Các loại ngộ độc thực phẩm phổ biến thường gặp nhất

Ngộ độc thực phẩm là bệnh xảy ra do ăn phải thức ăn có chứa các chất độc hại đối với người sử dụng như nhiễm hóa chất độc, vi khuẩn hoặc độc tố của vi khuẩn. Việc sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng này sẽ dẫn đến ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, các bệnh nhiễm trùng do thực phẩm và ngộ độc tích lũy. Do vậy, để tìm hiểu rõ về các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và các cách phòng ngừa bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây:

1. Các dạng ngộ độc thực phẩm phổ biến thường gặp

1.1 Ngộ độc thực phẩm do Salmonella

Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây ra hàng loạt các ca ngộ độc thực phẩm tại nước ta trong những năm vừa qua. Người dùng sử dụng các loại thực phẩm đã bị nhiễm Salmonella như thịt gia súc, gia cầm, trứng, sữa,…với một số lượng vi khuẩn phải đủ lớn để vi khuẩn giải phóng ra lượng độc tố đủ lớn thì mới biểu hiện ngộ độc thực phẩm vì khả năng gây gây ngộ độc của Salmonella yếu. Thời gian ủ bệnh thường từ 12-24h.

Bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng đau bụng, ỉa chảy, sốt, nôn và suy nhược cơ thể, phân toàn nước, đôi khi có màu đỏ. Đa số bệnh nhân trở lại bình thường sau 1-2 ngày không để lại di chứng; ít gây tử vong nhưng nếu sức đề kháng yếu, không được điều trị kịp thời thì có thể tử vong.

Triệu chứng thường gặp khi ngộ độc

1.2 Ngộ độc thực phẩm do tụ cầu (staphylococcus)

Tụ cầu có mặt rải rác khắp nơi trong thiên nhiên (không khí, đất, nước,…), trên cơ thể người (da, niêm mạc, mũi, họng). Khi thực phẩm bị nhiễm tụ cầu (chủ yếu từ người có mụn nhọt hoặc vết thương mang vi khuẩn), tụ cầu phát triển nhanh và tiết ra độc tố mạnh (Enterotoxin) có khả năng chịu nhiệt cao. Các loại thực phẩm dễ nhiễm tụ cầu là thịt chế biến sẵn, cá, gia cầm, các loại bánh kem, sữa, các loại salad. Thời gian ủ bệnh ngắn từ 2-6 giờ.

Các triệu chứng chủ yếu là buồn nôn, nôn, đau quặn bụng, ỉa chảy, đau đầu, mạch nhanh, nhiệt độ bình thường. Thường khỏi sau 1-2 ngày.

1.3 Ngộ độc thực phẩm do virus

Thực phẩm cũng có thể bị nhiễm virus đặc biệt là virus viêm gan A, virus thường nhiễm qua rau sống, bánh mì kẹp thịt, bánh bao, các đồ ăn chế biến nguội, các loại sò, ốc, hến sống ở các vùng nước bẩn. Các triệu chứng thường gặp là tiêu chảy, nôn.

1.4 Ngộ độc thực phẩm do Botulium

Ngộ độc thực phẩm do Botulium

Vi khuẩn kỵ khí Botulium tiết ra độc tố Botulotoxin là một ngoại độc tố mạnh gấp 7 lần độc tố uốn ván, người ăn phải thức ăn có độc tố này sẽ bị ngộ độc. Tùy vào lượng độc tố đưa vào cơ thể mà thời gian ủ bệnh từ 6-24 giờ. Dấu hiệu của dạng ngộ độc này là mất tiếng do liệt vòm họng, lưỡi, hầu; táo bón chướng bụng do liệt dạ dày, ruột; song thị do liệt cơ mắt; mạch tăng nhanh trong khi nhiệt độ bình thường, nếu không điều trị sớm có thể gây tử vong do liệt hô hấp và tim mạch.

1.5 Ngộ độc thực phẩm do nấm mốc

Nấm mốc thường phát triển thuận lợi trên các sản phẩm sau thu hoạch được bảo quản kém như lạc, đậu, hạt ngũ cốc,… nhất là nơi có nhiệt độ cao. Nấm mốc sản sinh ra các độc tố như Aflatoxin làm tăng tỷ lệ ung thư trong cộng đồng và độc tố Ergotism gây cảm giác trong cơ thể như phát ra lửa.

1.6 Ngộ độc thực phẩm do sán lá gan nhỏ

Sán lá gan nhỏ thường có ở trong các món ăn chế biến từ gỏi cá sống, cá nướng, ốc chưa luộc chín. Khi nhiễm phải loại này, cơ thể thường có các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa.

1.7 Ngộ độc thực phẩm do các chất hóa học

Các chất hóa học như nitrat, nitrit thường được dùng để bảo quản thịt cá, giữ màu đỏ tươi và sát khuẩn. Nếu vượt quá lượng nitrat vượt quá 1g/lần dùng cũng có thể gây ngộ độc. Ngộ độc này có các biểu hiện là xuất hiện nhanh, nhức đầu, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, tím tái.

1.8 Ngộ độc thực phẩm do kim loại nặng

Thủy ngân cũng gây ngộ độc thực phẩm

Chì là một kim loại nặng phổ biến có mặt rộng rãi trong thiên nhiên và được sử dụng lâu đời. Ngoài ra, còn có thủy ngân, thạch tín,… cũng gây ô nhiễm thực phẩm. Khi cơ thể ngộ độc chì, nhẹ thì biểu hiện suy nhược cơ thể, chậm phát triển trí tuệ, nặng hơn thì gây ra các bệnh ở não.

1.9 Ngộ độc do rau quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật

Hóa chất bảo vệ thực vật thường tồn tại trong một thời gian dài trong đất, nước, bề mặt cây cỏ rồi qua rễ, lá, hoa tích lũy vào cây và rau quả, và sau thu hoạch vẫn tồn dư trong thực phẩm. Thuốc bảo vệ thực vật này gây độc lên hệ thần kinh trung ương, chất độc tích lũy nhiều trong các mô mỡ, thải trừ chậm vững bền trong đất, nước, thực phẩm.

2. Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Tùy thuộc từng dạng ngộ độc thực phẩm mà có cách phòng tránh riêng như phòng tránh ngộ độc do hóa chất bảo vệ thực vật còn tồn dư trong hoa quả như rửa sạch trước khi ăn, gọt vỏ, trang bị phòng hộ đầy đủ. Hay ngộ độc thực phẩm do các vi sinh vật như virus, vi khuẩn có thể phòng tránh bằng ăn chín uống sôi.

Ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn giúp tránh ngộ độc thực phẩm

10 lời khuyên vàng trong ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:

  1. Chọn cách chế biến thực ăn cho an toàn
  2. Nấu chín kĩ thức ăn
  3. Thức ăn đã nấu xong phải ăn ngay,
  4. Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín.
  5. Nấu kĩ lại thức ăn chưa sử dụng hết.
  6. Tránh không để lẫn lộn thức ăn sống và chín.
  7. Rửa tay sạch sẽ nhiều lần.
  8. Giữ bếp và khu chế biến thức ăn thật sạch sẽ
  9. Bảo quản thức ăn khỏi bị các loài gặm nhấm như côn trùng ,.. gây hại hoặc nhiễm bẩn.
  10. Dùng nước sạch để uống và chế biến thức ăn.

Hiểu về các dạng ngộ độc thực phẩm giúp dự phòng được ngộ độc thực phẩm và để tránh được các hậu quả nặng nề.

BS Đoàn Thị Nhung

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận