Viêm khớp dạng thấp nguyên nhân do đâu?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý viêm đặc hiệu xảy ra ở các khớp. Hậu quả gây tổn thương màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương dưới sụn. Bệnh diễn biến mạn tính xen kẽ các đợt tiến triển dẫn đến tình trạng dính và biến dạng khớp. Đây là một trong các bệnh lý xương khớp mạn tính hay gặp nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới, chiếm khoảng 0,5-2 % dân số.

1. Bệnh viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp hay còn gọi là thấp khớp là một bệnh lý tự miễn điển hình. Bệnh diễn biến mạn tính với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Các hậu quả của bệnh để lại cho người mắc là nặng nề và dai dẳng. Do đó cần được điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp hữu hiệu để làm ngừng hay làm chậm tiến triển của bệnh. Cũng như hạn chế mức độ tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

2. Các nguyên nhân gây ra viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là được xếp vào nhóm bệnh lý tự miễn. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào mô cơ thể của chính mình. Không ai biết chắc chắn lý do tại sao hệ thống miễn dịch lại bị rối loạn. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng yếu tố di truyền, yếu tố cơ địa, môi trường sống và một số tác nhân khác có liên quan đến cơ chế phát sinh bệnh. Sự tương tác giữa yếu tố di truyền nhạy cảm (cụ thể là HLA-DR4) và các yếu tố khác (như ô nhiễm môi trường, nhiễm khuẩn, khói thuốc lá…) gây ra đáp ứng miễn dịch. Dẫn đến sản xuất ra các tự kháng thể (RF, anti-CCP) và các hóa chất trung gian. Hậu quả là tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp, phá hủy sụn và xương của khớp cũng như ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác của cơ thể.

Tuy nhiên viêm khớp dạng thấp nguyên nhân cụ thể chính xác đến nay vẫn còn chưa rõ ràng.

2.1 Yếu tố di truyền

Quan sát thực tế cho thấy nếu một một người trong gia đình có thành viên bị viêm khớp dạng thấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Ở đây đề cập đến yếu tố di truyền để giải thích cho hiện tượng này. Cụ thể là yếu tố kháng nguyên phù hợp tổ chức HLA – DR4. Do chức năng của HLA là kiểm soát phản ứng miễn dịch.

Người ta đã tìm ra được các gen liên quan tới phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp. Bao gồm STAT4, một gen đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh và kích hoạt hệ miễn dịch. TRAF1 và C5 là hai gen liên quan đến viêm mãn tính. Và PTPN22 liên quan đến sự phát triển và tiến triển của viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp có thể do yếu tố di truyền
Viêm khớp dạng thấp có thể do yếu tố di truyền

Tuy nhiên, không phải tất cả những người có gen này đều phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp. Và không phải tất cả những người mắc bệnh này đều có những gen kể trên. Vai trò của yếu tố di truyền chỉ đóng một phần trong cơ chế gây nên biểu hiện bệnh viêm khớp dạng thấp.

2.2 Yếu tố cơ địa

Các nhà khoa học đã nhận thấy có mối liên quan rõ rệt giữa bệnh viêm khớp dạng thấp với giới tính và lứa tuổi. Viêm khớp dạng thấp thường gặp ở nữ giới với tỷ lệ nữ:nam là 3:1. Bệnh xuất hiện hoặc nặng hơn sau sinh đẻ, sau mãn kinh. Có thể là do ảnh hưởng của hormone giới tính estrogen. Mặc dù sự liên quan này chưa được chứng minh.

Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhưng nó thường bắt đầu ở độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi. Thống kê cho thấy có trên 60% người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp trên 30 tuổi. Chứng tỏ các yếu tố cơ địa như giới tính hay tuổi ảnh hưởng tới sự phát triển của bệnh.

2.3 Hút thuốc lá

Một số bằng chứng cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn hẳn so với những người không hút thuốc. Đặc biệt ở những đối tượng có yếu tố di truyền của bệnh thì nguy cơ mắc bệnh là rất cao.

Hút thuốc lá cũng làm nặng thêm các triệu chứng và diễn biến của bệnh viêm khớp dạng thấp.

2.4 Tiếp xúc với môi trường độc hại

Một số phơi nhiễm với amiang hoặc silica có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp dạng thấp sau này.

2.5 Các yếu tố nguy cơ khác

Người béo phì có nguy cơ cao mắc viêm khớp dạng thấp
Người béo phì có nguy cơ cao mắc viêm khớp dạng thấp 

Ngoài ra còn một số yếu tố thuận lợi khác làm tăng nguy cơ dẫn tới bệnh viêm khớp dạng thấp như:

– Nhiễm khuẩn:

Các yếu tố nhiễm khuẩn như virus hay vi khuẩn đã được đề cập đến trong cơ chế gây bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một tác nhân nhiễm khuẩn nào được xác minh chắc chắn.

– Béo phì:

Những người thừa cân béo phì có nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn so với người bình thường. Đặc biệt là ở phụ nữ thừa cân béo phì dưới 55 tuổi.

– Sống trong môi trường lạnh và ẩm kéo dài cũng làm tăng cơ hội phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp sau này.

Ngoài ra còn do hậu quả của phẫu thuật hoặc không vận động cơ thể… làm tổn thương hệ thống xương khớp. Đây cũng là một trong các yếu tố thuận lợi của bệnh viêm khớp dạng thấp. Bệnh viêm khớp dạng thấp cần được phát hiện sớm và điều trị tối ưu ngay từ đầu. Như vậy  mới kiểm soát tốt bệnh và phòng ngừa các biến chứng xảy ra.

BS Huyền Hương

Theo Nội khoa Việt Nam

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận