Biểu hiện của nấm da đầu qua từng giai đoạn

Nấm da đầu là bệnh viêm da đầu do nấm gây ra, hay gặp nhất là nấm Microsporum và nấmTrichophyton. Bệnh có khả năng lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với người bị nấm da đầu hoặc gián tiếp do dùng chung đồ dùng cá nhân như lược chải tóc, gối, chăn….Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới, không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ làm người bệnh tự ti. Thế nên bài viết này sẽ giúp các bạn có những thông tin cơ bản về các biểu hiện của nấm da đầu để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Biểu hiện của nấm da đầu qua từng giai đoạn

Bệnh thường diễn biến qua các giai đoạn điển hình sau:

1.1 Giai đoạn 1: Đóng vảy nhỏ, ngứa ngáy và rụng tóc

 Đây là giai đoạn khởi phát của bệnh nấm da đầu, người bệnh thường có những cơn ngứa ngáy khó chịu đồng thời da đầu bị đóng vảy thành những mảng trắng nhỏ li ti mà mọi người thường nhầm với gàu. Một số người có kèm theo rụng tóc nhưng không nhiều nên người bệnh thường chủ quan cho rằng những biểu hiện này là do vệ sinh chưa sạch không đi khám, điều trị kịp thời làm bệnh tiến triển nặng hơn. Ở giai đoạn này dù có được vệ sinh sạch thì tình trạng bệnh cũng không được cải thiện nhiều.

Giai đoạn 1 nấm da đầu: vảy trắng, ngứa, rụng tóc

1.2 Giai đoạn 2: Cơn ngứa ngáy gia tăng và xuất hiện mụn nước màu đỏ

Lúc này, bào tử nấm hoạt động mạnh hơn kích thích các tuyến ở da đầu tăng tiết nhiều chất bã nhờn cùng với các tế bào chết trên da đầu hình thành nên gàu. Hai yếu tố gàu và chất bã nhờn làm cho tình trạng ngứa gia tăng hơn, người bệnh luôn trong trạng thái ngứa ngáy liên tục. Để giảm cảm giác khó chịu do ngứa người bệnh thường gãi mạnh, điều này lại làm gàu hình thành nhanh và nhiều hơn. Hơn nữa khi gãi còn làm cho các bào tử nấm lan sang các vùng lành khác của da đầu khiến cho bệnh nặng hơn, gãi còn có thể gây chảy máu, đóng vảy trên da đầu.

Cơn ngứa ngáy gia tăng và xuất hiện mụn nước màu đỏ nấm da đầu giai đoạn 2.

Thêm vào đó, tình trạng vệ sinh kém cùng với việc tiết mồ hôi còn làm xuất hiện các mụn nước màu đỏ hoặc các nốt nhỏ li ti trên da đầu tổn thương do nấm. Những mụn nước này không những gây đau nhức khó chịu mà còn làm tổn thương nang tóc dẫn đến rụng tóc và nếu mụn nước vỡ ra có thể gây nhiễm trùng. Lúc này biểu hiện nấm da đầu đã rõ ràng nên người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời và đúng cách.

1.3 Giai đoạn 3: Tóc rụng nhiều

Biểu hiện của nấm da đầu giai đoạn này chủ yếu là tình trạng rụng tóc, do giai đoạn hai người bệnh không được điều trị kịp thời làm bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn. Các bào tử nấm làm tổn thương các nang tóc làm cho tóc không được nuôi dưỡng trở nên yếu và dễ rụng. Tóc rụng nhiều vào khoảng từ 20 ngày đến một tháng sau khi xuất hiện các biểu hiện đầu tiên của bệnh. Tình trạng rụng tóc ngày càng mạnh mẽ và không kiểm soát được nếu như không được điều trị hình thành nên những mảng hói hình tròn hoặc bầu dục có kích thước khoảng 3-5 cm. Tóc rụng có thể tự nhiên hoặc sau các tác động như vuốt tóc, chải đầu, gội đầu.

Mảng rụng tóc do nấm da đầu

Nặng hơn nữa là tình trạng viêm nhiễm, mụn mủ trên da đầu và rụng tóc vĩnh viễn không thể mọc lại ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ. Vì vậy, trong giai đoạn này người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.

2. Biểu hiện của nấm da đầu dễ nhầm với bệnh lý gì?

Biểu hiện nấm da đầu đặc trưng bởi các dấu hiệu vảy gàu, ngứa và rụng tóc nhiều đây cũng là những biểu hiện thường có trong các bệnh lý da đầu khác, vì vậy để điều trị đúng bệnh người bệnh cần chú ý phân biệt với các bệnh sau:

  • Vảy nến da đầu: Bệnh khá thường gặp với tổn thương cơ bản là các vảy trắng xếp chồng lên nhau, kích thước khác vảy khác nhau, số lượng từ vài mảng đến vài chục mảng, vị trí thường ở đường chân tóc và sau tai. Bệnh cũng gây ngứa ngáy khó chịu nhưng thường không kèm theo tình trạng rụng tóc như nấm da đầu. Bệnh có tính chất di truyền và khó điều trị hơn bệnh nấm. Và khi soi bệnh phẩm sẽ không tìm thấy bào tử nấm.

Phân biệt nấm da đầu và vảy nến

  • Viêm da dầu: bệnh thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, hay gặp vào mùa đông và mùa hè. Đặc trưng của bệnh là những mảng da đỏ thẫm kích thước khác nhau trên có vảy khô màu trắng, vị trí ở những vùng da có nhiều tuyến bã như da đầu, da mặt, giữa hai bả vai và các nếp gấp. Bệnh gây ngứa và khó chịu nhưng không gây rụng tóc. Xét nghiệm không tìm thấy bào tử nấm.

Viêm da dầu ở đầu khó phân biệt với nấm da đầu

  • Bệnh chốc: Bệnh nhiễm khuẩn da do liên cầu hoặc tụ cầu vàng hoặc cả hai, hay gặp ở trẻ nhỏ, vào mùa hè và ở những vùng điều kiện vệ sinh kém. Bệnh chốc không có bọng nước ở da đầu thường hay nhầm với nấm da đầu, ban đầu trên da đầu xuất hiện những mảng da đỏ sau xuất hiện những bọng nước trong nhanh chóng hóa mủ nhưng nhanh chóng dập vỡ, đóng vảy màu vàng nâu hoặc nâu nhạt giống màu mật ong gây bết tóc. Bệnh gây ngứa nhiều hoặc ít tùy từng cá thể nhưng không gây rụng tóc. Xét nghiệm không tìm thấy bằng chứng nhiễm nấm.

3. Cách giúp chẩn đoán chính xác bệnh nấm da đầu

Khi người bệnh có những biểu hiện nấm da đầu hay nghi ngờ bị nhiễm nấm nên được làm thêm một số xét nghiệm để khẳng định bệnh và có thể điều trị hiệu quả nhất. Dưới đây là các phương pháp thường được áp dụng:

  • Soi tươi tìm bào tử nấm: Bệnh phẩm là các vảy da cạo từ vùng tổn thương, cạo từ trong ra ngoài nếu đang dùng thuốc trị nấm thì phải ngừng thuốc 1-2 tuần trước khi lấy bệnh phẩm. Nhỏ dung dịch KOH 20% vào bệnh phẩm và quan sát dưới kính hiển vi. Trường hợp nấm da đầu sẽ thấy sợi nấm trong suốt, có vách ngăn, có thể thấy bào tử đốt (đặc trưng của nấm sợi). Phương pháp này cho kết quả nhanh với tỷ lệ dương tính cao, giá thành không cao nên được áp dụng rộng rãi ở các cơ sở y tế.

Hình ảnh sợi nấm dưới kính hiển vi

  • Nuôi cấy nấm: Trường hợp soi tươi khó quan sát hoặc muốn chủng loại nấm thì người ta sẽ tiến hành nuôi cấy nấm. Bệnh phẩm là vảy da lấy từ vùng tổn thương, được nuôi cấy trên môi trường sabouraud từ vài ngày đến 3 tuần. Sau đó người ta dựa vào màu sắc, hình thể của khuẩn lạc mọc lên để định hướng loại nấm.

Hình ảnh minh họa khuẩn lạc trong nuôi cấy định danh nấm

  • Xét nghiệm huyết thanh: Tìm kháng thể kháng nấm trong máu người bệnh. Phương pháp này đơn giản nhưng độ nhạy và độ đặc hiệu không cao nên ít được sử dụng
  • Sinh học phân tử( PCR ): Xác định được ADN của nấm, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, thời gian có kết quả nhanh hơn nuôi cấy. Nhưng phương pháp này có giá thành cao nên cũng ít được sử dụng.

Bài viết trên đây muốn chia sẻ cho các bạn một số những thông tin về biểu hiện nấm da đầu giúp các bạn có thể phát hiện bệnh sớm, để có được kết quả điều trị bệnh hiệu quả nhất tránh đưa đến những hậu quả không mong muốn.

BS Bùi Thị Thu Phương

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận