Nấm da vùng háng: Làm sao để trị tận gốc và tránh tái phát?
Nấm da vùng háng là một bệnh da liễu do nấm gây ra. Bệnh xuất hiện ở vị trí da nhạy cảm nên thường khiến người bệnh có tâm lý ngại ngùng, hay dấu bệnh. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách điều trị và cách phòng bệnh nấm da vùng háng mời các bạn cùng đọc bài viết dưới đây của Thầy Thuốc Việt Nam nhé!
Nội dung bài viêt
1.Nấm da vùng háng là gì?
Bệnh nấm da vùng háng có thể gặp ở mọi lứa tuổi
Nấm da vùng háng là bệnh về da do nấm gây ra, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và tỷ lệ nam mắc cao hơn nữ, thường gặp nhiều ở tuổi thanh thiếu niên và trung niên. Bệnh có các biểu hiện là vùng da háng bị tổn thương, nổi mẩn đỏ, da đau rát, khó chịu Bệnh có thể lây truyền từ người sang người hoặc từ vùng da này sang vùng da khác trên cơ thể.
2. Nguyên nhân gây nấm da vùng háng
Nấm E. Floccosum là một tác nhân gây bệnh nấm da vùng háng
Nấm da vùng háng do chủng nấm E. Floccosum hay T. Rubrum gây ra.
Các yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh như:
+ Cơ thể tiết nhiều mồ hôi khi tập thể dục hoặc lao động mệt nhọc trong thời tiết nóng ẩm, tạo ra môi trường thích hợp cho nấm phát triển.
+ Môi trường làm việc, khu vực nhà ở, nhà tắm, khu vệ sinh không được dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên ẩm ướt.
+ Mặc đồ lót quá nhỏ, chật, khi thay ra không được giặt giũ ngay.
+ Khăn tắm, quần áo phơi ko đủ nắng, bị ẩm ướt.
+ Giữ gìn vệ sinh vùng kín kém.
+ Dùng chung đồ với người có bệnh lây nhiễm về da.
3. Cách trị nấm da vùng háng
Sử dụng thuốc trị nấm theo đơn của bác sĩ
Nấm da vùng hàng có thể điều trị được dứt điểm hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị sớm bằng phác đồ phù hợp. Khi sử dụng thuốc chống nấm cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Thuốc trị nấm vùng háng có nhiều dạng khác nhau như dạng gel, dạng xịt, dạng bột, dạng kem sử dụng trực tiếp lên vùng da bị tổn thương. Có thể dùng độc lập hoặc kết hợp các loại thuốc với nhau. Một số thuốc chống nấm có hiệu quả tốt được bác sĩ chỉ định kê đơn như: các dung dịch cồn chứa thành phần acid salicylic, acid benzoic, lode, acid boric, natri salicylate,… Ngoài thuốc trị nấm có thành phần nêu trên, người bệnh có thể dùng thêm các kem bôi tại chỗ chứa hoạt chất chống nấm. Nếu nấm vùng háng gây tổn thương da lan rộng và kéo dài, không đáp ứng tốt với các thuốc điều trị tại chỗ thì người bệnh có thể cân nhắc kết hợp thêm thuốc đường uống chứa các thành phần như: griseofulvin, fluconazole, itraconazole,… Duy trì thuốc uống từ 1 – 4 tuần tùy vào mức độ bệnh để trị khỏi nấm hoàn toàn theo các bước sau:
+ Khi thoa kem bôi cần thoa rộng ra ngoài vùng da bị nấm khoảng 4-6 cm.
+ Thời gian sử dụng thuốc tuân theo chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng in trên hộp thuốc. Thời gian điều trị giữa các loại kem khác nhau.
+ Bác sĩ có thể kê đơn kết hợp kem chống nấm và kem chứa steroid nhẹ ở các vùng da háng bị nấm. Những loại thuốc này được sử dụng không quá bảy ngày, sau đó tiếp tục sử dụng kem chống nấm.
Bôi kem chống nấm
+ Trong quá trình dùng thuốc chữa nấm da vùng háng người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là thời gian, cần sử dụng thuốc điều trị liên tục cho đến khi da lành và sau đó tiếp tục dùng thuốc ít nhất 2 tuần nữa để phòng tránh bệnh tái phát trở lại. Việc bôi thuốc không đúng hướng dẫn không chỉ làm nấm da lây lan rộng hơn ra vùng da khác mà còn có thể gây bỏng, ngứa dữ dội hoặc chảy dịch nhiều…
+ Ngoài ra, cần kết hợp thêm kem dưỡng ẩm da để tránh da bị khô, sừng hóa.
+ Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc điều trị nấm da vùng háng trên, có 1 số phương pháp dân gian điều trị bệnh nấm da bằng các dược liệu thiên nhiên như: dùng tỏi tươi, hành tây, dùng muối, dùng chanh… Tuy nhiên, với những phương pháp này, người bệnh và gia đình nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng, tránh việc sử dụng sai cách sẽ làm tổn thương vùng da bị nấm nặng hơn.
4. Phòng ngứa nấm da vùng háng như thế nào?
Sử dụng khăn sạch lau khô vùng háng sau khi tắm xong
+ Bệnh nấm da có thể lây từ vùng này sang vùng khác của cơ thể , vì vậy cần điều trị nấm da dứt điểm, ví dụ nấm chân, nấm da đầu,…
+ Sử dụng khăn sạch lau khô vùng háng, bẹn sau khi tắm xong. Bẹn, háng ẩm ướt là một nơi lý tưởng cho nấm phát triển và nhân lên.
+ Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt là người bị bệnh về da.
+ Nấm da dễ xuất hiện và phát triển nhanh chóng trên đồ lót thay ra chưa được giặt và đồ lót mặc trong thời gian dài do mồ hôi và bụi bẩn, tế bào da chết tích tụ lại. Vì vậy, việc thay đồ lót hàng ngày và giặt sạch trước khi mặc là rất quan trọng để phòng tránh bệnh nấm da vùng háng.
+ Không sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm có tính tẩy rửa mạnh.
Không sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh
+ Tránh gãi nhiều vùng da bị nấm sẽ làm vùng da bị tổn thương và nấm da lan rộng rãi hơn.
+ Diệt nấm ở những đồ dùng cá nhân như quần áo, màn, gối… bằng cách luộc trong nước sôi trong vòng 15 phút hoặc rắc bột chống nấm.
+ Điều trị dứt điểm nấm da ở các vùng khác như nấm kẽ chân, nấm nách, nấm da đầu,… tránh bị lây lan nấm đến vùng háng.
Tóm lại, nấm vùng háng là bệnh ở vùng kín không quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu không được điều trị sớm, đúng cách và triệt để cùng với các biện pháp phòng ngừa trên, bệnh nấm da vùng háng rất dễ tái phát với mức độ bệnh tăng dần. Quan trọng hơn nữa, hiệu quả điều trị của các loại thuốc trị nấm sẽ giảm dần theo các lần bệnh tái phát, ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ da và dễ dẫn đến các bệnh về da nguy hiểm khác. Vì vậy khi có các dấu hiệu của bệnh nấm da, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh, chỉ định dùng thuốc với thời gian và liều lượng thích hợp để trị bệnh hoàn toàn.
BS Lê Thị Hạnh