Viêm da cơ địa ở chân: Cách chung sống “hòa bình” với bệnh

chViêm da cơ địa là một loại hình bệnh phổ biến của bệnh chàm. Đây là một bệnh về da liễu không lây nhiễm gây nên các biểu hiện khó chịu như ngứa ngáy và mẩn đỏ. Biểu hiện bệnh có thể ở trên khắp các vùng da như đầu mặt, tay, chân,… và biểu hiện ở chân khá phổ biến. Tuy không ảnh hưởng quá lớn tới sức khỏe của người mắc nhưng ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ nên vẫn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống sinh hoạt của họ. Viêm da cơ địa ở chân là một bệnh chưa có phương pháp để điều trị triệt để, do vậy cùng tìm hiểu các cách để chung sống “hòa bình” với bệnh qua bài viết dưới đây:

1. Bệnh viêm da cơ địa ở chân là gì?

Viêm da cơ địa ở chân

Viêm da cơ địa ở chân là loại viêm da cơ địa phổ biến trong các loại bệnh chàm có biểu hiện mẩn đỏ, sưng tấy, ngứa ngáy khó chịu ở bất kì vùng nào ở chân như ngón chân, bàn chân, gót chân, hai bên và mu bàn chân. Đây cũng là một bệnh lý mạn tính, nó thường bắt đầu trong thời thơ ấu (trước hai tuổi) và trong một số trường hợp kéo dài qua tuổi thiếu niên và thậm chí đến tuổi trưởng thành. Bệnh này có thể phát triển do chân ma sát nhiều, do độ ẩm hoặc các phản ứng dị ứng,… cùng tìm hiểu kĩ nguyên nhân qua phần dưới đây.

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm da cơ địa ở chân

Nguyên nhân chính xác của viêm da cơ địa ở chân đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nó được cho là do hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với một số chất gây dị ứng hoặc chất kích thích, bên trong hoặc bên ngoài cơ thể gây viêm.

2.1. Di truyền

Di truyền là một yếu tố nguy cơ trong viêm da chân cơ địa

Các nhà nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa yếu tố di truyền với việc tăng khả năng phát triển bệnh viêm da cơ địa chân. Do vậy, nếu bạn có thành viên trong gia đình như bố mẹ, anh chị em mắc bất kỳ loại dị ứng nào thì khả năng bạn có thể viêm da cơ địa là cao hơn những người có gia đình mà không ai mắc. Gần đây người ta còn phát hiện ra các gen có liên quan tới viêm da cơ địa.

Da có thể thiếu filaggrin (Filaggrin – một loại protein có chức năng liên kết các sợi keratin trong quá trình biệt hóa thượng bì) loại protein này giúp duy trì hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh, khi thiếu nó sẽ ngăn không cho hơi ẩm thoát ra ngoài và điều này khiến vi-rút và vi khuẩn xâm nhập vào da dễ dàng hơn. Bên cạnh đó đột biến filaggrin không chỉ làm tăng nguy cơ chân bị viêm da cơ địa mà người bệnh còn có nguy cơ cao với các bệnh như dị ứng, hen phế quản.

2.2. Do kích ứng, dị ứng

Các yếu tố kích ứng, dị ứng là các yếu tố từ bên ngoài làm bùng phát lên các triệu chứng của bệnh viêm da chân cơ địa. Các yếu tố dị ứng có thể là yếu tố dị ứng dạng hít như: vi rút, vi khuẩn, phấn hoa, nấm mốc, bụi,… Dạng thức ăn như: hải sản, tôm, cua, nhộng,…Dạng tiếp xúc như thuốc bôi, hóa chất,…

Một số yếu tố dị ứng gây viêm da cơ địa ở chân

2.3 Các yếu tố về môi trường

Những người bị bệnh nhận thấy rằng da của họ không thể giữ được độ ẩm nên da trở nên khô, điều này làm tăng khả năng phản ứng với một số tác nhân nhất định. Do vậy, các yếu tố môi trường như nhiệt độ (nước quá nóng hoặc lạnh), độ ẩm làm tăng nguy cơ bùng phát viêm da cơ địa ở chân. Hơn thế nữa, môi trường sống ngày càng ô nhiễm với nhiều khói bụi, nước, không khí ô nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở chân và nhiều bệnh da liễu khác.

Môi trường ô nhiễm gây viêm da chân cơ địa và nhiều bệnh da liễu khác

3. Các triệu chứng khi bị viêm da cơ địa ở chân

Bệnh viêm da chân cơ địa thường có các triệu chứng sau:

  • Thay đổi về da: da ở chân trở nên khô và bong vảy, thậm chí có thể dày lên và nứt nẻ.
  • Ngứa: Bệnh viêm da chân cơ địa hầu như luôn luôn ngứa và tình trạng ngứa này có thể phát triển trước khi có bất kỳ dấu hiệu nào khác của chân bị viêm da cơ địa, chẳng hạn như phát ban hoặc mẩn đỏ. Ngứa thường tăng vào ban đêm.
  • Đỏ: Các mảng da đỏ phát triển, điển hình nhất là quanh các ngón chân, bên dưới bàn chân và trên gót chân.
  • Đau nhức: Da thường trở nên rất nhạy cảm và đau nhức, đặc biệt nếu bạn gãi nhiều do ngứa.
  • Bùng phát: Các triệu chứng của bệnh có xu hướng đến khi có tác nhân tác động vào và dịu đi sau một thời gian. Mọi người thường trải qua các giai đoạn kéo dài vài tuần/tháng mà không có triệu chứng gì, chỉ ngứa và mẩn đỏ quay trở lại, thường ở cùng một vị trí.
  • Nhiễm trùng: Gãi nhiều lần có thể làm tổn thương da và dẫn đến nhiễm trùng.

Các triệu chứng khi bị viêm da chân cơ địa

Bệnh viêm da cơ địa ở chân có thể khá lan rộng, không chỉ ảnh hưởng đến bàn chân mà còn bị kết hợp ở các vùng khác, phổ biến nhất là mặt sau của đầu gối, bàn tay, mặt trước của khuỷu tay và đầu.

4. Cách chữa bệnh viêm da cơ địa ở chân

Bệnh viêm da cơ địa ở chân vẫn chưa có cách điều trị triệt để. Tuy nhiên các biện pháp dưới đây sẽ giúp bạn kiểm soát nó bằng cách làm giảm các triệu chứng và giảm nguy cơ bùng phát. Điều trị cả trong và giữa các đợt bùng phát viêm da chân cơ địa rất quan trọng.

4.1. Các biện pháp điều trị toàn thân

  • Thuốc kháng Histamin: giúp giảm ngứa trong viêm da chân cơ địa khi ngứa nhiều mà các thuốc bôi tại chỗ không đạt hiệu quả.
  • Thuốc kháng sinh: Nếu da bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị vi khuẩn gây nhiễm trùng.
  • Thuốc chống viêm: Sử dụng corticosteroid mạnh trong thời gian dài có thể dẫn đến mỏng da, mụn trứng cá và mọc nhiều lông, do vậy sử dụng cần có tư vấn kê đơn của bác sĩ giúp kiểm soát các tác dụng phụ của thuốc.

4.2. Các biện pháp điều trị tại chỗ

Một số biện pháp điều trị viêm da chân cơ địa

  • Dưỡng ẩm cho da chân: Giữ ẩm tốt cho da là rất quan trọng với bệnh viêm da chân cơ địa. Chất làm mềm da là chất dưỡng ẩm y tế giúp giảm sự mất độ ẩm của da do bay hơi và sửa chữa hàng rào bảo vệ tự nhiên của da. Bôi dưỡng ẩm cho da nhẹ nhàng ít nhất 2 lần mỗi ngày, tránh chà xát mạnh gây tổn thương da.
  • Sử dụng thuốc giảm ngứa, giảm đau tại chỗ dạng bôi.

5. Lưu ý khi chăm sóc người bị viêm da cơ địa ở chân

Lưu ý khi chăm sóc người bị viêm da chân cơ địa 

Viêm da cơ địa ở chân là một bệnh mạn tính, phải điều trị kéo dài, do vậy cần kiên trì trong thời gian dài để chăm sóc da với sự tư vấn kê đơn của bác sĩ da liễu có chuyên môn.

  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bùng phát bệnh như: chất tẩy rửa, thức ăn gây dị ứng,…
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt vùng chân, chú ý không sử dụng nước quá nóng và ngâm trong nước quá lâu tránh tổn thương da, sau khi tắm rửa cần lau khô để chân khô thoáng, da chân không bị bí và ẩm ướt.
  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng việc uống tối thiểu 0,4 lít nước/ 10kg cân nặng/ ngày để da không bị khô vì thiếu nước.
  • Giữ ẩm cho da từ bên ngoài bằng cách sử dụng các loại kem dưỡng ẩm phù hợp.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống, vận động, nghỉ ngơi hợp lý để giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng.

Như vậy các biện pháp điều trị trên có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của viêm da cơ địa ở chân để có thể chung sống “hòa bình” với bệnh. Khi có các biểu hiện bất thường trên da bạn nên đến gặp các bác sĩ da liễu sớm để được khám và tư vấn điều trị kịp thời.

BS Đoàn Thị Nhung

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận