Xét nghiệm cần làm để chẩn đoán Sốt xuất huyết

Sau khi có những biểu hiện của sốt xuất huyết, người bệnh cần nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm theo chỉ dẫn của bác sĩ để tìm nguyên nhân và có phác đồ điều trị sốt xuất huyết phù hợp. Vậy cụ thể các xét nghiệm sốt xuất huyết đó là gì? Những ai cần làm các xét nghiệm này?

Xét nghiệm sốt xuất huyết để chẩn đoán nguyên nhân

Xét nghiệm huyết thanh

Xét nghiệm nhanh

+Tìm kháng nguyên Dengue NS1
  • Phương pháp này có độ nhạy khoảng 92% và độ đặc hiệu tới 98%. Tỷ lệ dương tính giả khoảng 2%.
  • Đây là phương pháp chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue được sử dụng rộng rãi nhất. Khi test cho kết quả dương tính tức là xuất hiện virus Dengue trong cơ thể.
  • Test kháng nguyên NS1 cho phép phát hiện bệnh sớm, ngay khi bệnh nhân mới sốt đầu ngày 1. Kháng nguyên Dengue NS1 xuất hiện trong cơ thể từ ngày 1 đến ngày 9. Việc phát hiện bệnh sớm cho phép có hướng điều trị phù hợp. Từ đó giúp ngăn ngừa được những biến chứng của sốt xuất huyết Dengue.
  • Test này cho kết quả nhanh, thường từ 5-15 phút
+ Tìm kháng thể IgM

Kháng thể kháng Dengue virus IgM test nhanh: tìm sự có mặt của kháng thể IgM kháng virus Dengue từ ngày thứ 3 của bệnh. Nếu kết quả dương tính là bệnh nhân đang mắc sốt xuất huyết Dengue ở giai đoạn nguy hiểm.

Xét nghiệm ELISA

Xét nghiệm ELISA

Xét nghiệm sốt xuất huyết: ELISA

Giúp phát hiện kháng thể IgG,IgM kháng virus Dengue trong máu. Xét nghiệm này có độ nhạy khoảng 96% và độ đặc hiệu 95%. IgM thường xuất hiện từ ngày 3-4 và IgG xuất hiện từ ngày 14 sau nhiễm nguyên phát. Test cho kết quả nhanh 15-20 phút.

  • Nếu IgM dương tính, IgG âm tính: bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue nguyên phát, bệnh đang trong giai đoạn cấp thể.
  • Nếu IgM âm tính, IgG dương tính: bệnh nhân đã từng mắc sốt xuất huyết Dengue hơn 14 ngày về trước.
  • Nếu IgM dương tính, IgG dương tính: bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết Dengue thứ phát, bệnh giải đoạn cấp thể.
  • Nếu IgM âm tính, IgG âm tính: bệnh nhân chưa từng mắc sốt xuất huyết Dengue trước đó, có thể đang không mắc sốt xuất huyết Dengue hoặc do chưa đủ ngày nên chưa xuất hiện kháng thể kháng Dengue.

Xét nghiệm PCR, phân lập virus

PCR: có độ nhạy 80-90% và độ đặc hiệu trên 95%. Giúp xác định và định danh type virus Dengue nhờ kỹ thuật khuyếch đại ARN của virus Dengue bằng các đoạn mồi thông qua giai đoạn tổng hợp ADN từ ARN.

Cho kết quả khoảng 12 giờ từ khi lấy mẫu bệnh phẩm. Có thể thực hiện ngay từ khi virus tấn công mà vẫn chưa có giảm tiểu cầu hay cô đặc máu; khi bệnh nhân bắt đầu sốt, chưa xuất hiện dấu hiệu lâm sàng rõ ràng của sốt xuất huyết, ngay cả khi các test nhanh vẫn còn âm tính.

Việc định type virus Dengue có ý nghĩa rất lớn trong tiên lượng bệnh cũng như dịch tễ. Tránh được 2 bệnh cảnh nặng nề là xuất huyết nặng và sốc xuất huyết Dengue khi cơ thể bệnh nhân tái nhiễm virus Dengue type khác do kháng thể kháng 1 type virus Dengue phản ứng với type virus khác làm tăng khả năng gắn và xâm nhập của virus vào bạch cầu đơn nhân làm cho bệnh cảnh sốt xuất huyết Dengue nặng nề hơn và cần được phát hiện sớm để có hướng điều trị phù hợp.

Phân lập virus bằng nuôi cấy: đây là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán nhiễm virus Dengue . Có thể cấy bệnh phẩm vào muỗi hoặc các môi trường nuôi cấy có nguồn gốc từ muỗi hoặc động vật. Sau đó dùng kỹ thuật kháng thể huỳnh quang trực tiếp để phát hiện virus Dengue và miễn dịch huỳnh quang gián tiếp để phân type virus Dengue. Thời gian cho kết quả thường khoảng 5 ngày. Nói chung việc phân lập virus bằng nuôi cấy chỉ có ý nghĩa nghiên cứu dịch tễ là chủ yếu chứ không có ý nghĩa lâm sàng lắm.

Các xét nghiệm sốt xuất huyết khác

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm sốt xuất huyết bằng xét nghiệm máu

Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

PLT

Tiểu cầu (PLT): thường bệnh nhân sẽ có giảm số lượng tiểu cầu vào ngày thứ 3 đến 7 của bệnh. Số lượng tiểu cầu thường dưới 100.000/mm3. Nguyên nhân gây nên tình trạng giảm tiểu cầu là do:

  • Virus Dengue ức chế tủy xương là nơi sản xuất tiểu cầu
  • Các kháng thể kháng virus Dengue được cơ thể tạo ra đã phá hủy một lượng lớn tiểu cầu.
  • Một phần tiểu cầu bị các tế bào thực bào phá hủy
  • Dịch trong lòng mạch giảm làm tăng kết dính của tiểu cầu với các tế bào nội mạch

Nếu số lượng tiểu cầu giảm nhiều dưới 50.000/mm3 thì nguy cơ bệnh nhân bị xuất huyết sẽ tăng lên: có thể chỉ là xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, nặng hơn có thể xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết não.

Xem xét truyền tiểu cầu cho bệnh nhân: nếu số lượng tiểu cầu <50.000/mm3 kèm xuất huyết nặng; cân nhắc khi số lượng tiểu cầu <5.000/mm3 không kèm xuất huyết.

Thường sau 7 ngày số lượng tiểu cầu sẽ dần hồi phục về như bình thường.

HCT, RBC, HGB

Thường bệnh nhân sẽ có tình trạng cô đặc máu do mất nước nhiều mà không bù đủ vì sốt hoặc thoát dịch ra khỏi lòng mạch vào khoảng kẽ. Chỉ số HGB và HCT thường tăng, RBC thường bình thường mà ít khi tăng, có thể giảm trong trường hợp bệnh nhân có xuất huyết nhiều gây thiếu máu. Chỉ số HCT có ý nghĩa rất lớn trong điều trị, thường nó sẽ tăng cao hơn 20% so với ban đầu. Dựa vào chỉ số HCT để  lựa chọn phác đồ phù hợp cũng như đánh giá đáp ứng điều trị của bệnh nhân.

WBC

Bạch cầu (WBC): thường khoảng ngày thứ 3 sẽ thấy giảm về số lượng, trừ trường hợp bệnh nhân có nhiễm khuẩn kèm theo.

Sinh hoá máu

Chức năng gan

Men gan tăng, thường tăng gấp 5-10 lần so với bình thường , đôi khi tăng gấp 20-30 lần bình thường, bệnh nhân có thể chỉ gặp tổn thương gan mức độ nhẹ và trung bình hoặc nặng thì gặp bệnh cảnh bệnh lý não gan. Mức độ tăng của men gan thường liên quan đến số lượng của virus Dengue trong cơ thể.

Nguyên nhân gây tăng men gan do:

  • Virus Dengue khi đi qua gan gây tổn thương tế bào gan hoặc hoại tử tế bào gan
  • Tăng giải phóng yếu tố viêm IL2 vào gan gây
  • Phản ứng miễn dịch của cơ thể
Chức năng thận

Có thể gặp tình trạng tổn thương thận cấp với lượng nước tiểu ít hơn 0.5ml/kg/ giờ và creatine máu tăng 1.5-2 lần trị số bình thường hoặc độ thanh thải creatine giảm >= 50%. Nguyên nhân gây nên tổn thương thận cấp là do bệnh nhân bị giảm thể tích tuần hoàn mà không được bồi phụ đủ gây giảm thể tích máu qua thận.

Albumin, protein

Thường giảm do tình trạng thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, nồng độ Albumin và protein thường bắt đầu giảm nhẹ ở giai đoạn sớm của bệnh từ ngày 1 đến ngày 3. Giảm xuống thấp nhất ở giai đoạn tái hấp thu của bệnh nhân từ ngày 7 đến ngày 10 . Thường trở về lại bình thường sau bị nhiễm virus Dengue 4 tuần.

Điện giải đồ

Bệnh nhân có thể có tình trạng rối loạn điện giải do mất nước và điện giải trong quá trình sốt hoặc nôn, rối loạn điện giải bao gồm:

  • Toan chuyển hoá với pH<7.35 và/hoặc HCO3- <17
  • Hạ Calci huyết với Calci ion hoá < 1mmol/L
  • Hạ Natri máu có thể khiến bệnh nhân mệt nhiều, có thể hạ Natri máu nặng kèm rối loạn tri giác với Natri < 125mEq/L

Để hạn chế tình trạng rối loạn điện giải, bệnh nhân phải bù nước và điện giải đặc biệt là uống Oresol.

Đông máu cơ bản

Thường trong giai đoạn đầu bệnh nhân sẽ có tăng đông máu trong lòng mạch do các yếu tố đông máu bị kích hoạt. Tuy nhiên, khi bệnh nhân ở giai đoạn bệnh chuyển nặng có dấu hiệu cảnh báo hoặc có sốc thì có đến 60% bệnh nhân có rối loạn đông máu với PT, APTT và INR tăng khiến cho bệnh nhân có nguy cơ chảy máu khó cầm.

Các chẩn đoán hình ảnh

Xquang tim phổi

Xquang tim phổi

Xquang tim phổi

Ở một số bệnh nhân sẽ có tràn dịch màng phổi do huyết tương thoát ra ngoài vào khoảng kẽ. Trên Xquang cũng cho thấy được hình ảnh đám mờ rải rác khắp 2 trường phổi nghĩ nhiều đến phù phổi cấp do quá tải dịch.

Siêu âm ổ bụng

Thấy được hình ảnh tràn dịch ổ bụng, thành túi mật dày, trong một số trường hợp thấy được hình ảnh gan to.

Các xét nghiệm phục vụ quá trình theo dõi và tiên lượng trong quá trình điều trị

  • Xét nghiệm quan trọng nhất để phục vụ quá trình theo dõi và tiên lượng quá trình điều trị là Hematocrit . Đây là tỷ lệ phần trăm hồng cầu trong thể tích máu toàn phần. Tỷ lệ này nếu tăng cao hơn 45% chứng tỏ bệnh nhân đang bị mất dịch, thiếu dịch gây cô đặc máu. Hematocrit được làm mỗi khi chuyển tốc độ truyền dịch trong sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo hoặc sốc sốt xuất huyết Dengue. Trong trường hợp bệnh nhân ổn định nên được làm lại mỗi ngày.
  • Ngoài ra, các xét nghiệm như công thức máu giúp đánh giá số lượng tiểu cầu; sinh hoá máu giúp đánh giá chức năng gan thận, điện giải đồ ; đông máu cơ bản giúp đánh giá nguy cơ chảy máu khó cầm nên được thực hiện hàng ngày nếu có bất thường, nếu không có bất thường thì 2 ngày 1 lần.
  • Với các cận lâm sàng như siêu âm ổ bụng giúp đánh giá lượng dịch tự do trong ổ bụng, Xquang tim phổi giúp đánh giá lượng dịch tràn và xem bệnh nhân có thừa dịch gây phù phổi cấp hay không nên thực hiện khi có bất thường trên lâm sàng.

Những người nào cần làm xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết

  • Tất cả các bệnh nhân đang ở vùng dịch tễ có biểu hiện lâm sàng với tỷ lệ xuất hiện giảm dần. Các biểu hiện này là: sốt, da xung huyết, đau nhức cơ xương khớp, có biểu hiện xuất huyết, buồn nôn, chán ăn..Ngoài ra có thể gặp đau bụng, tiêu chảy, họ, đau họng, đau hốc mắt, xuất tiết mũi, gan to, phù, hạch to, suy hô hấp, vàng da, bứt rứt, co giật.
  • Bệnh nhân sốt có kết quả xét nghiệm máu giảm tiểu cầu, bạch cầu.

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận