Bệnh suy tim ở trẻ em có nguy hiểm không – Cách chăm sóc
Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm máu để đáp ứng nhu cầu chuyển hóa của các mô bên trong cơ thể hoặc nhận lượng máu từ tĩnh mạch trở về hoặc cả hai tình trạng trên. Bệnh lý này xảy ra ở mọi đối tượng bao gồm cả người lớn và trẻ em. Vậy bệnh suy tim ở trẻ em có nguy hiểm không và cách chăm sóc như thế nào? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây!
Nội dung bài viêt
1. Nguyên nhân nào gây ra bệnh suy tim ở trẻ em?
Trẻ bị suy tim có thể ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và được phân loại thành hai nhóm chính: suy tim bẩm sinh và suy tim do các nguyên nhân khác.
1.1. Suy tim bẩm sinh
Yếu tố bẩm sinh là nguyên nhân thường thấy ở những trẻ bị suy tim
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh suy tim ở trẻ em là do bẩm sinh. Bệnh tim bẩm sinh là dạng dị tật phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các ca dị tật bẩm sinh ở trẻ em. Đây là những dị tật của cơ tim, buồng tim, van tim xảy ra ngay từ khi còn trong bào thai và vẫn tồn tại sau sinh. Do cấu trúc tim bị khiếm khuyết khiến chức năng và hoạt động của tim bị ảnh hưởng, tuần hoàn máu trong cơ thể hoạt động bất thường.
1.2. Suy tim do các nguyên nhân khác
Ngoài yếu tố bẩm sinh, suy tim ở trẻ em còn do một số nguyên nhân khác gây nên như bệnh lý nhiễm trùng gây tổn thương đến cơ tim hoặc gặp các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm: bệnh cơ tim phì đại, bệnh lý van tim, rối loạn nhịp tim hay tiểu đường, cường giáp, tăng huyết áp…
Có nhiều sự khác biệt giữa suy tim ở trẻ em và người lớn về nguyên nhân và triệu chứng lâm sàng. Thời điểm khởi bệnh là chìa khóa quan trọng cho việc chẩn đoán nguyên nhân suy tim ở trẻ em.
2. Dấu hiệu nhận biết suy tim ở trẻ em?
Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết suy tim ở trẻ em thường gặp nhất:
- Khó thở, hơi thở ngắn
- Nhịp tim nhanh, có nhịp ngựa phi (Gallop)
- Huyết áp có thể thấp hoặc kẹp, ứ trệ tuần hoàn hệ thống
- Trẻ luôn trong trạng thái mệt mỏi, hay quấy khóc
- Trẻ biếng ăn, ăn không ngon miệng, chán ăn, bỏ bú, có hiện tượng nôn hay buồn nôn
- Tiếu ít
- Nước da xanh xao, tay chân lạnh ẩm, vã nhiều mồ hôi
- Ho và trẻ có thể gặp tình trạng phổi bị tắc nghẽn
Khó thở là một trong những dấu hiệu suy tim ở trẻ em
Ngoài ra còn có những triệu chứng ít gặp hơn như hồi hộp, đau ở vùng ngực, phù hay cổ chướng…
3. Bệnh suy tim ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh suy tim ở trẻ em có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, dễ dẫn tới tử vong nên cần được phát hiện sớm để có hướng điều trị kịp thời và đúng với tình trạng tiến triển của bệnh.
Suy tim có khả năng ảnh hưởng đến bên trái (suy tim trái) hay bên phải (suy tim phải) hay đôi lúc xuất hiện đồng thời cả hai bên (suy tim toàn bộ). Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bé.
Khi tim phải hoạt động kém hiệu quả, hệ tuần hoàn ngoại biên bị ứ đọng máu khiến cơ thể xảy ra hiện tượng phù nề, sưng lên ở chân, mắt cá chân hay bụng của trẻ do ứ dịch. Ở một số trường hợp suy tim trái, khi lượng máu bơm qua động mạch chủ đến những cơ quan khác trong cơ thể không hiệu quả sẽ dẫn đến hiện tượng máu tồn đọng ở bên trái của tim và có thể chảy ngược lên tĩnh mạch phổi gây phù phổi. Dịch bị ứng đọng trong phổi khiến trẻ khó thở và thở nhanh hơn bình thường. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Ngoài ra, nguy cơ đột quỵ do rối loạn nhịp tim khi suy tim cũng là một biến chứng rất nghiêm trọng. Rối loạn nhịp tim do sự dẫn truyền bất thường hay rung nhĩ khiến máu ứ đọng trong tim, nguy cơ cao hình thành huyết khối có khả năng gây tắc mạch máu não.
Trẻ chậm phát triển cũng là một trong những ảnh hưởng tiêu cực do suy tim mang lại. Lượng máu không được cung cấp đủ cho các mô cơ quan sẽ khiến quá trình trao đổi chất trong cơ thể bị rối loạn. Trẻ sẽ luôn trong tình trạng mệt mỏi, quấy khóc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần ở trẻ em.
4. Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị suy tim
Sau khi được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh thông qua những dấu hiệu nhận biết kết hợp với các cận lâm sàng kèm theo, bác sĩ sẽ điều trị dựa vào mức độ suy tim của trẻ. Nếu tình trạng của bé ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ cho chỉ định điều trị tại nhà kèm sử dụng thuốc. Nếu ở mức độ nặng, trẻ phải được điều trị tại bệnh viện dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ. Và phương pháp cuối cùng được áp dụng nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả chính là phẫu thuật.
Bên cạnh việc dùng thuốc thì việc chăm sóc đúng cách cũng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và làm chậm diễn biến bệnh ở trẻ. Một số giải pháp có thể kể đến như:
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và khóa học, không nên cho trẻ ăn những thức ăn quá mặn và phải đảm bảo khẩu phần ăn luôn cung cấp đủ những dưỡng chất cần thiết.
- Tạo cho trẻ thói quen luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh. Bố mẹ có thể cho trẻ tập những bài tập vừa sức theo thể chất của bé, tránh những bài tập quá nặng.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.
- Khi bé khó thở, có thể áp dụng một số giải pháp giúp làm giảm triệu chứng như: cho trẻ nghỉ ngơi, nằm cao đầu, tránh trường hợp bé bị xúc động, kích thích quá mức.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để đánh giá tình trạng bệnh và cũng để bác sĩ chuyên khoa đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp.
Tập luyện thể dục thể thao là yếu tố quan trọng giúp bé khỏe mạnh hơn
Qua bài viết này, có lẽ bạn đã có cho mình câu trả lời cho thắc mắc “Bệnh suy tim ở trẻ em có nguy hiểm không?”. Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của trẻ mà còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Vì vậy, khi con em mình có những dấu hiệu của bệnh suy tim, bố mẹ cần đưa trẻ đến những cơ sở y tế uy tín, bác sĩ có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm để được tư vấn hướng điều trị phù hợp.
DS Nguyễn Thùy Ngân