Ngộ độc rượu: Triệu chứng – Cách xử lý và Phòng tránh
Có thể nói rằng rượu từ xưa đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong các buổi liên hoan, hội họp. Rượu trong các buổi tiệc đã như một chất xúc tác cho sự gắn kết, thân tình giữa người với người. Song, khi mà xã hội càng hiện đại, thì việc lạm dụng rượu và những biến thể của rượu trở lên càng đáng báo động hơn. Việc lạm dụng rượu khiến các ca ngộ độc rượu tăng nặng về mức độ và số lượng. Bài viết dưới đây sẽ trang bị cho bạn hình dung bao quát hơn về vấn đề ngộ độc rượu và cách xử lý.
Nội dung bài viêt
1. Ngộ độc rượu là gì?
Rượu dùng để uống là một loại dung môi đồng tan với nước, có thành phần chính là Ethanol (C2H5OH). Loại rượu này thường được điều chế bằng cách lên men rồi tiến hành chưng cất hơi nước từ các loại tinh bột, ngũ cốc.
Rượu dùng để uống thường được điều chế bằng cách lên men rồi tiến hành chưng cất hơi nước từ các loại tinh bột, ngũ cốc.
Một loại rượu khác là rượu Methanol (CH3OH), được điều chế từ các nguyên liệu có chứa cellulose (các loại gỗ nói chung). Methanol là một chất cực độc với cơ thể. Rượu Methanol không được dùng để uống mà nó có ứng dụng trong đời thực để làm dung môi pha hóa chất (chất tẩy rửa sơn, nước lau kính, nước tẩy rửa, mực in…).
Ngộ độc rượu là tình trạng xảy ra khi một người dung nạp quá nhiều rượu ethanol trong một thời gian ngắn. Hoặc ngộ độc rượu cũng có thể xảy ra khi một người uống phải loại rượu có lẫn quá nhiều độc chất methanol dẫn đến lượng cồn tăng cao trong máu. Điều này dẫn đến cơ thể không thể đào thải hết ethanol ra khỏi cơ thể. Các cơ quan chuyển hóa, đào thải chất độc như gan, thận sẽ bị tổn thương. Các triệu chứng ngộ độc nghiêm trọng có thể xuất hiện như cơ quan hô hấp ngừng hoạt động (ngưng thở), hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, động kinh, đột quỵ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn.
2. Triệu chứng của ngộ độc rượu
Rượu ethanol khi vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành Acetaldehyd, sau đó nhờ một loại enzym phân hủy rượu để thành acid acetic (có trong thành phần của giấm ăn). Nếu dung nạp lượng quá lớn rượu trong thời gian ngắn sẽ gây ra tình trạng ngộ độc. Song, có thể thấy rằng loại rượu có chứa methanol sẽ dễ gây nên tình trạng ngộ độc rượu hơn, do sản phẩm chuyển hóa của methanol là acid formic – một loại chất rất độc. Acid formic khi được sản sinh ra sẽ nhanh chóng gây tổn thương các cơ quan (gan, thận,…), các tế bào mắt, não.
Dung nạp lượng quá lớn rượu trong thời gian ngắn sẽ gây ra tình trạng ngộ độc.
Một người khi bị ngộ độc rượu sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau:
- Mất ý thức, rối loạn ý thức.
- Nói vòng vo, nói không rõ ý, nói lắp, nói ngọng khác bình thường.
- Hạ nhiệt độ cơ thể.
- Đau bụng, bụng trướng.
- Đi tiểu không kiểm soát.
- Tê tay, chân, hoặc tê mặt
- Nôn mửa, buồn nôn, nôn không kiểm soát.
- Hơi thở không đều, có lúc ngưng thở.
- Với ngộ độc rượu nặng có thể xuất hiện tình trạng co giật, nghẹn thở, hôn mê sâu. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tổn thương não và tử vong.
3. Ngộ độc rượu nguy hiểm như thế nào?
Như đã nói ở trên, ngộ độc rượu rất nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng người bệnh. Khi uống quá nhiều rượu, thì thời gian rượu được hấp thu vào máu nhanh hơn nhiều lần tốc độ đào thải rượu ra khỏi cơ thể. Do đó, khi uống rượu không kiểm soát thì rất dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu tùy mức độ nặng nhẹ. Sau một cơn ngộ độc rượu, người bệnh thường rất mệt mỏi, lượng rượu không đào thải được còn tích lũy lại ở các cơ quan (gan, thận,…) và về lâu về dài sẽ ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan trong cơ thể. Do đối tượng uống nhiều rượu hơn thường là nam giới nên nam giới có nguy cơ bị ngộ độc rượu cao hơn nữ giới.
Ngộ độc rượu nguy hiểm như thế nào?
Một số biến chứng có thể gặp phải ở người lạm dụng rượu thường xuyên:
- Bệnh lý về gan: Suy gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ, men gan cao bất thường
- Bệnh lý về thận: Suy thận cấp,…
- Bệnh lý về tim mạch nói chung (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh lý về cơ tim…)
- Viêm tụy cấp
- Rối loạn đông cầm máu ở người lạm dụng quá nhiều rượu.
- Tổn thương não: Sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh…
- Suy dinh dưỡng, gầy yếu, thiếu các loại vitamin, enzym,…
Nếu bệnh nhân bị ngộ độc rượu mà không được sơ cứu, cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm về mắt, não, co giật, đột quỵ, thậm trí có thể dẫn tới tử vong.
4. Cách xử trí khi ngộ độc rượu
Nếu gặp phải một bệnh nhân bị ngộ độc rượu, tùy theo triệu chứng trên bệnh nhân mà có biện pháp sơ cứu cho phù hợp. Sau sơ cứu, nếu tình trạng bệnh nhân trở nặng nhất thiết bệnh nhân phải được đi cấp cứu để các bác sĩ sơ cứu, và theo dõi kịp thời.
Các bước xử trí khi gặp một bệnh nhân bị ngộ độc rượu như sau:
- Kiểm tra tình trạng của nạn nhân, kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh, nếu bệnh nhân có dấu hiệu mất ý thức cần gọi tới số cấp cứu hoặc gọi xe sẵn sàng để đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
- Đặt nạn nhân ở tư thế nằm thoải mái với phần đầu được kê cao.
- Nên để bệnh nhân nằm nghiêng để tránh sặc thở và khả năng bị ói mửa.
- Đắp chăn, giữ ấm thân nhiệt cho bệnh nhân.
- Cho bệnh nhân uống nhiều nước nếu bệnh nhân còn tỉnh táo
- Khi tới cơ sở y tế, khai báo trung thực các thông tin về tình trạng bệnh nhân để bệnh nhân được điều trị và xử trí kịp thời.
5. Phòng tránh ngộ độc rượu bằng cách nào?
Một người nếu uống nhiều rượu thì nguy cơ bị say rượu luôn thường trực. Với các triệu chứng ban đầu thì rất khó phân biệt bệnh nhân đã bị say rượu hay đã bị ngộ độc rượu. Song, để phòng tránh ngộ độc rượu thì không nên suy nghĩ chủ quan là bệnh nhân chỉ đang say rượu. Vì nếu cấp cứu chậm trễ, tình trạng bệnh nhân có thể trở nặng hơn và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Cách tốt nhất để phòng tránh ngộ độc rượu là không nên uống quá nhiều rượu
Để phòng tránh ngộ độc rượu, chúng ta nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về ngộ độc rượu và cách sơ cứu ban đầu. Cách tốt nhất để phòng tránh ngộ độc rượu là không nên uống quá nhiều rượu, hạn chế sử dụng rượu ở mức tối đa. Nhắc nhở bản thân và người xung quanh không nên ép uống thêm rượu trong các cuộc vui. Một số chú ý để tránh ngộ độc rượu như sau:
- Không tự ý pha rượu với các loại nước uống khác (như nước ngọt, soda, bia,…)
- Không sử dụng các loại rượu không biết rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh uống phải các loại cồn công nghiệp, rượu giả…
- Trong mọi cuộc vui, nên biết giữ mình, tránh quá chén trong mọi trường hợp.
- Nếu phải uống thêm rượu, hãy chú ý bổ sung thêm nước.
- Không uống rượu khi bụng đang đói.
- Không tự ý uống rượu cùng các loại thuốc bổ, thuốc điều trị.
Ngoài ra, để phòng tránh ngộ độc rượu thì cũng nên hạn chế uống các loại bia, sâm banh, đồ uống lên men do trong các loại nước này cũng có thành phần cồn trong đó. Nếu phát hiện một người gặp phải các triệu chứng khác thường khi uống rượu, cần sơ cứu kịp thời, đồng thời liên hệ ngay với cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Nguyễn Thị Sen