[Xem ngay] – Cách cầm tiêu chảy nhanh nhất, hiệu quả nhất

Tiêu chảy là một trong những tình trạng bệnh lý hay gặp ở cả người lớn và trẻ em, đặc biệt hay xảy ra vào mùa hè. Do đó, nhiều người thường thắc mắc cách cầm tiêu chảy nhanh nhất, hiệu quả nếu không may mắc phải tình trạng này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho người đọc những kiến thức cần thiết để bạn có thể phòng tránh cũng như xử trí khi bản thân cũng như những người xung quanh bị tiêu chảy.

1. Một số kiến thức về tình trạng tiêu chảy

1.1 Tiêu chảy là gì?

Tiêu chảy là tình trạng người bệnh tăng số lượng cũng như tần suất đi đại tiện trong ngày, thường là từ 3 lần/ngày trở lên. Một số dấu hiệu để nhận biết tình trạng này có thể kể đến như:

Số lần đi đại tiện bỗng dưng tăng đột ngột.

Phân lỏng, có nhiều dịch.

Màu sắc phân thay đổi bất thường như có máu, có chất nhầy.

Bên cạnh tình trạng tăng số lần đi đại tiện, phân lỏng, nát, người bệnh tiêu chảy còn có các triệu chứng khác đi kèm như: sốt nhẹ, đau quặn bụng, buồn nôn, nôn, cơ thể mệt mỏi, chân tay vô lực vì bị mất nước, mất điện giải.

Tiêu chảy

1.2. Những nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy

Những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng tiêu chảy có thể kể đến như:

Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: Các mầm bệnh xâm nhập vào đường tiêu hóa qua thức ăn hàng ngày như tụ cầu, salmonella, E Coli, Clostridium Difficile,…có thể gây ra những tổn thương và rối loạn trên hệ thống dạ dày- ruột.

Ngộ độc thực phẩm: Tiêu thụ các loại thức ăn ôi thiu, biến chất, có chứa các loại chất bảo quản, chất phụ gia không đạt tiêu chuẩn có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy.

Hạn chế hấp thu do yếu tố di truyền: Một số cá thể không có khả năng dung nạp đường lactose, galactose, fructose,…có trong các loại bánh, kẹo, hoa quả, mật ong,…có thể bị tiêu chảy khi tiêu thụ các loại thực phẩm này.

Rối loạn hệ vi sinh đường ruột: Sử dụng kháng sinh bừa bãi, làm chết các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, từ đó tạo cơ hội cho các vi khuẩn có hại phát triển, gây kích ứng, giảm khả năng hấp thu và rối loạn nhu động ruột. 

2. Những cách cầm tiêu chảy tại nhà nhanh và hiệu quả nhất: 

2.1 Sử dụng thuốc cầm tiêu chảy:

Để cầm tiêu chảy nhanh nhất, người bệnh có thể cân nhắc sử dụng một số thuốc cầm tiêu chảy không kê đơn dưới đây:

  • Berberin: Đây là loại thuốc được sử dụng phổ biến để cầm tiêu chảy tại nhà. Thuốc có chiết xuất từ các loại thảo dược sẵn có ở nước ta ( như hoàng liên, hoàng bá, thổ hoàng liên,…). Berberin có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn hiệu quả, giúp tái tạo và làm cho các tổn thương mau hồi phục. Người bệnh có thể mua thuốc tại các nhà thuốc trong khu vực và sử dụng với liều lượng phù hợp theo độ tuổi đã được ghi trên nhãn lọ thuốc. 

Berberin là một trong những thuốc điều trị tiêu chảy được sử dụng phổ biến 

  • Diphenoxylate: Thuốc này có tác dụng điều hòa lại nhu động ruột, vì vậy giúp giảm đau bụng và số lần đi đại tiện. Thuốc tăng cường sự tái hấp thu muối và nước trong ruột vì vậy giúp phân rắn hơn và người bệnh hạn chế gặp phải tình trạng mất nước hơn.
  • Loperamide: Loperamide là thuốc được sử dụng trong nhiều tình trạng tiêu chảy như: tiêu chảy không rõ nguyên nhân, tiêu chảy cấp, mạn tính, tiêu chảy du lịch. Thuốc có khả năng làm giảm nhu động ruột, tăng tái hấp thu nước, từ đó giúp phân rắn hơn, giảm đau bụng và số lần đi đại tiện. Thuốc chỉ có tác động ở ngoại vi, không ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. 

Lưu ý: Thuốc chỉ được dùng cho người bệnh từ 12 tuổi trở lên.

  • Thuốc Smecta: Thuốc tiêu chảy Smecta có thành phần là Diosmectite. Sau khi uống, các phân tử thuốc tạo thành một lớp màng bao quanh giúp bảo vệ niêm mạc khỏi kích ứng, từ đó có thể làm giảm co bóp và số lần đi ngoài. Ngoài ra, thuốc còn có khả năng hấp thu nước, cũng như ngăn chặn các mầm bệnh bám vào thành đại tràng. Liệu trình điều trị với Smecta thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày, sau đó khuôn phân sẽ dần được cải thiện và người bệnh không còn cảm thấy đau bụng nữa.
  • Thuốc Racecadotril: Loại thuốc này hoạt động theo cơ chế ức chế men Enkephalinase trong đường tiêu hóa, từ đó giảm lượng dịch tiết ra, hạn chế mất nước và các chất điện giải, giúp phân rắn hơn và giảm số lần đi ngoài.

Tuy nhiên, người bệnh cũng cần lưu ý không nên tự ý dùng các thuốc nêu trên để cầm tiêu chảy tại nhà một cách bừa bãi. Sử dụng thuốc cần có sự cho phép và hướng dẫn của thầy thuốc. Đôi khi, tiêu chảy là phản ứng của cơ thể để loại bỏ độc tố. Khi đó, nếu sử dụng thuốc cầm tiêu chảy có thể dẫn tới sự tích tụ của độc tố và gây hại cho sức khỏe.

2.2 Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Người bệnh tiêu chảy nên lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp để giúp bệnh mau hồi phục hơn. Nên tránh các loại thực phẩm khó tiêu, vì khi đó đường ruột của bạn đang yếu, khó có thể hấp thu được các chất dinh dưỡng. Để bổ sung chất đạm, người bệnh nên chọn thịt gà, thịt lợn nạc, dầu thực vật. Bên cạnh đó cũng nên ăn các loại trái cây như chuối, táo, ổi, hồng xiêm,…Chúng không chỉ cung cấp chất xơ, vitamin, mà còn bổ sung các nguyên tố vi lượng mà cơ thể đang bị mất đi. 

2.3 Nghỉ ngơi, giảm căng thẳng

Stress, căng thẳng sẽ khiến cơ thể sản sinh ra các loại hormon gây rối loạn hoạt động co bóp và tiết dịch của đường tiêu hóa, từ đó làm cho tình trạng tiêu chảy trở lên trầm trọng hơn. Bạn nên giữ cho tinh thần thoải mái, nằm nghiêng trên giường và đặt một chai nước ấm lên bụng để xoa dịu các cơn co bóp.

Nghỉ ngơi đầy đủ và tăng cường chất lượng giấc ngủ là yếu tố quan trọng để cải thiện rối loạn lo âu

Người bệnh tiêu chảy nên được nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng phù hợp 

2.4 Bổ sung nước cho cơ thể

Tiêu chảy nhiều ngày có thể khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược do mất nước và các chất điện giải. Do đó, khi bị tiêu chảy, người bệnh cần bổ sung nhiều nước hơn. Nước lọc, Oresol hoặc các dung dịch bù điện giải khác thường được ưu tiên sử dụng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng nước trà, nước ép trái cây để thay thế.

2.5 Sử dụng men vi sinh nhằm cung cấp lợi khuẩn cho đường tiêu hóa

Men vi sinh có chứa các lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Chúng làm tăng cường hệ miễn dịch đường tiêu hóa và bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh từ các loại thực phẩm. Việc bổ sung men vi sinh có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng tiêu chảy, giảm số ngày nằm viện và nguy cơ gặp phải các biến chứng.

Trên đây là một số phương pháp cầm tiêu chảy tại nhà giúp giải đáp thắc mắc của quý bạn đọc. Tuy nhiên, đây chỉ là các cách điều trị triệu chứng, điều quan trọng là cần tìm ra nguyên nhân và loại bỏ nó. Do đó, nếu sử dụng các biện pháp nêu trên mà bệnh không giảm, người bệnh cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. 

Nguyễn Linh Trang

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận