Vị thuốc Bạch chỉ
Bạch chỉ hay còn có tên gọi khác là Hương bạch chỉ, phong hương, thuộc họ Hoa tán. Bạch chỉ được trồng hay mọc phổ biến ở các tỉnh miền núi, nhất là vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Nội dung bài viêt
1. Nhận biết
Trong cuốn sách “Những cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” có mô tả các đặc điểm hình thái, giúp nhận biết Bạch chỉ như sau:
Cây bạch chỉ là loài thân thảo, sống lâu năm, cao từ 1 – 1,5m. Thân rỗng, đường kính có thể đến 2 – 3 cm, bên ngoài màu tím hồng, phía dưới nhẵn, phía trên gần cụm hoa có lông ngắn.
- Cây bạch chỉ
Lá to có cuống dài, phát triển thành bẹ rộng, ôm lấy thân, phiến lá xẻ 2 – 3 lần hình lông chim, thùy hình trứng, dài 2 – 6cm, rộng 1 – 3 cm, mép có răng cưa, hai mặt lá không có lông, trừ đường gân ở mặt lá có lông tơ. Rễ phình, củ dài, mọc thẳng, đôi khi phân nhánh.
Cụm hoa là một tán kép mọc ở đầu cành hay kẽ lá, có cuống chung dài 4 – 8 cm, cuống tán dài 1 cm, hoa màu trắng có 5 cánh cong ở trên đầu, nhị 5, dài hơn cánh hoa.
Rễ thân lá có tinh dầu thơm.
Bộ phận thường được dùng làm thuốc: rễ cây
Rễ thu hoạch vào mùa lá chuyển vàng, rửa sạch đất cát, bỏ rễ con, đem phơi hoặc sấy khô. Hình dạng của rễ: rễ nguyên hay phân nhánh, cong queo hoặc có hình chùy thẳng, dài khoảng từ 5 đến 25 cm, đầu trên to, đầu dưới nhỏ dần lại, mặt ngoài màu vàng nâu, có nhiều nếp nhăn dọc.
2. Tác dụng dược lý hiện đại
Vậy bạch chỉ có tác dụng gì? Hiện nay, y học hiện đại bằng các nghiên cứu và thí nghiệm, đã chứng minh bạch chỉ có các tác dụng sau:
Tác dụng kháng khuẩn
Chứng minh bằng pháp khuếch tán thuốc trên môi trường có nuôi cấy vi khuẩn, đã chứng minh nước sắc và cao chiết bạch chỉ có tác dụng ức chế sự phát triển của các loại phế cầu khuẩn, liên cầu tán huyết, tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn subtitis, trực khuẩn lị. phẩy khuẩn tả, tràng cầu khuẩn, trực khuẩn thương hàn.
Tác dụng hạ sốt giảm đau
Tiêm pepton để gây sốt thực nghiệm trên thỏ, thí nghiệm dùng nước sắc bạch chỉ cho thấy tác dụng giảm sốt. Tiêm acid acetic 0,6% vào màng bụng để gây đau quặn, cho dùng bạch chỉ với liều 10g/kg thấy có tác dụng giảm đau.
Tác dụng giảm co thắt cơ trơn, bình suyễn
Tạo mô hình co thắt khí phế quản chuột lang bằng histamin, thấy coumatin toàn phần chiết từ bạch chỉ có tác dụng bình suyễn.
Tác dụng chống viêm
Coumarin toàn phần được chiết từ cây bạch chỉ có tác dụng chống viêm khớp thực nghiệm do albumin hay formandehyd gây nên.
Tác dụng kích thích trung khu thần kinh
Chất angelicotoxin có trong bạch chỉ, dùng liều nhỏ: kích thích trung khu vận mạch, hô hấp, thần kinh phế vị, tủy sống, gây huyết áp tăng cao, hô hấp sâu, có thể gây nôn mửa, chảy nước miếng, dùng liều cao có thể gây co giật, liệt toàn thân.
Tác dụng đối với hệ tim mạch
Làm chậm nhịp tim thỏ thực nghiệm, điện tim đồ không thay đổi, làm hạ huyết áp ở mèo và ức chế sức co bóp của tim ếch thực nghiệm.
Tác dụng khác
Giảm chảy máu, chống khối u.
3. Tác dụng theo đông y
Bạch chỉ có vị cay, tính ấm, đi vào các kinh: phế, vị, đại tràng, có tác dụng tán phong, trừ thấp, tiêu thũng, chỉ thống.
4. Chủ trị
Dùng làm thuốc hạ sốt, giảm đau, điều trị cảm cúm, sốt xuất huyết, đau nhức đầu, đau răng, đau bụng kinh. Bạch chỉ còn dùng chữa đau khớp xương, viêm tuyến vú, mụn nhọn mưng mủ, vết thương do va đập, bỏng, rắn độc cắn.
Với bệnh nhân thủy đậu hay sởi, thuốc từ bạch chỉ còn có tác dụng kháng khuẩn, chống bội nhiễm, giúp bệnh nhân giảm ho trong trường hợp có kèm theo viêm phế quản, các nốt thủy đậu ít bị bội nhiễm.
5. Cách dùng
Bạch chỉ dùng dạng sắc nước uống hoặc dùng ngoài, với dùng ngoài có thể nghiền thành bột đắp tại chỗ hoặc dùng nước sắc để rửa. Cách sử dụng bạch chỉ để điều trị một số dạng bệnh cụ thể như sau:
Chữa cảm cúm, sốt gai rét, nhức đầu ê ẩm, thân thể mệt mỏi
Bạch chỉ, xuyên khung, mỗi thứ một lượng bằng nhau, đem tán nhỏ thành bột, mỗi lần uống 2-3g, ngày uống 3-4 lần với nước ấm hay rượu cho ra mồ hôi.
Chữa đau nửa đầu
Bạch chỉ, tế tân, thạch cao, nhũ hương đem tán thành bột mịn, thổi vào mũi, nếu đau đầu bên trái thì thổi mũi bên phải và ngược lại.
Chữa mụn nhọt mưng mủ
Bạch chỉ, đương quy, tạo giác mỗi thứ 7g đem sắc nước uống.
Chữa viêm tuyến vú giai đoạn đầu
Bạch chỉ, triết bối mẫu mỗi thứ 6g, đương quy 9g, nhũ hương chế 4,5g. Sắc nước uống.
Chữa đau bụng kinh
Hương bạch chỉ, quảng phụ chế, quảng mộc hương, cửu hương trùng, mỗi thứ 10g, trước khi có kinh nguyệt 2-3 ngày bắt đầu uống, mỗi ngày 1 thang, uống liên tiếp 4 thang.
Chữa đau răng, sâu răng
Bạch chỉ nghiền nhỏ thành bột, thấm vào bông, cho vào vị trí răng bị đau.
Chữa hôi miệng
Bạch chỉ, xuyên khung mỗi thứ 30g, tán thành bột mịn, viên thành hạt ngô, mỗi ngày ngậm 2-3 viên.
Chữa bỏng
Bạch chỉ, tử thảo, nhẫn đông đằng mỗi thứ 30g, bạch lạp 21g, băng phiến 1,5g, dầu vừng 500g. Dầu vừng đun nóng 130 độ C, bỏ bạch chỉ, tử thảo, nhẫn đông đằng vào đun tới 150 độ C, Bạch chỉ biến thành màu vàng cháy, lọc lấy dầu, thêm bạch lạp để nguội, thêm tiếp băng phiến. Lấy vải gạc sạch đã tiệt trùng thấm dầu băng vào vết bỏng hoặc lấy bông bôi dầu lên vết bỏng.
6. Liều dùng
Dùng 5-10g/ngày, sắc nước uống hoặc dùng viên, hoàn, bột.
7. Cấm kị
Âm hư huyết nhiệt không được dùng
Trần Phan (sưu tầm và tổng hợp).