Dấu hiệu bệnh tim ở trẻ sơ sinh cần đưa đi khám gấp
Một số dấu hiệu bệnh tim ở trẻ sơ sinh có thể dễ nhận biết thông qua quan sát ở trẻ, từ đó có thể gợi ý cho cha mẹ trẻ phát hiện và đưa trẻ đến khám kịp thời. Dưới đây là một số bệnh tim có thể gặp ở trẻ và cách chăm sóc trẻ sơ sinh khi mắc bệnh tim.
Nội dung bài viêt
1. Bệnh tim có thể gặp ở trẻ sơ sinh là gì?
Bệnh tim ở trẻ sơ sinh là các dị tật liên quan đến cấu trúc của tim, xuất hiện do những khiếm khuyết của thời kỳ bào thai trong giai đoạn quả tim đang hình thành.
Các dấu hiệu bệnh tim ở trẻ sơ sinh thường biểu hiện đa dạng ở nhiều bệnh lý. Trong đó các bệnh như bệnh tim bẩm sinh, suy tim,…là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh, và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số những trường hợp dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.
- Bệnh tim bẩm sinh: Ở Việt Nam, theo báo cáo của các bệnh viện Nhi, tỉ lệ tim bẩm sinh chiếm khoảng 1,5% trẻ vào viện và khoảng 30-35% trẻ vào khoa tim mạch. Tỷ lệ tử vong khá cao từ 5-10%, đa số tử vong trong 2 năm đầu.
Tim bẩm sinh là dị tật bẩm sinh phổ biến nhất trong bệnh lý tim mạch
Nguyên nhân mắc tim bẩm sinh được cho là do sự tương tác của các yếu tố di truyền và do môi trường gây nên dị vật. Người ta cho rằng nguyên nhân gây tim bẩm sinh là do: Sai lạc nhiễm sắc thể(5%), di truyền, các yếu tố tác động trong quá trình mang thai (nhiễm trùng, nhiễm virus, nhiễm độc hóa chất, nhiễm các tác nhân vật lý,…)
Tiên lượng của bệnh thường phụ thuộc vào các yếu tố như loại hình dị tật của tim mạch, khả năng phát hiện bệnh, điều trị và phẫu thuật sớm.
- Bệnh suy tim ở trẻ sơ sinh: Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Thắng tại bệnh viện Nhi Trung Ương thì có tới 67,2% các trường hợp trẻ bị suy tim cấp ở lứa tuổi dưới 12 tháng tuổi 1. Cho thấy tỷ lệ trẻ bị suy tim ở trẻ sơ sinh là khá cao trong các bệnh nhi đến khám tại khoa tim mạch.
Nguyên nhân phổ biến của suy tim ở trẻ sơ sinh là do một số dị tật ở tim như còn ống động mạch lớn, thông liên thất lớn, hẹp động mạch chủ, tim một buồng thất,…
Suy tim ở trẻ em sơ sinh là một trong những bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện sớm để có hướng điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bé, sinh hoạt hằng ngày khiến bé chậm phát triển mà còn có nhiều biến chứng nguy hiểm.
2. Dấu hiệu bệnh tim ở trẻ sơ sinh
Bệnh tim ở trẻ sơ sinh khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản. Vì vậy nếu phát hiện các dấu hiệu bệnh tim ở trẻ sơ sinh dưới đây cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Rối loạn hô hấp: thở nhanh, rút lõm lồng ngực
- Rối loạn tuần hoàn: tim đập nhanh, mạch nhanh bất thường và thường xuyên
- Rối loạn tiêu hóa: bỏ bú, bú kém, nôn trong và sau khi bú
- Da xanh xao, môi và đầu ngón tay, ngón chân chuyển màu tím khi trẻ khóc
- Chậm phát triển thể chất: chậm lớn hay không lên cân
- Ra nhiều mồ hôi, đầu chi lạnh
- Trẻ chậm chạp, quấy khóc, ngủ kém
Rút lõm lồng ngực, quấy khóc, bỏ bú là một số biểu hiện bệnh tim ở trẻ sơ sinh
Cũng có một số trẻ mắc bệnh tim nhưng không có biểu hiện rõ rệt nên chỉ tình cờ được phát hiện khi trẻ được đưa đi kiểm tra sức khoẻ hoặc đi khám bệnh khác.
3. Bệnh tim ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Bệnh tim ở trẻ sơ sinh là bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của trẻ. Theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ bệnh lý tim mạch ở trẻ sơ sinh không chỉ là một rối loạn chức năng của tim mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể như tiêu hóa, hô hấp,…
Các biến chứng ở tim có thể phát triển trong nhiều năm nếu trẻ không được điều trị, bao gồm:
- Chậm phát triển thế chất: phát triển chậm hơn so với các bé khỏe mạnh, cân nặng và chiều cao cũng thấp hơn
- Các bệnh lý nguy hiểm: rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng tim,..
- Nguy hiểm hơn là có thể gây tử vong ở trẻ
Bên cạnh các vấn đề về sức khỏe của trẻ thì chi phí điều trị cho bệnh tim ở trẻ là rất cao do điều trị trong khoảng thời gian dài, sử dụng nhiều loại thuốc và cần thiết thì phải phẫu thuật. Vì vậy trong quá trình mang thai bà mẹ nên được khám và sàng lọc sớm để phát hiện kịp thời bệnh.
4. Lưu ý gì khi chăm sóc trẻ sơ sinh mắc bệnh tim?
Chăm sóc trẻ sơ sinh mắc bệnh tim là một trong những vấn đề mà các bậc phụ huynh quan tâm khi có con em mình mắc bệnh này. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bao gồm:
- Trường hợp phát hiện bệnh tim bẩm sinh phức tạp từ trong bào thai, bé cần được chăm sóc tích cực ngay sau sinh. Bé sẽ nhanh chóng được hồi sức ngay tại phòng sinh nhằm đảm bảo thân nhiệt, đủ oxy, sau đó được vận chuyển đến phòng ICU để được chăm sóc.
- Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Khi bị bệnh tim, bé dễ mệt, nhất là khi gắng sức ví dụ như bú. Các bé này thường có thời gian bú kéo dài, thở mệt, vã mồ hôi… Do đó, mẹ nên chia nhỏ bữa, để đảm bảo lượng sữa cần thiết, đủ dinh dưỡng và năng lượng cho bé. Nguồn dinh dưỡng chính của các bé sơ sinh ưu tiên vẫn là sữa mẹ.
Đối với trẻ không bú được (do sinh non, có tật ở miệng hay mệt mỏi…), mẹ có thể vắt sữa cho bé uống, số lượng sữa trung bình trong ngày bằng khoảng 15% trọng lượng cơ thể của bé.
- Kiểm soát nhiễm khuẩn ở trẻ. Vì hệ miễn dịch của bé còn yếu và dễ nhiễm bệnh, điều dưỡng chăm sóc bé phải tuân thủ quy trình rửa tay, khử khuẩn.
Khi chăm sóc trẻ bệnh tim bẩm sinh tại nhà, người chăm sóc trẻ nên được tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ thụ động cho trẻ, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người.
Đồng thời, bé cần được tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
Tiêm chủng là một trong những biện pháp bảo vệ trẻ khỏi nhiễm khuẩn khi mắc bệnh tim
Giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, không cho trẻ ở những nơi có nhiều khói bụi, không được hút thuốc lá khi có mặt trẻ.
- Sử dụng đúng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không được tự động ngưng thuốc sẽ khiến bệnh nặng hơn, cũng không tự động tăng hoặc giảm liều thuốc vì sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
- Khi các dấu hiệu bệnh tim ở trẻ sơ sinh xuất hiện như: trẻ bú kém hoặc bỏ bú, sốt cao, tím tái, thở nhanh, quấy khóc liên tục,… thì cần đưa trẻ đi khám ngay.
Tài liệu tham khảo
1 Phạm Văn Thắng (2021). Nguyên nhân, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng suy tim cấp ở trẻ em, Tạp chí Nhi khoa Việt Nam, tập 14 Số 2.
BS Nguyễn Thị Thu Hiền