Nấm da mông: Nguyên nhân – Triệu chứng – Cách điều trị
Trên cơ thể chúng ta, da vùng mông là nơi dễ nhiễm nấm bởi vì đây là vùng kín đáo của cơ thể, ẩm ướt nên những đặc điểm đó là môi trường thuận lợi để các loại nấm da phát triển. Nấm da mông là một bệnh lý khá phổ biến trong các bệnh nấm da nói chung, bệnh gây nên nhiều khó chịu, ngứa ngáy cho người mắc phải. Bệnh có thể lây ra vùng da toàn thân và gây nhiễm trùng da nếu không điều trị sớm.
Nội dung bài viêt
1. Nấm mông là gì?
Nấm mông là một loại nấm da thường gây nên bởi các loại vi nấm dạng sợi hay nấm men, vị trí xuất hiện thường tập trung vào hai bên mông, có thể lan vào trong bẹn, xuống đùi hai bên, chúng gây cho người mắc triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu, nếu không điều trị sớm có thể bị lây lan nhiều nơi trên cơ thể, da toàn thân và biến chứng nhiễm trùng ngoài da.
Nấm da mông
2. Nguyên nhân gây nấm mông
– Về tác nhân gây bệnh: Bệnh nấm da nói chung và bệnh nấm da mông nói riêng thường gây nên bởi một số chủng nấm sợi như Epidermophyton, Trichophyton, Microsporum, một số loại nấm men như pityrosporum ovale. Nhiệt độ thích hợp để những loại vi nấm này phát triển vào khoảng 25 – 30oC, pH từ 6,9 – 7,2. Trên cơ thể người, vi nấm hay gặp tại những vùng da kín đáo, ẩm ướt, ra nhiều mồ hôi, pH thuận lợi như vùng bẹn, mông, ngực, vùng lưng giữa hai bả vai, nách, kẽ tay, chân,…
Nguyên nhân gây nấm mông do chủng nấm
– Nấm ở da mông thường gặp ở hai dạng là hắc lào và lang ben:
+ Hắc lào thì chủ yếu do loại vi nấm dermatophytes
+ Lang ben chủ yếu do loại nấm men pityrosporum ovale
– Nguyên nhân do thói quen vệ sinh, sinh hoạt:
Vùng mông là vùng da kín, ngoài đồ mặc ngoài còn thêm lớp đồ lót, các đối tượng thường xuyên dùng bỉm như trẻ em, người lớn mắc bệnh phải nằm dài ngày, bên cạnh đó yếu tố vệ sinh không đảm bảo sẽ tạo môi trường nóng ẩm thuận lợi cho nấm phát triển.
3. Biểu hiện bệnh nấm mông
Biểu hiện bệnh nấm mông
– Đối với dạng hắc lào:
+ Thương tổn cơ bản là các dát đỏ có vảy, bờ có mụn nước, hình tròn, hình bầu dục hoặc hình đa cung, lan từ giữa ra ngoại vi. Vị trí hay gặp là mông, kẽ mông, có thể lan ra trước bẹn hoặc đùi, một hay hai bên.
+ Bệnh biểu hiện rất ngứa đặc biệt khi lao động mồ hôi ra nhiều.
– Đối với dạng lang ben:
+ Bệnh thường biểu hiện bắt đầu bằng những chấm màu hồng, nâu hoặc trắng ở trên da. Các chấm lớn dần, lan rộng và liên kết với nhau thành mảng ranh giới rõ rệt với da lành. Thương tổn có hình bầu dục hoặc đa cung. Kích thước đám thương tổn có từ 1 – 3cm đường kính. Bề mặt có những vảy nhỏ, cạo bong ra dễ dàng được gọi là dấu hiệu “vỏ bào”
+ Thương tổn không đau, ngứa ít, ngứa sẽ tăng lên khi ra mồ hôi.
+ Vị trí thường gặp ở lưng, ngực, cổ, ít gặp hơn là vùng mông, thân mình. Tuy nhiên, các thương tổn có thể lan rộng trên nhiều vùng của cơ thể, trừ lòng bàn tay, bàn chân.
+ Sau khi khỏi, các dát thường để lại những đám mất màu tồn tại khá lâu.
4. Cách trị nấm ở mông hiệu quả và an toàn
Để biết được chính xác bệnh nấm da mông do loại nấm nào gây nên người bệnh cần đến các trung tâm hoặc bệnh viện da liễu để bác sĩ khám, làm soi nấm tươi qua kính hiển vi. Từ đó các bác sĩ sẽ chẩn đoán được chính xác loại nấm mà người bệnh mắc phải và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Nguyên tắc chung trong việc điều trị bệnh nấm da mông là bôi thuốc theo đúng loại nấm mắc phải đã được khám chẩn đoán xác định, bôi đúng nồng độ và liều lượng, tránh cạo da trước khi bôi mà chỉ nên vệ sinh da nhẹ nhàng bằng nước muối. Với nấm da ở mông cần một lộ trình điều trị khoảng 3-4 lần để tránh tái phát.
Ở bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số cách điều trị hai loại bệnh nấm da thường gặp ở mông là hắc lào và lang ben.
Dùng thuốc bôi nấm hợp lý – Cách điều trị nấm ở mông hiệu quả và an toàn
4.1 Điều trị hắc lào
Một số loại thuốc có thể dùng bôi tại chỗ hoặc dùng thuốc uống tác dụng toàn thân, một số các nhóm thuốc thường được sử dụng trong các đơn thuốc như sau:
– Thuốc bôi tại chỗ có dẫn xuất của Imidazole như Ketoconazole, Econazole, Clotrimazole…
+ Cách dùng: Bôi trên vùng da tổn thương 2-3 lần/ngày. Lưu ý nên bôi rộng ra ngoài vùng không tổn thường khoảng vài mm để tránh lây lan. Khi mất hẳn thương tổn người bệnh có thể tiếp tục bôi vào vùng da đó khoảng vài ngày nữa.
+ Ưu điểm của những loại thuốc mới này là có mùi thơm nhẹ, không có màu, không gây viêm tấy.
+ Nhược điểm là có thể gây dị ứng nhẹ, vì thế sau khi bôi nếu thấy hiện tượng kích ứng như nổi ban đỏ, ngứa dữ dội hơn cần chấm dứt việc bôi thuốc.
– Thuốc uống nhóm Imidazole như Econazole, Miconazole, Clotrimazole…
+ Các loại thuốc này dùng trong trường hợp bệnh nấm da ở mông tái phát nhiều lần được dùng dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
+ Ưu điểm: Điều trị trong trường hợp bệnh nấm da mông lan rộng khắp cơ thể bởi thuốc có tác dụng toàn thân.
+ Nhược điểm: Lưu ý đối với những người mắc bệnh lý về gan, thận như suy gan, suy thận nặng nên cân nhắc trước khi dùng vì có thể gây những biến chứng nặng từ thuốc.
4.2 Điều trị lang ben
Nếu ở dạng tổn thương nhẹ, khu trú một vùng có thể dùng thuốc bôi tại chỗ. Các trường hợp bị tổn thương lan rộng toàn thân cần uống thuốc điều trị nhưng cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Da liễu.
Những loại thuốc bôi thường được dùng có chứa hoạt chất kháng nấm như ketoconazol, clotrimazol, miconazol, bifonazol, …
Những loại thuốc uống kháng nấm toàn thân bao gồm nhóm imidazol, nhóm allylamin hay kháng sinh chống nấm Griseofulvin.
Bệnh nấm da mông không phải là một bệnh quá nguy hiểm nhưng gây ra cảm giác khó chịu rất nhiều cho người bệnh. Để biết được chính xác bệnh và loại nấm mắc phải, mọi người cần đến những địa chỉ tin cậy để được khám xét chẩn đoán bệnh. Việc phát hiện, dùng thuốc điều trị nấm cần được sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa, tránh lạm dụng, dùng thuốc uống toàn thân không đúng liều lượng gây đến những biến chứng khó lường.
BS Trần Hưng Trà