Vắc xin phòng cúm và những điều cần biết
Vắc xin cúm được xem như lá chắn quan trọng cho người lớn và trẻ nhỏ, giúp bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của nhiều loại vi rút gây bệnh cúm. Những đối tượng nào cần được tiêm phòng cúm? Vắc xin cúm có tác dụng trong vòng bao lâu….
Nội dung bài viêt
Vắc xin cúm là gì?
Vắc-xin phòng cúm (hay còn được gọi là thuốc chích ngừa cúm) là vắc-xin được điều chế từ các virus cúm bất hoạt có tác dụng phòng ngừa sự tấn công và xâm nhập của bệnh cúm. Sau khi tiêm vắc-xin vào cơ thể, khoảng 2-3 tuần sẽ kích thích sản sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm.
Vắc xin phòng cúm sẽ sản sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm
Vì sao cần tiêm phòng cúm?
Cúm là một căn bệnh tiềm ẩn nguy cơ tiến triển đến mức độ nghiêm trọng, gây ra gánh nặng bệnh tật vô cùng lớn cho con người. Tại Việt Nam, trung bình có trên 800.000 người mắc cúm mỗi năm, số ca mắc bệnh thường gia tăng mạnh khi giao mùa và khi thay đổi thời tiết. Nếu bệnh nhân mắc cúm không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như: nhiễm trùng tai, viêm phổi, co giật,…. Nặng hơn là như đau tim, đột quỵ hoặc thậm chí tử vong. Mỗi mùa cúm sẽ có những chủng khác nhau, và mỗi người khi nhiễm cúm sẽ có diễn biến khác nhau. Việc tiêm vắc-xin phòng cúm hàng năm đã được chứng minh là cách hữu hiệu và mang lại nhiều lợi ích: làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm, giảm tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong liên quan tới cúm ở trẻ em.
Những đối tượng nào cần tiêm phòng cúm?
Theo khuyến cáo của Trung tâm Phòng và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, tất cả mọi người nên đi tiêm vắc-xin phòng cúm hằng năm, trước thời điểm mùa cúm xảy ra khoảng 1 tháng, để bảo vệ sức khỏe bản thân. Trong đó đặc biệt là các nhóm như:
- Người đang làm công việc chăm sóc trẻ em dưới 6 tháng tuổi, hoặc thường xuyên tiếp xúc với trẻ.
- Người có sức đề kháng yếu: Trẻ từ 6 tháng – 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền mãn tính, phụ nữ có dự định mang thai và phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai,…
- Cán bộ y tế: những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh và nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Các loại vắc xin cúm
Các loại vắc xin phòng cúm hiện nay
Vắc xin cúm bất hoạt
- Đặc điểm: là loại vắc-xin cúm được điều chế từ virus cúm đã bất hoạt, tức là virus cúm sau được nuôi cấy, đã bị làm chết bằng nhiệt, tia xạ hoặc hóa chất. Mặc dù virus đã chết nhưng kháng nguyên vẫn còn, hệ miễn dịch vẫn hoạt động tạo kháng thể kháng bệnh như bình thường.
- Chỉ định: phòng ngừa bệnh cúm mùa do virus cúm gây ra cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Bao gồm cả phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh mãn tính.
- Chống chỉ định: mẫn cảm với các hoạt chất, tá dược có trong thành phần của vắc-xin; người bị bệnh có sốt vừa, sốt cao hoặc bệnh cấp tính.
Vắc xin cúm tái tổ hợp
- Đặc điểm: là loại vắc xin được điều chế theo công nghệ tái tổ hợp tức là phương pháp không sử dụng mẫu virus vacxin ứng cử viên và trứng gà trong quá trình sản xuất
- Chỉ định: Những người không bị dị ứng trứng có thể nhận được bất kỳ loại vắc-xin cúm nào phù hợp với độ tuổi được khuyến nghị.
- Chống chỉ định: người có tiền sử dị ứng trứng nghiêm trọng (những người có bất kỳ triệu chứng nào khác ngoài phát ban sau khi tiếp xúc với trứng) nên được tiêm vắc-xin trong môi trường y tế và được giám sát bởi các y tá, bác sĩ để nhận biết và kiểm soát các phản ứng dị ứng nghiêm trọng nếu có
Vắc xin cúm giảm độc lực
Đặc điểm: là loại vắc xin có chứa virus đã làm giảm độc lực hoặc suy yếu để không thể gây bệnh. Vắc xin cúm sống giảm độc lực được dùng dưới dạng xịt mũi, 1 liều duy nhất.
