Viêm thanh quản: nguyên nhân và điều trị
Viêm thanh quản là tổn thương viêm dây thanh âm do nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của người mắc. Bệnh tác động tiêu cực đến những người có đặc thù công việc phải nói nhiều như ca sĩ, giáo viên… Cùng Thầy thuốc Việt Nam tìm hiểu về các phương pháp chữa viêm thanh quản tại nhà trong điều kiện dịch bệnh COVID 19 đang diễn biến phức tạp nhé.
Nội dung bài viêt
1. Nguyên nhân của bệnh viêm thanh quản
Viêm thanh quản thường được chia thành 2 loại là viêm thanh quản cấp và viêm thanh quản mạn.
- Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh mà bạn thường không chú ý
Nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp chủ yếu là do:
- Virus, vi khuẩn, nấm….
- Viêm thanh quản thứ phát sau khi viêm đường hô hấp như viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản….
- Lạm dụng giọng nói quá mức hoặc sử dụng sai cách (hò hét, hát, nói chuyện liên tục…)
- Thói quen hắng giọng dai dẳng hoặc do ho kéo dài.
- Một số loại thuốc hít cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
- Uống rượu…
Với viêm thanh quản mạn tính, tình trạng này thường do người bệnh chưa điều trị triệt để khi ở giai đoạn cấp tính, dẫn tới bệnh tái phát. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến tình trạng này như:
- Viêm thanh quản do dị ứng hoặc tiếp xúc với hóa chất thường xuyên.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Viêm mũi xoang mạn tính.
- Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài.
- Sử dụng giọng nói liên tục.
- Tác dụng phụ của các thuốc hít điều trị hen suyễn, thuốc kháng histamin, thuốc ức chế men chuyển.
- Sự lão hóa của dây thanh theo tuổi tác.
2. Những triệu chứng của bệnh viêm thanh quản
Bệnh cấp tính có thể đột ngột xuất hiện và tiến triển nặng trong vòng 1 tuần đầu. Các triệu chứng thường gặp nhất là:
- Biến đổi giọng nói: Giọng nói yếu, nhanh hụt hơi, chất giọng khàn dần, thậm chí mất giọng.
- Cảm giác vướng nghẹn vùng cổ hoặc khó nuốt, nuốt đau.
- Phản xạ hắng giọng liên tục.
- Có thể xuất hiện ho dai dẳng, khô miệng họng.
- Viêm dây thanh nặng có thể gây phù nề khiến người bệnh khó thở, thở rít.
- Nếu bệnh ở trẻ có thể xảy ra tình trạng tăng tiết nước bọt, chảy dãi, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú…
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà người mắc có thể xuất hiện các triệu chứng đi kèm khác như:
- Sốt cao trong trường hợp có nhiễm trùng.
- Buồn nôn, ợ chua, ợ hơi, ợ nóng, nóng rát sau xương ức…
- Đau đầu, chảy nước mũi, tắc mũi…
- Sưng hạch vùng cổ…
- Ho ra máu.
3. Cách chữa viêm thanh quản hiệu quả nhất hiện nay
Với mỗi nguyên nhân gây viêm thanh quản sẽ có hướng xử trí điều trị khác nhau.
Trong nhiều trường hợp, bệnh có thể tự khỏi sau vài tuần mà không cần can thiệp quá nhiều.
Tuy nhiên, với những trường hợp bị mạn tính hay thứ phát do các bệnh lý khác cần lựa chọn thuốc điều trị cho phù hợp.
- Thuốc kháng sinh, kháng nấm: Dùng trong các trường hợp khi nhiễm trùng hoặc viêm thanh quản do các bệnh lý viêm đường hô hấp…
- Thuốc Corticoid: Chống viêm và giảm sưng nề dây thanh âm.
- Thuốc kháng Histamin trong các trường hợp bị bệnh do dị ứng.
- Thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản như thuốc ức chế bơm proton H+, thuốc bọc dạ dày…
- Thuốc giảm đau paracetamol, NSAIDS.
Liệu pháp giọng nói được chỉ định khá phổ biến trong các trường hợp bị bệnh mạn tính. Để thực hiện liệu pháp này, người bệnh cần gặp gỡ trao đổi và nhận sự hỗ trợ từ các bác sĩ trị liệu chuyên sâu.
4. Những lưu ý khi chữa viêm thanh quản
Ngoài việc dùng thuốc điều trị viêm thanh quản, người bệnh cũng cần lưu ý:
- Hạn chế nói. Không nói khi không thật cần thiết. Nên nói nhỏ đủ nghe. nếu cần nói liên tục nên uống nước.
- Uống đủ nước để giữ cho miệng, họng không bị khô.
- Không uống rượu, bia, chất kích thích như caffeine…
- Nên sử dụng các thiết bị tạo ẩm không khí.
- Vệ sinh răng miệng và tai mũi họng thường xuyên. Nên súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Có thể sử dụng các loại viên ngậm, siro ngậm để hỗ trợ điều trị.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, khí độc hại.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, hạn chế đến khu vực có người hút thuốc lá.
- Tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ điều trị và tái khám đúng hẹn.
- Bỏ hút thuốc có thể hạn chế tình trạng bị viêm thanh quản
Xem thêm
Mách bạn 9 mẹo chữa khản tiếng tại nhà đơn giản, hiệu quả cao
5. Phòng ngừa bệnh như thế nào?
Viêm thanh quản là bệnh tương đối phổ biến và dễ tái phát, nhất là ở giai đoạn mạn tính. Vì vậy, để phòng ngừa viêm, người bệnh cần:
- Uống đủ nước để đảm bảo miệng, họng không bị khô và chất nhầy trong cổ họng được làm loãng.
- Tiêm phòng cúm và dự phòng tốt các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
- Vệ sinh tai – mũi – họng thường xuyên.
- Đeo khẩu trang hoặc các thiết bị bảo hộ chuyên dụng khi tiếp xúc với môi trường khói bụi, khu vực có hóa chất, khí độc hại…
- Bỏ thuốc lá.
- Không uống rượu bia quá mức.
- Sử dụng giọng nói hợp lý, tránh hét to, nói lớn.
- Bỏ thói quen hắng giọng.
- Chọn gối ngủ phù hợp, không quá cao hoặc quá thấp, nằm nghiêng trái nhất là những người bị trào ngược dạ dày thực quản.
- Hạn chế các thực phẩm có tính acid, cay nóng, nên ăn nhiều trái cây và rau xanh. Bổ sung thêm vitamin A, E, C.
- Hạn chế ăn uống đồ lạnh…
BS. Thanh Mai