Bệnh viêm đại tràng – nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bạn bị đau bụng, đầy hơi, khó tiêu? Bạn bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân sống không thành khuôn, đi ngoài nhiều lần trong ngày, hoặc vừa ăn xong thì đau bụng đi ngoài luôn, hoặc buồn đại tiện ngày nhiều lần và phân lẫn máu, hoặc lúc táo bón lúc tiêu chảy? Có thể bạn đã bị viêm đại tràng. Vậy bệnh viêm đại tràng là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao? Hãy cùng Thầy thuốc Việt Nam tìm hiểu nhé!
Nội dung bài viêt
- 1. Viêm đại tràng là gì?
- 1.1 Nguyên nhân của bệnh viêm đại tràng
- 1.2 Đối tượng dễ mắc bệnh viêm đại tràng
- 1.3 Triệu chứng viêm đại tràng
- 1.4 Điều trị viêm đại tràng
- 1.5 Các biến chứng của viêm đại tràng
- 1.6 Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm đại tràng
- 1.7.Phân biệt viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích
- 1.8 Cách phòng ngừa bệnh viêm đại tràng
- 2. Các câu hỏi liên quan đến bệnh viêm đại tràng
1. Viêm đại tràng là gì?
Viêm đại tràng là bệnh lý viêm nhiễm tổn thương ở niêm mạc đại tràng. Các tổn thương này nhẹ thì trợt loét, xuất huyết ở một vài điểm, nặng hơn có thể lan tỏa cả khu hoặc cả đại tràng, xuất huyết hoặc có ổ áp- xe.
Viêm đại tràng
1.1 Nguyên nhân của bệnh viêm đại tràng
Bệnh viêm đại tràng có viêm đại tràng cấp tính và viêm đại tràng mãn tính
Viêm đại tràng cấp tính do các nguyên nhân sau:
- Do ngộ độc thức ăn hoặc dị ứng thức ăn
- Do ăn hoặc uống phải thực phẩm nhiễm vi sinh vật gây bệnh: lỵ amip, lỵ trực khuẩn (Shigella), vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn tả (Vibrio cholerae), E.Coli,…
- Do dùng kháng sinh kéo dài gây loạn khuẩn đường ruột (như bệnh viêm đại tràng giả mạc do C. difficile), nhiễm nấm (hay gặp là nấm Candida)
- Do nhiễm virus Rotavirus (hay gặp ở trẻ em)
- Viêm đại tràng do giun ký sinh
- Viêm loét đại tràng do bệnh tự miễn
- Bệnh viêm đại tràng cấp còn có thể do tâm lý stress gây co thắt đường tiêu hóa, ăn uống nghỉ ngơi không hợp lý gây áp lực lên đường tiêu hóa, táo bón kéo dài gây trợt loét đại tràng,…
Viêm đại tràng mãn tính có nguyên nhân do bị viêm đại tràng cấp tính nhưng không điều trị khỏi hoàn toàn mà tái đi tái lại. Tuy nhiên có những bệnh nhân bị viêm đại tràng mãn tính không rõ nguyên nhân.
1.2 Đối tượng dễ mắc bệnh viêm đại tràng
Các đối tượng dễ mắc viêm đại tràng là
- Những người hay ăn uống ở hàng quán không giữ vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; người thích ăn đồ sống, gỏi, tiết canh, rau sống,…
- Người bị táo bón kéo dài
- Người thường xuyên stress, lo âu
- Người dùng thuốc kháng sinh kéo dài gây loạn khuẩn ruột, người tự ý dùng các thuốc giảm đau chống viêm hay các thuốc gây loét đường tiêu hóa
- Người sinh hoạt không điều độ, làm việc quá sức, nhịn đi vệ sinh thường xuyên, ăn uống không đúng giờ, người ít vận động thể lực
1.3 Triệu chứng viêm đại tràng
Triệu chứng điển hình nhất của viêm đại tràng là đau bụng và rối loạn tiêu hóa
- Đau bụng: đau từng cơn, lúc âm ỉ, lúc quặn thắt, đau bụng dưới từng đoạn hoặc dọc theo đại tràng, có khi đau cứng bụng
Đau bụng là một triệu chứng điển hình của viêm đại tràng
- Rối loạn tiêu hóa: đi phân lỏng, phân sống, hoặc có thể táo bón và tiêu chảy xen kẽ.
- Viêm đại tràng cấp tính do lỵ amip thì buồn đi vệ sinh liên tục nhưng mỗi lần đi ít, phân có nhầy và máu
- Viêm đại tràng cấp tính do lỵ trực khuẩn thường kèm sốt, đi ngoài liên tục, phân lẫn máu
- Viêm đại tràng mãn tính thể đau bụng và tiêu chảy: thường đau bụng lúc ngủ dậy buổi sáng hoặc sau khi ăn xong đồ lạ, đi ngoài phân lỏng, đi xong hết đau
- Viêm đại tràng mãn tính thể táo bón: đau quặn bụng kiểu co thắt, đi ngoài táo bón, phân cứng
- Viêm đại tràng mãn tính thể táo bón và tiêu chảy xen kẽ: thường đau bụng kèm đầy hơi, đi ngoài lúc lỏng lúc táo.
- Với các trường hợp viêm đại tràng cấp, người bệnh có thể sốt, đi ngoài nhiều lần khiến mất nước, mệt mỏi, cần cẩn thận trụy tim mạch do mất nước.
1.4 Điều trị viêm đại tràng
- Điều trị với thuốc: thuốc diệt lỵ amip, thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, kháng sinh chống loạn khuẩn, thuốc kháng nấm, men vi sinh cân bằng hệ vi sinh đại tràng, thuốc giảm đau và giảm co thắt, bổ sung thêm điện giải trong trường hợp đi ngoài nhiều lần gây mất nước,…
- Điều trị can thiệp ngoại khoa:
Cần điều trị ngoại khoa khi tình trạng viêm đại tràng nặng và kéo dài, hoặc polyp đại tràng, ung thư đại tràng,…
- Duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý:
Có nhiều bệnh nhân đau đại tràng sau khi ăn uống và sinh hoạt không hợp lý, chính vì vậy chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị viêm dạ dày. Người bị viêm đại tràng nên:
- Làm việc nghỉ ngơi hợp lý, ăn đúng giờ, vận động thể lực hàng ngày cho tiêu hóa khỏe
- Ăn uống hợp lý, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nếu đau đại tràng xảy ra sau khi ăn đồ ăn lạ thì bệnh nhân nên ghi lại để tránh, khi bị tiêu chảy nên ăn đồ dễ tiêu và ăn thành nhiều bữa, khi táo bón nên tăng thêm chất xơ trong khẩu phần.
- Tránh các chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà,…
- Hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ khi sử dụng thuốc, tránh các thuốc có thể gây loét, tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.
- Biện pháp tâm lý:
Tình trạng co thắt và viêm đại tràng có thể xảy ra khi căng thẳng, chính vì vậy giữ cho tâm lý thoải mái sẽ giúp giảm bệnh viêm đại tràng.
1.5 Các biến chứng của viêm đại tràng
Bệnh nhân viêm đại tràng đi ngoài liên tục nếu không bù nước và điện giải có thể biến chứng trụy tim mạch. Viêm đại tràng thể loét có thể biến chứng xuất huyết gây thiếu máu, thiếu albumin máu. Tình trạng viêm đại tràng nhiễm khuẩn nếu không phát hiện điều trị kịp thời có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết. Ngoài ra viêm đại tràng mãn tính có thể gia tăng tỷ lệ ung thư đại tràng.
1.6 Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm đại tràng
Để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng người ta thường dựa vào các triệu chứng lâm sàng cũng như hỏi tiền sử bệnh, sau đó có thể dựa vào các xét nghiệm sau để chẩn đoán chính xác hơn:
- Cấy phân tìm mầm bệnh
- Nội soi đại tràng, lấy mẫu phân hoặc chất nhầy, sinh thiết vùng tổn thương nếu nghi ngờ bất thường
- Xét nghiệm máu để sàng lọc thiếu máu, bất thường về điện giải khi đi ngoài ra máu, tiêu chảy
- Bệnh nhân có thể được chỉ định chụp X-quang để phát hiện các bất thường trong ruột già cũng như phân biệt một số thể viêm đại tràng.
1.7.Phân biệt viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích và viêm đại tràng có các biểu hiện tương đối giống nhau như đau bụng và rối loạn tiêu hóa, khác nhau ở chỗ hội chứng ruột kích thích không gây tổn thương thực thể, chính vì thế hội chứng ruột kích thích không làm tăng tỷ lệ ung thư
1.8 Cách phòng ngừa bệnh viêm đại tràng
Cách phòng ngừa viêm đại tràng
Để phòng ngừa bệnh viêm đại tràng, bạn có thể thực hiện các cách sau:
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/ lần để tránh giun ký sinh gây loét đại tràng, từ đó gây viêm đại tràng
- Ăn uống lành mạnh, ăn chín uống sôi để tránh lỵ amip hay các trực khuẩn gây viêm đại tràng
- Hạn chế rượu bia và các chất kích thích
- Xây dựng chế độ sinh hoạt điều độ, ăn uống đúng giờ, nghỉ ngơi hợp lý tránh căng thẳng, vận động thường xuyên, đi vệ sinh điều độ, không nhịn đi ngoài để tránh táo bón.
- Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là các thuốc có thể gây loét đường tiêu hóa như thuốc chống viêm giảm đau non-steroid (ibuprofen, voltaren, aspirin,…)
2. Các câu hỏi liên quan đến bệnh viêm đại tràng
2.1. Bệnh viêm đại tràng có nguy hiểm không?
Bệnh viêm đại tràng không nguy hiểm cho người bệnh nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên bệnh có thể có các biến chứng nguy hiểm nếu bệnh kéo dài, trở nặng hoặc tái đi tái lại như xuất huyết dữ dội, thủng đại tràng, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí là ung thư đại tràng. Viêm đại tràng mãn tính kéo dài trên 7 năm thì có 0,5-1% bệnh nhân mắc ung thư đại tràng. Con số này tăng lên 7-10% nếu tình trạng viêm đại tràng mãn tính kéo dài 20 năm, và tăng lên 30% nếu viêm đại tràng mãn tính kéo dài 35 năm.
2.2. Viêm đại tràng mạn có chữa khỏi được không?
Viêm đại tràng mãn tính xác định được nguyên nhân có thể chữa khỏi nếu tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ cũng như thay đổi lối sống. Đối với viêm dạ dày thể không điển hình không xác định được nguyên nhân, người bệnh có thể thay đổi lối sống để hạn chế bệnh tái phát.
2.3. Đường lây truyền của bệnh viêm đại tràng?
Viêm đại tràng có thể lây truyền qua đường tiêu hóa thông qua việc người bệnh ăn hoặc uống phải thức ăn chứa vi sinh vật gây bệnh (lỵ amip, lỵ trực khuẩn, E.Coli,…)
Với bài viết trên đây, chúng tôi hy vọng đã phần nào giải đáp các thắc mắc của bạn về bệnh viêm đại tràng. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về căn bệnh hãy để lại câu hỏi cho Thầy thuốc Việt Nam hoặc đón đọc các bài tiếp theo về căn bệnh này trên page Thầy thuốc Việt Nam nhé!
DS Đỗ Thị Thủy