Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở người lớn
Viêm da cơ địa là một bệnh da liễu khá phổ biến và khiến người mắc ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày. Đây là một tình trạng thường xuất hiện trước 5 tuổi, tuy nhiên có trường hợp lại mắc lần đầu khi đã trưởng thành. Để có thể hiểu thêm về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm da cơ địa ở người lớn, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.
Nội dung bài viêt
1. Viêm da cơ địa là bệnh gì?
Viêm da cơ địa là một bệnh mãn tính, có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào
Viêm da cơ địa (Atopic dermatitis) là tình trạng viêm da mãn tính, tiến triển trong thời gian dài và đặc trưng bởi các vùng da khô, rát, sưng tấy. Bệnh có xu hướng tái phát nhiều lần và không lây từ người sang người.
Trong các đợt bùng phát nghiêm trọng, người mắc bệnh thường có thói quen gãi nhằm giảm cảm giác ngứa ngáy. Nhưng gãi nhiều sẽ khiến da bị trầy xước, dẫn đến viêm da nhiều hơn, các triệu chứng nặng hơn và nguy hiểm là có thể bị nhiễm trùng da.
2. Tại sao người lớn bị viêm da cơ địa?
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Cho tới hiện tại vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác dẫn đến viêm da cơ địa ở người lớn. Tuy nhiên, về cơ bản, cơ chế khởi phát bệnh liên quan đến yếu tố di truyền và hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Yếu tố di truyền
Trong gia đình, nếu bố, mẹ hoặc anh chị em ruột có tiền sử bị viêm da cơ địa hoặc các bệnh dị ứng khác (như là hen phế quản, viêm da dị ứng/eczema, viêm xoang,…), thì khả năng cao bạn hoặc con bạn sẽ gặp tình trạng tương tự.
Đột biến gen
Filaggrin (FLG) là một protein đóng vai trò thiết yếu trong sự biệt hóa thượng bì và năng hàng rào bảo vệ da. Filaggrin có vai trò đối với quá trình duy trì nước trong các tầng da, giúp duy trì pH axit trên da.
Đột biến gen filaggrin được tìm thấy trên bệnh nhân viêm da cơ địa. Sự thiếu hụt filaggrin có liên quan đến sự thay đổi thành phần và tổ chức của lớp sừng (lớp ngoài cùng của thượng bì), dẫn đến hàng rào bảo vệ da suy yếu. Khi đó, nồng độ yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên giảm, tăng độ pH trên da, da ít ngậm nước và dễ tổn thương hơn.
Viêm da cơ địa ở người lớn có thể tái phát hoặc trở nên trầm trọng hơn do nhiều tác nhân khác nhau, nhưng các yếu tố môi trường và lối sống là phổ biến hơn cả.
Môi trường
Các chất gây dị ứng trong không khí như khói, mạt bụi, phấn hoa và nấm mốc.
Thời tiết
Viêm da cơ địa thường xuất hiện và tiến triển nặng hơn vào mùa đông
Viêm da cơ địa thường xuất hiện và tiến triển nặng hơn vào mùa đông. Thời tiết lạnh, khô, độ ẩm không khí thấp khiến da dễ bị mất nước, trở nên khô hơn và lớp màng bảo vệ da bị suy yếu. Khi đó, sẽ tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập, kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch.
Lối sống
Tắm nước quá nóng hoặc chà xát cơ thể mạnh cũng có thể tác động xấu đến bề mặt da. Sử dụng xà phòng hay các chất tẩy rửa (dầu gội đầu, sữa tắm tạo bọt, nước rửa bát,…) có thể rửa sạch lớp dầu tự nhiên trên da. Ngoài ra, chất liệu quần áo như len và vải tổng hợp hay gây ngứa và kích ứng da.
3. Viêm da cơ địa ở người lớn biểu hiện như thế nào?
Triệu chứng của viêm da cơ địa khác nhau theo từng độ tuổi, nhưng các triệu chứng có điểm chung là tạo thành chu kỳ “ngứa – gãi – tổn thương da – ngứa”.
– Bệnh viêm da cơ địa ở người lớn thường tiến triển dai dẳng và tái phát định kỳ.
– Triệu chứng:
+ Da cực kỳ khô, nứt nẻ, dày sừng và cứng hơn.
+ Ngứa.
+ Mảng da sưng tấy có thể đỏ đến nâu sẫm.
+ Tại những vị trí phát ban trên vùng da tổn thương, có thể đóng vảy hoặc rỉ chất lỏng trong suốt, chảy máu khi gãi.
Viêm da cơ địa khiến người mắc khó chịu bởi cảm giác ngứa ngáy
+ Một trong những dấu hiệu đặc trưng của viêm da cơ địa ở người lớn là viêm da thần kinh (còn gọi là lichen giản đơn mãn tính). Tình trạng này thường xảy ra ở người trên 20 tuổi, nữ bị nhiều hơn nam. Bệnh khởi phát với triệu chứng ngứa và lâu dần các mảng da dày lên do cọ xát hoặc gãi nhiều lần.
– Các khu vực da thường bị tổn thương: Nếp gấp của khuỷu tay, đầu gối, mặt, sau gáy, quanh mắt,…
4. Điều trị bệnh viêm da cơ địa ở người lớn
Viêm da cơ địa được điều trị theo 4 nguyên tắc chính (Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm da cơ địa của Bộ Y tế năm 2015):
- Dùng thuốc chống khô da, dịu da.
- Chống nhiễm trùng.
- Chống viêm.
- Tư vấn cho người bệnh và gia đình biết cách điều trị và phòng bệnh.
Điều trị tại chỗ
– Corticoid (dạng bôi) cũng được dùng nhiều trong điều trị viêm da cơ địa ở người lớn. Đa số các trường hợp dùng corticoid có hoạt tính trung bình là desonide và clobetasone butyrate. Trường hợp viêm da thần kinh có tổn thương lichen hoá, có thể dùng loại hoạt tính mạnh hơn như clobetasol propionate.
Lưu ý khi dùng corticoid:
Với tổn thương ở vùng da mỏng, nhạy cảm như mặt, nên dùng corticoid hoạt tính yếu hơn. Với vùng da dày thì dùng loại mạnh hơn để giảm ngứa, giảm viêm. Tính toán lượng thuốc bôi trong 1 tuần. Trước khi ngừng hẳn thuốc nên giảm liều từ từ.
– Để chống nhiễm khuẩn có thể dùng thuốc mỡ có chứa kháng sinh hoặc corticoid kết hợp với kháng sinh.
Điều trị viêm da cơ địa bằng các thuốc dạng bôi (kem, gel, thuốc mỡ,…)
– Thuốc có tác dụng sát trùng, khử khuẩn nhẹ, làm dịu da: Dung dịch Jarish, thuốc tím 1/10.000 (bôi hoặc pha vào nước tắm).
– Thuốc bạt sừng bong vảy acid salicylic có tác dụng làm tróc mạnh lớp sừng da và sát khuẩn nhẹ.
– Thuốc ức chế miễn dịch tacrolimus và pimecrolimus được sử dụng cho viêm da cơ địa từ nhẹ đến trung bình hoặc khi lo ngại các tác dụng phụ của corticosteroid. Các hoạt chất này có tác dụng giảm phản ứng quá mẫn, từ đó cải thiện tình trạng viêm da.
Điều trị toàn thân
– Thuốc kháng histamin H1 dạng uống giúp làm giảm ngứa thông qua tác dụng an thần. Chọn các chế phẩm có chứa hoạt chất như clorpheniramin, diphenhydramin, hydroxyzin,…
– Các kháng sinh dùng theo đường uống được chỉ định khi có dấu hiệu nhiễm trùng như nốt phát ban rỉ nước, vảy cứng, có mủ,…
– Trường hợp bệnh trở nên nghiêm trọng, chỉ định dùng corticoid trong thời gian ngắn
Biện pháp khắc phục tại nhà
– Chú ý đến thói quen chăm sóc da, đặc biệt là vào mùa đông, có thể bôi 2-3 lần/ngày. Điều này sẽ tạo ra một lớp bảo vệ trên da để giữ ẩm. Lựa chọn các sản phẩm không chứa cồn, hay các thành phần khác có thể gây kích ứng da.
Nên sử dụng kem dưỡng thể sau khi tắm khi mà da còn ẩm
– Sử dụng nước ấm để làm sạch da mà không làm khô da quá mức.
– Sử dụng xà phòng không mùi, chứa ít chất kiềm hoặc các sản phẩm tẩy rửa không/ít tạo bọt.
– Hạn chế các yếu tố nguy cơ:
– Tránh mặc quần áo chật, bó sát, quần áo từ len hay sợi tổng hợp. Nên chọn những bộ đồ mềm mại, rộng rãi và có chất liệu thấm hút tốt (như vải cotton).
– Tránh gãi hoặc chà xát khi ngứa, vì điều đó sẽ làm kích ứng da, tăng viêm, và ngứa ngáy thêm. Thay vào đó, thử vỗ nhẹ vào da nhằm giảm bớt cảm giác khó chịu và cắt móng tay gọn gàng, sạch sẽ.
Viêm da cơ địa ở người lớn có thể tiến triển dai dẳng và không có cách chữa trị dứt điểm, nhưng dưỡng ẩm da và dùng thuốc góp phần giảm bớt các triệu chứng. Khi nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng da (da sưng tấy, đau, phát ban, ngứa ngáy đến mức mất ngủ,…). Khi đó, cần tới các phòng khám da liễu sớm để được chẩn đoán và có hướng điều trị hiệu quả.
Ds. Lê Hải Ngân Hạnh