Ngộ độc hải sản: Dấu hiệu – Triệu chứng – Cách khắc phục

Trong mỗi chuyến du lịch biển không thể thiếu các bữa ăn hải sản. Thức ăn đã được nấu chín và được dùng khi còn nóng sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc hải sản. Tuy nhiên, nhiều người lại thích dùng đồ biển tái sống hoặc một số loại thực phẩm đã qua chế biến nhưng vẫn còn độc tố. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại tới sức khỏe của thực khách. Khi thấy xuất hiện các biểu hiện trong bài viết dưới đây, cần có hướng xử lý kịp thời hoặc tới ngay cơ sở y tế gần nhất.

1. Những loại hải sản nào dễ gây ngộ độc?

Có 3 dạng ngộ độc hải sản chính:

1.1. Ngộ độc ciguatera còn gọi là ngộ độc cá biển

Đây là một dạng ngộ độc thực phẩm thuộc ngộ độc hải sản, nguyên nhân là do ăn phải cá mang chất độc ciguatera. Chất độc này được tạo ra từ tảo đơn bào hai roi bám vào các rạn san hô, thường ở những vùng biển nhiệt đới, ấm nóng. Những loài cá nhỏ ăn thực vật và loại tảo chứa ciguatera cũng nằm trong chế độ ăn của chúng, khi đó độc tố sẽ tích tụ trong gan, ruột, đầu hay trứng cá.

Độc tố ciguatera đặc biệt nguy hiểm vì nó không mùi, không vị, không bị phân hủy trong quá trình nấu nướng. Hơn nữa, khó nhận biết cá có bị nhiễm độc hay không vì chất độc này không làm thay đổi hình thức, mùi vị hoặc mùi của cá.

Một số loài cá có thể chứa ciguatera cần tránh bao gồm: Cá nhồng, cá chình moray, cá mú, cá tầm, cá hồng,…

Cá hồng là một loài cá chứa độc tố ciguatera và hiện tại đã ghi nhận những trường hợp ngộ độc cá này

1.2. Ngộ độc scombroid còn gọi là ngộ độc histamine

Cá không được làm lạnh nhanh sau khi đánh bắt, hoặc không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp trước khi sử dụng, thì vi khuẩn trong cá có thể nhân lên và tạo ra một lượng lớn histamine.

Bình thường, cơ thể người chấp nhận hàm lượng histamine nhất định mà không gây ra phản ứng nào do được enzym phân hủy. Nhưng nếu hàm lượng histamine trong thức ăn quá cao hoặc enzym phân hủy histamine bị ức chế thì khi đó histamine có khả năng gây ra độc tính.

Histamine được hình thành do vi sinh vật phát triển, sản sinh ra enzym và tác động gây chuyển hóa acid amin histidine thành histamine trong cá. Histamine có khả năng chịu được nhiệt độ cao, thậm chí trong quá trình nấu nướng cũng không bị phân hủy. Mức độ độc tính phụ thuộc vào lượng histamine ăn phải. 

Ngộ độc hải sản dạng này có thể xảy ra do ăn cá ngừ, cá thu, cá cơm, cá cờ, cá mòi,…

1.3. Ngộ độc động vật có vỏ

Thức ăn của các loài động vật có vỏ là sinh vật phù du, tảo,… trong đó có những loại tảo chứa độc. Khi đó, bản thân những động vật này bị nhiễm độc, nhiễm ký sinh trùng, nang trùng mà nếu không có cách chế biến thích hợp có thể gây ra tình trạng ngộ độc hải sản cho người.

Các triệu chứng ngộ độc có mức độ nghiêm trọng khác nhau, do phụ thuộc vào loại độc tố trong động vật. Độc tố có thể được tìm thấy trong trai, sò, nghêu, bào ngư, ốc mặt trăng, tôm hùm,…

Những nguyên tắc an toàn khi ăn hải sản mùa nóng. ( Ảnh: Internet)

Nếu ăn hải sản tươi sống/ tái mà không được chế biến đúng cách sẽ có nguy cơ gây ngộ độc cho người

2. Biểu hiện khi ngộ độc hải sản là gì?

2.1.  Biểu hiện khi ngộ độc ciguatera

Các triệu chứng ngộ độc ciguatera thường bắt đầu từ 3-6 giờ, có thể lên tới 30 giờ sau khi ăn cá bị nhiễm độc. Các triệu chứng đa phần kéo dài vài ngày, nhưng trong một số trường hợp có khi kéo dài hàng tháng.

  • Triệu chứng phổ biến bao gồm: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và/ hoặc đau bụng.
  • Triệu chứng ít gặp hơn gồm:
  • Ngứa ran và tê ở ngón tay, ngón chân, quanh môi, lưỡi, miệng và cổ họng.
  • Cảm giác nóng rát hoặc đau khi tiếp xúc với nước lạnh.
  • Đau cơ, đau khớp, yếu cơ.
  • Ngứa dữ dội, thường trở nên nặng hơn khi uống rượu.
  • Khó thở, mờ mắt, có vị kim loại trong miệng.

2.2. Biểu hiện khi ngộ độc scombroid

Ngộ độc scombroid xảy ra rất nhanh, trong vòng vài phút đến một giờ sau khi ăn cá chứa chất độc. Những triệu chứng của dạng ngộ độc hải sản này thường giống với phản ứng dị ứng, cụ thể như sau:

  • Mặt thường đỏ, mắt đỏ. Khó thở do phù nề và co thắt khí quản.
  • Nổi mẩn đỏ, ngứa, có thể phát ban ngoài da.
  • Hạ huyết áp do giãn mạch.
  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
  • Đánh trống ngực (nhịp tim nhanh, rung hoặc đập thình thịch).

2.3. Biểu hiện khi ngộ độc động vật có vỏ

Tình trạng ngộ độc hải sản này chia ra thành 4 nhóm triệu chứng chính:

  • Ngộ độc động vật có vỏ gây tê liệt: Rất nghiêm trọng, có khả năng gây tử vong. Các triệu chứng xuất hiện trong vòng 30 phút đến 2 giờ sau khi ăn, bao gồm tê, ngứa ran ở môi và tứ chi, rối loạn tiêu hóa.
  • Ngộ độc động vật có vỏ ảnh hưởng tới trí nhớ: Một tình trạng nghiêm trọng khác có khả năng gây tử vong hoặc hôn mê. Triệu chứng xuất hiện trong vòng 1 ngày sau khi ăn động vật có vỏ chứa độc tố.
  • Ngộ độc động vật có vỏ gây độc thần kinh: Có các triệu chứng tương tự như ngộ độc ciguatera nhưng ít nghiêm trọng hơn, thường kéo dài vài ngày.
  • Ngộ độc động vật có vỏ gây tiêu chảy: Các triệu chứng thường xuất hiện khoảng nửa giờ sau khi ăn cá bị nhiễm độc và kéo dài vài ngày.

Ngộ độc động vật có vỏ là một tình trạng ngộ độc phổ biến, có thể gây tử vong do làm liệt cơ hô hấp

3. Cách xử trí khi bị ngộ độc hải sản

Khi có biểu hiện ngộ độc hải sản, cách tốt nhất là kích thích gây nôn để loại bỏ phần thức ăn gây độc ra khỏi cơ thể. Với những trường hợp nặng, cần nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa kịp thời. 

Còn với những trường hợp nhẹ hơn, có thể tham khảo một số phương pháp sau đây:

  • Uống ngay một cốc nước ấm với nước cốt chanh tươi.
  • Giã một nắm lá tía tô vắt lấy nước cốt uống. Lấy bã xát vào chỗ ngứa.
  • Gừng sống và hành trắng, cho vào ấm đậy kín, sắc nhanh lấy nước, uống khi còn nóng.
  • Tỏi đập dập, sắc lấy nước, uống khi nước ấm.
  • Hạt đậu xanh nghiền sống, hòa với nước, uống thật nhiều để gây nôn và giải độc.

4. Phòng ngộ độc hải sản như thế nào?

4.1. Phòng ngừa ngộ độc ciguatera

Tránh hoặc hạn chế ăn các loài cá sống ở rạn san hô vùng biển nhiệt đới, đặc biệt là cá nhồng và chình moray, vì chúng có nhiều khả năng chứa độc tố ciguatera. Không ăn gan, ruột, trứng hoặc đầu cá vì nồng độ chất độc thường tập trung cao nhất ở những bộ phận này.

4.2. Phòng ngừa ngộ độc scombroid

Histamine không bị phân hủy khi nấu nướng, hun khói hoặc đông lạnh. Vì vậy, chỉ nên ăn cá khi bạn biết là cá đã được bảo quản đúng cách. Chẳng hạn như: Bảo quản cá trên đá hoặc trong tủ lạnh (dưới 5°C); làm lạnh ngay sau khi mua; cá vừa đánh bắt cần làm lạnh ngay lập tức.

Bảo quản hải sản đúng cách cũng là một biện pháp phòng ngừa ngộ độc hải sản

4.3. Phòng ngừa ngộ độc động vật có vỏ

Hãy tránh hoặc hạn chế ăn động vật có vỏ nếu bạn tới một địa điểm đang có hiện tượng tảo nở hoa, còn được gọi là “thủy triều đỏ” hoặc “thủy triều nâu”; đang đi du lịch ở một quốc gia có thu nhập thấp hoặc không tin tưởng vảo chất lượng nước nơi động vật có vỏ sinh sống.

Để đề phòng khả năng xảy ra ngộ độc hải sản, cần thận trọng khi ăn các loại đồ biển lạ, lựa chọn đồ tươi sống, không ăn hải sản chưa được nấu chín kỹ và nên phát hiện các biểu hiện ngộ độc sớm. Nếu các phương pháp xử trí tại chỗ không có hiệu quả thì cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời nhằm tránh các biến chứng nặng.

Lê Hải Ngân Hạnh

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận