue 90 độ.

Dấu hiệu Lasègue dương tính phải biểu hiện đồng thời 2 yếu tố:

Thì 1: Bệnh nhân thấy đau khi chân chưa vuông góc với mặt giường.

Thì 2: Khi gấp chân lại bệnh nhân thấy hết đau.

+ Dấu hiệu Neri: Bệnh nhân đứng thẳng, sau đó cúi gập người, hai tay giơ ra trước (hướng cho tay chạm xuống đất), hai gối giữ thẳng thẳng.

Nghiệm pháp dương tính khi bệnh nhân thấy đau dọc chân bị bệnh và chân bên đó co lại tại khớp gối.

+ Dấu hiệu Bonet: Bệnh nhân nằm ngửa, gấp cẳng chân vào đùi, vừa ấn đùi vừa xoay vặn đùi vào phía trong, thấy đau ở mông là dấu hiệu dương tính.

Nghiệm pháp Lasegue

Nghiệm pháp Lasegue

Rối loạn về vận động và cảm giác

Về vận động

Khi có thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, ban đầu bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy đau nhức ở cổ, cứng cổ, khó vận động. Lâu dần không chỉ khó thực hiện các động tác cúi, ngửa, xoay cổ mà còn hạn chế cả vận động của cánh tay, cẳng tay, bàn tay, gây khó khăn trong việc thực hiện chức năng cầm, nắm, nâng đỡ đồ vật.

Khi có thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thì tùy vào rễ thần kinh bị tổn thương mà có thể ảnh hưởng đến sức cơ của cẳng chân, làm yếu động tác nhấc chân lên khỏi mặt đất, không đi được bằng gót chân hay yếu động tác gấp bàn chân về phía gan chân, không thể đi được bằng mũi chân. Do đó ảnh hưởng nhiều đến chức năng nâng đỡ cơ thể, đi lại.

Về cảm giác

Chủ yếu người bệnh có cảm giác tê bì vùng cánh tay, cẳng tay, bàn tay, vùng đùi, cẳng chân bàn chân. Và khi khám có thể phát hiện việc giảm hoặc mất các cảm giác nông (đau, nóng, lạnh, xúc giác).

Khi có những biểu hiện của thoát vị đĩa đệm thì nên làm gì?

Biểu hiện của thoát vị đĩa đệm rất đa dạng, có thể khác nhau ở mỗi người bệnh. Điều đặc biệt là những triệu chứng này có thể gặp ở rất nhiều nhóm bệnh lý khác của cột sống như thoái hóa cột sống, lao cột sống, ung thư cột sống,… Do đó để kịp thời ngăn chặn tiến triển của bệnh, phòng những biến chứng nguy hiểm thì khi có bất kỳ biểu hiện nào bất thường cũng nên đến ngay cơ sở chuyên khoa để thăm khám, làm các cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp.

Lời khuyên dành cho những người có nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm?

Bệnh thoát vị đĩa đệm ở nhiều người có biểu hiện thầm lặng do đó khi có những yếu tố nguy cơ của bệnh lý này nên trực tiếp đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kịp thời thăm khám, phát hiện bệnh bởi lẽ về lâu về dài bệnh lý này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt, công việc và sức khỏe của chúng ta.

Xem thêm: Điều trị thoái vị đĩa đệm như thế nào?