Tổng quan về bệnh mụn trứng cá

Mụn trứng cá là một bệnh da liễu rất phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhiều nhất ở lứa tuổi dậy thì. Việc điều trị mụn trứng cá cần rất nhiều thời gian và công sức, vậy bệnh mụn trứng cá có nguy hiểm không, cách điều trị và phòng ngừa thế nào, hãy tìm hiểu qua những thông tin dưới đây nhé. 

1. Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là một bệnh về nang lông thường xảy ra trên mặt, ngực và lưng. Bệnh xuất hiện khi các lỗ chân lông trên da bị bít tắc bởi chất nhờn, bụi bẩn từ môi trường bên ngoài, lâu dần dẫn đến tình trạng viêm. Mụn trứng cá có thể xuất hiện dưới nhiều dạng, có khi là vết mụn nhỏ nhẹ không đau, nhưng cũng có thể ở dạng viêm đỏ sưng tấy, gây đau và có mủ.

Mụn trứng cá hay gặp nhiều nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên

2. Nguyên nhân gây nên tình trạng mụn trứng cá

Có rất nhiều yếu tố có thể gây nên mụn trứng cá. Thông thường mụn trứng cá xảy ra khi các tuyến bã nhờn (dầu) gắn với nang lông bị kích  thích vào thời kỳ dậy thì hoặc do sự thay đổi của nội tiết tố.

Một số nguyên nhân sau đây có thể gây nên tình trạng mụn trứng cá hoặc làm trầm trọng bệnh:

– Nội tiết tố: Việc sản xuất dư thừa hormon giới tính ( chẳng hạn testosteron ) ở tuổi dậy thì và những thay đổi nội tiết tố khác, chẳng hạn trong thời kỳ kinh nguyệt và mang thai ở phụ nữ, có thể gây ra tình trạng mụn trứng cá.

– Di truyền: Nếu trong gia đình có cha hoặc mẹ bị mụn trứng cá nghiêm trọng, mụn trứng cá của bạn có khả năng khó kiểm soát hơn.

– Một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh như thuốc chứa hoạt chất steroid, một số loại thuốc chống co giật và lithium. Một số loại thuốc tránh thai có chứa androgen cũng có thể gây ra tình trạng mụn trứng cá.

– Mỹ phẩm: Một số sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da có thể gây nên tình trạng bít tắc lỗ chân lông gây ra mụn trứng cá.

– Thực phẩm: Một số nghiên cứu cho rằng việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa carbohydrate, đường, sữa và socola có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn trứng cá.

– Hút thuốc: Hút thuốc có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cơ thể, làn da cũng không ngoại lệ. Khói thuốc có thể gây kích ứng da, khiến da tiết dầu nhiều hơn, lỗ chân lông có thể bị to ra.

– Căng thẳng, stress: Căng thẳng thường không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra mụn trứng cá, nhưng nó có thể làm trầm trọng hơn mức độ của bệnh.

– Nghề nghiệp: trong một số công việc, việc tiếp xúc với môi trường làm việc không đảm bảo vệ sinh cũng có thể gây ra tình trạng mụn trứng cá. Bạn cũng có thể có nguy cơ bị mụn cao hơn khi làm việc trong những môi trường nhiều dầu mỡ.

3. Triệu chứng của mụn trứng cá

Mụn trứng cá có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể bao gồm da mặt, lưng, cổ, vai. Tuy nhiên, nó thường xảy ra phổ biến nhất trên mặt. Mụn trứng cá có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất ở lứa tuổi dậy thì.

Triệu chứng mụn trứng cá

Mụn trứng cá được đặc trưng bởi 3 loại tổn thương:

– Mụn trứng cá hoặc mụn đầu đen

– Nốt viêm

– Mụn mủ hoặc mụn nhọt

Các triệu chứng của mụn bao gồm:

+ Đốm đen với những lỗ chân lông mở ở trung tâm ( mụn đầu đen )

+ Những vết sưng nhỏ màu trắng dưới da ( mụn đầu trắng )

+ Các đốm đỏ hoặc sưng tấy liên tục dai dẳng, tái phát trên da, vết sưng có thể bị viêm hoặc chứa đầy mủ. Chúng thường xuất hiện trên mặt, ngực, cổ, vai và lưng.

+ Sưng hoặc cục đỏ có mủ, viêm, có thể lan rộng ra các vùng da xung quanh.

+ Trứng cá bọc: là dạng nặng nhất của mụn trứng cá, thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

4. Mụn trứng cá có nguy hiểm không?

Thông thường, bệnh trứng cá ở mức độ vừa và nhẹ sẽ không gây nguy hiểm quá nghiêm trọng với người bệnh. Chỉ khi bệnh tiến triển đến mức độ nặng, đặc biệt trong trường hợp viêm, mủ, … có thể gây nên một số biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh trứng cá viêm nhẹ và vừa thường sau khi điều trị phần da sẽ được lành lại mà không để lại tổn thương. Với những trường hợp mụn trứng cá ở mức viêm vừa và nặng nếu không được điều trị cẩn thận rất dễ để lại sẹo trên da. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ và tâm lý cho bệnh nhân. Nếu để bệnh nặng trong thời gian dài có thể gây một số biến chứng như áp xe, mụn mủ, sẹo rỗ,…

Mụn trứng cá không điều trị kịp thời gây sẹo rỗ

5. Phương pháp điều trị mụn trứng cá

5.1. Trị mụn trứng cá ở mức độ nhẹ

Với những trường hợp bị mụn nhẹ, thường xuất hiện dưới dạng mụn đầu đen, mụn đầu trắng hoặc mụn nhỏ đỏ,…Bạn có thể tham khảo sử dụng một số loại mỹ phẩm trị mụn, trên thị trường hiện nay, có vô vàn sản phẩm mỹ phẩm chuyên dành cho da mụn.

Chăm sóc da mặt bằng các biện pháp như xông hơi, dùng sữa rửa mặt, serum, kem dưỡng,… cho da mụn sẽ là biện pháp hữu hiệu với những bệnh nhân mắc mụn trứng cá mức độ nhẹ.

Xây dựng một thói quen chăm sóc da khoa học sẽ hữu ích cho cuộc chiến điều trị mụn của bạn:

– Rửa mặt nhẹ nhàng 2 lần mỗi ngày

– Tránh những tác nhân gây ra mụn: hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường, carbohydrate,… sẽ giúp việc điều trị mụn của bạn hiệu quả hơn.

– Bôi kem có chứa hoạt chất acid salicylic, hoặc benzoyl peroxide

5.2. Trị mụn trứng cá ở mức độ vừa

Mụn trứng cá ở mức độ vừa thường ở dạng mụn nhỏ, mụn viêm nhẹ,…Các bác sỹ có thể hướng dẫn bạn chăm sóc da bằng một số phương pháp sau:

Điều trị tại chỗ như trứng cá nhẹ kết hợp với sử dụng thuốc kháng sinh.

Điều trị kháng sinh: Dùng kháng sinh toàn thân là cách tốt nhất để điều trị mụn trứng cá mức độ vừa phải. Các thuốc kháng sinh được sử dụng bao gồm kháng sinh đơn độc hoặc kết hợp các hoạt chất tetracyline, erythromycin, doxycyline,…

– Bôi các thuốc có chứa hoạt chất benzoyl peroxide, thuốc bôi có chứa các loại kháng sinh, …theo đơn của bác sỹ.

Điều trị mụn tại các cơ sở y tế chuyên khám điều trị da liễu

– Với trường hợp mụn mủ, mụn bọc, bạn có thể đến cơ sở khám da liễu để bác sỹ lấy đi nhân mụn, vệ sinh cho da của bạn tốt hơn.

5.3. Trị mụn trứng cá ở mức độ nặng

Mụn trứng cá ở mức độ nặng thường do lâu ngày không điều trị, có thể dẫn đến tình trạng viêm da nghiêm trọng. Biểu hiện của trường hợp này là tình trạng mụn viêm, mụn mủ, mụn bọc,…

Tốt nhất bạn nên đến gặp bác sỹ da liễu càng sớm càng tốt. Các bác sỹ sẽ thường kê cho bạn uống kết hợp thuốc bôi các chế phẩm có chứa retinoids và thuốc kháng sinh.

Isotretinoin là phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị mụn trứng cá nặng. Trong quá trình sử dụng các sản phẩm này, cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc.

6. Cách phòng ngừa mụn trứng cá

Để phòng ngừa mụn trứng cá và giảm tổn thương cho làn da của bạn, có thể tham khảo một số biện pháp sau:

– Chọn mỹ phẩm phù hợp cho da. Các mỹ phẩm dành cho da mụn chẳng hạn sữa rửa mặt thường có chứa hoạt chất acid salicylic hoặc benzoyl peroxide, giúp làm sạch vết mụn.

– Làm sạch da mặt nhẹ nhàng. Cọ xát hoặc kì mạnh có thể gây tổn thương cho các nốt mụn trên da. Điều đó có thể làm trầm trọng hơn tình trạng mụn. Khi rửa mặt, tốt nhất nên dùng tay thay vì các loại khăn mặt.

Nên rửa mặt nhẹ nhàng 2 lần mỗi ngày để làm sạch lớp nhờn, bụi bẩn

– Hạn chế trang điểm: Lớp trang điểm có thể khiến cho da của bạn dễ bị bít tắc lỗ chân lông làm cho tình trạng mụn nghiêm trọng hơn.

– Uống đủ nước mỗi ngày, ăn các thực phẩm sạch, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả trong khẩu phần ăn hàng ngày.

– Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, nó cũng góp phần làm thông thoáng lỗ chân lông của bạn.

– Che chắn da của bạn khi đi ra ngoài, tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi ô nhiễm.

Mụn trứng cá tuy không gây nguy hiểm nghiêm trọng nhưng nó ảnh hưởng khá lớn đến thẩm mỹ, tâm lý. Việc chăm sóc da khoa học sẽ giúp bạn có một làn da khỏe mạnh, ngăn ngừa mụn trứng cá. Hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám càng sớm càng tốt nếu tình trạng mụn trứng cá của bạn không thể kiểm soát được bằng các biện pháp thông thường.

DS Vũ Thị Nhung

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận