Viêm đại tràng mãn tính: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm đại tràng mãn tính là bệnh lý tiêu hóa rất thường gặp, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Đây là căn bệnh kéo dài lâu năm, tái đi tái lại với những triệu chứng gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn bệnh viêm đại tràng mãn tính.
Nội dung bài viêt
1. Viêm đại tràng mãn tính là gì?
1.1. Viêm đại tràng mãn tính là gì?
Viêm đại tràng mãn tính ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh
Đại tràng hay còn gọi là ruột già là bộ phận nằm ở vị trí cuối cùng của hệ thống tiêu hóa, gần với hậu môn. Chức năng chính của cơ quan này là hấp thu nước và muối khoáng, sau đó nhờ hệ thống vi khuẩn phân hủy lượng thức ăn dư thừa thành chất cặn bã và thải ra ngoài cơ thể bằng nhu động ruột.
Viêm đại tràng mãn tính là tình trạng viêm nhiễm với sự xuất hiện những vết loét, sưng, tổn thương tại chỗ hoặc lan tỏa nhiều vị trí khác nhau ở niêm mạc đại tràng, thời gian kéo dài (trên 6 tháng) dẫn đến mãn tính. Biểu hiện nặng nhẹ phụ thuộc vào mức độ viêm nhiễm khác nhau. Nếu nhẹ có thể khiến niêm mạc đại tràng dễ tổn thương, chảy máu còn nặng có thể gây xung huyết, áp xe gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm khôn lường.
1.2. Nguyên nhân gây viêm đại tràng mãn tính
Ở nước ta, tỷ lệ mắc bệnh viêm đại tràng mãn tính chiếm đến 20% và đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Những nguyên nhân có thể kể đến như:
- Do nhiễm ký sinh trùng, nấm dẫn đến viêm đại tràng cấp tính nhưng không được điều trị dứt điểm.
- Lối sống và chế độ ăn uống không khoa học và lành mạch. Ăn nhiều thức ăn nhiều dầu mỡ, chua cay gây kích thích và tổn thương dạ dày hoặc ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Táo bón thường xuyên và kéo dài.
- Mắc bệnh lao, bệnh crohn.
1.3. Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng mãn tính
Cơ thể mệt mỏi, xanh xao là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa đang bị tổn thương
Các dấu hiệu của viêm đại tràng mãn tính có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, cụ thể như:
- Xuất hiện những cơn đau bụng kéo dài tại vị trí hố chậu trái dọc theo khung đại tràng. Đau quặn theo từng cơn, có khi đau âm ỉ hoặc dữ dội và có thể giảm bớt khi đi tiêu. Bụng luôn ở trạng thái căng tức, khó chịu.
- Người bệnh đi ngoài có tình trạng rối loạn phân với biểu hiện khi lỏng khi táo kèm theo phân có máu, đôi khi có nhầy và có mùi hôi.
- Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, đầy bụng… bởi quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng bị suy giảm. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây sụt cân, suy nhược cơ thể.
2. Điều trị và phòng ngừa viêm đại tràng mãn tính
2.1. Phương pháp điều trị viêm đại tràng mãn tính
Khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn mãn tính thì việc điều trị dứt điểm là rất khó. Các phương pháp điều trị căn bản chỉ hỗ trợ làm giảm triệu chứng tạm thời và giúp người bệnh quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Việc điều trị viêm đại tràng mãn tính cần có sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống, ăn uống, làm việc phù hợp. Tùy theo tình trạng nặng – nhẹ của bệnh hay thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn liệu trình điều trị phù hợp.
2.2. Phòng ngừa bệnh viêm đại tràng mãn tính như thế nào?
Nếu bạn đang gặp phải tình trạng viêm đại tràng cấp tính, bạn cần phải chữa dứt điểm ngay, đồng thời kết hợp với việc thay đổi lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống để phòng ngừa bệnh tiến triển đến giai đoạn mãn tính.
2.2.1. Thay đổi lối sống khoa học và lành mạnh
Người bệnh nên giữ tinh thần luôn trong trạng thái thư giãn, vui vẻ, thoải mái, tránh stress hay căng thẳng kéo dài gây trầm cảm hay giảm nhu động ruột. Ngoài ra, người bệnh cần tăng cường vận động thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ cải thiện quá trình tiêu hóa, ngăn ngừa biến chứng.
2.2.2. Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng
Rau xanh chứa nhiều chất xơ ngăn ngừa tình trạng táo bón
- Hạn chế ăn thực phẩm chưa được nấu chín như tiết canh, nem chua, gỏi… để tránh trường hợp nhiễm trùng đường ruột.
- Kiêng đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, cà phê, rượu bia, thuốc lá… thay vào đó nên ăn những đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa.
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, rau củ quả giàu vitamin và khoáng chất.
- Khi có triệu chứng tiêu chảy, người bệnh cần giảm lượng chất xơ trong khẩu phần ăn và tăng chất xơ khi táo bón.
- Uống đủ lượng nước cần thiết để tránh tình trạng mất nước do tiêu chảy.
- Ăn thức ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
3. Viêm đại tràng mãn tính nguy hiểm như thế nào?
Đối với người bệnh càng lớn tuổi, nếu không điều trị dứt điểm, bệnh tiến triển lâu dài thì có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
3.1. Biến chứng nguy hiểm của viêm đại tràng mãn tính
3.1.1. Xuất huyết đại tràng
Viêm nhiễm nặng kéo dài có thể khiến lớp niêm mạc đại tràng bị tổn thương, không thể tự phục hồi, lớp lông nhung trơ trụi. Do đó, nếu chịu những tác nhân kích thích như ăn phải thực phẩm kém vệ sinh hay sử dụng kháng sinh quá mức có thể gây xuất huyết ồ ạt trong đại tràng.
3.1.2.Thủng đại tràng
Khi điều trị viêm đại tràng mãn tính thì việc sử dụng kháng sinh là lựa chọn đầu tiên của bác sĩ. Chính vì điều này góp phần khiến cho hệ thống lợi khuẩn đường ruột bị tiêu diệt. Các vết viêm loét lan rộng và ăn sâu vào thành đại tràng, lâu ngày gây mỏng thành và đến một lúc nào đó sẽ gây thủng đại tràng, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không điều trị kịp thời.
3.1.3. Giãn đại tràng cấp tính
Tình trạng viêm kéo dài khiến chức năng tiêu hóa của đại tràng suy giảm, cấu trúc đại tràng bị giãn, tăng nguy cơ loét đại tràng.
3.1.4. Ung thư đại tràng
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất. Viêm lâu ngày, tái phát liên tục khiến các tế bào biểu mô niêm mạc có nguy cơ loạn sản, chuyển thành tế bào ác tính, sau đó phát triển sang giai đoạn ung thư.
3.2. Lưu ý giúp ngăn ngừa biến chứng viêm đại tràng mãn tính
Tập thể dục thể thao thường xuyên giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe
Bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau để phòng ngừa biến chứng viêm đại tràng mãn tính:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường bổ sung các thực phẩm lành mạnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe cơ thể, sức đề khác phục hồi bệnh tốt hơn.
- Tránh căng thẳng quá mức, nghỉ ngơi hợp lý và thiết lập một chế độ sinh hoạt khoa học.
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và không được tự ý mua thuốc uống khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời góp phần ngăn ngừa nguy cơ bệnh viêm đại tràng tiến triển đến mãn tính. Người bệnh cần theo dõi sức khỏe thường xuyên và nghiêm ngặt, tái khám định kỳ để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm.
DS Nguyễn Thùy Ngân