Bệnh mụn cóc là gì? Các tác nhân lây nhiễm và cách điều trị
Mụn cóc thường không gây nguy hiểm tới tính mạng cho bệnh nhân nhưng gây mất thẩm mỹ và khó chịu. Vậy có cách nào để chữa trị và phòng ngừa bị mụn cóc?
Nội dung bài viêt
1. Mụn cóc là gì?
Mụn cóc, hay còn được gọi là mụn cơm, được định nghĩa là một tình trạng bệnh lý với sự tăng sinh lành tính của các tế bào biểu bì ở da và niêm mạc, do virus HPV gây ra. Bệnh có thể gặp ở mọi giới và mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất ở tuổi lao động.
Bệnh thường đặc trưng bởi các khối u nhỏ trên da, không gây nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ, khó chịu và dễ lây cho người khác. Tuy nhiên, một số chủng virus gây bệnh mụn cóc sinh dục ở nữ giới sẽ có nguy cơ cao dẫn đến bệnh lý ung thư cổ tử cung đe dọa tới tính mạng.
Mụn cóc không gây nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ và khó chịu cho bệnh nhân
2. Nguyên nhân gây ra mụn cóc và các đối tượng thường gặp
Như đã đề cập ở trên, mụn cóc do virus HPV gây ra. Có trên 100 loại virus HPV đã được xác định. Trong đó, được chia làm 3 nhóm:
- Nhóm gây bệnh trên da
- Nhóm gây bệnh ở niêm mạc sinh dục
- Nhóm gây loạn sản biểu bì dạng hạt cơm
Mụn cóc do Virus HPV gây ra
Virus có thể tồn tại lâu trong tế bào biểu bì(2-9 tháng) mà không có biểu hiện lâm sàng. Khi xâm nhập vào cơ thể, Virus HPV là yếu tố chủ yếu dẫn đến sự tăng trưởng quá mức của keratin, từ đó hình thành các hạt mụn cóc. Các mụn cóc này có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào của cơ thể, nhất là ở bàn tay, bàn chân. Tuy nhiên không phải ai tiếp xúc với Virus HPV cũng có thể phát bệnh mụn cóc, các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Mụn cóc là bệnh có khả năng lây cho người khác. Các con đường lây bệnh của Virus HPV bao gồm :
- Tiếp xúc trực tiếp với vùng mụn cóc hoặc đồ dùng cá nhân của người bệnh.
- Tiếp xúc hoặc sử dụng bể bơi, nhà tắm công cộng, phòng tập thể thao,… có nguy cơ cao lây bệnh.
- Gãi, cắn mụn cóc
3. Triệu chứng của bệnh mụn cóc
3.1. Mụn cóc thông thường
Mụn cóc thông thường là dạng chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số các bệnh nhân mắc bệnh mụn cóc ( 58-70%).
Bệnh biểu hiện ban đầu là các sẩn nhỏ bằng hạt kê, mà da, sau đó lớn dần, có vẻ ngoài tròn, sần sùi, thô ráp, kích thước khác nhau. Có thể gặp mụn cóc thông thường ở mu bàn tay, mu bàn chân, ngón tay, ngón chân, quanh móng, da đầu,…
3.2. Mụn cóc dạng nhú
Mụn cóc dạng nhú thường dài, hẹp. đa phần các mụn cóc này nằm ở trên mặt, cổ, môi hoặc mí mắt.
Mụn cóc dạng nhú
3.3. Mụn cóc phẳng
Mụn cóc phẳng chiếm 24-34% tổng số bệnh nhân bị mụn cóc, thường gặp ở lứa tuổi học sinh. Thương tổn là các sẩn hơi nổi cao trên bề mặt da, bề mặt thô ráp, màu da. Nâu, hồng hoặc hơi vàng,… Vị trí hay gặp là ở các vùng da hở như mặt, cánh tay, … và thường khó phát hiện do kích thước nhỏ 1-5mm, dễ nhầm lẫn với bệnh lichen phẳng.
Mụn cóc dạng phẳng
3.4. Mụn cóc lòng bàn tay và bàn chân
Mụn cóc mọc ở lòng bàn tay, bàn chân thường đa dạng, điển hình là các sẩn 2-10mm, bề mặt xù xì. Ngoài ra có thể bắt gặp các tổn thương thể khảm, các sẩn nhẵn, sẩn xù xì. Cần phân biệt được mụn cóc ở lòng bàn tay và bàn chân với những bệnh khác khu trú ở lòng bàn tay bàn chân như: chai hay dày sừng lòng bàn tay, bàn chân khu trú.
Mụn cóc lòng bàn tay
Mụn cóc ở lòng bàn chân thường phẳng, mọc ngược lại vào trong da, gây đau khi đi lại, nhiều trường hợp bệnh nhân rất đau không thể đi được.
3.5. Mụn cóc thể khảm
Đây là dạng mụn cóc thường mọc ở lòng bàn chân và thường nhầm lẫn với các vết chai sần ở dưới bàn chân. Những mụn cóc này mọc sâu vào da gây nên cảm giác rất đau, gây khó khăn khi đi lại.
Mụn cóc thể khảm
3.6. Mụn cóc quanh móng
Mụn cóc quanh móng thường xuất hiện dưới và xung quanh móng chân hoặc móng tay. Chúng có thể gây đau và gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của móng, làm tách lớp da xung quanh móng. Móng dần bị biến dạng và dễ nhiễm nấm.
Mụn cóc quanh móng
3.7. Mụn cóc bộ phận sinh dục
Mụn cóc bộ phận sinh dục là các mụn cóc mọc ở trên, trong hoặc xung quanh bộ phận sinh dục và có hình dạng giống như cây súp lơ, sẩn phẳng, bề mặt bóng mịn hoặc thô ráp, gây đau và khó chịu cho người bệnh.
Mụn cóc ở vùng sinh dục
Bệnh có thể tiến triển gây ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư dương vật,…
4. Các cách điều trị mụn cóc
Hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu mụn cóc. Hầu hết các mụn cóc có thể khỏi tự nhiên 20-25% trường hợp. Bệnh nhân nên đi khám và gặp bác sĩ nếu bạn có các biểu hiện của mụn cóc như sau:
- Gây đau
- Dễ chảy máu
- Thay đổi hình dáng
- Lây lan nhanh chóng đến các khu vực khác của cơ thể
- Mụt cóc quay trở lại sau khi được cắt bỏ
- Xuất hiện ở vị trí dễ va chạm (như mụn cóc ở tay) và chảy máu liên tục, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, như cạo râu, chơi thể thao…
Sau đây là một số cách chữa trị mụn cóc ở tay hiệu quả:
4.1. Sử dụng các thuốc bôi tại chỗ
Hầu hết các loại thuốc bôi tại chỗ đều chứa thành phần Acid Salicylic có dạng gel hoặc kem, với nồng độ acid Salicylic từ 10-40%, có tác dụng bạt sừng mạnh, loại bỏ các tế bào chứa virus
Trước khi bôi thuốc, bạn nên rửa và ngâm vùng thương tổn bằng nước ấm khoảng 10 phút, sau đó dùng 1 hòn đá ráp kỳ nhẹ lên bề mặt thương tổn làm mỏng lớp sừng. Sau đó, lau khô rồi chấm thuốc lên bề mặt thương tổn, một ngày chấm một lần cho đến khi khỏi. Cần lưu ý cần bôi đúng thương tổn, không bôi lan ra vùng da xung quanh và không bôi lên vùng mặt bởi vì axit salicylic có thể phá hủy làn da khỏe mạnh. Trong quá trình sử dụng nếu da bị đau nên ngừng điều trị.
Một số thuốc bôi tại chỗ khác điều trị mụn cóc bao gồm imiquimod, podofilox, 5-fluorouracil,..
4.2. Trị mụn cóc bằng biện pháp làm lạnh
Hầu hết các mụn cóc không mọc ở vùng sinh dục đều có thể được điều trị bằng phương pháp làm lạnh.
Đây là phương pháp sử dụng nitơ lạnh ở nhiệt độ -196°c phun lên bề mặt các mụn cóc gây bỏng lạnh làm bong thương tổn. Hiệu quả điều trị cao, ít nguy hiểm hơn phẫu thuật và ít tốn kém.
4.3. Laser điều trị mụn cóc
Loại laser thường được sử dụng nhất là laser CO2, và được dùng khi các cách chữa thông thường khác không chữa khỏi mụn cóc. Phương pháp này sẽ đốt các mạch máu li ti trong mụn cóc khiến các mô không phát triển và dần dần hoại tử. Đây là phương pháp có ưu điểm làm sạch nhanh thương tổn, tuy nhiên, vết thương do laser gây ra lâu lành.
4.4. Sử dụng biện pháp đốt điện
Đốt điện cũng là một biện pháp khác để diệt virus HPV và mô mụn cóc. Tuy nhiên, cách này gần đây ít được sử dụng do khói và mùi từ đốt nóng khá khó chịu.
Điều trị mụn cóc bằng phương pháp đốt điện
4.5. Cắt bỏ mụn cóc
Với trường hợp mụn cóc bị mọc đi mọc lại hoặc mọc ở vùng mất thẩm mỹ, mụn cóc quá lớn, bác sĩ có thể sẽ cắt bỏ mụn cóc hoàn toàn và khâu lại. tuy nhiên phương pháp này dễ tái phát và đặc biệt rất khó điều trị đối với những người bệnh có nhiều thương tổn. Sau khi cắt bỏ mụn cóc, bạn nên kết hợp bôi kem dùng tại chỗ để loại bỏ hoàn toàn mụn.
4.6. Tiêm tại chỗ trong trường hợp mụn cóc khó điều trị
Tiêm thuốc tại chỗ trong thương tổn này chỉ dành cho trường hợp mụn cóc khó điều trị, kích thước lớn, tái phát hoặc không đáp ứng điều trị hiệu quả với các cách khác.
Các thuốc tiêm tại chỗ thường được sử dụng bao gồm:
- Dung dịch Bleomycin 0,5%. Đây là Dung dịch có thành phần chính là một glycopeptides có tác dụng gây độc tế bào.
- Interferon alpha-2a: Thuốc có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus trong tế bào, đồng thời kích thích hoạt động của các đại thực bào. Bệnh nhân dễ bị tái phát bệnh khi ngưng thuốc.
Các phương pháp điều trị khác
- Dùng băng dính lên vùng da có mụn cóc. Khoảng 2-3 ngày thay băng 1 lần có tác dụng làm thương tổn mỏng dần và khỏi.
- Tâm lý: Thông thường, các bệnh nhân bị mụn cóc có khả năng tự khỏi bệnh sau một thời gian, vì vậy bạn nên tránh lo lắng quá nhiều. Tìm hiểu để biết các trường hợp cần đến khám tại các cơ sở y tế khi cần thiết, và các biện pháp tránh lây cho người khác.
- Một số phương pháp dân gian chữa mụn cóc hiệu quả như xát lá tía tô, dùng tỏi cắt lát mỏng bôi lên mụn cóc,.. cũng có tác dụng điều trị bệnh.
- Cách ngăn ngừa tình trạng mụn cóc
Một số cách ngăn ngừa mụn cóc có thể áp dụng như:
– Tiêm Vaccine phòng virus HPV là phương pháp này có tác dụng phòng ngừa sự tái nhiễm virus HPV. Tuy nhiên, tiêm vaccine chủ yếu được áp dụng đối với HPV sinh dục, nhất là đối với các chủng virus có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung.
Tiêm vaccine phòng virus HPV
– Vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên môi trường xung quanh, đặc biệt khi tới các địa điểm cộng cộng như bể bơi, nhà tắm công cộng, phòng tập thể thao…
– Tránh tiếp xúc hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh.
– Người bị mụn cóc không nên cắn, gãi hoặc làm mụn trầy xước
– Rửa tay kĩ và để khô ráo sau khi chạm vào mụn cóc.
– Nâng cao sức khỏe để giữ cho hệ miễn dịch luôn khỏe mạnh.
BS Hà Thị Linh