Viêm não Nhật Bản B

Viêm não Nhật Bản B là bệnh lây truyền cấp tính, theo đường máu do virus viêm não Nhật Bản B gây ra.

Mầm bệnh gây viêm não Nhật Bản B

Virus viêm não Nhật Bản B thuộc virus arbo nhóm B, họ Togaviridae, giống Flavivirus; có kích thước 15-22-50 nanomet, có ARN, phát triển ở tế bào phôi gà và tổ chức nuôi cấy.

xem thêm: Virus viêm não Nhật Bản B

viem-nao-nhat-ban-b
Virus Viêm não Nhật Bản B (Ảnh: Internet)

Virus không chịu nhiệt, chúng bị bất hoạt ở 56°C trong 30 phút; ở 70°C trong 10 phút, ở 100°C trong 2 phút. Trong trạng thái đông lạnh, Virus có thể tồn tại trong vài năm. Dưới tác dụng của axeton, cồn và ête, Virus chết sau 3 ngày.

Một số động vật có mẫn cảm với Virus viêm não Nhật Bản là khỉ, chuột bạch, một số loài chuột đồng, một số loại muỗi và nhiều loài chim.

viem-nao-nhat-ban-b-
Vòng đời của Virus Viêm não Nhật Bản (Ảnh: Internet)

Nguồn bệnh Viêm não Nhật Bản B

Chim hoang dã,hoặc gia súc: Lợn, ngựa.

Đường lây của virus Viêm não Nhật Bản B

Viêm não Nhật bản lây qua đường máu, qua trung gian muỗi  Culex.

viem-nao-nhat-ban-b-1
 Muỗi Culex (Ảnh sưu tầm)

Ở việt Nam chủ yếu là Culex tritaeniorhynchus. Chúng sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào buổi chập tối. Loài muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du. Loài muỗi này hoạt động quanh năm, nhiều nhất là từ tháng 5 đến tháng 10, chủ yếu ở phía bắc, các tỉnh xung quanh Hà Nội và gần biên giới Trung Quốc.

Đặc tính muỗi

– Muỗi màu nâu đen, hay tập trung vùng nông thôn,làng mạc,nơi có nhiều ao.

– Muỗi có tập tính hút máu về ban đêm cả trong nhà và ngoài nhà, thích hút máu chim, máu lợn nhiều hơn máu người, chúng thường trú ẩn ở các bụi rậm hoặc trong chuồng gia súc, nhất là chuồng lợn.

– Cảm thụ cao với trẻ em, đặc biệt là trẻ < 10 tuổi.  Người lớn ít bị hơn. Tỉ lệ đồng bằng lớn hơn vùng núi, nông thôn lớn hơn thành thị.

– Sau nhiễm để miễn dịch bền vững cả đời.

– Virus có tính hướng thần kinh, do đó, khi nhiễm, muỗi sẽ tập trung vào các neron, sinh sản và gây các phản ứng viêm não.

Các triệu chứng của Viêm não Nhật Bản B

Bệnh ủ bệnh trung bình 1 tuần.

Thời kỳ khởi phát

viem-nao-nhat-ban-b-2
Các triệu chứng viêm não Nhật Bản (ảnh sưu tầm)

Bệnh khởi phát rất đột ngột bằng sốt cao 39-40°C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1-2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức, phản xạ gân xương tăng, xung huyết giãn mạch rõ. Ở một số trẻ nhỏ, có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn.

Thời kỳ khởi phát của bệnh tương ứng với lúc virus vượt qua hàng rào mạch máu – não và gây phù não.

Thời kỳ toàn phát

Từ ngày thứ 3-4 đến ngày thứ 6-7 của bệnh. Triệu chứng nổi bật là sự xuất hiện các triệu chứng tổn thương não nói chung và tổn thương thần kinh khu trú.

+ Bước sang ngày thứ 3-4 của bệnh, các triệu chứng của thời kỳ khởi phát không giảm mà lại tăng lên. Từ mê sảng kích thích, u ám lúc đầu, dần dần bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần.

+ Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên: Vã nhiều mồ hôi; da lúc đỏ, lúc tái; rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí phế quản, mạch thường nhanh, huyết áp tăng.

+ Bệnh nhân cuồng sảng, ảo giác, kích động, tăng trương lực cơ kiểu ngoại tháp làm cho bệnh nhân nằm co quắp và có các cơn xoắn vặn, co giật cứng hoặc giật rung các cơ mặt và cơ chi. Một số bệnh nhân xuất hiện trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế.

+ Triệu chứng khu trú: Liệt chân, tay; các dây thần kinh sọ não bị tổn thương, đặc biệt là các dây vận nhãn và dây VII.

Thời kỳ này tương ứng với thời kỳ virus xâm nhập vào các tế bào não gây hủy hoại các tế bào này. Bệnh nhân thường tử vong trong vòng 7 ngày đầu, những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.

Thời kỳ lui bệnh

Biểu hiện chủ yếu là các biến chứng và di chứng.

Thông thường, bước sang tuần thứ 2, bệnh đỡ dần, nhiệt độ giảm và hết sốt nào khoảng ngày thứ 10 nếu không có bội nhiễm. Cùng với nhiệt độ giảm, các triệu chứng cũng giảm dần.

Biến chứng viêm não Nhật Bản 

Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (25% ở các nước nhiệt đới) và di chứng thần kinh – tâm thần (50%). Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu, khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não dẫn đến rối loạn hô hấp, tim mạch trầm trọng. Tử vong ở giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng như viêm phổi, suy kiệt.

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng: Phế viêm, viêm bể thận – bàng quang, loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá, rối loạn tâm thần.

Những di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm, thậm chí hàng chục năm là động kinh, Parkinson.

Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng suốt đời, hay gặp là rối loạn tâm thần.

Điều trị viêm não Nhật Bản B

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm não Nhật Bản, chỉ có điều trị các triệu chứng: hạ sốt, an thần, chống co giật, chống bội nhiễm.

– Khi có sốt, cởi quần áo cho bệnh nhân, chườm đá vào bẹn, nách, cổ… quạt, xoa cồn long não. Có thể dùng các thuốc hạ nhiệt bằng đường uống qua sonde, thụt giữ qua trực tràng, truyền tĩnh mạch nếu có nhân viên y tế, Efferalgan dung dịch 5 ml/lần, 2-3 lần/24 giờ, hoặc đạn efferalgan 1-2 đạn/24 giờ, khi sốt cao.

– Nhanh chóng chuyển đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất.

– Nếu có co giật có thể dùng seduxen cho bệnh nhân uống hoặc tiêm.

– Lau sạch đờm dãi nếu có.

Cách phòng tránh viêm não Nhật Bản B

viem-nao-nhat-ban-b-3
Tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh (ảnh sưu tầm)

Tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh. Có thể sử dụng cho mọi lứa tuổi nhưng ưu tiên cho trẻ từ 1-5 tuổi trong vùng có dịch lưu hành.

Ngoài ra, cần phối hợp diệt muỗi, gây miễn dịch cho lợn.

Tác dụng phụ của tiêm vacxin ở trẻ em chủ yếu là sốt.

Bs. Nguyễn Văn Chuyên

Thầy thuốc Việt Nam

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận