Nấm da chân: Biểu hiện và cách điều trị hiệu quả

Nấm da chân là một loại nhiễm trùng da do nấm. Bệnh xảy ra ở bàn chân và gây nên các triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Nhận biết được biểu hiện cũng như một số phương pháp điều trị bệnh nấm bàn chân giúp bạn phát hiện sớm bệnh và phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.

1. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm bàn chân

Theo các nghiên cứu, có khoảng 15-25% dân số trên thế giới có khả năng mắc nấm da chân. Tỷ lệ mắc bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó điều kiện môi trường làm việc, bệnh nền mắc phải trước đó, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch… là các yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm nấm bàn chân.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm da chân

  • Bệnh nấm da chân có khả năng lây nhiễm khi bạn tiếp xúc với da người bệnh hoặc tiếp xúc qua bề mặt nhiễm bệnh, chẳng hạn như dùng chung khăn tắm, tất, giày với người bị bệnh.
  • Đi chân trần tại nơi ẩm ướt như phòng thay đồ hoặc bể bơi công cộng có thể khiến bàn chân tiếp xúc với nấm phát triển trong những môi trường đó.
  • Bạn cũng có khả năng mắc nấm da chân nếu bạn mắc một số bệnh lý như: bệnh tiểu đường, béo phì, suy giảm miễn dịch…
  • Sử dụng thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch cũng là điều kiện thuận lợi mắc bệnh nấm da chân.
  • Những người đi giày và tất ẩm, hoặc đi giày thường xuyên, người hay ra mồ hôi chân…là môi trường hoàn hảo cho nấm da chân phát triển.
  • Yếu tố môi trường cũng ảnh hưởng đến khả năng mắc nấm da chân. Môi trường bị ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm nước thải hay hóa chất dễ tạo điều kiện cho nấm sinh sôi và gây bệnh.
  • Một số ngành nghề có nguy cơ mắc nấm da chân cao, chẳng hạn như các vận động viên thể thao, công nhân làm việc trong điều kiện môi trường nóng ẩm…

2. Một số biểu hiện của bệnh nấm bàn chân

Bệnh nấm bàn chân được chia thành 4 hình thức lâm sàng với các biểu hiện triệu chứng là khác nhau.

  • Dày sừng mạn tính bàn chân: bệnh xảy ra thường xuyên ở lòng bàn chân, gót chân và rìa bàn chân. Đau hoặc ngứa là triệu chứng đầu tiên của bệnh, có thể diễn ra trong vài ngày. Sau đó da lòng bàn chân của bạn dày lên, nứt nẻ và bong tróc thành từng mảng nhỏ.

nấm da bàn chân gây ngứaNấm da bàn chân gây ngứa và bong da ở bàn chân

  • Viêm kẽ mạn tính là thể bệnh phổ biến nhất. Bệnh thường xuất hiện ở kẽ ngón chân và rìa bàn chân, đặc biệt là giữa ngón tư và ngón năm. Ban đầu da vùng ngón chân của bạn có thể thay đổi màu sắc trở nên hồng hoặc đỏ hơn so với vùng da lân cận, kèm theo người bệnh cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, nứt da và chảy dịch. Theo thời gian nếu bạn điều trị da vùng bệnh sẽ khô, đóng vảy và bong tróc các mảng da khô.
  • Loét cấp tính ở bàn chân: là thể hiếm gặp nhất. Bệnh thường bắt đầu ở kẽ ngón thứ ba và thứ tư sau đó kéo dài đến phần sau của mu bàn chân sau và/hoặc bề mặt của gót chân. Bệnh đặc trưng bởi đau, da sần sùi, nứt da, đóng vảy và có thể có mùi do nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn.
  • Mụn nước, mọng nước ở bàn chân: là một dạng ít gặp, tuy nhiên bệnh có thể xuất hiện bất kì vị trí nào trên bàn chân. Các mụn nước chứa chất lỏng xuất hiện trên nền da đỏ ở bất kì vị trí nào ở bàn chân. Khi các mụn nước này vỡ ra có thể gây ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh. 

3. Gợi ý một số phương pháp điều trị nấm bàn chân

Nhiễm nấm bàn chân không nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên ở một số người chúng có thể gây nên tình trạng ngứa, nứt da và gây đau đớn cho người bệnh. Đặc biệt đối với người suy giảm miễn dịch có khả năng mắc nhiễm trùng thứ phát là rất cao. Do đó việc điều trị sớm bệnh nấm da chân là rất cần thiết.

3.1. Các phương pháp điều trị nấm da chân

Để quá trình điều trị nấm da chân hiệu quả, người bệnh cần kiên trì tuân theo quy trình điều trị của bác sĩ. Nếu việc điều trị dừng lại quá sớm mà bệnh chưa khỏi hoàn toàn, nấm da chân có thể quay trở lại và khó điều trị hơn.

Sử dụng thuốc bôi da trong điều trị nấm da bàn chân

Tùy theo từng mức độ bệnh mà bác sĩ chuyên khoa có thể kê đơn thuốc như sau:

  • Nếu bệnh nấm da chân ở mức độ nhẹ, chẳng hạn như bạn thấy da vùng bệnh xuất hiện viêm ngứa, đau trên nền da đỏ, các nốt mụn nhỏ… bạn sẽ được chỉ định các loại thuốc kháng nấm (clotrimazole, miconazole hoặc terbinafine) bôi tại vị trí tổn thương trong vòng 2 tuần. Trong giai đoạn này người bệnh có thể điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ tại nhà.
  • Sau 2 tuần, nếu người bệnh vẫn cảm thấy ngứa, kèm theo da trở nên nứt nẻ, chảy dịch, các mụn nước liên kết với nhau tạo nốt mụn to, phồng rộp thì người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị ngay. Tại đây người bệnh sẽ được vệ sinh chân bằng các dung dịch sát khuẩn và sử dụng thêm các loại thuốc chống sự nhiễm trùng xảy ra.

Ngoài thuốc bôi chống nấm, tùy thuộc vào từng triệu chứng của người bệnh mà bác sĩ chuyên khoa có thể dùng kết hợp với các loại thuốc khác:

  • Các loại dung dịch ure và axit salicylic có tác dụng làm giảm vảy sừng và làm tăng khả năng thấm của thuốc kháng nấm vào da, qua đó tăng hiệu quả điều trị nấm da chân của các loại thuốc kháng nấm.
  • Một số loại thuốc bôi kháng sinh sử dụng để ngăn ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn lan rộng.
  • Giảm triệu chứng ngứa do vi khuẩn có thể sử dụng các loại thuốc kháng histamin
  • Giảm tiết mồ hôi chân bằng dung dịch nhôm clorua hoặc thuốc uống ức chế hệ thần kinh giao cảm như oxybutynin, atenolol…

3.2. Một số lưu ý khi chăm sóc da bị nhiễm nấm

Vệ sinh chân và lau khô là việc làm cần thiết khi bị nấm da chân

  • Giữ cho đôi chân của bạn sạch sẽ và khô ráo: rửa chân hai lần một ngày và lau khô nhẹ nhàng giữa các ngón chân bằng khăn.
  • Thay tất thường xuyên: thay tất của bạn ít nhất một lần một ngày hoặc nhiều hơn nếu chân bạn ra nhiều mồ hôi.
  • Chọn giày thể thao thông thoáng, tránh tích tụ độ ẩm: tránh mang giày làm bằng vật liệu tổng hợp, chẳng hạn như nhựa vinyl hoặc cao su. Mang dép khi có thể để chân bạn luôn khô thoáng.
  • Mang dép hoặc giày không thấm nước xung quanh hồ bơi công cộng, phòng tắm và phòng thay đồ.
  • Không dùng chung các vật dụng như giày, tất và khăn tắm.
  • Cố gắng không gãi lên vùng da bị bệnh. Bạn có thể thử làm dịu cơn ngứa ngáy bằng cách ngâm chúng trong nước mát hoặc sử dụng thuốc kháng histamin.

BS Nguyễn Thị Thu HIền

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận