Viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ

hạnh
Học hàm, học vị:
Tỉnh/TP:

Viêm phế quản phổi là một bệnh đường hô hấp rất phổ biến hiện nay, đặc biệt ở người lớn trên 65 tuổi và trẻ em dưới 2 tuổi. Bệnh tiến triển ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của viêm phế quản phổi ở trẻ, hãy cùng đọc bài viết dưới đây nhé!

Viêm phế quản phổi là gì?

Viêm phế quản phổi là tình trạng viêm khu trú thành từng mảng ở phế quản và phế nang phổi, có thể ảnh hưởng đến các thùy phổi, làm suy yếu chức năng phổi. Bệnh phổ biến ở người lớn trên 65 tuổi và trẻ em dưới 2 tuổi. Viêm phế quản phổi diễn tiến ở nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp nếu không kịp thời điều trị.

Hình ảnh mô tả viêm phế quản phổi

Hình ảnh mô tả viêm phế quản phổi

Nguyên nhân gây viêm phế quản phổi

Virus

Các loại virus gây viêm phế quản phổi thường gặp là HSV, cúm, adenovirus,…

Vi khuẩn

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm phế quản phổi là do vi khuẩn, bao gồm Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), Klebsiella pneumoniae, Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Haemophilus influenzae type B (Hib). , Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh), Acinetobacter baumannii …

Vi khuẩn không điển hình

Mycoplasma thường gặp trong viêm phế quản phổi ở trẻ trên 3 tuổi.

Ký sinh trùng

Hay gặp Pneumocystic carinii, là một loại nấm giống như nấm men không điển hình thuộc chi Pneumocystis

Nấm

Hay gặp là candida albicans, aspergillus fumigatus.

Viêm phế quản phổi gây ra bởi nấm và virus chiếm tỷ lệ không cao nhưng mức độ nguy hiêm nghiêm trọng hơn.

Đối tượng nào dễ mắc viêm phế quản phổi?

  • Trẻ em dưới 2 tuổi, trẻ sinh thiếu tháng, suy dinh dưỡng, trẻ mắc các bệnh hô hấp mạn tính.
  • Người lớn trên 65 tuổi.
  • Người thường xuyên hút thuốc lá hoặc uống rượu nhiều có nguy cơ cao mắc viêm phế quản phổi
  • Người mới phẫu thuật hoặc bị chấn thương gần đây; có sử dụng thuốc kháng sinh.
  • Người bị nhiễm trùng đường hô hấp gần đây, ví dụ: cảm lạnh, cúm…
  • Người mắc các bệnh phổi mạn tính như COPD, giãn phế quản và hen suyễn dễ mắc viêm phế quản phổi.
  • Tình trạng sức khỏe khác đi kèm các bệnh lý nội khoa như bệnh tiểu đường, suy tim, bệnh gan…
  • Người có hệ thống miễn dịch suy yếu: HIV hoặc bệnh tự miễn dịch
  • Người đang hóa trị hoặc dùng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch như: thuốc chống thải ghép hoặc sử dụng steroid lâu dài.
Trẻ em dưới 2 tháng, trẻ sinh thiếu tháng ..là những đối tượng dễ mắc viêm phế quản phổi

Trẻ dưới 2 tháng, trẻ sinh thiếu tháng ..là những đối tượng dễ mắc viêm phế quản phổi

Bệnh viêm phế quản phổi biểu hiện như thế nào?

Bệnh viêm phế quản phổi biểu hiện với các triệu chứng khác nhau tùy theo mức độ nhiễm trùng, tuổi tác và các bệnh đi kèm của người bệnh… Các triệu chứng của viêm phế quản phổi có thể bao gồm:

  • Sốt là một triệu chứng đặc trưng của các bệnh truyền nhiễm;
  • Đau cơ, mệt mỏi, uể oải, không có năng lực cho những hoạt động thường ngày;
  • Khó thở, thở gấp;
  • Ho nhiều, ho dai dẳng, có thể ho ra máu hoặc có dịch nhầy;
  • Các triệu chứng toàn thân như vã mồ hôi, chóng mặt, run, ớn lạnh, giảm ăn, buồn nôn, nôn;
  • Một số bệnh nhân bị viêm phế quản có thể bị suy nhược, mệt mỏi hoặc đau ngực (có thể trầm trọng hơn khi ho hoặc thở sâu; nhiễm trùng và suy hô hấp có thể gây lú lẫn hoặc mất ý thức).

Cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh viêm phế quản phổi

X-quang phổi

Trên X-quang ngực có thể thấy tình trạng viêm nhiễm với biểu hiện dưới dạng nhiều vùng nhiễm trùng loang lổ thường ở cả hai phổi và chủ yếu ở đáy phổi. Có trường hợp có khí tích tụ quanh phổi.

Công thức máu, CRP

Kết quả xét nghiệm máu ở bệnh nhân viêm phế quản phổi cho thấy  tổng số lượng bạch cầu cao, bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao trong trường hợp có nhiễm trùng do vi khuẩn. Qua xét nghiệm máu người bệnh, bác sĩ có thể chẩn đoán người bệnh có đang bị nhiễm trùng do vi khuẩn hay không, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Xét nghiệm tìm nguyên nhân

Xét nghiệm đờm: Phương pháp xét nghiệm này có thể giúp phát hiện ra được dịch đờm của người bệnh có nhiễm khuẩn hay không, từ đó xác định tình trạng viêm phế quản phổi.

Viêm phế quản phổi nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phế quản phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nếu không được điều trị thích hợp sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, đặc biệt là bệnh trẻ em, người già và bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch. Vì là bệnh ở đường thở nên bệnh viêm phế quản phổi có thể gây suy hô hấp, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Những người bị viêm phế quản phổi có nguy cơ gặp các biến chứng sau:

  • Suy hô hấp: Xảy ra khi quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide ở phổi bị suy giảm, đôi khi bệnh nhân bị suy hô hấp phải dùng đến máy thở để hỗ trợ;
  • Hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn (ARDS): ARDS là một dạng suy hô hấp nặng và đe dọa tính mạng;
  • Nhiễm trùng huyết: Tác nhân gây bệnh viêm phế quản phổi có thể lan vào máu và dẫn đến nhiễm trùng huyết, từ đó làm tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể và dẫn đến suy đa cơ quan, nguy hiểm đến tính mạng;
  • Áp xe phổi: Viêm phổi không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ hình thành các túi mủ (hoặc áp xe) bên trong phổi.
  • Xẹp phổi, biến chứng trên tim mạch, đặc biệt ở trẻ em.

Điều trị viêm phế quản phổi

Chống nhiễm khuẩn

Sử dụng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn trên bệnh nhân

Sử dụng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn trên bệnh nhân

Thuốc kháng sinh là thuốc điều trị đặc hiệu trong trường hợp người bệnh được xác định viêm phế quản phổi. Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn một loại hoặc kết hợp 2 loại kháng sinh với nhau để tăng tác dụng điều trị:

  • Efodyl 500 (cefuroxime 500mg): 2 viên/ ngày x 7 – 10 ngày
  • Augmentin 1g (Amoxicillin, axit clavulanic): 2 viên/ ngày x 7 – 10 ngày, uống sau ăn. Thời gian uống có thể kéo dài 14 ngày, hoặc đến khi triệu chứng viêm phế quản phổi được đẩy lùi hẳn.
  • Zithromax 500mg (Azithromycin 500mg): 1 viên/ ngày x 3 – 5 ngày, thời gian đào thải của kháng sinh này dài hơn những kháng sinh khác, nên số lượng viên và thời gian uống ít hơn.
  • Zinnat 500mg (cefuroxime 500mg): 2 viên/ ngày x 7 – 10 ngày, uống sau ăn.

Chống suy hô hấp

Cho thở oxy khi tần số thở trên 60 lần/phút và co kéo (không nên đợi có xanh tím là dấu hiệu thiếu oxy rất nặng). Thở bằng ống thông mũi họng, cho FiO2 tối đa 40% thở bằng lều chụp đầu (hood) FiO2 có thể tăng lên 60-80%, có thể ngừng oxy nếu tần số thở giảm, hết xanh tím, trẻ bú được. Trẻ sơ sinh, nhất là trẻ đẻ non bị viêm phế quản phổi cần thở oxy nếu có cơn ngừng thở hay tần số thở dưới 40 lần/phút.

Điều trị triệu chứng và biến chứng viêm phế quản phổi

  • Thuốc chống viêm corticoid: có tác dụng ngăn cản những phản ứng viêm đang xảy ra trong cơ thể. Những loại thuốc chống viêm corticoid mà bác sỹ thường sử dụng trong viêm phế quản phổi là: Betamethason, Methyl prednisolone, Dexamethason,…
  • Thuốc hạ sốt, giảm đau: Loại thuốc hay được bác sĩ kê đơn là paracetamol 500mg, có rất nhiều dạng viên như viên nén, viên nang, viên sủi; ngoài ra paracetamol cũng có nhiều tên biệt dược khác nhau như: Efferalgan 500mg viên sủi, Panadol 500mg, Hapacol 500mg viên sủi.
  • Thuốc long đờm: có tác dụng làm giảm sự đặc quánh của dịch đờm, giúp người bệnh viêm phế quản phổi có thể ho hoặc khạc đờm, làm thông thoáng đường hô hấp. Một số thuốc long đờm như: Acemuc 200mg, Bisovol 8mg, Ambroxol 30mg.

Phòng bệnh viêm phế quản phổi như thế nào?

  • Thường xuyên rửa tay trước khi ăn, khi đưa tay lên dụi mắt mũi miệng, rửa tay sau khi đi vệ sinh, cầm nắm các vật dụng công cộng, hoặc tiếp xúc với người bị bệnh viêm phế quản phổi
  • Đeo khẩu trang khi đi đến nơi đông người, khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh.
  • Không hút thuốc lá để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, đặc biệt là viêm phế quản phổi.
  • Ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng. Nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế thức khuya để tránh cơ thể bị giảm sức đề kháng.
  • Tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm cũng có thể giúp phòng bệnh viêm phế quản phổi do hạn chế cơ thể bị virus, vi khuẩn tấn công. Vì vậy cả trẻ em và người lớn đều nên thực hiện tiêm phòng.

BS.Lê Hạnh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận