Viêm da cơ địa có lây không?
Viêm da cơ địa là tình trạng viêm da mạn tính phổ biến nhất và có thể gặp ở mọi đối tượng, cả trẻ em và người lớn. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là ngứa kéo dài dai dẳng, xuất hiện những nốt ban dát đỏ, mụn nước gây tổn thương bề mặt da. Tuy bệnh không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại khiến người mắc cảm thấy khó chịu, đau rát, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống hằng ngày. Vậy bệnh viêm da cơ địa có lây không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Nội dung bài viêt
1. Nguyên nhân bệnh viêm da cơ địa là gì?
Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân chính xác của viêm da cơ địa. Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết cho rằng chúng là sự tổ hợp của nhiều yếu tố như yếu tố di truyền, sự hoạt động quá mẫn của hệ miễn dịch hay sự tổn thương các hàng rào bảo vệ của da.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa
1.1. Yếu tố di truyền
80% các trường hợp ghi nhận viêm da cơ địa đều có liên quan đến yếu tố di truyền. Trong một gia đình, nếu bố hoặc mẹ hay cả bố và mẹ đều cùng bị viêm da cơ địa hay có tiền sử mắc các bệnh dị ứng (viêm da dị ứng, viêm xoang…) thì khả năng cao con sinh ra sẽ gặp phải tình trạng tương tự.
1.2. Rối loạn hệ thống miễn dịch
Hệ thống miễn dịch của cơ thể đóng vai trò chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ. Nhưng đôi khi hệ miễn dịch bị rối loạn và hoạt động quá mức có thể khiến da bị viêm nhiễm, gây nổi mẩn ngứa trên da. Với những trường hợp này, triệu chứng bệnh thường khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh cũng như gặp nhiều trong gia đình có các thành viên có bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng…
Hệ miễn dịch suy giảm cũng là nguyên nhân gây viêm da cơ địa
1.3. Hàng rào bảo vệ da bị suy yếu
Cấu tạo của da bao gồm nhiều lớp tế bào được gắn kết chặt chẽ với nhau tạo thành một hàng rào vững chắc bảo vệ da khỏi sự mất nước và sự xâm nhập của các tác nhân lạ, vi khuẩn, vi trùng vào cơ thể. Nếu người bệnh bị viêm da cơ địa thì lớp hàng rào bảo vệ này đang bị suy yếu do sự giảm sản xuất các chất liên kết tế bào da gây mất nước khiến da khô, nhăn nheo.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc viêm da cơ địa như:
- Thói quen tắm nước quá nóng dễ khiến da bị kích thích hoặc thời gian tắm quá lâu.
- Tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên như hóa chất, côn trùng, xà phòng, khói bụi, lông động vật… hay ăn một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng, mặc một số loại quần áo được làm từ chất liệu len, dạ, vải nhân tạo… gây kích ứng da.
Mặc quần áo chất liệu len, dạ… có thể gây kích ứng da
- Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh, ô nhiễm, có độ ẩm thấp cũng là nguyên nhân gây viêm da cơ địa.
Nhìn chung, để tìm kiếm nguyên nhân chính xác thì phải thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu, thậm chí có những trường hợp còn không xác định được nguyên nhân. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với những yếu tố kể trên nhằm hạn chế khả năng khởi phát bệnh.
2. Viêm da cơ địa có lây không?
Bệnh viêm da cơ địa có lây không? Đây là thắc mắc của rất nhiều người khi tìm hiểu về bệnh lý này. Câu trả lời là không. Tuy đây là một chứng viêm da, ngứa mãn tính với đặc trưng là sự xuất hiện của những tổn thương nổi gồ lên và nằm nông trên bề mặt da những bệnh viêm da cơ địa không có tính lây lan. Do đó, việc tiếp xúc trực tiếp với chất dịch vỡ ra từ các nốt mụn nước hay máu từ những tác động vật lý lên vùng da bị tổn thương như gãi, cào gây trầy xước cũng không làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh viêm da cơ địa có lây không?
Viêm da cơ địa sẽ không gây ra biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe nếu đang ở thể nhẹ của bệnh. Nhưng nếu người bệnh chủ quan, không điều trị, bệnh sẽ nhanh chóng tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. Khi đó, cấu trúc vùng da bị phá vỡ, lở loét và dễ bị nhiễm trùng bởi các chủng vi sinh vật có hại. Khi vết thương lành lại có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ, giảm đi sự tự tin.
3. Triệu chứng lâm sàng của viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh viêm da mãn tính phổ biến có tính chất dai dẳng và dễ tái phát. Những triệu chứng của bệnh sẽ khởi phát rầm rộ theo từng đợt. Sau đó dần thuyên giảm và một thời gian sau lại tái phát giống đợt trước và mức độ triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn.
Triệu chứng dễ nhận biết của bệnh viêm da cơ địa
Triệu chứng thường gặp có thể kể đến như ngứa, da khô nứt nẻ, phát ban đỏ, da sưng tấy, xuất hiện các vết mụn nước. Khi gãi, các vết mụn nước có thể vỡ ra, vùng da tổn thương bị trầy xước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập khiến da bị viêm nhiễm, tiết mủ, có mùi hôi. Sau khi bệnh đã thuyên giảm, những vùng da đó sẽ chuyển sang màu nâu hoặc xám, đỏng vảy thành những mảng dày.
Tổn thương có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên vùng da dễ bị bệnh nhất là vùng bàn tay hay một số vùng da có nếp gấp như khoeo chân, khuỷu tay…Ở trẻ nhũ nhi thì thường biểu hiện ở má, cằm và tạo hình móng ngựa. Biểu hiện triệu chứng khác nhau ở mỗi người và cũng khác nhau theo độ tuổi.
4. Biện pháp điều trị bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa có chữa được không? Điều trị bệnh viêm da cơ địa nhằm mục đích giảm triệu chứng, ngăn ngừa nguy cơ tái phát và hạn chế sự xuất hiện của các bệnh đi kèm và biến chứng. Thuốc thường sử dụng là các thuốc bôi ngoài da như:
- Kem chống ngứa: Sử dụng trong trường hợp ngứa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt.
- Kem dưỡng ẩm: Giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, tăng độ ẩm cho da tránh nứt nẻ, làm mềm da.
- Kem kháng viêm: Công dụng của chúng giúp giảm ngứa, giảm sưng đỏ. Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý mua thuốc mà phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Nếu lạm dụng, thuốc có thể khiến màu da bị thay đổi, da dễ bị nhiễm trùng hơn.
Sử dụng thuốc bôi nhằm làm giảm các triệu chứng
Người bị viêm da cơ địa rất dễ bị bội nhiễm (đặc biệt là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus) nên cần phải chú trọng việc chăm sóc và vệ sinh da cẩn thận nếu có vết thương hở, chảy dịch. Sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để tránh hiện tượng kháng thuốc. Nếu trường hợp bệnh nặng có thể dùng thêm corticoid toàn thân nhưng phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
5. Dự phòng tái phát viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa không gây nguy hiểm nhưng lại có tính chất dễ tái phát. Người bệnh bị tổn thương da dai dẳng sẽ gây mất thẩm mỹ, giảm sự tự tin khi giao tiếp, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Bởi vì thế, người bệnh cần lưu ý những điều sau để tránh tình trạng khởi phát lặp lại:
- Vệ sinh cơ thể thường xuyên nhằm loại bỏ những bụi bẩn, mồ hôi gây ngứa, viêm da.
- Không tắm nước quá nóng để tránh mất nước trên da khiến da trở nên khô
- Sử dụng các sản phẩm dưỡng da có độ pH phù hợp, duy trì độ ẩm cho da. Nên đọc thành phần và hướng dẫn sử dụng để chọn sản phẩm phù hợp, tránh mua hàng không có nguồn gốc rõ ràng.
- Mặc quần áo làm từ những chất liệu mềm, không gây kích ứng da.
- Giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế bụi bẩn, tránh ô nhiễm.
- Cắt móng tay để tránh gây trầy xước, chảy máu các tổn thương da.
- Không ăn những thực phẩm mà bản thân bị dị ứng.
- Tuân theo sự hướng dẫn và điều trị của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng thuốc.
Vệ sinh cơ thể thường xuyên để phòng ngừa tái phát viêm da cơ địa
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có câu trả lời cho câu hỏi “Bệnh viêm da cơ địa có lây không?” cũng như hiểu biết thêm những thông tin về bệnh lý này để có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nâng cao sức khỏe bản thân.
DS Nguyễn Thùy Ngân