UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) xảy ra khi các tế bào bất thường của cổ tử cung phát triển ngoài tầm kiểm soát.

Cổ tử cung là phần dưới của tử cung mở vào đầu trên của âm đạo. UTCTC là một trong các loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ và có thể phát hiện ở giai đoạn rất sớm bằng thử nghiệm Pap (Pap là viết tắt tên tác giả của thử nghiệm: Georgios Papanikolaou, người Hi Lạp).

Đa số UTCTC gây ra bởi virut HPV. Bạn có thể bị lây nhiễm HPV do quan hệ tình dục với người có HPV. Khi đó hệ thống miễn dịch sẽ có phản ứng chống lại virut gây hại. Đa số người lớn nhiễm HPV có thể tự khỏi nhưng một tỷ lệ thấp có thể gây ra các mụn cơm đường sinh dục hoặc dẫn đến UTCTC. Có thể làm giảm nguy cơ UTCTC bằng nhiều cách: xét nghiệm định kỳ tế bào cổ tử cung (kỹ thuật Pap, hoặc bằng phương pháp nhúng dịch), thử nghiệm HPV DNA hoặc tiêm vắc xin có tác dụng bảo vệ chống lại virut HPV.

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung

Triệu chứng ung thư cổ tử cung (nguồn: internet)
Triệu chứng ung thư cổ tử cung (nguồn: internet)

UTCTC khởi phát khi tế bào khỏe mạnh bị đột biến gen trở thành tế bào bất thường. Các tế bào ung thư phát triển và nhân đôi mất kiểm soát, và chúng không chết theo quy luật. Chúng tạo thành khối u, tế bào ung thư xâm lấn các mô kế cận, di căn đến nhiều nơi trên cơ thể.

Đầu những năm 80 thế kỷ trước, Harald zur Hausen, người Đức, khám phá ra virut HPV là nguyên nhân hay gặp nhất của UTCTC, từ đó giúp cho ngành y tế chế tạo ra các loại văcxin để phòng ngừa bệnh này. HPV thường gây ra các mụn cơm đường sinh dục. Có > 100 týp HPV, trong đó có 40 týp lây qua đường tình dục. Hai týp HPV 16 và 18 là nguyên nhân chính gây ra UTCTC. Phụ nữ nhiễm HPV khá phổ biến nhưng không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ phát triển thành UTCTC, số đông sẽ tự khỏi.

Triệu chứng của ung tư cổ tử cung

Trong giai đoạn sớm, UTCTC thường không có triệu chứng gì rõ rệt.

Trong giai đoạn muộn, bệnh có các biểu hiện sau:

  • Xuất huyết âm đạo không bình thường: ví dụ xảy ra sau giao hợp, xuất huyết giữa kỳ kinh hoặc xuất huyết khi đã mãn kinh.
  • Dịch tiết âm đạo nhầy lẫn máu, có thể có mùi hôi.
  • Đau vùng chậu hoặc đau khi giao hợp.

Nên khám phụ khoa ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên, bạn cần làm sớm xét nghiệm tế bào cổ tử cung.

Cấu tạo của cổ tử cung và các loại ung thư cổ tử cung

Cổ tử cung là phần dưới của tử cung, mở vào đầu trên âm đạo. Ở phụ nữ chưa sinh đẻ, cổ tử cung dài khoảng 2-3 cm. Ở giữa là buồng cổ tử cung hình con suốt, hẹp, phía trên thông với buồng tử cung qua lỗ trong cổ tử cung và phía dưới thông vào âm đạo qua lỗ ngoài cổ tử cung. Buồng cổ tử cung được lót bởi một lớp liên bào tuyến hình trụ, có nhiều khe nhỏ phân nhánh ăn sâu xuống khoảng 0,5–1,0 cm, lớp mô này ở đây có tên là cổ tử cung trong. Phần dưới cổ tử cung lồi vào trong âm đạo được gọi là cổ tử cung ngoài được che phủ bởi nhiều lớp liên bào vảy không sừng hóa. Đường gặp nhau giữa hai loại liên bào vảy-trụ này gọi là đường nối vảy-trụ có thể chuyển dịch dần xuống thấp sau dậy thì và sau mang thai, do liên bào trụ được thay thế bởi liên bào vảy chuyển sản. Vùng biến đổi, nằm giữa đường nối vảy-trụ nguyên thủy với đường nối vảy-trụ mới, là nơi xuất phát của > 90% trường hợp ung thư tế bào vảy và chuyển sản.

Phân loại UTCTC giúp cho việc tiên lượng và điều trị bệnh:

  • Ung thư tế bào vảy (gai): phát triển từ nhiều lớp liên bào vảy che phủ cổ tử cung ngoài và âm đạo, loại ung thư này chiếm đa số.
  • Ung thư tế bào tuyến: phát triển từ lớp đơn tế bào hình trụ lót bên trong buồng CTC (tức là từ cổ tử cung trong).

Các nghiên cứu gần đây cho rằng đoạn nối giữa hai loại liên bào là vị trí của “các tế bào phôi thai”, liên quan đến các hiện tượng chuyển sản và cũng là nơi sinh ra ung thư cùng các tổn thương báo trước.

Đôi khi gặp cùng lúc cả hai loại tế bào ung thư trên một bệnh nhân. Rất hiếm gặp các trường hợp UTCTC phát sinh từ các loại tế bào khác, ví dụ: u lymphô, u hắc tố, u di căn…

Yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung

   Yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung (nguồn: internet)
  • Quan hệ tình dục sớm.
  • Phụ nữ càng có nhiều bạn tình và trong số này có người có nhiều bạn tình khác thì nguy cơ nhiễm HPV càng cao.
  • Nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác: Chlamydia, bệnh lậu, giang mai, HIV/ AIDS.
  • Không an toàn trong giao hợp.
  • Quan hệ tình dục với đàn ông không có cắt bao qui đầu.
  • Hệ miễn dịch kém, ví dụ HIV/AIDS.
  • Hút thuốc và hít khói thuốc (từ người khác) liên quan đến ung thư tế bào gai.

Tầm soát ung thư cổ tử cung

UTCTC phát hiện càng sớm thì tỷ lệ điều trị khỏi bệnh càng cao. Hầu hết các hướng dẫn đều khuyên phụ nữ từ 21 tuổi đã có quan hệ tình dục nên tầm soát UTCTC.

– Thử nghiệm Pap: Nạo vét tế bào cổ tử cung, phết lên lam kính và cố định, gửi đến phòng xét nghiệm tế bào (đọc dưới kính hiển vi). Thử nghiệm này không nhằm tìm HPV, nó chỉ nhận diện các biến đổi tế bào của cổ tử cung do virut này gây ra. Sau quan hệ tình dục có nguy cơ nhiễm HPV, phải làm thử nghiệm Pap ít nhất mỗi 3 năm. HPV chủ yếu gặp ở người trẻ, tỷ lệ mắc thấp hơn ở người > 30. Khi thấy có các biến đổi tế bào, cần làm thêm các sinh thiết cổ tử cung để tìm các thương tổn tiền-ung thư hay ung thư của cổ tử cung.

– Thử nghiệm HPV DNA: Xét nghiệm giúp phát hiện xem trong các tế bào cổ tử cung thu nhận được có các

nhóm HPV có nguy cơ cao gây ra UTCTC hay không, bằng cách tìm các đoạn DNA có trong tiêu bản thử. Đây vẫn chỉ là một thử nghiệm tầm soát nguyên nhân, không nói lên được bệnh nhân có bị ung thư hay không. Cách tiến hành: làm cùng lúc với thử nghiệm Pap (dùng chung mẫu), hoặc lấy một mẫu thứ hai ở kênh cổ tử cung. Được khuyến cáo dùng cho phụ nữ trên 30 tuổi, hoặc cho phụ nữ trẻ hơn có thử nghiệm Pap bất thường nhẹ, không xác định. Thử nghiệm HPV DNA được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn mà không phải làm thử nghiệm Pap để tầm soát UTCTC.

Chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Nếu nghi ngờ UTCTC, sinh thiết cổ tử cung để chẩn đoán mô học là bắt buộc. Soi cổ tử cung giúp xác định vị trí cần sinh thiết. Có hai cách lấy mẫu:

– Sinh thiết bằng kềm bấm: Dụng cụ sắc để lấy mảnh mô nhỏ của cổ tử cung.

– Nạo niêm mạc buồng cổ tử cung: Thủ thuật sử dụng thìa nạo dẹt, bàn chải hay chổi để thu thập tế bào trong buồng cổ tử cung.

Nếu hai thủ thuật trên còn nghi ngờ, bước tiếp theo có thể làm:

– Phương pháp cắt điện bằng thòng lọng: Dùng một thòng lọng nhỏ, điện áp thấp để cắt lấy một mảnh mô cổ tử cung. Gây tê tại chỗ.

– Khoét chóp CTC: Thủ thuật giúp thu thập được mô bất thường nằm cao trong buồng tử cung mà không thể thấy được qua soi cổ tử cung, thực hiện dưới gây mê.

Phân giai đoan ung thư cổ tử cung

Khi xác định bệnh nhân bị UTCTC thì người bệnh cần làm thêm một số các cận lâm sàng khác để xác định giai đoạn của ung thư, đây là chìa khóa để điều trị bệnh.

– Chẩn đoán hình ảnh giúp xác định vị trí di căn: X quang, chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp bức xạ positron (PET).

– Soi trực tràng, bàng quang: khi nghi ngờ ung thư xâm lấn các cơ quan lân cận.

Các giai đoạn của UTCTC:

  • Giai đoạn I: Ung thư giới hạn ở cổ tử cung.
  • Giai đoạn II: Ung thư ở cổ tử cung và phần trên âm đạo.
  • Giai đoạn III: Ung thư lan đến phần dưới âm đạo hoặc lan ra thành chậu hông.
  • Giai đoạn IV: Ung thư xâm lấn các tạng lân cận như bàng quang, trực tràng hay di căn xa đến phổi, gan, xương.

Điều trị ung thư cổ tử cung

                          Điều trị ung thư cổ tử cung (nguồn: internet)

Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư và bệnh lý kèm theo của người bệnh, sử dụng một hoặc phối hợp nhiều phương pháp: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.

Phẫu thuật

Ung thư giai đoạn rất sớm có thể chữa khỏi bằng mổ cắt tử cung và cổ tử cung đơn thuần.

Cắt tử cung + nạo hạch: cắt tử cung, cổ tử cung, một phần âm đạo, nạo hạch vùng.

Xạ trị

Dùng tia X hay proton để diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể kết hợp với hóa trị trước phẫu thuật để làm giảm kích thước khối u, hoặc dùng sau mổ để làm sạch các tế bào ung thư còn sót lại. Có 3 cách xạ trị: xạ trị ngoài, xạ trị trong, hoặc phối hợp cả hai cách.

Hóa trị

Hóa trị liều thấp thường kết hợp với xạ trị. Hóa trị liều cao thường dùng cho các bệnh nhân giai đoạn tiến xa, nhưng hiệu quả thường thấp.

Tiêm vắc – xin phòng HPV

Nếu bạn ≤ 26 tuổi, bạn có thể dùng văcxin HPV đề phòng 2 týp HPV 16, 18 có thể gây ra UTCTC cho trẻ gái 1 và 12 tuổi. Cũng chỉ định cho nữ 13-26 tuổi chưa tiêm văcxin hoặc tiêm không đủ liều. Cũng có thể dùng cho trẻ gái bắt đầu từ 9 tuổi.

Tại sao văcxin HPV chỉ dùng cho nữ dưới tuổi 26? Vì các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, nói chung văcxin này chỉ có tác dụng bảo vệ nhất định đối với các bệnh có liên quan đến HPV. Đối với phụ nữ trên 26 tuổi, cách tốt nhất để phòng UTCTC là tầm soát UTCTC thường qui như đã khuyến cáo.

Hiệu quả của văcxin HPV: Tất cả các loại văcxin HPV đều nhằm vào các týp HPV hay gây ra UTCTC nhất và có thể gây ra vài ung thư khác của âm hộ, âm đạo, hậu môn và họng miệng. Hai loại văcxin HPV 16 và 18 cũng bảo vệ các týp HPV gây ra đa số các mụn cơm đường sinh dục.

Tiên lượng

Tỷ lệ sống còn sau 5 năm của UTCTC:

Giai đoạn I: 80-95%; Giai đoạn II: 75- 78%; Giai đoạn III: 47-50%; Giai đoạn IV: 20-30%.

Các thuật ngữ chuyên môn Việt-Anh sử dụng trong bài: bệnh lây đường tình dục (Sexual Transmission Infections – STIs), cổ tử cung ngoài (ectocervix/exocervix), cổ tử cung trong (endocervix), khoét chóp cổ tử cung (conization), phương pháp cắt điện bằng thòng lọng (Loop Electrosurgical Excision Procedure – LEEP), thử nghiệm HPV DNA (HPV DNA test), thử nghiệm Pap (Pap test /Pap smear), tổn thương báo trước (precursors), ung thư tế bào vảy (squamous cell carcinoma), ung thư tế bào tuyến (adenocarcinoma), virut HPV (human papillomavirus, HPV).

PGS TS BS Ngô Thị Kim Phụng – ThS BS Nguyễn Thị Tố Thư – Đại học Y Dược TPHCM

Trích Tạp chí “Sống khỏe” số 17 – Bệnh viện Đại học

Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

 

 

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận