Bị mụn cơm, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Mụn cơm hay có tên gọi là mụn cóc, là một loại nhiễm trùng da do vi rút u nhú ở người (HPV) gây ra. Nhiễm trùng gây ra các vết sần sùi màu trắng gần giống kích thước hạt cơm. Bạn có thể bị mụn cơm khi chạm vào người có chúng. Mụn cơm thường xuất hiện trên tay, nhưng chúng cũng có thể ảnh hưởng đến bàn chân, mặt, bộ phận sinh dục và đầu gối.
Nội dung bài viêt
1. Mụn cơm là gì?
1.1 Nguyên nhân gây bệnh mụn cơm
Mụn cơm ở vị trí bàn tay
Mụn cơm là những nốt sần sùi lành tính hình thành trên da. Chúng phát triển khi virus gây u nhú ở người xâm nhập vào vết cắt trên da. Trên cơ thể virus sẽ kích hoạt sự phát triển thêm của tế bào, làm cho lớp da bên ngoài dày và cứng tại chỗ đó và hình thành mụn cơm. Mụn cơm rất dễ lây lan. Virus có thể lây lan từ người này sang người khác hoặc từ các bộ phận khác nhau của cơ thể thông qua:
- Tiếp xúc trực tiếp với người bị mụn cơm.
- Chạm vào thứ gì đó bị nhiễm virus, chẳng hạn như khăn tắm, tay nắm cửa và sàn nhà tắm.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Dùng chung các vật dụng như cắt móng tay, cạo râu…của người bị mụn cơm.
1.2 Dấu hiệu nhận biết mụn cơm
Mụn cơm có thể gặp ở bất kì vị trí nào trong cơ thể. Tùy thuộc vào từng vị trí mà có biểu hiện khác nhau. Bao gồm:
- Mụn cơm ở tay: là loại phổ biến nhất. Những nốt mụn này có màu trắng hoặc nâu, xuất hiện nhiều nhất ở mu bàn tay, ngón tay, vùng da quanh móng tay. Chúng có kích thước bằng đầu ngón tay đến hạt đậu, có hình tròn hoặc hình oval, sờ có cảm giác như những cục u sần sùi, cứng.
- Mụn cơm ở chân: khi sờ sẽ có cảm giác như những mảng cứng làm cho da vùng bàn chân cộm lên kèm theo những chấm đen nhỏ ở trung tâm vùng mụn phát triển do đó rất dễ nhầm lẫn với vết chai ở chân. Tuy nhiên mụn cơm thường gây đau và mọc thành cụm.
Mụn cơm ở vị trí má người bệnh
- Mụn cơm ở mặt: thường gặp ở má và trán, là những khối có màu nâu, kích thước nhỏ, bề mặt có thể trơn nhẵn hay sần sùi, màu sắc nâu hoặc tương tự màu sắc da tự nhiên của bạn.
- Mụn cơm sinh dục: Mụn cơm hình thành trên dương vật, âm đạo hoặc trực tràng được gọi là mụn cơm sinh dục. Những mụn cơm này là một loại bệnh lây truyền qua đường tình dục. Chúng có thể trông giống như những vết sưng nhỏ, nằm rải rác, có màu trùng với màu da tự nhiên và hình dạng tương tự như một cây súp lơ trên bộ phận sinh dục của bạn, kèm theo triệu chứng gây đau và ngứa cho người bệnh.
1.3. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mụn cơm
- Vì hệ thống miễn dịch của mỗi người phản ứng khác nhau với virus nên không phải ai tiếp xúc với virus HPV cũng sẽ bị mụn cơm. Nếu tổn thương ở da như có vết cắt, các virus sẽ dễ dàng xâm nhập hơn. Đó là lý do tại sao những người mắc các bệnh mãn tính về da, chẳng hạn như bệnh chàm, hoặc những người cắn móng tay hay người có thói quen cậy móng tay thường dễ bị mụn cơm.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc mụn cơm
- Trẻ em và thanh thiếu niên bị mụn cơm nhiều hơn người lớn vì hệ thống miễn dịch của chúng chưa xây dựng được hệ thống phòng thủ chống lại nhiều loại virus. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu – như những người nhiễm HIV, bệnh vẩy nến, đái tháo đường hoặc những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng dễ bị mụn cơm hơn vì cơ thể họ không thể chống virus khi chúng xâm nhập.
- Mụn cơm rất dễ lây lan và chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với da, chẳng hạn như khi bạn cậy mụn cơm rồi chạm vào vùng khác trên cơ thể. Bạn cũng có thể bị nhiễm bệnh khi bạn tiếp xúc với đồ dùng thường ngày của người mắc mụn cơm như khăn tắm hoặc dao cạo.
2. Cách điều trị mụn cơm
Hầu hết mụn cơm đều vô hại và bạn không cần phải làm gì cả, tất nhiên là trừ khi chúng gây đau đớn hoặc mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc chờ đợi mụn cơm biến mất có thể gây tác dụng ngược: mụn cơm có thể lớn hơn, mụn cơm mới có thể xuất hiện hoặc bạn có thể lây truyền chúng cho người khác.
Một số phương pháp điều trị mụn phổ biến hiện nay:
Sử dụng thuốc bôi trong điều trị mụn cơm ở tay
- Loại bỏ mụn cơm tại nhà: Thuốc loại bỏ mụn cơm, chẳng hạn như axit salicylic. Hóa chất này làm tan mụn cơm từng lớp một. Có thể sử dụng sản phẩm này dạng lỏng, gel và miếng dán. Bạn có thể phải bôi thuốc hàng ngày trong vài tháng để loại bỏ mụn cơm hoàn toàn.
- Áp lạnh: Trong phương pháp này bác sĩ sẽ sử dụng nitơ lỏng để đóng băng mụn cơm. Sau khi đóng băng, một vết phồng rộp hình thành. Cuối cùng, vết phồng rộp vỡ, khô và mụn cơm bong ra.
- Liệu pháp miễn dịch: Đối với những mụn cơm cứng đầu không đáp ứng với các phương pháp điều trị truyền thống, liệu pháp miễn dịch sẽ giúp hệ thống miễn dịch của bạn chống lại virus. Quá trình này liên quan đến một hóa chất tại chỗ, chẳng hạn như diphencyprone (DCP). DCP gây ra phản ứng dị ứng nhẹ khiến mụn cơm biến mất.
- Điều trị bằng laser: Bác sĩ sử dụng ánh sáng laser để đốt nóng và phá hủy các mạch máu nhỏ bên trong mụn cơm. Quá trình cắt đứt nguồn cung cấp máu, giết chết mụn cơm.
- Thuốc bôi: Bác sĩ có thể bôi hỗn hợp chất lỏng có chứa cantharidin hóa học. Một vết phồng rộp hình thành dưới mụn cơm và cắt đứt nguồn cung cấp máu của nó. Có thể sử dụng thuốc bôi tại nhà, tuy nhiên bạn phải quay lại gặp bác sĩ sau khoảng một tuần để loại bỏ mụn cơm chết.
3. Cách phòng ngừa bệnh mụn cơm
Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm virus hoặc ngăn mụn cơm lây lan bằng cách thực hiện các bước sau:
- Tránh sờ, gãi hoặc cậy tại vị trí mụn cơm nhằm ngăn ngừa virus lây lan hoặc nếu chạm cần rửa sạch tay bằng dung dịch sát khuẩn ngay.
- Bỏ thói quen cắn móng tay tránh tạo cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể.
- Không dùng chung khăn tắm, khăn lau mặt, quần áo, bấm móng tay, dao cạo râu hoặc các vật dụng cá nhân khác.
- Không chạm vào mụn cơm của người khác.
Tiêm vắc-xin HPV có tác dụng phòng ngừa mụn cơm
- Tiêm vắc-xin HPV và sử dụng bao cao su để ngăn ngừa mụn cơm sinh dục.
- Giữ cho bàn chân của bạn khô ráo để ngăn ngừa sự lây lan của mụn cơm ở lòng bàn chân.
- Mang dép hoặc giày khi di chuyển trong phòng thay đồ công cộng, khu vực hồ bơi.
- Tăng cường hệ miễn dịch bằng các việc tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên sử dụng thự các loại thực phẩm giàu vitamin C, vitamin B…
BS Nguyễn Thị Thu Hiền