Cách chữa tiêu hóa kém một cách đơn giản – an toàn

Các triệu chứng liên quan tới đường tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi, nôn, buồn nôn, ợ chua,…gây ra cảm giác mệt mỏi, uể oải, nếu xảy ra thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày. Đó là biểu hiện cho thấy hệ tiêu hóa của bạn đang bị kém đi và cần xử trí kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời cho các câu hỏi: Hệ tiêu hóa kém là gì? Nguyên nhân do đâu? Và cách chữa tiêu hóa kém  như thế nào?

1. Hệ tiêu hóa kém ảnh hưởng tới cơ thể như thế nào?

Con người đưa thực phẩm vào cơ thể thông qua đường ăn uống, sau đó hệ tiêu hóa sẽ chuyển hóa thức ăn thành các dưỡng chất có lợi để cơ thể dễ dàng hấp thu.

Tiêu hóa kém có thể hiểu đơn giản là quá trình tiêu hóa chậm hơn bình thường, thức ăn được dung nạp không chuyển hóa kịp thời, làm cho các tế bào bị “đói” và không cung cấp năng lượng đủ cho các bộ phận. Khi đó, cơ thể sinh mệt mỏi và tình trạng này có thể là nguồn cơn của nhiều căn bệnh.

Các cơ quan thuộc đường tiêu hóa không phải là bộ phận duy nhất bị ảnh hưởng khi hệ tiêu hóa có vấn đề:

  • Rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón,…); đau dạ dày; không dung nạp thức ăn.
  • Khó kiểm soát cân nặng: Nếu mất cân bằng giữa lợi khuẩn và các vi khuẩn có hại trong đường ruột, cơ thể khó hấp thụ chất dinh dưỡng, tác động tới cả việc điều chỉnh lượng đường trong máu và tích trữ chất béo.
  • Các vấn đề về tự miễn dịch: Viêm khớp dạng thấp, bệnh đa xơ cứng, các vấn đề về tuyến giáp và bệnh tiểu đường.
  • Mệt mỏi mạn tính, chứng đau nửa đầu, lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.
  • Da dễ bị kích ứng, tăng nguy cơ mắc một số bệnh về da.

Hệ tiêu hóa kém gây ra trạng thái uể oải và ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác

2. Cách chữa tiêu hóa kém

2.1. Tìm và điều trị nguyên nhân gây tiêu hóa kém

Hệ tiêu hóa bị kém đi không hẳn là một tình trạng bệnh lý, mà là hậu quả của nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài tác động tới cơ thể.

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Đây là một dạng rối loạn tiêu hóa phổ biến. Những người mắc hội chứng này thường có triệu chứng của tiêu hóa kém như đau bụng, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy…Ngoài ra, một số yếu tố khác như stress trong thời gian dài, chế độ ăn uống không lành mạnh, tác dụng phụ của thuốc điều trị…làm cho bệnh trầm trọng hơn.

Bệnh viêm đường ruột (IBD)

Viêm loét đại tràng và bệnh Crohn là hai dạng của viêm ruột. Viêm đại tràng gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở phần niêm mạc đại tràng. Bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng) là tình trạng viêm mạn tính đường ruột. Đây cũng là hai nguyên nhân phổ biến gây tiêu hóa kém.

Thực phẩm chế biến sẵn

Các loại thực phẩm đã qua chế biến như đồ ăn đông lạnh, xúc xích,…có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tiêu hóa. Những thực phẩm này làm tăng lượng đường trong máu và các chất phụ gia làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Không dung nạp thực phẩm 

Đây là tình trạng một người gặp khó khăn trong việc ăn uống, đường ruột trở nên nhạy cảm với một số loại thực phẩm và không thể dung nạp chúng. Nếu ăn các thực phẩm này, sẽ có triệu chứng khó chịu như đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy…và về lâu dài có thể thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Thuốc

Tác dụng phụ của một số thuốc kháng sinh (ampicillin, ceftriaxon, erythromycin,…), thuốc giảm đau nhóm NSAIDs (ketoprofen, piroxicam,…) và thuốc giảm đau opioid (codein, fentanyl,…) cũng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. 

Mức độ nặng nhẹ của các tác dụng phụ tùy thuộc vào thời gian và liều lượng sử dụng thuốc. Các triệu chứng này sẽ biến mất hoặc giảm dần sau khi ngừng dùng thuốc.

Người đang dùng thuốc chống đông hoặc các bệnh về đông máu không được dùng bromelain

Tác dụng không mong muốn phổ biến khi sử dụng kháng sinh và thuốc giảm đau là ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Lối sống 

Do công việc và cuộc sống quá bận rộn mà nhiều người có thói quen ăn uống không khoa học (lười uống nước, bỏ bữa, thường xuyên dùng đồ ăn chế biến sẵn,…), ít vận động đặc biệt là với những người ngồi làm việc lâu, hay do căng thẳng,…đều là những yếu tố khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả hơn bình thường.

2.2. Bổ sung men tiêu hóa, men vi sinh phù hợp

2.2.1.Men tiêu hóa (Enzym) 

Men tiêu hóa do chính các tuyến trong cơ thể tiết ra, chúng có vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình “cắt nhỏ” thức ăn. Có 4 loại enzym chính là: Protease phân hủy protein, lipase phân hủy chất béo, cellulase phân hủy chất xơ và amylase phân hủy tinh bột.

Khi cơ thể không thể sản xuất đủ một loại enzyme nhất định, kết quả là không dung nạp được thức ăn. Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề về đường ruột và khó chịu ở bụng, bao gồm đầy hơi hoặc khó tiêu.

Sử dụng men tiêu hóa là một cách chữa tiêu hóa kém khi: Ăn lâu tiêu, dùng bia rượu kéo dài, người mới ốm dậy chưa lấy lại được cảm giác thèm ăn,…Các chế phẩm men tiêu hóa trên thị trường có chứa thành phần như alpha amylase, papain, pepsin, pancreatin,…

2.2.2. Men vi sinh (Probiotics)

Probiotics là chế phẩm có chứa các lợi khuẩn nhằm cải thiện sự cân bằng hệ vi sinh trong đường tiêu hóa. Những men này không được cơ thể sản xuất như enzyme, mà phải được dung nạp thông qua chế độ ăn uống. 

Phổ biến hơn men tiêu hóa, dùng men vi sinh cũng là cách chữa tiêu hóa kém. Probiotics được chỉ định khi sự cân bằng hệ tạp khuẩn đường ruột bị xáo trộn, thường gặp ở bệnh nhân điều trị kháng sinh kéo dài, hoặc là có triệu chứng của loạn khuẩn như đi ngoài phân sống, tiêu chảy,…

Men vi sinh được tìm thấy trong một số loại thực phẩm: Sữa chua, kefir, kombucha, miso,…Ngoài ra, có thể bổ sung probiotics bằng các sản phẩm chứa một số thành phần như: Bacillus Clausii, Lactobacillus acidophilus, Bifidobacterium lactic,…

Hiện nay có rất nhiều chế phẩm men vi sinh trên thị trường, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi sử dụng

2.3. Thay đổi chế độ dinh dưỡng

2.3.1. Tiêu hóa kém nên ăn gì?

Ngoài enzym và probiotics, sử dụng các loại thực phẩm dưới đây cũng là những cách chữa tiêu hóa kém đơn giản, an toàn.

Táo – Ngăn ngừa táo bón

Táo cung cấp nguồn chất xơ phong phú, đặc biệt là pectin – một dạng chất xơ hòa tan. Lợi khuẩn ở ruột già sẽ phân hủy các chất xơ này, do đó làm tăng khối lượng phân và đào thải ra ngoài cơ thể. 

Đu đủ – Hỗ trợ tiêu hóa

Đu đủ chứa loại enzym tiêu hóa tự nhiên papain – loại enzym có tác dụng làm “mềm thịt”. Papain phá vỡ liên kết protein của các thức ăn giàu protein, đồng thời ngăn ngừa tích tụ những protein bị tiêu hóa dở dang trong đại tràng và hệ thống bạch huyết. 

Rau xanh – Nhuận tràng, lợi tiêu hóa

Rau xanh là thực phẩm rất giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ. Rau xanh có tác dụng thúc đẩy trao đổi chất trong dạ dày, kích thích sự co bóp của dạ dày, ruột và hỗ trợ đẩy nhanh quá trình đào thải tạp chất ra khỏi cơ thể.

Thực phẩm giàu chất xơ có khả năng làm giảm lượng Cholesterol trong máu

Các loại rau, củ, quả là nguồn thực phẩm rất tốt cho cơ thể

Cá hồi

Cá hồi rất giàu axit béo omega-3, có tác dụng giảm viêm. Ăn nhiều cá hồi không chỉ giúp giảm bớt sự khó chịu của triệu chứng của bệnh viêm đường ruột, mà còn là cách chữa tiêu hóa kém rất an toàn, hiệu quả.

Nước hầm xương

Gelatin trong nước hầm xương giúp củng cố lớp chất nhầy trên niêm mạc ruột. Glycine kích thích dạ dày tiết ra các axit cần thiết cho sự tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, gelatin và glycine có khả năng chống lại sự hình thành các vết loét, duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc ruột và hàng rào bảo vệ ruột.

Thì là

Sử dụng thì là nấu chín thường xuyên sẽ giảm nguy cơ táo bón và hỗ trợ tiêu hóa tốt. Hạt thì là giúp chữa bệnh kiết lỵ và tiêu chảy.

2.3.2. Tiêu hóa kém không nên ăn gì?

Với những người có hệ tiêu hóa kém, ngoài việc duy trì chế độ ăn cân bằng dưỡng chất, tăng cường vận động, bổ sung probiotics mỗi ngày, thì cần kiêng một số loại thực phẩm sau:

  • Đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng, đồ ăn nhiều đường.
  • Đồ tái, sống chưa được chế biến chín vì tiềm ẩn nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn có hại.
  • Thức uống có cồn, chứa chất kích thích.

Khi hệ tiêu hóa có vấn đề ở mức độ nhẹ, thì có thể đáp ứng tốt với các cách chữa tiêu hóa kém tại nhà như là điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục. Tuy nhiên, khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn thì cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để bác sĩ thăm khám, có hướng điều trị kịp thời.

Ngân Hạnh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận