Cách phá thai 3 tuần tuổi bằng thuốc

Mang thai và làm mẹ là trọng trách thiêng liêng của người phụ nữ. Tuy nhiên vì một lý do bất khả kháng nào đó mà người mẹ buộc phải lựa chọn việc phá bỏ thai nhi khi mới chỉ được 3 tuần tuổi. Nhiều câu hỏi đặt ra là thai nhi 3 tuần tuổi có phá được không? Cách phá thai 3 tuần tuổi nào an toàn, hiệu quả ? Cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết sau đây.

1. Phá thai 3 tuần tuổi có được không?

Phá thai an toàn là phương pháp được thực hiện bởi người có chuyên môn, làm đúng chỉ định và các kỹ thuật phá thai phù hợp với từng tuổi thai. Phá thai được chỉ định khi đã chắc chắn phôi thai nằm trong buồng tử cung và người mẹ không mắc một số bệnh tim mạch, bệnh phụ khoa, bệnh về máu,…

Sang tuần thứ 3 sau quan hệ, khi trứng được thụ tinh tạo hợp tử sẽ di chuyển và xâm nhập vào niêm mạc tử cung, thời điểm này đánh dấu sự hình thành đầu tiên của thai nhi tuy nhiên thời gian chỉ mang tính tương đối. Bên cạnh đó thai nhi 3 tuần tuổi kích thước còn rất nhỏ, khoảng 0,35-0,6 mm. Thời điểm này, việc siêu âm có thể không phát hiện được hình ảnh thai nhi và cũng chưa kết luận được là có thai trong tử cung. Chính vì vậy, nếu chị em muốn bỏ thai vào giai đoạn 3 tuần tuổi thì đây chưa phải là thời điểm thích hợp và bác sĩ thường không chỉ định phá thai mà chờ thai nhi phát triển và di chuyển vào tử cung.

Phá thai 3 tuần tuổi có được không?

Trong trường hợp thai 3 tuần tuổi được xác định trong buồng tử cung của thai phụ và thai phụ có sức khỏe tốt, không có bất cứ một vấn đề gì về sức khỏe, đặc biệt là không mắc các bệnh nguy hiểm như rối loạn đông máu, bệnh tim mạch, huyết áp, viêm nhiễm phụ khoa…thì mới có thể phá thai. 

Trước khi phá thai chị em cần được khám và tư vấn một số thông tin liên quan cách phá thai 3 tuần tuổi như phương pháp phá thai, quy trình phá thai, các tai biến, nguy cơ có thể gặp phải để việc phá thai diễn ra an toàn và thành công.

2. Cách phá thai 3 tuần tuổi bằng thuốc

Phá thai bằng thuốc là phương pháp chấm dứt thai kỳ trong tử cung bằng cách sử dụng phối hợp 2 loại thuốc là mifepristone và misoprostol gây sảy thai. Đây là phương pháp phá thai hiệu quả và không can thiệp dụng cụ y tế qua cổ tử cung.

Cách phá thai 3 tuần tuổi bằng thuốc được thực hiện như sau:

Bước 1: Bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi một số vấn đề liên quan đến sức khỏe thai phụ (tiền sử nội khoa, sản phụ khoa, tiền sử dị ứng); khám toàn thân và khám phụ khoa ; siêu âm để xác định thai trong buồng tử cung và tuổi thai; tư vấn phá thai bằng thuốc (quy trình phá thai bằng thuốc, các tác dụng phụ của thuốc phá thai và cách xử trí).

Bước 2: Sau khi thăm khám, thai phụ sẽ được chỉ định uống viên thuốc thứ nhất mifepristone dưới sự theo dõi trực tiếp của bác sĩ chuyên khoa. Thuốc có tác dụng làm ngưng sự phát triển của thai nhi và khiến túi thai bong ra khỏi thành tử cung của thai phụ. Sau khi sử dụng nếu không có biểu hiện bất thường thì thai phụ có thể về nhà nghỉ ngơi

Cần được tư vấn và thăm khám trước khi tiến hành phá thai

Bước 3: Sau khoảng 2 ngày, thai phụ sẽ quay lại cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và tiếp tục sử dụng viên thuốc misoprostol. Viên thuốc thứ 2 có tác dụng đẩy thai nhi ra ngoài. Lúc này các bạn sẽ thấy đau bụng đau bụng, ra máu nhiều và ra máu cục khi thai được đẩy ra ngoài kèm theo cảm giác buồn nôn, chóng mặt…. Do đó thai phụ cần được theo dõi nghiêm ngặt trong 4 giờ. Nếu sức khỏe thai phụ ổn định có thể ra về.

Bước 4: Sau 2 tuần uống thuốc phá thai, bạn cần quay lại cơ sở y tế để thăm khám đánh giá hiệu quả phá thai. Nếu sảy thai hoàn toàn thì kết thúc điều trị. Nếu sảy thai không hoàn toàn hoặc sót các sản phẩm thụ thai thì cần được thay thế bằng phương pháp phá thai khác.

Lưu ý: nếu bệnh nhân có biểu hiện trong và sau quá trình phá thai như đau bụng dữ dội, ra máu kéo dài ( ướt đẫm 2 băng vệ sinh dày trong 1 giờ và kéo dài liên tiếp trong 2 giờ) thì cần được đến ngay cơ sở y tế kiểm tra ngay.

3. Phá thai 3 tuần tuổi bằng thuốc có nguy hiểm không?

Như đã nêu ở trên, cách phá thai 3 tuần tuổi bằng thuốc được đánh giá là phương pháp an toàn. Tuy nhiên việc phá thai 3 tuần tuổi chỉ được thực hiện khi xác định phôi thai trong buồng tử cung và sức khỏe của thai phụ ổn định. Nếu cố chấp phá thai khi thai chưa vào tử cung hoặc người mẹ mắc một số bệnh lý thì có thể gây hậu quả khôn lường:

  • Phá thai không an toàn dễ gây sót nhau, sót thai. Biểu hiện người phụ nữ đau bụng, tiết dịch nhiều có mùi hôi. Nếu thai nhi bị sót lại, không xử lý kịp thời có thể gây viêm nhiễm vùng tử cung, vô sinh hiếm muộn.
  • Phá thai không thành công khiến thai nhi vẫn phát triển trong buồng tử cung mà người mẹ không hay biết vì không được theo dõi và siêu âm bởi bác sĩ chuyên khoa sau phá thai. Do ảnh hưởng của thuốc nên thai nhi có thể mắc dị tật và phát triển không bình thường.
  • Mang thai ngoài tử cung cũng là một trong những hệ lụy của việc phá thai bằng thuốc. Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm trùng vòi tử cung do phá thai không an toàn và không theo chỉ dẫn bác sĩ. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm cần được phát hiện và xử lý càng sớm càng tốt nếu không sẽ gây tử vong cho người bệnh. 
  • Tác dụng của thuốc tránh thai còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sản phụ:

Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, dị ứng thuốc là triệu chứng có thể gặp sau khi dùng thuốc phá thai

  • Dị ứng thuốc: xảy ra hiện tượng nổi mề đay, ngứa ngáy, khó thở, choáng tụt huyết áp.
  • Buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, chóng mặt là triệu chứng có thể gặp sau uống thuốc phá thai. Không chỉ gây khó chịu cho cơ thể người bệnh mà nếu tình trạng tiến triển nặng thì có thể gây mất nước, mất điện giải, gây mất cân bằng hóa học trong cơ thể. Hậu quả người bệnh có thể mất ý thức, giảm thể tích máu và sốc.
  • Băng huyết, ra máu: Thông thường sau khi phá thai khoảng 1 đến 2 tuần chị em thường bị ra máu nhiều ngày kèm thèm cảm giác đau bụng âm ỉ. Nếu lượng máu ra kéo dài trên 2 tuần, lượng máu không giảm hoặc đau bụng dữ dội, bạn cần đến cơ sở y tế để thăm khám ngay. 
  • Gây rối loạn nội tiết: Việc phá thai bằng thuốc sẽ khiến chị em bị rối loạn nội tiết trong thời gian 1 – 2 tháng sau khi phá thai. Tùy theo từng cơ địa mà bệnh nhân có biểu hiện khác nhau. Một số trường hợp chu kỳ kinh nguyệt có thể ngắn hơn hoặc dài hơn so với bình thường. Nếu được chăm sóc sức khỏe tốt, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ổn định trở lại. Một số trường hợp kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài hoặc không có kinh nguyệt thì cần đến cơ sở y tế khám và điều trị.

BS Nguyễn Thị Thu Hiền

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận