Đau đại tràng là đau ở đâu? Sự nguy hiểm của viêm đại tràng ra sao?

Bạn bị đau bụng từng cơn, đi ngoài phân sống, tiêu chảy hoặc táo bón, mệt mỏi khi ăn đồ lạ và được biết đấy là đau đại tràng hay còn gọi là bị bệnh viêm đại tràng. Vậy cụ thể đau đại tràng là đau ở đâu và đau đại tràng có nguy hiểm không, hãy cùng Thầy thuốc Việt Nam tìm hiểu nhé!

1. Thông tin chung về đại tràng và chứng đau đại tràng

1.1. Một chút kiến thức về đại tràng

Đại tràng hay còn gọi là ruột già, là phần gần cuối trong ống tiêu hóa, gắn với phía trước nó là ruột non và phía sau nó là hậu môn. Đại tràng gồm 3 phần: manh tràng, kết tràng và trực tràng; trong đó manh tràng là phần rất ngắn nối với ruột non, kết tràng gồm 4 đoạn là đại tràng lên- đại tràng ngang- kết tràng xuống và kết tràng Sigma (Xích-ma) tạo thành hình chữ U ngược, và trực tràng là một ống thẳng khoảng 15cm mối với hậu môn.

Cấu tạo của đại tràng

Chức năng chính của đại tràng là tiếp nhận phần thức ăn đã tiêu hóa một phần từ ruột non đẩy xuống, tái hấp thu điện giải và nước, tiết dịch tạo môi trường kiềm để tiêu hóa và hấp thu tiếp những phần chưa hấp thu được trong môi trường acid của dạ dày và ruột non; tổng hợp các loại vitamin như vitamin K, B1,B2,B12,…; tạo bã thức ăn thành phân và co bóp tạo nhu động bài tiết phân qua trực tràng.

1.2. Chứng đau đại tràng

Do ở đại tràng có hệ vi sinh vật phong phú nên nó dễ có nguy cơ nhiễm khuẩn, ký sinh gây loét lớp niêm mạc phía trong, gây ra các rối loạn hoạt động của đại tràng, gây nên chứng đau đại tràng. Khi sự hoạt động của đại tràng giảm, bã thức ăn tồn đọng lâu, nước và điện giải được hấp thu nhiều thì phân khô cứng và dễ táo bón. Ngược lại nếu đại tràng bị kích thích co bóp nhiều thì đại tràng tiết nhiều dịch, nước và điện giải chưa được hấp thu hết gây ra tiêu chảy, phân sống.

2. Triệu chứng của viêm đại tràng, đau đại tràng là đau ở đâu?

2.1. Triệu chứng của viêm đại tràng

Triệu chứng điển hình nhất của viêm đại tràng là đau bụng và rối loạn tiêu hóa

  • Đau bụng: đau từng cơn, lúc âm ỉ, lúc quặn thắt, đau bụng dưới từng đoạn hoặc dọc theo đại tràng, có khi đau cứng bụng
  • Rối loạn tiêu hóa: đi phân lỏng, phân sống, hoặc có thể táo bón và tiêu chảy xen kẽ.
    • Viêm đại tràng cấp tính do lỵ amip thì buồn đi vệ sinh liên tục nhưng mỗi lần đi ít, phân có nhầy và máu
    • Viêm đại tràng cấp tính do lỵ trực khuẩn thường kèm sốt, đi ngoài liên tục, phân lẫn máu
    • Viêm đại tràng mãn tính thể đau bụng và tiêu chảy: thường đau bụng lúc ngủ dậy buổi sáng hoặc sau khi ăn xong đồ lạ, đi ngoài phân lỏng, đi xong hết đau
    • Viêm đại tràng mãn tính thể táo bón: đau quặn bụng kiểu co thắt, đi ngoài táo bón, phân cứng
    • Viêm đại tràng mãn tính thể táo bón và tiêu chảy xen kẽ: thường đau bụng kèm đầy hơi, đi ngoài lúc lỏng lúc táo.
  • Với các trường hợp viêm đại tràng cấp, người bệnh có thể sốt, đi ngoài nhiều lần khiến mất nước, mệt mỏi, cần cẩn thận trụy mạch do mất nước.

2.2. Đau đại tràng là đau ở đâu?

Đau bụng cũng có thể do đau dạ dày hoặc bệnh đường tiêu hóa khác. Vậy đau đại tràng là đau ở đâu? Như ta đã biết về cấu tạo đại tràng, đại tràng có hình chữ U ngược bao quanh ruột non nên thường đau đại tràng sẽ đau quanh rốn. Tuy nhiên nếu viêm đại tràng là loét tại một điểm trên đại tràng thì có thể đau khu trú tại điểm đó hoặc khu vực xung quanh đó. Đau đại tràng có thể đau bụng trái, đau bụng trên rốn, đau bụng ở mạn sườn, đau bụng bên hố chậu, đau bụng dưới phía trực tràng,..

Đau đại tràng

Nếu bạn thấy đau bụng ở các vị trí như trên, kèm đi ngoài phân sống, tiêu chảy, hoặc các triệu chứng đau bụng kèm rối loạn tiêu hóa đã kéo dài nhiều năm thì đó có thể là đau đại tràng.

3. Điều trị viêm đại tràng như thế nào?

Vậy nếu đã biết là đau đại tràng thì mình phải điều trị như thế nào? Đầu tiên cần xác định xem bạn bị đau đại tràng thể cấp tính hay mãn tính và do nguyên nhân gì, từ đó sẽ có cách điều trị tương ứng. Các cách điều trị viêm đại tràng gồm:

  • Điều trị với thuốc: thuốc diệt lỵ amip, thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, thuốc kháng nấm, men vi sinh cân bằng hệ vi sinh đại tràng, thuốc giảm đau và giảm co thắt, bổ sung thêm điện giải trong trường hợp đi ngoài nhiều lần gây mất nước,…
  • Điều trị can thiệp ngoại khoa:

Cần điều trị ngoại khoa khi tình trạng viêm đại tràng nặng và kéo dài, hoặc polyp đại tràng, ung thư đại tràng,…

  • Duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý:

Có nhiều bệnh nhân đau đại tràng sau khi ăn uống và sinh hoạt không hợp lý, chính vì vậy chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị viêm đại tràng. Người bị viêm đại tràng nên:

  • Làm việc nghỉ ngơi hợp lý, ăn đúng giờ, vận động thể lực hàng ngày cho tiêu hóa khỏe
  • Ăn uống hợp lý, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nếu đau đại tràng xảy ra sau khi ăn đồ ăn lạ thì bệnh nhân nên ghi lại để tránh, khi bị tiêu chảy nên ăn đồ dễ tiêu và ăn thành nhiều bữa, khi táo bón nên tăng thêm chất xơ trong khẩu phần.
  • Tránh các chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà,…
  • Hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ khi sử dụng thuốc, tránh các thuốc có thể gây loét, tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.
  • Biện pháp tâm lý:

Tình trạng co thắt và viêm đại tràng có thể xảy ra khi căng thẳng, chính vì vậy giữ cho tâm lý thoải mái sẽ giúp giảm bệnh viêm đại tràng.

4. Bệnh viêm đại tràng có nguy hiểm không?

Bệnh viêm đại tràng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ không gây nguy hiểm cho người bệnh.Tuy nhiên nếu điều trị không đúng cách bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dữ dội, thủng đại tràng, nhiễm khuẩn huyết, ung thư đại tràng.

5. Nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh đau đại tràng

Xác định nguyên nhân và có cách phòng tránh

Phần lớn nguyên nhân gây ra bệnh đau đại tràng là do chế độ ăn uống không điều độ, thiếu khoa học, đồ ăn thức uống mất vệ sinh, đồ ăn ôi thiu, khó tiêu, gây hại cho niêm mạc đại tràng; có giun sống ký sinh trong ruột; chế độ sinh hoạt không hợp lý như làm việc liên tục không được nghỉ ngơi, gây áp lực lên hệ tiêu hóa. Tuy nhiên cũng có trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Để phòng ngừa bệnh đau đại tràng, các bạn cần lưu ý:

  • Tẩy giun định kỳ 6 tháng/ lần để tránh giun ký sinh gây viêm, loét đại tràng
  • Ăn uống lành mạnh, ăn chín uống sôi để tránh lỵ amip hay các trực khuẩn gây viêm đại tràng
  • Hạn chế rượu bia và các chất kích thích
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt điều độ, ăn uống đúng giờ, nghỉ ngơi hợp lý tránh căng thẳng, vận động thường xuyên, đi vệ sinh điều độ, không nhịn đi ngoài để tránh táo bón.
  • Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là các thuốc có thể gây loét đường tiêu hóa như thuốc chống viêm giảm đau non-steroid (ibuprofen, voltaren, aspirin,…)
  • Nếu bạn có người thân bị viêm đại tràng mãn tính, bạn cũng có nguy cơ viêm đại tràng, hãy lưu ý khi ăn đồ ăn lạ, ghi lại những đồ ăn gây rối loạn tiêu hóa từ đó tránh sử dụng.

Trên đây là những thông tin chung về đau đại tràng, triệu chứng, điều trị, nguyên nhân và cách phòng bệnh. Quý độc giả quan tâm hãy kích xem các bài viết khác của Thầy thuốc Việt Nam để hiểu rõ hơn về bệnh viêm đại tràng nhé!

DS Đỗ Thị Thủy

Tìm kiếm bác sĩ tư vấn trực tiếp

Để lại bình luận hoặc câu hỏi của bạn

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận