Bệnh nấm da đầu- Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Nấm da đầu là căn bệnh thường gặp, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới rụng tóc nhiều, hói đầu, bong vảy, loét và chảy mủ. Kèm theo đó bệnh nấm da đầu gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và có mùi lạ trên da đầu khiến người bệnh mất tự tin khi tiếp xúc với người khác.
Nội dung bài viêt
1. Bệnh nấm da đầu là gì?
Bệnh nấm da đầu
Nấm da đầu là tình trạng viêm gây thương tổn vùng da đầu và cả các nang tóc da đầu do nấm.
Bệnh nấm da đầu chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi mẫu giáo và gặp ở người lớn ít hơn. Thường gặp ở vùng khí hậu ôn và nhiệt đới. Bệnh mang tính lây truyền chính vì vậy nên thường gặp ở các thành viên trong gia đình hoặc học cùng một lớp. Bệnh nấm da đầu tuy hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng nó lại gây khó chịu, mất thẩm mỹ và ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
2. Nguyên nhân thường gặp gây nấm da đầu
Nấm Dermatophyte là nguyên nhân chủ yếu gây nấm da đầu
Nấm Dermatophyte là nguyên nhân chủ yếu gây nấm da đầu. Trong đó nấm hay gặp là Microsporum và Trichophyton.
Ở Bắc Mỹ và châu Âu thường gặp Trichophyton Tonsurans chiếm khoảng 90%. Ở Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy nấm Microsporum Canis hay gặp hơn.
Thường nấm sẽ phát triển khi người bệnh vệ sinh da đầu không sạch sẽ, để đầu tóc ẩm ướt khi ngủ hoặc do dùng chung đồ cá nhân với người nhiễm nấm da, cũng có thể do lây từ động vật như chó, mèo. Đặc biệt, trên những bệnh nhân mắc hội chứng suy giảm miễn dịch sẽ dễ bị nhiễm nấm hơn.
Nấm Dermatophytes xâm nhập và tồn tại theo ba hình thức ở da đầu và tóc: nội sợi, ngoại sợi và Favus:
- Dạng nội sợi: dạng này sẽ có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng với vảy da, mảng rụng tóc với chấm đen, hình thành kerion. Trichophyton Tonsuans và Trichophyton Violaceum là 2 nguyên nhân quan trọng nhiễm nấm nội sợi.
- Dạng ngoại sợi: nhiễm nấm ngoại sợi có thể bắt màu huỳnh quang hoặc không dưới ánh đèn Wood. Biểu hiện lâm sàng đa dạng từ mảng bong vảy, mảng rụng tóc đến kèm viêm từ ít đến nặng và hình thành kerion.
- Dạng Favus: đây là dạng nặng nhất, nguyên nhân chủ yếu do Trichophyton Schoenleinii. Dưới ánh đèn Wood có thể thấy ánh sáng huỳnh quang màu trắng hơi xanh da trời. Favus biểu hiện mảng vảy tiết màu vàng, dày chứa sợi và mảng da chết.
3. Biểu hiện khi bị bệnh nấm da đầu
Biểu hiện bệnh nấm da đầu
Bệnh nấm da đầu có thể có các biểu hiện từ nhẹ tới nặng giống với một số bệnh về da đầu khác khiến cho người bệnh dễ nhầm lẫn và khó phát hiện bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
- Trường hợp nhẹ: bệnh nấm da đầu có thể có biểu hiện tương tự như viêm da đầu với các triệu chứng như da đầu tăng tiết dầu nhờn, những vùng da đầu bị viêm đỏ kèm theo các mảng vảy lớn màu trắng hoặc vàng, ngứa nhiều vùng da đầu bị viêm và có thể có rụng tóc kèm theo.
- Trường hợp nặng: khi nấm da đầu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách thì có thể xuất hiện các biểu hiện nặng hơn như: cùng với sự xuất hiện của việc ngứa da đầu, tăng tiết bã nhờn, nhiều mảng trắng hay vàng lớn thì người bệnh có thể gặp các mảng mủ, ướt kèm hình thành các ổ áp xe nhỏ và rụng tóc và tạo sẹo vĩnh viễn.
Ngoài ra bệnh nhân nhiễm nấm da đầu có thể gặp một số biểu hiện toàn thân như người mệt mỏi, nổi hạch thậm chí là sốt.
Người lớn mắc Trichophyton Tonsurans thường sẽ ít khi có biểu hiện lâm sàng nên dễ dàng trở thành nguồn lây nhiễm và gây bệnh cho trẻ nhỏ. Chính vì vậy vẫn cần điều trị để nhằm tránh sự lây lan.
4. Cách điều trị nấm da đầu
Gội đầu bằng các dung dịch sát khuẩn và kháng nấm trị nấm da đầu
Việc điều trị bệnh nấm da đầu không phải là khó. Tuy nhiên, bệnh nấm da đầu rất dễ tái phát nên yêu cầu về việc vệ sinh, chăm sóc da đầu của người bệnh trong và sau điều trị phải thật tốt.
Điều trị nấm da đầu bao gồm thay đổi lối sống và thói quen với sử dụng các bài thuốc dân gian và sử dụng thuốc chống nấm.
- Thay đổi lối sống và thói quen:
- Cắt tóc ngắn sát da đầu và bôi thuốc diệt nấm tại chỗ hàng ngày
- Gội đầu bằng các dung dịch sát khuẩn và kháng nấm
- Không gội đầu về đêm muộn, không để tóc ướt ngủ qua đêm.
- Không dùng chung vật dụng sinh hoạt cá nhân như khăn lau, lược chải tóc, với người khác.
- Hạn chế việc tiếp xúc thân mật với động vật như chó mèo.
- Tuyệt đối không được cào gãi mạnh da đầu bởi có thể khiến da đầu tổn thương nặng hơn và nấm lan rộng ra hơn.
- Các bài thuốc dân gian: thường các bài thuốc dân gian để trị bệnh nấm da đầu sẽ phải dùng trong thời gian dài từ 1- 2 tháng mới cho thấy được hiệu quả trị nấm.
- Quả bồ kết: dùng quả bồ kết tươi phơi khô sau đó sao hoặc nướng lên cho có mùi thơm, đập dập bồ kết rồi nấu trong nước. Dùng nước bồ kết để gội đầu xong xả lại nước sạch.
- Chanh: vắt khoảng 2 quả chanh lấy nước cốt rồi pha với khoảng 500ml nước cho loãng. Dùng nước cốt chanh pha loãng bôi lên chân tóc mát xa nhẹ nhàng và ủ 15 phút, sau đó xả lại nước sạch.
- Vỏ bưởi: vỏ bưởi cắt nhỏ rồi phơi khô. Lấy vỏ bưởi khô nấu cùng với nước khoảng 10 phút cho tinh chất ra ngoài nước. Lấy nước vỏ bưởi để gội đầu.
- Muối với chanh: dùng 1 quả chanh và 2 muỗng muối, 1 lít nước. Vắt nước cốt chanh vào nước và cho thêm muối vào khuấy đều. Dùng hỗn hợp này bôi lên tóc rồi ủ trong khoảng 10 phút rồi xả lại bằng nước.
- Cây chó đẻ: lấy 1 nắm cây chó đẻ rửa sạch rồi nấu với nước cho tinh chất tan vào trong nước. Dùng nước cây chó đẻ gội đầu sau xả lại nước sạch.
- Sử dụng thuốc chống nấm trong trường hợp nhiễm nấm nặng hoặc dài ngày:
Người lớn: dùng một trong các thuốc sau
+ Fluconazol: 6 mg/kg/ngày × 3-6 tuần
+ Griseofulvin: 20 mg/kg/ngày × 6-8 tuần
+ Itraconazol: 5 mg/kg/ngày × 4-8 tuần
+ Terbinafin: 250 mg/ngày × 2-4 tuần
Trẻ em: dùng một trong các thuốc sau
+ Fluconazol: 6 mg/kg/ngày × 6 tuần
+ Griseofulvin: 20-25 mg/kg/ngày × 6-8 tuần
+ Itraconazol: 3-5 mg/kg/ngày × 6 tuần
+ Terbinafin: 62,5 mg/ngày (<20 kg), 125 mg/ngày (20-40 kg) hoặc 250
mg/ngày (>40 kg) × 2-6 tuần.
BS Cao Thị Mỹ Linh