Chỉ định: sử dụng cho những người từ 2–49 tuổi không mắc các bệnh lý cơ bản.
Chống chỉ định: vì đây là vắc-xin sống nên chống chỉ định với các đối tượng sau:
- Trẻ em dưới 2 tuổi;
- Người lớn trên 50 tuổi;
- Phụ nữ mang thai;
- Người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin;
- Những người có hệ miễn dịch yếu (ức chế miễn dịch);
- Người mắc các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tim mạch hoặc phổi;
- Trẻ em từ 2 – 4 tuổi bị hen suyễn hoặc có tiền sử thở khò khè trong 1 năm qua.
Vắc xin cúm tác dụng trong bao lâu?
Tiêm vắc-xin phòng cúm mùa có thể làm giảm 60% các bệnh liên quan đến cúm và giảm khoảng 70-80% tỷ lệ bị tử vong do cúm (theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO).
Các vắc-xin phòng cúm thường có hiệu quả bảo vệ rất cao, lên đến 90%. Tuy nhiên, các loại virus cúm thường có tính đột biến và thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm để tạo ra chủng mới, nên hiệu quả bảo vệ của vắc-xin chỉ kéo dài được khoảng 1 năm. Do đó, vắc-xin tiêm trong năm nay không còn tác dụng phòng ngừa cúm cho năm sau nữa. Bởi vì lý do đó, các cán bộ y tế thường khuyến cáo mọi người nên đi tiêm vắc-xin phòng cúm mỗi năm một lần, đặc biệt là trẻ nhỏ, điều này sẽ đảm bảo được sự tương đồng giữa chủng virus cúm có trong vắc-xin và chủng virus cúm đang lưu hành, giúp phòng bệnh tốt hơn, hiệu quả hơn.
Sau tiêm phòng cúm cần theo dõi những gì?
Sốt là triệu chứng nổi bật sau tiêm vắc xin phòng cúm
Các phản ứng toàn thân
Sau khi tiêm vắc-xin cúm, các tác dụng phụ thường gặp bao gồm nhức đầu (mức độ nhẹ), sốt, buồn nôn, đau cơ và mệt mỏi. Trong đó nổi bật là triệu chứng sốt: hiện tượng này là phản ứng bình thường của cơ thể sau khi tiêm, do lúc này vắc-xin được tiêm vào người, cơ thể tiếp nhận sự xâm nhập, tấn công của các tác nhân bên ngoài, sản sinh cơ chế tự bảo vệ, từ đó gây ra hiện tượng thân nhiệt nóng dần lên (gọi là sốt).
Hiện tượng sốt này sẽ không có gì đáng lo ngại nếu như nhiệt độ cơ thể của trẻ chỉ ở dưới mức 39 độ C. Nếu trong trường hợp trẻ sốt quá cao (trên 39 độ C), đi kèm với mệt mỏi, quấy khóc, bỏ ăn,…thì bố mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được kiểm tra và thăm khám. Tránh để trẻ sốt quá cao sẽ rất dễ gây ra tình trạng sốc, co giật.
Các phản ứng tại chỗ
Trẻ có thể sẽ xảy ra tình trạng đau nhức, mẩn đỏ hoặc sưng tấy nơi tiêm và vùng xung quanh đó. Đây cũng là hiện tượng hết sức bình thường có thể xảy ra. Trong lúc này, tuyệt đối không nên chườm đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm và xung quanh vết tiêm.
Các phản ứng phụ thường gặp sau tiêm vắc xin cúm thường ở mức độ nhẹ đến trung bình và sẽ tự khỏi sau 1 đến 2 ngày mà không làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Ngoài tiêm vắc xin cúm thì cần làm gì để phòng cúm?
Để phòng ngừa bệnh cúm, cần tuân thủ các biện pháp sau:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay; vệ sinh mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Luôn giữ ấm cơ thể, ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Tập thể dục, thể thao thường xuyên.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
- Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng đông người.
- Đảm bảo nơi ở, nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng, khí trời.
- Khi có triệu chứng ho, sổ mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, và điều trị kịp thời.
BS. Lê Hạnh