Viêm trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Viêm trực tràng là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, có thể gặp phải ở nhiều lứa tuổi, cả người lớn và trẻ em. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây khó chịu cho người bệnh trong sinh hoạt hằng ngày, đồng thời tăng nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe. 

1. Viêm trực tràng là gì?

Viêm trực tràng là tình trạng niêm mạc trực tràng bị viêm, có thể do nhiễm trùng, mắc các bệnh lý viêm ruột hoặc do bức xạ. Việc xuất hiện các vết viêm loét sẽ gây ra các cơn đau ở vùng trực tràng, cụ thể như người bệnh bị chảy máu, chảy dịch hoặc có cảm giác muốn đi vệ sinh liên tục, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của họ. Các biểu hiện này có thể xảy ra trong thời gian ngắn hay dài tùy tình trạng bệnh, nếu tái đi tái lại nhiều lần có nguy cơ bệnh sẽ tiến triển thành mãn tính.

Viêm trực tràng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

2. Nguyên nhân nào gây ra viêm trực tràng

Bệnh viêm trực tràng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:

  • Nhiễm trùng: Thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể mắc một số bệnh nhiễm khuẩn đường ruột do các loại vi khuẩn Salmonella, Shigella hoặc Campylobacter gây ra. Ngoài ra, vi khuẩn lậu, vi khuẩn Herpes sinh dục cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm trực tràng.
  • Mắc các bệnh lý đường tiêu hóa: Một số nghiên cứu cho thấy rằng có khoảng 30% người mắc bệnh viêm ruột (hay còn gọi là bệnh Crohn) xuất hiện các triệu chứng của viêm trực tràng.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc không an toàn: Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn, quan hệ qua đường hậu môn hoặc đưa vật chất/ hóa chất vào trực tràng có thể gây nguy cơ tổn thương vùng hậu môn trực tràng và dẫn tới viêm trực tràng. Đặc biệt việc quan hệ qua đường hậu môn xảy ra thường xuyên hơn ở các cặp đồng tính nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển thành các bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục như bệnh lậu, giang mai, mụn cóc ở hậu môn… Đây đều là những nguyên nhân có thể gây viêm trực tràng mà không phải ai cũng biết.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Lạm dụng kháng sinh sẽ khiến hệ vi khuẩn đường ruột bị rối loạn, các loại vi khuẩn có lợi có thể bị tiêu diệt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Clostridium difficile – một hại khuẩn gây viêm trực tràng phát triển
  • Tăng bạch cầu ái toan: Xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi khi lượng bạch cầu ái toan tích tụ trong niêm mạc trực tràng.
  • Xạ trị ung thư: Phóng xạ trong phương pháp xạ trị chữa bệnh ung thư như ung thư trực tràng, ung thư buồng trứng hoặc ung thư tuyến tiền liệt cũng có khả năng gây viêm trực tràng. Tình trạng này thường kéo dài khoảng vài tháng sau khi kết thúc xạ trị. Thậm chí có trường hợp tới vài năm sau tình trạng viêm mới xuất hiện.
  • Phẫu thuật: Một số ca phẫu thuật đại tràng phải thực hiện mở một lỗ mở để thải phân ra ngoài thay vì đi qua trực tràng cũng tăng khả năng bị viêm trực tràng.

3. Các triệu chứng viêm trực tràng là gì?

Viêm trực tràng ở mức độ nhẹ thường triệu chứng không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, người bệnh không nên chủ quan và phải để ý đến những dấu hiệu sau để có thể phát hiện bệnh kịp thời:

  • Khó tiêu
  • Tiêu chảy
  • Đau quặn bụng từng cơn
  • Đi ngoài phân có máu
  • Hậu môn bị ngứa ngáy hoặc nóng rát
  • Có tiết dịch nhầy hoặc mủ ở hậu môn
  • Thường xuyên cảm thấy muốn đi vệ sinh 

Đi ngoài có máu là một trong những dấu hiệu nhận biết viêm trực tràng

4. Biến chứng thường gặp của bệnh viêm trực tràng

Bệnh viêm trực tràng nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Xuất hiện các vết loét nặng và hình thành lỗ rò: Viêm trực tràng lâu ngày không điều trị sẽ có nguy cơ tiến triển sang mãn tính. Lúc này, tại các vị trí viêm sẽ hình thành các vết loét lớn trên niêm mạch trực tràng, ăn sâu vào bên trong thành ruột tạo nên đường nối hay còn gọi là lỗ rò giữa ruột và da hoặc giữa ruột với các cơ quan khác như bàng quang, âm đạo.
  • Nguy cơ thiếu máu: Tình trạng chảy máu khi đại tiện kéo dài liên tục sẽ khiến bạn bị thiếu máu, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, suy nhược, da dẻ nhợt nhạt, hoa mắt, chóng mặt. Đồng thời, đại tiện ra máu còn khiến người bệnh luôn đau rát hậu môn, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
  • Ung thư trực tràng: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất nếu tình trạng viêm kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong nếu không kịp thời chữa trị.

5. Điều trị bệnh viêm trực tràng

5.1. Điều trị theo nguyên nhân

Tùy vào từng trường hợp, nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp và đem lại hiệu quả cao nhất.

5.1.1. Điều trị viêm trực tràng nghi do nhiễm trùng

Đối với nguyên nhân gây viêm trực tràng do nhiễm trùng thì việc điều trị kháng sinh, thuốc kháng virus hay thuốc kháng nấm là sự lựa chọn đầu tay của các bác sĩ.

Điều trị kháng sinh khi nguyên nhân gây ra là do nhiễm trùng

5.1.2. Điều trị viêm trực tràng do bức xạ

Quá trình xạ trị có thể gây ra hiện tượng chảy máu trực tràng. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ đề nghị dùng các loại thuốc kiểm soát triệu chứng viêm và chảy máu, hoặc có thể dùng thuốc làm mềm phân giúp người bệnh đi đại tiện dễ hơn. Cuối cùng là phá hủy các mô bị hư hỏng bằng cách loại bỏ các mô đang bị chảy máu. Cách điều trị tối ưu là nội soi trực tràng và đốt cầm máu bằng Argon.

5.2. Phẫu thuật điều trị

Nếu người bệnh không đáp ứng với thuốc, tình trạng không thuyên giảm mà cứ tái đi tái lại nhiều lần thì phương pháp phẫu thuật sẽ là sự lựa chọn tiếp theo. Người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần mô tổn thương hoặc thậm chí toàn bộ trực tràng với trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

6. Phương pháp phòng ngừa viêm trực tràng như thế nào?

Để phòng ngừa nguy cơ viêm trực tràng, mỗi người nên học cách tự bảo vệ bản thân trước các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ và cần lưu ý thêm một số điều sau:

  • Không được có nhiều bạn tình trong cùng một thời điểm.
  • Không quan hệ khi bản thân hoặc bạn tình đang có những vết viêm loét, dịch tiết bất thường ở bộ phận sinh dục hay vùng hậu môn.
  • Đối với tình trạng rối loạn tiêu hóa, người bệnh nên bổ sung thêm thực phẩm chứa nhiều men vi sinh tốt cho hệ đường ruột như sữa chua.
  • Ăn uống lành mạnh, hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi để không bị mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn đường ruột.

DS Nguyễn Thùy Ngân

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận