Ung thư tuyến tiền liệt và những điều cần biết

Ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL) là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới trên toàn thế giới, thường xuất hiện ở đàn ông trên 50 tuổi và tần suất mắc tăng lên theo tuổi. Bệnh biểu hiện, diễn biến rất đa dạng và khả năng di căn khó dự đoán, nhiều người chủ quan và dễ bỏ qua các triệu chứng của bệnh nên khi đi khám thường bệnh đã tiến triển nặng lên. Vì thế mỗi người cần trang bị kiến thức và hiểu thêm về bệnh. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn:

Ung thư tuyến tiền liệt là gì?

Tuyến tiền liệt (TTL) là 1 tuyến chỉ có ở nam giới, nhỏ bằng hạt đậu, nằm bên dưới cổ bàng quang, bao bọc đoạn đầu của niệu đạo (đường tiểu dưới) của nam giới, kích thước trung bình khoảng 15gram. Chức năng TTL là tiết ra tinh dịch để nuôi dưỡng và bảo quản tinh trùng.

UTTTL là sự xuất hiện của tế bào ung thư nằm trong TTL, chúng nhân lên và phát triển mạnh mẽ, đa phần xuất phát từ tế bào tuyến.

UTTTL có tỉ lệ mắc cao cũng như tỉ lệ tử vong cao, bệnh làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, tâm lý người bệnh, chi phí điều trị cao và lâu dài.

Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của ung thư tuyến tiền liệt

Hiện nay nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt chưa được xác đinh rõ ràng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh có liên quan đến một số yếu tố sau:

Tuổi tác

Có mối liên hệ rất chặt chẽ với tỉ lệ mắc bệnh, đàn ông càng lớn tuổi nguy cơ càng cao mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Tỉ lệ mắc bệnh là rất thấp ở độ tuổi dưới 40, tuy nhiên con số này lại tăng nhanh sau đó và tỉ lệ mắc cao nhất ở giai đoạn 65-74 tuổi.

Dân tộc

Người da đen có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người da trắng và da vàng.

Yếu tố di truyền

Trong gia đình, nếu có bố, anh, em trai có người mắc UTTTL thì nguy cơ mắc tăng lên gấp 2,3 lần so với đàn ông trong gia đình không có ai trước đó mắc.

Chế độ dinh dưỡng

Nhiều nghiên cứu cho thấy UTTTL có liên quan mật thiết với chế độ ăn thiếu lành mạnh như ăn nhiều thịt, chất béo,..

Ngoài ra một số thói quen sinh hoạt không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu, béo phì,.. mắc một số bệnh như viêm tuyến tiền liệt, bệnh đường sinh dục, yếu tố nội tiết,.. cũng liên quan đến bệnh.

Biểu hiện của ung thư tuyến tiền liệt là gì?

UTTTL tiến triển chậm nên thường các biểu hiện của bệnh rất ít và không đặc hiệu, nhiều lúc không có triệu chứng khi ở giai đoạn đầu. Chính vì thế, người bệnh rất khó phát hiện và bỏ qua, thường đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh đó là:

Rối loạn tiểu tiện

Đái khó, đái không tự chủ

Đái khó, đái không tự chủ

Do khối u chèn ép vào đường tiểu, làm bít tắc đường tiểu. Người bệnh có thể có:

  • Đái khó, tia đái nhỏ
  • Đái nhiều lần mức độ khác nhau, cảm giác đái không hết do có nước tiểu dư trong bàng quang
  • Đái không tự chủ
  • Có khi bí đái, không đái được

Các dấu hiệu tiến triển lan tràn

Khi khối u lan tỏa, xâm lấn đến các bộ phận xung quanh trong cơ thể gây ra các triệu chứng như

  • Đau xương do khối u di căn xương
  • Phù nề chi dưới do hạch vùng chậu chèn ép
  • Đau dây thân kinh tọa
  • Xuất tinh ra máu

Các dấu hiệu toàn thân khác

Ở giai đoạn muộn, khi khối u phát triển thành nhiều ổ, lan tỏa xâm lấn, di căn đi nhiều nơi, phá hủy nhiều tổ chức, sẽ gây ra những rối loạn toàn thân trầm trọng như:

  • Suy thận: gầy sút, phù nề, xanh nhợt, thiếu máu
  • Di căn phổi
  • Di căn gan
  • Di căn não

Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Với công nghệ y học phát triển, có nhiều phương pháp được lựa chọn để chẩn đoán UTTTL:

Xét nghiệm nồng độ PSA

PSA là một kháng nguyên đặc hiệu của mô tuyến tiền liệt, bình thường nó chỉ có một nồng độ rất nhỏ trong máu. Nồng độ PSA có xu hướng tăng lên trong các trường hợp bệnh lý (u phì đại TTL, viêm TTL, UTTTL, cắt nội soi TTL).

Người ta nhận thấy rằng, UTTTL làm tăng gấp PSA gấp 10 lần so với TTL bình thường và nồng độ PSA trong máu bất thường khi >4 ng/ml.

PSA là xét nghiệm không những để chẩn đoán bất thường về TTL mà còn có giá trị theo dõi tiến triển của bệnh, đặc biệt là UTTTL giai đoạn xâm lấn, sau điều trị.

Tỉ lệ PSA tự do/toàn phần là thông số được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng để phân biệt giữa tăng sinh lành tính và UTTTL. Tỉ lệ này được sử dụng trong trường hợp nồng độ PSA từ 4 đến 10ng/mL và thăm khám trực tràng không có dấu hiệu nghi
ngờ UTTTL. Thông thường lấy mức PSA tự do/ PSA toàn phần có ý nghĩa là < 0,1.
Nhằm mục đích tăng độ nhạy và độ chuyên biệt của xét nghiệm PSA, các xét nghiệm chuyên sâu như đo vận tốc PSA, tỷ trọng PSA, PSA theo tuổi cũng được sử dụng.

Phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Siêu âm

Siêu âm qua trực tràng: mục đích chẩn đoán và đánh giá sự xâm lấn tại chỗ của UTTTL, đồng thời giúp hướng dẫn chọc sinh thiết vùng nghi ngờ để chẩn đoán xác định.

Hình ảnh đặc hiệu của UTTTL trên siêu âm là một hay nhiều vùng giảm âm, ngay ở giai đoạn chưa sờ nắn được khi thăm khám trực tràng.

Siêu âm ổ bụng: có giá trị định hướng chẩn đoán và đánh giá sự di căn khối u trong ổ bụng.

Siêu âm ổ bụng

Siêu âm ổ bụng

Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ

Là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có giá trị cho việc xác định hạm vi khối u, chẩn đoán mức độ xâm lấn vào tổ chức xung quanh và di căn của khối u, đặc biệt là di căn hạch chậu.

Chụp xạ hình xương và PET/CT

Chụp xạ hình xương phát hiện những tổn thương di căn vào xương: cột sống thắt lưng, vùng khung chậu hông, đầu trên xương đùi, xương sườn,..

PET/CT  là phương pháp xác định giai đoạn bệnh hiện đại dựa trên các hình ảnh cắt lớp được chụp sau khi tiêm các hoạt chất phóng xạ như 18 – Fluoro – Deoxy Glucose (FDG). Các chất phóng xạ này sẽ tích tụ lại những nơi tăng chuyển hoá glycolyse do ung thư. Ưu điểm của phương pháp này là có khả năng phát hiện di căn sớm.

Sinh thiết và xét nghiệm mô bệnh học

Sinh thiết là thủ thuật xâm lấn, lấy một phần nhỏ trong khối u ở TTL hoặc lấy hoàn toàn khối u để kiểm tra xem hình thái tế bào và cấu trúc mô có phải ác tính hay không thông qua bác sĩ giải phẫu bệnh phân tích dưới kính hiển vi.

Sinh thiết khối u dưới hướng dẫn siêu âm

Sau khi sinh thiết, bệnh phẩm lấy từ khối u của bệnh nhân được mang đi làm xét nghiệm mô bệnh học.

Kết quả mô bệnh học sau sinh thiết là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định UTTTL hay không.

Điều trị Ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?

Nguyên tắc điều trị

Điều trị UTTTL cần dựa vào các yếu tố sau:

  • Chẩn đoán, đánh giá trước điều trị nhằm xác định hướng điều trị rõ ràng.
  • Ước tính thời gian sống thêm.
  • Phân nhóm nguy cơ để lựa chọn phác đồ phù hợp từng cá thể người bệnh.
  • Xác định mục tiêu, kế hoạch điều trị trên cụ thể từng người bệnh

Phẫu thuật

Chỉ định phẫu thuật

Phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt

Phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt

Căn cứ vào giai đoạn bệnh, chẩn đoán mô bệnh học, thời gian kỳ vọng có thể sống thêm, tình trạng bệnh lý kèm theo của người bệnh như bệnh về tim mạch, đái tháo đường, di chứng tai biến mạch máu não,..Mà bác sỹ có chỉ định phẫu thuật hay không phẫu thuật, mổ mở hay mổ nội soi.

Chỉ định cắt toàn bộ TTL được chỉ định trong giai đoạn khu trú, chưa có di căn hạch, di căn xa, thời gian kỳ vọng sống thêm trên 10 năm, không có các bệnh lý đi kèm như bệnh về tim mạch, đái tháo đường,.., PSA< 20ng/ml, phân độ mô bệnh học điểm Gleason ≤8 (chỉ số này được coi là chỉ định tương đối, tùy vào mức độ mà bác sỹ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật)

Nguyên tắc phẫu thuật

– Cắt toàn bộ tuyến tiền liệt, túi tinh và bóng của ống dẫn tinh
– Nạo hạch chậu từ hạch chậu bịt đến vùng chia đôi động mạch chậu chung.
– Nạo hạch mở rộng: đến chỗ chia đôi động mạch chủ bụng.
– Bảo tồn bó mạch – thần kinh tối đa có thể.

Các phương pháp phẫu thuật

  • Phẫu thuật (mở) cắt TTL triệt căn qua đường đáy chậu.
  • Phẫu thuật (mở) cắt TTL triệt căn sau xương mu.
  • Phẫu thuật nội soi cắt TTL triệt căn qua phúc mạc.
  •  Phẫu thuật nội soi cắt TTL triệt căn qua đường sau phúc mạc.
  • Phẫu thuật cắt TTL triệt căn có sự hỗ trợ của robot.

Xạ trị

Là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao gồm các sống điện từ (tia X, tia gama,..) hoặc các hạt nguyên tử (electron, notron, proton,..) để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Chỉ định xạ trị cho bệnh nhân phải được cân nhắc cụ thể trong từng trường hợp cụ thể và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc chung của điều trị.

Các phương pháp xạ trị được sử dụng trong điều trị UTTTL bao gồm:

  • Xạ trị chiếu ngoài vào vùng chậu.
  • Xạ trị khu trú vào tuyến tiền liệt.
  • Cấy hạt phóng xạ điều trị áp suất.
Xạ trị

xạ trị

Liệu pháp ức chế Androgen

Có vai trò cơ bản trong điều trị UTTTL giai đoạn di căn.

Các tế bào ung thư TTL phát triển phụ thuộc vào androgen, tinh hoàn sản xuất khoảng 90% androgen dưới dạng testosteron, phần còn lại từ vỏ thượng thận. Cắt nguồn cung cấp adrogen có thể làm tế bào ung thư phát triểm chậm hơn hoặc làm cho tế bào ung thư phải chết.

Các phương pháp lựa chọn gồm:

  • Ngoại khoa: cắt bỏ toàn bộ tinh hoàn hay bóc tủy tinh hoàn có ưu điểm giảm ngay lượng testosteron huyết thanh nhưng lại có nhược điểm gây suy giảm sinh lý, loãng xương, tổn thương tâm lý cho người bệnh,..
  • Cắt tinh hoàn nội khoa bằng thuốc:

Đồng vận thụ thể GnRH: Gosereline, Triptoreline, Leuprorelin acetate

Đối vận thụ thể GnRH: Degarelix

Các điều trị nội tiết khác

Kháng Androgen

Kháng Androgen loại Steroid: Cyproterone acetate, Megesterone acetate, Medroxyprogesterone acetate. Khi dùng cần chú ý tác dụng phụ trên hệ tim mạch và gan.

Kháng Androgen không Steroid như Bicalutamide, Flutamide, nilutamide.

Ức chế tổng hợp nội tiết nam

Aminoglutethimide, Ketoconazol hiện chỉ sử dụng trong điều trị ung thư kháng cắt tinh hoàn.

Các tác nhân nội tiết mới

Abiraterone Acetate có tác dụng ngăn cản tổng hợp Androgen tại chính tế bào ung thư tuyến tiền liệt, tinh hoàn và thượng thận. Chỉ định cho giai đoạn kháng cắt tinh hoàn.

Enzalutamide Tác động trên nhiều vị trí của đường tổng hợp androgen. Thuốc có hiệu quả ở UTTTL kháng cắt tinh hoàn đã hoặc chưa hóa trị và/hoặc sử dụng phối hợp với liệu pháp ức chế Androgen trong ung thư tuyến tiền liệt di căn còn nhạy với cắt tinh hoàn.

Thuốc chống hủy xương

Thuốc thuộc nhóm bisphosphonate, pamidronate, zoledrome acid có hiệu quả giảm triệu chứng và tần suất các biến cố liên quan di căn xương.

Điều trị miễn dịch

Pembrolizumab cho thấy hiệu quả ở những người bệnh UTTTL di căn kháng cắt tinh hoàn và thất bại sau điều trị các phương pháp khác.

Sipuleucel-T  gây đáp ứng miễn dịch với PAP (prostatic acid phosphatase) đã đƣợc chứng minh hiệu quả ở bệnh nhân UTTTL kháng cắt tinh hoàn sau điều trị Docetaxel.

Thuốc ức chế PARP

Olaparib: được chỉ định cho bệnh nhân UTTTL kháng cắt tinh hoàn di căn có đột biến gen sửa chữa tái tổ hợp tương đồng dạng gây bệnh hoặc nghi ngờ gây bệnh tiến triển sau điều trị abiraterone acetate hoặc enzalutamide.

Dược chất phóng xạ

Radium-223 là một dược chất phóng xạ phát ra bức xạ alpha. Radium có ái lực mạnh với mô xương bị tổn thương. Chỉ định chủ yếu điều trị triệu chứng cho người bệnh UTTTL di căn xương không có các tổn thương nội tạng quan trọng.

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận