Viêm da cơ địa ở tay: Nguyên nhân, hướng điều trị
Viêm da cơ địa ở tay là một bệnh lý viêm da hay gặp, xảy ra ở mọi lứa tuổi thuộc nhóm bệnh dị ứng liên quan đến hệ miễn dịch. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có xu hướng tiến triển kéo dài dai dẳng, dễ tái phát khiến bệnh nhân khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Vậy nguyên nhân, cách chữa viêm da cơ địa ở tay như thế nào?
Nội dung bài viêt
1. Viêm da cơ địa ở tay là gì?
Bệnh viêm da cơ địa ở tay hay còn được gọi là bệnh Chàm ở tay hoặc Eczema là một bệnh lý có tỉ lệ gặp nhiều nhất trong các bệnh nhân bị viêm da cơ địa đi khám tại các cơ sở y tế ở chuyên khoa da liễu. Đây là một bệnh lý viêm da mãn tính, với các biểu hiện tổn thương da ở tay như da nhạy cảm dễ kích ứng, ngứa dai dẳng, nổi ban đỏ, sẩn đỏ. Ở những trường hợp diễn tiến nghiêm trọng hơn vùng da tay có thể xuất hiện những mụn ngứa, rỉ nước, bong tróc ở kẽ ngón tay, đầu ngón tay, lòng bàn tay,…Các triệu chứng của viêm da cơ địa ở tay có thể là khác nhau giữa các bệnh nhân, hoặc giữa các đợt bùng phát.
Viêm da cơ địa ở tay
Viêm da cơ địa ở tay là thể viêm da cơ địa hay gặp nhất bởi tay là là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với yếu tố dễ gây kích ứng như chất tẩy rửa, bụi bẩn, mủ thực vật, nấm mốc,… Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi trong đó trẻ em chiếm khoảng 15-30%, còn người trưởng thành chiếm 5-10%.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm da cơ địa ở tay
Viêm da cơ địa ở tay thường xuất hiện ở bệnh nhân tuổi còn nhỏ, sau đó bệnh có thể kéo dài mãn tính hoặc tái phát từng đợt khi trưởng thành. Hiện nay vẫn chưa xác định chính xác về nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy có các yếu tố có khả năng gây bệnh và tái phát bệnh, bao gồm:
2.1. Yếu tố cơ địa
Theo thống kê có khoảng 60% các trường hợp viêm da cơ địa do di truyền. Trong gia đình nếu cả bố và mẹ có tiền sử bị viêm da cơ địa thì 80% con cái sinh ra bị bệnh này. Nếu một trong hai người bị thì 50% con cái sinh ra bị.
Một trong những yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh viêm da tay cơ địa là di truyền
Tiền sử bản thân hoặc gia đình có người mắc các bệnh lý như hen suyễn, viêm mũi dị ứng,… cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh viêm da cơ địa tay. Theo một nghiên cứu, có tới 35% bệnh nhân bị hen suyễn có biểu hiện viêm da cơ địa trong cuộc đời
Các yếu tố khác như cơ địa nhạy cảm, giảm chức năng bảo vệ của da, da khô, suy giảm miễn dịch, mồ hôi ở tay, căng thẳng, thay đổi nội tiết tố… cũng là một trong những yếu tố gây bệnh và dễ tái phát bệnh.
2.2. Do tiếp xúc với các yếu tố dị ứng
Da là cơ quan bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân từ bên ngoài. Khi da bị khô nứt – dẫn đến các vi khuẩn hay tác nhân kích thích vào trong, hệ miễn dịch không kiểm soát – tăng quá nhiều tín hiệu kích thích ngứa và viêm, và yếu tố môi trường. Các yếu tố dị ứng có nguy cơ gây viêm da cơ địa ở tay rất khác nhau với mỗi cá thể. Một số yếu tố phổ biến gây bệnh bao gồm:
- Dị nguyên: thức ăn (trứng, sữa, lạc, hải sản, thịt bò,…), bọ, bụi nhà, lông vật nuôi, phấn hoa, hóa chất (xà phòng, nước rửa chén, nước hoa,mỹ phẩm…)
- Nhiễm khuẩn: tụ cầu vàng,..
- Môi trường: khói thuốc lá, bụi mịn, khí thải,…
- Khí hậu khô lạnh, điều kiện vệ sinh.
3. Các biểu hiện khi bị viêm da cơ địa ở tay
Hình ảnh viêm da cơ địa ở tay
Viêm da cơ địa ở tay thường khởi phát và diễn tiến qua nhiều mức độ, giai đoạn khác nhau. Có 3 giai đoạn bệnh, tùy theo từng giai đoạn bệnh sẽ có triệu chứng khác nhau như:
- Giai đoạn cấp tính: xuất hiện các ban đỏ mọc khu trú thành từng mảng ở bàn tay, ranh giới rõ, phía trên nổi các mụn nước nhỏ li ti kèm theo ngứa âm ỉ kéo dài khiến bệnh nhân gãi.
- Giai đoạn bán cấp: Ở giai đoạn này, triệu chứng ngứa có thể tăng lên, kèm theo những cơn đau nhức dưới vùng da tổn thương. Bề mặt da khá khô, xuất hiện lớp sừng cứng, da dễ bị nứt nẻ
- Giai đoạn mãn tính: Ở giai đoạn này, vùng da tay bị tổn thương bắt đầu tạo thành lớp sừng dày, mảng lichen hóa, sẫm màu, da khô nứt nẻ
Ngứa có thể được xem là triệu chứng khiến bệnh nhân viêm da cơ địa tay cảm thấy khó chịu nhất, khiến bệnh nhân phải đến gặp bác sĩ. Trẻ nhỏ mắc bệnh thường đau ngứa ở da, bé khó chịu, quấy khóc, biếng ăn và ngủ ít hơn.
4. Cần phân biệt viêm da cơ địa ở tay với bệnh lý gì?
Chẩn đoán phân biệt viêm da bàn tay và bàn chân bao gồm:
- Nhiễm nấm tay gây ngứa, ban đỏ và đóng vảy. Phân biệt nhiễm nấm tay và viêm da cơ địa ở tay là hình dạng hình khuyên đặc trưng của nhiễm nấm do sự phát triển ly tâm của dermatophytes trong da.
Hình khuyên đặc trưng của nhiễm nấm da tay
- Bệnh vẩy nến lòng bàn tay có các mảng ban đỏ và có vảy có ranh giới rất rõ ràng. Các mảng vảy nến có thể xuất hiện ở móng tay và những nơi khác, mụn mủ vô trùng và các dấu hiệu khác của bệnh vảy nến, chẳng hạn như thay đổi vảy nến ở móng tay và các mảng vảy nến ở những nơi khác.
- Chàm vi trùng: nổi mụn nước nhỏ li ti rải rác toàn thân, rất ngứa và thường là bệnh lý thứ phát sau một nhiễm trùng, đáp ứng tốt với medrol.
- Ghẻ: đặc trưng bởi các mụn nước nhỏ bằng hạt tấm, mọc rải rác, không bao giờ tập trung. Bệnh nhân bị ghẻ ngứa nhiều nhất vào ban đêm
- Hội chứng tay chân: da nổi mẩn đỏ, sưng đau ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, không ngứa. Hội chứng này thường do tác dụng phụ của các thuốc điều trị ung thư.
Hình ảnh hội chứng tay chân ở bệnh nhân
5. Cách chữa viêm da cơ địa ở tay
Điều trị bệnh Viêm da tay cơ địa là không dễ dàng, cần sự kiên trì lâu dài bởi bệnh có xu hướng kéo dài và hay tái phát nhiều lần. Một số nguyên tắc điều trị bệnh nhân viêm da tay cơ địa cần lưu ý đó là:
- Bệnh nhân tuyệt đối tuân thủ điều trị của bác sĩ
- Điều trị cần kết hợp điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân
- Thay đổi điều trị theo từng giai đoạn bệnh
- Điều trị ngứa, viêm, nhiễm trùng cùng một lúc
- Giải quyết các bệnh lý khác liên quan đến cơ địa như hen suyễn, viêm mũi dị ứng… và các yếu tố kích thích như thức ăn, hóa chất,..
- Dự phòng bệnh tái phát và luôn giữ ẩm da
Luôn giữ ẩm da
5.1. Các biện pháp điều trị toàn thân
Điều trị bệnh viêm da cơ địa ở tay toàn thân cần được kết hợp với điều trị tại chỗ để mang lại hiệu quả nhanh chóng và tốt nhất, dự phòng bệnh tái phát.
- Thuốc kháng Histamin: đây là thuốc có tác dụng làm giảm các cảm giác ngứa trên da
- Với các bệnh nhân bị bệnh nặng, có thể dùng corticoid đường toàn thân và chỉ nên dùng ngắn hạn tránh các tác dụng phụ cũng như sự phụ thuộc vào thuốc.
Không nên lạm dụng thuốc Corticoid
- Thuốc kháng sinh: được sử dụng khi bệnh nhân có bội nhiễm. Các bác sĩ sẽ soi tươi hoặc cấy mẫu bệnh phẩm để tìm loại kháng sinh đặc hiệu.
5.2. Các biện pháp điều trị tại chỗ
- Làm sạch da: pH da bình thường là 5.5, chính vì vậy nên tránh dùng các chất tẩy rửa quá mạnh, thay vào đó là các chất tẩy rửa có pH trung tính, không có mùi và giảm thiểu các chất phụ gia như hương liệu, chất tạo bọt, chất bảo quản,…
- Thoa chất dưỡng ẩm cho vùng da tay: tác dụng quan trọng nhất của chất dưỡng ẩm là ngăn mất nước qua da, giảm khô da, ngăn ngừa viêm da cơ địa tái phát. Bạn nên thoa chất dưỡng ẩm đều đặn, liên tục, 2-3 lần/ ngày. Nếu trường hợp da tay bạn khô nhiều, có thể tăng số lần sử dụng. Có 3 dạng bào chế của chất dưỡng ẩm là gel, kem hoặc lotion. Bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ để chọn được dạng bào chế phù hợp với từng giai đoạn bệnh tránh các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra như gây kích thích da, bít tắc, tạo mụn.
Chữa viêm da tay cơ địa bằng các thuốc bôi tại chỗ
- Dùng các thuốc giảm viêm tại chỗ như: dung dịch Jarish hoặc nước muối sinh lý NaCl 0,9% trong giai đoạn cấp tính. Giai đoạn bán cấp bệnh nhân có thể dùng các loại hồ nước, hồ Brocq, hồ hoặc kem có chứa Corticoid. Các loại thuốc bôi này có tác dụng nhằm giữ vệ sinh cho các thương tổn trên da và phòng tránh bội nhiễm. Thời điểm dùng và tần suất dùng cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ: có thể sử dụng trong điều trị bệnh nhân viêm da tay cơ địa mức độ trung bình hoặc nặng, không gây tác dụng phụ teo da.
- Trường hợp viêm da cơ địa ở tay tiến triển thành mãn tính có thể sử dụng các loại kem hoặc mỡ chứa thành phần corticoid kết hợp với các chất làm mềm da
- Quang trị liệu bằng tia cực tím dải hẹp B (UVB) hoặc ngâm PUVA (trong đó bệnh nhân ngâm tay và/hoặc chân trong dung dịch psoralen trước khi tiếp xúc với tia UVA) có thể hữu ích. Đây là một cách chữa viêm da tay cơ địa an toàn và hiệu quả đối với bệnh ở mức độ trung bình đến nặng khi các phương pháp điều trị ban đầu không đạt hiệu quả mong muốn.
BS Hà Thị Linh