Virus viêm não Nhật Bản
Virus viêm não Nhật Bản được phát hiện bởi Hayshi năm 1943 tại Nhật Bản. Virus này thuộc nhóm Flavivirus của Arbovirus. Đây là virus gây nên căn bệnh viêm não Nhật Bản nguy hiểm ở trẻ em mỗi khi hè về.
Nội dung bài viêt
1. Đặc điểm sinh vật
1.1. Hình thể và cấu trúc
Virus viêm não Nhật Bản có hình cầu đường kính khoảng 40-50nm. Capsid đối xứng hình khối 20 mặt và chứa duy nhất ARN một sợi dương. Lớp vỏ bản chất là lipoprotein.
- Sơ đồ cấu trúc hạt virus Viêm não Nhật Bản (ảnh sưu tầm)
1.2. Sức đề kháng
- Virus viêm não Nhật Bản dễ dàng bị tiêu diệt bởi các dung môi hoà tan lipid (ether, xà phòng, formalin…), tia cực tím và nhiệt độ cao.
- Ở 600°C bị tiêu diệt sau 30 phút, ở 4°C bị tiêu diệt sau vài giờ.
1.3. Nuôi cấy
- Virus viêm não Nhật Bản có thể nuôi cấy trên các tế bào thận khỉ, thận lợn. Đặc biệt chủng virus này phát triển rất tốt ở tế bào muỗi.
-
- Virus viêm não Nhật Bản phát triển rất tốt ở tế bào muỗi (ảnh sưu tầm)
1.4. Kháng nguyên
Cũng như các virus thành viên của nhóm Flavivirus, virus viêm não Nhật Bản có kháng nguyên trung hoà, kháng nguyên ngăn ngưng kết hồng cầu và kháng nguyên kết hợp bổ thể. Trong đó, kháng nguyên ngăn ngưng kết hồng cầu có phản ứng chéo với các virus cùng nhóm.
2. Dịch tễ học và đường lây truyền bệnh
2.1. Dịch tễ học
- Các khu vực chịu ảnh hưởng của virus viêm não Nhật Bản trên thế giới
Viêm não Nhật Bản lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam năm 1952. Tính đến nay mỗi năm có khoảng 2000 – 3000 trẻ mắc bệnh. Từ năm 1997 đến nay, vắc xin viêm não Nhật Bản được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nên số ca mắc và tử vong vì bệnh có chiều hướng giảm. Tuy nhiên bệnh viêm não Nhật Bản vẫn là gánh nặng cho những gia đình có con bị mắc bệnh bởi những biến chứng nặng nề mà nó gây ra.
Bệnh thường xuất hiện vào tháng 4 – 10 và đỉnh dịch thường rơi vào tháng 6,7 hàng năm. Vecto truyền bệnh là muỗi Culex và muỗi Aedes trong đó Culex tritaeniorhynchus là vecto chính.
Đối tượng thường gặp là trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh diễn biến nhanh và để lại di chứng nặng nề thậm chí tử vong.
2.2. Đường lây truyền bệnh
- Đường lây truyền của virus viêm não Nhật Bản (ảnh sưu tầm)
Bệnh lây truyền qua đường máu, do côn trùng – muỗi đốt. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người. Không lây qua đường tiếp xúc như ăn uống chung, đồ dùng chung hoặc tiếp xúc với người bệnh.
Ngoài khả năng gây bệnh cho người, virus viêm não Nhật Bản có thể gây bệnh cho các vật chủ khác như chim (chim, gà, cò…), động vật có xương sống (trâu, lợn…)
Sau khi muỗi truyền virus viêm não Nhật Bản cho người thì người nhiễm virus có thể ở dạng nhiễm trùng thể ẩn hoặc không điển hình. Với các trường hợp có biểu hiện bệnh thì triệu chứng rất đa dạng.