Những điều nên biết về manh tràng và bệnh viêm manh tràng 

Viêm manh tràng là một trong những bệnh đường tiêu hóa thường gặp, tuy nhiên lại rất dễ bỏ qua do tâm lý chủ quan và sự hạn chế hiểu biết của người bệnh về bệnh viêm manh tràng. Khi được phát hiện sớm viêm manh có thể dễ dàng điều khỏi, nhưng khi để lâu ngày bệnh có thể diễn biến với nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết sau đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bệnh viêm manh tràng từ đó giúp người bệnh bị viêm manh tràng có thể phát hiện và điều sớm tránh để lại các biến chứng đáng tiếc.

1. Manh tràng là gì?

– Manh tràng là đoạn đầu tiên của đại tràng, vị trí manh tràng nằm dưới van hồi manh tràng, trong hố chậu phải, manh tràng dài khoảng 6 -7 cm và đường kính 7 cm.

Vị trí của manh tràng trong ổ bụng

2. Viêm manh tràng là bệnh gì? những vấn đề cần lưu ý?

2.1 Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm manh tràng:

Viêm manh tràng là bệnh lành tính hệ tiêu hoá, tuy vậy bệnh viêm manh tràng lại mang đến cho người mắc nhiều phiền toái và lo lắng về sức khỏe. Bạn có thể nhận biết bệnh viêm manh tràng qua các triệu chứng được chúng tôi đề cập đến sau đây.

+ Đau bụng: thường xuất phát từ vùng ¼ bụng dưới bên phải. Đa số người bệnh sẽ có cảm giác đau nặng bụng, cảm giác nặng bụng sẽ giảm đi sau khi đi đại tiện hoặc trung tiện

+ Đi ngoài ra máu là triệu chứng ít gặp

Người bệnh thường đau vùng ¼ dưới bụng bên phải

+ Rối loạn đại tiện thường gặp là tiêu chảy với phân nhầy hoặc phân nhầy có lẫn máu. Đại tiện nhiều lần trong ngày làm cho người bệnh mất nước, mệt mỏi.

+ Chán ăn, khó tiêu, đầy bụng

+ Sốt, thường sốt cao

+ Ngoài ra người bệnh viêm manh có thể gặp một số triệu chứng khác như nôn, buồn nôn, đổ mồ hôi trộm vào ban đêm.

2.2 Nguyên nhân gây viêm manh tràng

– Chế độ ăn uống không hợp lý: đồ ăn không hợp vệ sinh, bị nhiễm khuẩn, ăn uống nhiều chất kích thích, đồ cay nóng, đồ ăn khó tiêu, nhịn đi đại tiện.

– Nhiễm vi khuẩn gây bệnh gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột:

– Bệnh lý chung của hệ thống đại tràng như viêm đại tràng giả mạc có thể ảnh hướng đến đoạn manh tràng.

– Viêm từ ruột thừa gây viêm manh tràng

– Do viêm các túi thừa tại manh tràng: túi thừa tại manh tràng hay đại tràng là thường gặp và thường không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, tuy nhiên khi bị tắc nghẽn và viêm nhiễm tại các túi thừa này có thể gây ra viêm nhiễm cho toàn bộ manh tràng.

Manh tràng viêm và dày thành

2.3 Chẩn đoán và điều trị viêm manh tràng

2.3.1 Chẩn đoán viêm manh tràng

– Nội soi đại trực tràng: thầy thuốc sẽ dùng một ống nhỏ có gắn camera qua đường hậu môn của bệnh nhân sau khi đã được tháo thụt sạch phân để đánh giá manh tràng và toàn bộ đại tràng của bệnh nhân

– Siêu âm: là một biện pháp thăm dò không xâm lấn cho phép đánh giá sơ bộ được bệnh viêm manh tràng

– CT ổ bụng: chụp cắt lớp vi tính ổ bụng không những cho phép chẩn đoán được bệnh viêm manh tràng mà còn thăm dò được các cơ quan lân cận khác trong ổ bụng

– Xquang ổ bụng: ngày nay thường ít được sử dụng để chẩn đoán viêm manh tràng.

– Xét nghiệm phân tìm hồng cầu và kí sinh trùng: giúp góp phần chẩn đoán được nguyên nhân.

2.3.2 Điều trị viêm manh tràng

2.3.2.1. Điều trị nội khoa viêm manh tràng

Là sử dụng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống và nghỉ ngơi nhằm giải quyết vấn đề nhiễm khuẩn và giảm bớt dần các triệu chứng khó chịu do bệnh viêm manh tràng gây ra cho bệnh nhân. Thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm manh tràng là kháng sinh phổ rộng chống vi khuẩn gram (-) và vi khuẩn kị khí, thuốc giảm đau, thuốc giảm co thắt đường ruột và các thuốc hỗ trợ tiêu hoá …

2.3.2.2 Điều trị viêm manh tràng bằng phẫu thuật

– Phẫu thuật điều trị viêm manh tràng thường chỉ được đặt ra khi đã có các biến chứng do quá trình viêm tại manh tràng gây ra hoặc việc điều trị nội khoa không mang lại kết quả.

Các phẫu thuật tại manh tràng 

Một số chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân viêm manh tràng:

  • Viêm manh tràng gây thủng manh tràng
  • Các biến chứng do nhiễm khuẩn tại manh tràng như áp xe, viêm phúc mạc…
  • Khi chảy máu tại manh tràng không cầm được
  • Khi viêm manh tràng kết hợp với các bệnh lý cấp tính khác như viêm ruột thừa cấp

2.3.2.3 Chế độ ăn uống sinh hoạt cho bệnh nhân viêm manh tràng

Dù được điều trị nội khoa hay ngoại khoa thì một chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần giúp người bệnh thúc đẩy quá trình lành bệnh và tránh tái phát cũng như giữ được một đường tiêu hoá khoẻ mạnh hơn

Người bệnh viêm manh tràng nên được ăn chế độ ăn dễ tiêu, tránh các chất kích thích nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho manh tràng phục hồi sau quá trình viêm

Chế độ ăn, sinh hoạt tốt cho bệnh nhân viêm manh tràng được khuyến cáo:

– Ăn đồ ăn giàu vitamin, kẽm như hoa quả chín, các loại chất xơ hoà tan như đậu đỗ, rau xanh …

rau

Một chế độ ăn hơp lý giúp thúc đẩy quá trình lành bệnh

– Thức ăn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như như thịt, cá, trứng … Giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi

– Uống đủ nước giúp cho quá trình tiêu hoá tại manh tràng được diễn ra thuận tiện, tránh táo bón giảm áp lực lên toàn bộ khung đại tràng và đường ruột

– Ăn thức ăn được nấu chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giúp tránh mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hoá nói chung.

– Tránh đồ ăn cay nóng, tránh rượu bia, cafe, chất kích thích, đồ uống quá nhiều đường

– Duy trì thói quen đi đại tiện mỗi ngày một lần giúp tránh táo bón và ứ trệ phân tại đại tràng.

Viêm manh tràng là bệnh có thể phòng tránh được nếu chúng ta có một lối sống lành mạnh và biết cách chăm sóc đường tiêu hoá của mình. Khi bị viêm manh tràng chúng ta nên tuân thủ điều trị và chế độ ăn uống một cách nghiêm túc để đạt được hiệu quả điều trị tích cực nhất và tránh được những biến chứng không mong muốn do viêm manh tràng mang đến.

BS Nguyễn Thị Quỳnh An

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận