Viêm đại tràng thể táo bón – Nguyên nhân và Các cách điều trị
Viêm đại tràng thể táo bón là một dạng của tình trạng rối loạn chức năng đại tràng. Đó là hiện tượng viêm xảy ra ở ruột già, tình trạng loét và viêm lớp niêm mạc bên trong đại tràng dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, chảy máu đại trực tràng,… Vậy bệnh viêm loét đại tràng dạng táo bón có nguy hiểm hay không, chữa trị thế nào, hãy cùng Thầy thuốc Việt Nam tìm hiểu với những thông tin dưới đây nhé!
Nội dung bài viêt
1. Viêm đại tràng thể táo bón là gì?
Viêm đại tràng thể táo bón
Viêm loét đại tràng thông thường có thể khiến bạn đi vệ sinh nhiều. Trên thực tế, tiêu chảy là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm loét đại tràng. Nhưng một số người lại gặp tình trạng ngược lại, đó là viêm loét đại tràng thể táo bón.
Viêm loét đại tràng thể táo bón là tình trạng viêm nhiễm khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng. Khi bạn gặp tình trạng này, dòng chảy của phân sẽ trở nên chậm chạp. Bạn sẽ đi ngoài ít hơn bình thường và có triệu chứng khó chịu ở bụng và đường ruột. Các nhà khoa học gọi đây là hội chứng táo bón gần hoặc viêm loét đại tràng liên quan đến táo bón.
2. Nguyên nhân viêm đại tràng thể táo bón
Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 30-50% người bị viêm loét đại tràng đôi khi có triệu chứng táo bón. Chế độ ăn uống, chế độ tập thể dục, lượng nước, thức ăn và thuốc bạn nạp vào cơ thể đều có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của phân. Nếu cơ thể bạn thường xuyên gặp tình trạng táo bón, lâu dài việc viêm đại tràng là rất dễ mắc phải.
2.1. Thói quen ăn uống không lành mạnh
Tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhanh, ít chất xơ dễ gây tình trạng táo bón
Ngày nay, với sự phát triển của công nghiệp đồ ăn nhanh, thói quen ăn uống của người Việt Nam ta cũng ít nhiều thay đổi theo xu hướng. Việc dung nạp quá nhiều thức ăn nhanh chế biến sẵn, có quá nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng là một trong những nguồn thực phẩm có ảnh hưởng nhiều nhất tới hệ thống tiêu hóa nói chung và đại tràng nói riêng.
Chế độ ăn quá nhiều chất đạm, ít bổ sung chất xơ thay vì sử dụng các thực phẩm lành mạnh là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm đại tràng táo bón nhiều nhất hiện nay.
2.2. Lười uống nước, không uống đủ mỗi ngày
Lượng nước bạn nạp vào mỗi ngày giúp điều tiết dòng chảy trong khối tiêu hóa một cách trơn tru hơn. Thông thường, nhu cầu nước cho người trưởng thành vào khoảng 2l mỗi ngày, nếu bạn uống ít hơn lượng này, nguy cơ táo bón của bạn là thường xuyên xảy ra hơn.
Bên cạnh đó, việc uống các thực phẩm không lành mạnh như đồ uống có cồn, nước đóng chai có ga công nghiệp thay vì sử dụng nước bình thường cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ thống tiêu hóa, lâu dài dễ dẫn đến tình trạng viêm đại tràng thể táo bón.
2.3. Thói quen lười vận động
Lười vận động
Vận động là một điều tất yếu của cuộc sống, đối với hệ tiêu hóa cũng vậy, vận động giúp cho các cơ quan tiêu hóa đặc biệt đại tràng hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại hiện nay, với nhiều đặc thù công việc như nhân viên văn phòng, công nhân nhà máy,… phải ngồi nhiều giờ trong ngày, ít vận động khiến cho tình trạng táo bón thường xuyên xảy ra.
Xây dựng một thói quen tập thể dục hàng ngày là điều cần thiết, bên cạnh việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, giúp cho chức năng các cơ quan tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa táo bón, từ đó giảm được nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng táo bón.
2.4.Thói quen nhịn đi vệ sinh
Nếu bạn nhịn đi đại tiện trong một thời gian lâu dài có thể đại trực tràng không còn kích thích nữa, dần dần có thể dẫn đến tình trạng táo bón, trĩ, viêm đại tràng táo bón,…
Nhiều người có thói quen nhịn đại tiện, có thể do công việc bận rộn, nhà vệ sinh không thuận tiện, không đủ sạch sẽ, thậm chí một số người còn không thể đi vệ sinh nếu đó không phải nhà vệ sinh nhà mình,…Đại tiểu tiện là việc mà chúng ta phải làm hàng ngày, với thói quen nhịn đại tiện, chúng ta sẽ rất dễ bị táo bón.
Xem thêm: Tư vấn: Chứng táo bón ở trẻ em
3. Dấu hiệu điển hình của viêm đại tràng thể táo bón
Biểu hiện viêm đại tràng thể táo bón
Viêm đại tràng thể táo bón thường ít gặp hơn so với những dạng khác. Chúng ta có thể nhận biết thông qua những dấu hiệu điển hình sau:
– Đau bụng: Đau âm ỉ vùng bụng, đôi khi có thể kèm theo một vài cơn co thắt nhẹ. Đau có thể lan xuống vùng xương chậu.
– Táo bón: Người bệnh đi đại tiện ít hơn bình thường, có thể 2-3 lần/ tuần. Số lượng phân ngày càng ít đi, luôn có cảm giác muốn đi ngoài ngay sau khi đi xong, có cảm giác không thể tống hết phân ra ngoài.
– Phân khô, cứng, đi ngoài khó khăn và đau đớn: Phân khô và cứng, không đóng thành khuôn, vón thành từng cục nhỏ, đi xong có cảm giác khô đau rát vùng hậu môn.
– Mệt mỏi, sút cân: táo bón lâu ngày dẫn đến tình trạng cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, ăn uống kém dẫn đến tình trạng sút cân.
4. Viêm đại tràng thể táo bón có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng thể táo bón có nguy hiểm không?
\Táo bón là tình trạng có thể xảy ra với bất kỳ ai. Về cơ bản, nếu tình trạng này chỉ diễn ra ngắn ngày sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón của bạn diễn ra lâu dài gây ra viêm đại tràng dạng táo bón, nó sẽ ảnh hưởng khá lớn tới sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bạn.
Trước hết, bệnh viêm đại tràng dạng táo bón gây ra tình trạng mệt mỏi, ăn uống không ngon, chế độ sinh hoạt giờ giấc bị đảo lộn, tâm lý dễ bị ảnh hưởng, dễ dẫn tới trạng thái cáu gắt, khó chịu,…
Nếu bệnh không được phát hiện chữa trị, lâu dài có thể dẫn đến tình trạng viêm đại tràng mạn tính, có thể dẫn đến một số biến chứng khác như trĩ, nứt kẽ hậu môn, thủng đại tràng,…
5. Khắc phục bệnh viêm đại tràng thể táo bón
5.1. Thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt
Bổ sung nguồn thực phẩm từ chất xơ cho khẩu phần ăn hàng ngày
– Bổ sung nguồn thức ăn lành mạnh chứa nhiều chất xơ như rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp hệ thống tiêu hóa của bạn hoạt động tốt hơn. Các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật luôn là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời giúp cho đại tràng hoạt động một cách trơn tru. Một số thực phẩm có nguồn chất xơ dồi dào có thể kể đến như các loại rau xanh, khoai lang, yến mạch, chuối,…
– Bạn có thể bổ sung chất xơ hòa tan (dạng hòa tan trong nước) cũng là một biện pháp hữu hiệu nhanh chóng bổ sung chất xơ cho cơ thể.
– Uống đủ nước: Lượng nước bổ sung là tùy nhu cầu mỗi người. Tuy nhiên, mỗi ngày, người bệnh nên uống khoảng 2 lít nước, đảm bảo nhu cầu của cơ thể cũng như giúp cho khối tiêu hóa được cung cấp đủ nước cho hoạt động tiêu hóa bài tiết dễ dàng hơn. Hạn chế các đồ uống có cồn, đồ uống công nghiệp, nước ngọt có gas,…
– Thường xuyên vận động: Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ tác động đến nhu động ruột giúp phân của bạn di chuyển. Một số bài tập bạn có thể áp dụng như tập yoga, đi bộ thể dục, chạy, đạp xe, bơi lội,…
– Hạn chế việc ngồi một chỗ liên tục trong thời gian dài, bạn hãy nhớ thường xuyên đứng lên vận động sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
– Chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày: Việc nạp quá nhiều thức ăn cùng một lúc có thể gây tình trạng quá tải cho hệ thống tiêu hóa. Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa sẽ giảm tình trạng này, giúp cơ thể người bệnh được giảm tải các tình trạng khó chịu ở hệ tiêu hóa.
– Đào tạo cho cơ thể một thói quen đi đại tiện đúng giờ: Hãy cố gắng đi đại tiện vào một khoảng thời gian trong ngày, tốt hơn hết là trong buổi sáng. Điều này sẽ giúp cơ thể hình thành thói quen, tạo phản xạ cho dạ dày cũng như tình trạng viêm đại tràng thể táo bón được cải thiện tốt hơn.
5.2. Các thuốc để chữa viêm đại tràng thể táo bón
Nếu chế độ ăn uống và thay đổi lối sống là không đủ, bác sỹ có thể đưa ra một số chỉ định khác cho tình trạng viêm đại tràng táo bón của bệnh nhân:
– Sử dụng thuốc đại tràng thẩm thấu: Các thuốc loại này sẽ hoạt động bằng cách làm tăng lượng nước được tiết ra trong ruột. Phân chứa đầy nước sẽ mềm hơn và dễ đi ra ngoài hơn. Tuy nhiên, các chất thẩm thấu có thể gây mất nước và mất cân bằng khoáng chất, đặc biệt ở người lớn tuổi.
Sử dụng thuốc nếu như các biện pháp thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống không hiệu quả
Sản phẩm thuốc dạng này thường có chứa hoạt chất polyethylen glycol hoặc magie hydroxyd dạng uống.
– Thuốc làm mềm phân: Thường chứa hoạt chất natri docusate. Đó là một hoạt chất sẽ giúp mang nước vào phân của bạn. Tuy nhiên, thời gian tác dụng của dạng thuốc này thường chậm, bạn sẽ thường phải mất vài ngày sử dụng thuốc mới cho tác dụng đối với bệnh viêm đại tràng dạng táo bón.
– Thuốc đại tràng tạo khối: Thường được sử dụng ở dạng viên hoặc bột giúp tăng kích thước phân của bạn. Các thuốc chữa viêm đại tràng dạng táo bón loại này phổ biến thường chứa các thành phần như sợi methyl cellulose, canxi polycarbophil,…
– Thuốc đại tràng kích thích: Những thuốc này hoạt động theo cơ chế giúp đại tràng của bạn thực hiện động tác co bóp. Thuốc kích thích đôi khi được sử dụng đối với những trường hợp viêm đại tràng táo bón trong thời gian ngắn, dùng để giảm đau khi tình trạng bệnh không thực sự nghiêm trọng. Thuốc có thể gây ra một số tình trạng không mong muốn như co thắt dạ dày, mất nước hoặc mất cân bằng khoáng chất. Nếu bạn sử dụng thuốc để chữa trị viêm đại tràng táo bón trong thời gian dài, việc lệ thuộc vào thuốc là có thể xảy ra.
Thói quen đại tiện thi thoảng thay đổi là điều bình thường, nhưng bạn cũng đừng chủ quan, hãy đi gặp bác sỹ khám nếu bạn có tình trạng táo bón mà :
+ Kéo dài trên 3 tuần
+ Đi đại tiện gặp phân đen, phân có máu
+ Ảnh hưởng đến cân nặng của bạn
+ Đau bụng nghiêm trọng
+ Có kèm sốt
Đi gặp bác sỹ của bạn để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất
Viêm đại tràng táo bón là bệnh không khó để điều trị. Tuy nhiên, nếu để tình trạng bệnh viêm đại tràng dạng táo bón kéo dài lâu ngày cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tốt hơn hết, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng ban đầu, hãy đi gặp bác sỹ của bạn để được chẩn đoán và điều trị tốt nhất.
DS Vũ Thị Nhung
Xem thêm: 10+ Cách trị táo bón cho người lớn đơn giản, mau khỏi