Cách chữa ngộ độc thực phẩm bằng gừng an toàn và hiệu quả

Gừng không những là một gia vị trong chế biến thức ăn, mà còn là một loại thảo dược sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian từ bao đời nay. Gừng rất có hiệu quả trong điều trị rối loạn tiêu hóa, thường được dùng trong các trường hợp ngộ độc thức ăn do có tác dụng chống nôn và tốt cho hệ tiêu hóa. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc các thông tin về tác dụng và cách chữa ngộ độc thức ăn bằng gừng.

1. Tác dụng của gừng trong việc chữa ngộ độc thức ăn

Tình trạng ngộ độc thực phẩm (ngộ độc thức ăn, trúng thực) xảy ra khi ăn phải các thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh có độc tố mạnh, thức ăn để lâu bị ôi thiu, hoặc hàm lượng chất phụ gia, chất bảo quản trong thực phẩm vượt quá liều lượng cho phép. Một số triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm gồm: Buồn nôn, ói mửa, đau bụng, đi ngoài phân lỏng hoặc lẫn máu, chán ăn, mệt mỏi, sốt,… 

Trong đó, gừng là một nguyên liệu có sẵn phổ biến trong mỗi căn bếp, có nhiều cách chữa ngộ độc thực phẩm bằng gừng nếu được sử dụng “đúng người, đúng bệnh”.

Sử dụng gừng trong các trường hợp bị trúng thực là một phương pháp dân gian có từ lâu đời

Theo đông y, gừng có vị cay, nóng, tính ấm, mùi thơm. Gừng tươi (sinh khương) chữa nhức đầu, nôn mửa, bụng đầy trướng; dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, tăng bài tiết, giải độc ngứa do cua cá. Gừng nướng chữa đau bụng, lạnh dạ, đi ngoài. Gừng khô (can khương) chữa đầy trướng không tiêu, thổ tả.

Tất cả các tác dụng trên cho thấy gừng hoạt động như một chất hỗ trợ tiêu hóa. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy, vì các enzym trong gừng có thể phá vỡ và loại bỏ khí trong đường ruột làm giảm cảm giác khó chịu, đồng thời kích thích tiết nước bọt, dịch mật và dịch tiêu hóa có lợi cho quá trình tiêu hóa. 

Hơn nữa, gừng chứa gingerol và shogaol – những hoạt chất thúc đẩy nhu động ruột, gia tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn, giảm co thắt dạ dày. Từ đó, kích thích ăn ngon miệng, làm dễ tiêu  và giúp giảm triệu chứng ngộ độc (cảm giác buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng,…).

2. Cách chữa ngộ độc thực phẩm bằng gừng

2.1. Ngộ độc thông thường

Các cách chữa ngộ độc thực phẩm bằng gừng sẽ đem lại công dụng khác nhau tùy theo dạng bào chế (gừng tươi, gừng sấy khô, gừng nướng, bột gừng) 

Với đa số các trường hợp ngộ độc thức ăn, có thể dùng gừng ở dạng tự nhiên, phổ biến nhất là uống trà gừng. Hiện nay, trên thị trường có nhiều chế phẩm trà gừng sẵn có tại các nhà thuốc, cửa hàng. Hoặc bạn có thể nạo gừng tươi, cho vào nước đun sôi, sau đó lọc lấy nước và bỏ gừng. Chờ đến khi nước nguội rồi từ từ uống hoặc bảo quản trong tủ lạnh.

Ngoài ra, có một số cách chữa ngộ độc thức ăn bằng gừng dưới đây(*) cũng mang lại hiệu quả trong cải thiện các biểu hiện rối loạn tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm gây ra:

– Chữa nôn ọe:

  • Nước gừng sống 10ml, sữa bò 20ml. Đun và uống khi còn nóng.
  • Gừng sống nhai nuốt từng ít một cho đến khi khỏi.

– Chữa đau bụng, đầy bụng, đi ngoài phân lỏng: 

  • Gừng sấy khô tán nhỏ, dùng với nước cơm, mỗi lần uống 2-4g.
  • Gừng nướng, bóc vỏ, thái lát, nhai với vài búp ổi hoặc búp chè.

2.2. Chữa ngộ độc hải sản bằng gừng

Khi đi du lịch biển hoặc đi ăn nhà hàng hải sản, đôi khi có thể gặp phải tình trạng không mong muốn là ngộ độc hải sản. Một số triệu chứng điển hình như: Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, ngứa ngáy, nổi ban toàn thân,… 

Hải sản có tính hàn, còn gừng có tính ấm. Theo ứng dụng học thuyết âm dương trong y học cổ truyền, gừng cũng được dùng để xử trí trong các trường hợp ngộ độc hải sản.

Sau khi ăn hải sản mà thấy da nổi ban đỏ, chướng bụng, đầy hơi,… thì hãy lấy gừng đập dập nhỏ, pha với nước nóng, đợi nguội rồi uống là sẽ thấy dễ chịu hơn. Gừng có vị cay nóng, nên có thể pha thêm với mật ong, chanh,… để dễ uống hơn. Mặt khác, các vitamin trong mật ong có tác dụng làm giảm triệu chứng ngứa ngáy do ngộ độc đồ biển gây ra, và chanh có hiệu quả nhất đối với những trường hợp dị ứng tôm.

Mật ong, gừng, chanh là những nguyên liệu phổ biến được dùng để chữa ngộ độc hải sản

2.3. Khi bị ngộ độc rượu

Mỗi lần ăn uống, tụ tập hay các dịp lễ tết, rượu bia như một phần không thể thiếu. Trong các cuộc vui này, mọi người thường có tâm lý chủ quan khi “quá chén”, nhưng nếu bản thân không khỏe thì nhất định không được chủ quan.

Ngộ độc rượu là tình trạng uống quá nhiều rượu (ethanol) trong một thời gian ngắn, hoặc uống rượu kém chất lượng có chứa cồn công nghiệp (methanol), hoặc là lạm dụng rượu trong thời gian dài.

Khi bị ngộ độc rượu sẽ có một số triệu chứng như lú lẫn, da xanh tím quanh môi, móng tay, hạ thân nhiệt, nôn mửa, thở chậm,… Các biến chứng nguy hiểm sẽ xảy ra nếu không được xử trí kịp thời: Hạ đường huyết, co giật, bệnh về gan, suy hô hấp dẫn đến tử vong,…

Do tính cay nóng, gừng được chứng minh là làm giãn các mao mạch, thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, làm ấm cơ thể từ bên trong. Khi đó, tuần hoàn máu trong cơ thể diễn ra tốt hơn. 

Với những người muốn giải rượu hoặc có biểu hiện ngộ độc sau khi dùng rượu, phương pháp dưới đây là một cách chữa ngộ độc thực phẩm bằng gừng đơn giản, dễ kiếm, dễ làm tại chỗ.

Rửa sạch gừng, thái thành lát mỏng hoặc giã nhỏ, cho vào ly nước nóng, khuấy đều, chờ cho nguội bớt và uống khi nước ấm. Tùy khẩu vị có thể thêm 1 thìa mật ong vào. Vì mật ong tăng cường khả năng hấp thu nhanh hơn, nhờ đó công dụng giải rượu cũng hiệu quả hơn.

3. Một số lưu ý khi sử dụng gừng để chữa ngộ độc

Để phát huy hiệu quả chữa ngộ độc thức ăn bằng gừng một cách tốt nhất, cần sử dụng gừng đúng cách và chú ý một số điều sau:

  • Gừng tươi bị dập nát sẽ tạo ra độc tố vô cùng mạnh – chất safrole. Khi ăn vào dễ gây hoại tử tế bào gan, tổn hại đến chức năng gan. Người viêm gan ăn gừng tươi không những không thể sớm bình phục, ngược lại làm cho bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người có bệnh gan không nên ăn gừng thường xuyên. 

Nên chọn loại gừng có màu sáng, bề mặt ngoài nhẵn, không vết xước, không dập nát biến chất.

Ăn gừng sai cách có thể gây hại cho cơ thể. Không ăn những củ gừng bị dập, mọc mầm, bị mốc

  • Chỉ nên rửa sạch đất cát, bụi bẩn bám ngoài vỏ, không nên gọt hết vỏ gừng vì phần vỏ chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe. Nếu gọt vỏ sẽ không phát huy hết tác dụng của gừng.
  • Do tính chất cay nồng của loại thảo dược này, khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi với gừng có liều lượng cao.
  • Gừng là loại gia vị, thảo dược tốt nhưng không nên lạm dùng quá nhiều. Các hoạt chất, thành phần có trong gừng chủ yếu hoạt động trên niêm mạc đường tiêu hóa, nếu sử dụng nhiều có thể gây bào mòn niêm mạc, tăng nguy cơ loét dạ dày.
  • Người có tiền sử viêm loét dạ dày hoặc trào ngược dạ dày (GERD) nên thận trọng khi sử dụng gừng.

Mặc dù mang lại nhiều công dụng như trên, song đôi khi cách chữa ngộ độc thức ăn bằng gừng không dứt điểm, không đem lại được hiệu quả như mong muốn. Chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà đa số mang lại hiệu quả trong những trường hợp nhẹ. Trong trường hợp trúng thực nặng, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để bác sĩ tư vấn và có hướng điều trị càng sớm càng tốt.

Lê Hải Ngân Hạnh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận